TIN TỨC GIÁO XỨ - Xứ Búng cổ xưa nơi vùng đất Thủ

Xứ Búng cổ xưa nơi vùng đất Thủ

Ở đất Thủ - Bình Dương, lịch sử ghi nhận có một họ đạo lâu đời và những người Công giáo đầu tiên hiện diện đã trên 200 năm. Trải qua một thời gian dài với 15 đời cha sở, cùng ngôi nhà thờ 6 lần xây mới, Búng là một trong những họ đạo lớn, cổ kính và là vườn ươm ơn gọi nơi giáo phận Phú Cường.

Đất Búng những ngày đầu

Cuốn khảo luận, hoàn thành ngày 10.2.1911, viết về xứ Búng, bởi linh mục Louis-Marie Joseph Martin (cha sở thứ 6 của họ đạo, coi sóc trong khoảng thời gian 1901 – 1916) đã ghi lại như sau: “Vùng đất họ đạo Búng và Bình Sơn ngày nay là vùng đất xưa kia ngập nước, không trồng trọt được. Nhưng nhờ phù sa sông Sài Gòn mà đất trở nên phì nhiêu, nên người Việt nhận ra và đến sinh sống. Những người Công giáo đầu tiên đến đây từ Huế. Họ bỏ nơi đang sống vì luôn có chiến tranh và nhiều khó khăn phải chịu đựng. Xứ Búng, gần Lái Thiêu, gần như có đủ điều kiện mà họ ao ước”. Ngày đó, vùng này ẩm thấp nên người ta gọi là Cái Búng. Từ cầu Cây Trâm có con rạch lớn, nên ghe thuyền các nơi thường lui tới giao thương. Vùng đất đó nay là nghĩa trang họ đạo.

Nhà xứ được xây dựng cách đây 120 năm

Những người Công giáo đầu tiên đến cư ngụ là các ông Hương, Tùng, Bời, Dũi, Ở. Tất cả đều là đạo gốc, thường tụ tập ở nhà ông Bời để đọc kinh cầu nguyện. Vào năm đầu tiên của thế kỷ 19, một người quê quán ở Quảng Ngãi (có chỗ ghi Quảng Bình) tên là Nguyễn Thới Bình, sau khi từ quan, chuyển sang làm nghề Đông y, hằng năm thường theo ghe vào phía Nam bán thuốc trị bệnh. Lúc đầu, gia đình ông tá túc nhà người thân ở Lái Thiêu, rồi vào Gò Cầy (nay là vùng đất từ Bình Hòa, Lái Thiêu đến ngã tư Hòa Lân) chặt cây, cắt tranh làm nhà. Khi đã tạo sự nghiệp vững vàng, ông cho con trai và con rể về quê vận động bà con vào Búng lập nghiệp. Cư dân những nơi lân cận cũng đến Búng sinh sống. Xã Hưng Định từ đó được hình thành (đặt theo tên 2 người con ông Bình, con gái tên Nguyễn Thị Hưng và con trai là Nguyễn Văn Định) và mang tên gọi cho tới ngày nay. 

Xuất phát từ nhu cầu sống đạo, đầu thế kỷ 19, trên phần đất của ông Nhờ gần nhà ông Bình (nay là đất thánh Búng), ngôi nhà thờ đầu tiên bằng cây được dựng nên. Về việc lập ngôi nhà thờ này, ông Nguyễn Thới Linh, cháu năm đời của ông Nguyễn Thới Bình ghi rằng: “Song song với việc lập làng, cất công sở ở đất ngoài thì nơi ấp trong cũng đang dựng lên một ngôi thánh đường có Ban Quới chức và tự nhiên người xướng lập lãnh vai ông Trùm. Khi ấy người có đạo đặng vài mươi gia đình…”. Ngôi nhà thờ này được cất gần con suối lớn neo đậu nhiều ghe thuyền, có những chiếc ghe bầu lớn có tám chèo, gọi là ghe tám, nên nhà thờ đầu tiên được đặt tên là Ghe Tám. Khi mái tranh bị hư, người ta cất một nhà thờ khác với mái lợp ngói, nằm trên phần đất của ông Ràng (dốc Sỏi bây giờ). Nhà thờ này bị bỏ hoang khá lâu trong thời kỳ cấm đạo.

Tượng đài Thánh Quí và phần mộ cha Robert Keller trong khuôn viên giáo xứ

Thời cấm đạo (1825-1869), giáo dân Búng di tản đi khắp nơi. Ngày 5.6.1862, hòa ước Nhâm Tuất được ký kết, trong đó có khoản quy định về tự do tôn giáo. Nhận thấy tình hình yên ổn trở lại, nhiều giáo dân Ghe Tám trở về quê cũ. Do nhà thờ đã bị bỏ hoang từ lâu, không còn sử dụng được, lần trở về này họ chọn một chỗ đẹp nhất để dựng một nhà thờ khác. Nhà thờ thứ ba nằm gần cầu Cây Trâm. Khi xây xong, Ghe Tám được đổi tên thành họ đạo Búng, bởi vì nhà thờ nằm gần ngôi chợ cùng tên.

Lúc đầu chưa có linh mục, giáo dân phải đi đến Thủ Dầu Một tham dự thánh lễ và lãnh các bí tích. Khi tình hình yên ổn, Đức Giám mục Lefèbvre Ngãi đã cử cha Francois Rémi Lizé, sau đó là cha Gioan Khiêm đến giúp xứ Búng. Từ năm 1864, Búng không có linh mục kiêm nhiệm. Nhà thờ thứ ba cũng ngày một hư hại. Giai đoạn này kéo dài 11 năm. Sau đó, tình hình trở nên sáng sủa và thời kỳ hình thành họ đạo rõ rệt bắt đầu…

Chặng đường hơn thế kỷ

Trong sổ rửa tội hiện còn lưu tại giáo xứ, ở trang 7, số 14 có ghi: Cha Antôn rửa tội cho Anna Vô ngày 11.1.1875; trang 3, số 5 ghi ngày 8.4.1875, cha Antôn rửa tội cho Phêrô Trong, sinh ngày 6.2.1875, con của Phêrô Núi và Maria Ngọc; trang 9, số 18 ghi ngày 15.1.1875, cha Antôn rửa tội cho G.B Lai, con ông Simon Định và bà Maria Hậu… Từ dữ liệu này, mốc thời gian 1875 được xem là thời điểm giáo xứ Búng chính thức được công nhận. Cha sở đầu tiên là linh mục Antôn Nguyễn Văn Võ, cùng khoảng 1000 giáo dân. Sau vài năm nhận sở, cha Antôn đã cho dựng nên ngôi nhà thờ thứ tư. Về việc này, cha Martin ghi lại: “Cha Antôn xây dựng tại gần chợ Búng một nhà thờ khá rộng rãi. Nhưng về sau, với số giáo dân đông lên, nó trở nên quá nhỏ”. Nhà thờ này tồn tại không được bao lâu vì một đêm mưa to gió lớn đã thổi sập tất cả. Lại nhận thấy có nhiều bất tiện, huyên náo vì gần chợ nên cha Võ đề nghị xây nhà thờ mới ở một địa điểm khác (điểm được chọn chính là phần đất nhà thờ hiện nay). Về ngôi nhà thờ thứ năm này không được cha Martin ghi rõ, nhưng được biết nhà thờ này cũng không tồn tại được lâu do bão táp.

Bên trong nhà thờ

Về ngôi nhà thờ thứ sáu, nhà thờ giáo xứ ngày nay, được cha Martin viết: “Cha Giuse Martino Nguyễn Tri Thơ (coi GX từ 1886 – 1893) kế nhiệm cha Antôn Võ và lo xây nhà mới. Nhà thờ này được xây xong năm 1888”. Ngày nay, ở tiền đường nhà thờ có ghi dòng chữ “AED. 1888 REST. 1953”  (nghĩa là được xây từ năm 1888 và được tu sửa năm 1953).

Những năm sau đó các linh mục kế nhiệm lần lượt tu sửa và xây mới nhiều công trình, cha Phaolô Marcel Simon (1893 – 1895) xây nhà xứ. Cha sở thứ tư Félix Frison (Hoàng) đã tô phía bên trong nhà thờ và lát gạch bông ở cung thánh. Ba quả chuông đặt trên tháp chuông hiện giờ, tiếng vang thánh thót, là công lao của cha Frison. Cha Louis-Marie Joseph Martin (Nghi), năm thứ hai nhận sở, xây lại ngôi nhà cha sở hiện nay, và cho tu sửa lại phòng thánh.

Cha sở thứ 8 Robert Keller quản nhiệm họ đạo từ năm 1925 – 1963. Năm 1953, ngài cho tu sửa hầu như toàn bộ lại ngôi nhà Chúa có từ năm 1888, bỏ 2 hiên có mái lợp chung quanh nhà thờ, thay kính màu cửa sổ, làm trần nhà thờ bằng gỗ bời lời, gỗ sao từ Bến Sắn đem về, ba bàn thờ trong nhà thờ được sửa chữa lại hoàn toàn… Đặc biệt, năm 1956, tháp chuông nhà thờ cao 42 mét được xây dựng. Đây là công trình được sao chép lại từ tháp chuông ở nhà thờ Cái Bè, nơi người anh của cha là cha Adolphe Keller đã phục vụ. Tháp chuông bằng cây trước đó giờ được dựng ở phần đất có đài Thánh Quí. Cha Keller còn trồng xung quanh nhà thờ loại cây sao mà nay vẫn còn lác đác. “Chính nhờ những cây sao đó mà khi nhà thờ cần tu sửa lại đều rất thuận tiện”, ông Baticiô Nguyễn Văn Tiền, thành viên HĐMVGX cho biết. Cha Keller mất vào ngày 17.6.1963, ngôi mộ tọa lạc trước đài Thánh Quí...

Tháng 5.1980, cha Micae Nguyễn Văn Minh được bài sai về nhận sở. Sau 33 năm phục vụ, cha về nghỉ hưu tại Lái Thiêu. Linh mục Tổng Đại diện giáo phận Micae Lê Văn Khâm được cử về làm chánh sở thứ 15 của họ đạo Búng vào tháng 4.2013. Trong thời gian coi sóc, các cha đã thành lập thêm những hội đoàn, làm mới khuôn viên nhà thờ, nhà xứ, xây dựng các công trình phụ…

Trải qua hơn 120 năm cùng nhiều lần tu sửa lớn nhỏ, ngôi nhà thờ vẫn còn giữ được một vài nét xưa cũ. Nét đặc biệt nhất là hai hàng cột bên trong nhà thờ có từ năm 1888, được dựng bằng cây da đá, một loại cây quý, cứng như bê tông, phải dùng khoan mới lủng. Nhà thờ dù được xây theo kiểu gothic nhưng nhờ những hàng cột “nhỏ nhắn” này, không chiếm nhiều diện tích, nên không gian thoáng đãng. Chặng Đàng Thánh giá có từ ngày đầu thành lập, được mang từ bên Pháp qua. Hiện dưới chân bàn thờ Đức Mẹ, có phần mộ của cha Antôn Võ.

Với trên 5.000 giáo dân, Búng hiện là một trong những giáo xứ lớn của giáo phận. Mảnh đất Búng còn là sinh quán của thánh Phêrô Đoàn Công Quí. Búng cũng là một trong các giáo xứ sinh ra nhiều ơn gọi nhất giáo phận Phú Cường: khoảng 50 linh mục, trong đó có hai giám mục là Đức cha P.X Trần Thanh Khâm và Đức cha Anrê Nguyễn Văn Nam, và 300 nam nữ  tu sĩ xuất thân từ đây.

Búng  cận kề thành phố Thủ Dầu Một và thành phố mới Bình Dương. Nơi đây, nhiều khu công nghiệp hình thành tạo nên nhiều chuyển biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, đời sống đạo của giáo dân trong xứ vẫn luôn được giữ gìn, ơn gọi vẫn ngày ngày triển nở tạo nên sắc thái riêng của một xứ đạo cổ nơi vùng đất Thủ.

Đình Quý

BÀI VIẾT CÙNG MỤC