TIN TỨC GIÁO XỨ - Ông cha ở đất Thủ

Ông cha ở đất Thủ

Ở tuổi thất thập cổ lai hy, nhiều người đã thiếu đi sự nhanh nhẹn và minh mẫn, nhưng riêng cha, ngoài sứ vụ coi sóc giáo xứ Búng – Lái Thiêu – Bình Dương (từ tháng 4.2013), còn  đảm nhận cương vị linh mục Tổng Đại diện và Giám đốc Caritas giáo phận Phú Cường. Dù công việc bộn bề nhưng mỗi lúc hàn huyên, tâm sự, cha luôn tỏ lộ sự hài hước, dí dỏm như mọi sự vốn rất đỗi nhẹ nhàng...

Thủa thiếu thời...

Cha Micae Lê Văn Khâm sinh ngày 1.4.1939, tại họ đạo Búng và thụ phong linh mục ngày 14.5.1968. 47 năm linh mục là một hành trình dài phục vụ và “Xin vâng” như phương châm cha đã chọn trong ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục.

Linh Mục Micae Lê Văn Khâm

Cha kể, tuổi thơ mình chịu nhiều mất mát, năm lên 4, mồ côi cha; 28 tuổi, cận ngày chịu chức, mẹ mất nên phải một năm sau mới có thể thụ phong linh mục. Ngày bước lên bàn thánh, người anh trai khi đó cũng là linh mục đang coi giáo xứ Dầu Tiếng không thể về chia vui vì ông trùm ở Dầu Tiếng qua đời, phải ở lại lo việc tang chế. Hôm đó, trời mưa không ngớt từ sáng đến chiều, số giáo dân đến dự lễ khá ít ỏi...

Sau ngày lãnh tác vụ linh mục, 5 năm đầu cha phục vụ tại Tiểu Chủng viện Thánh Giuse Phú Cường - giờ là nhà chung giáo phận Phú Cường. Đến năm 1973, ngay sau hiệp định Paris được ký kết, cha được bề trên bổ nhiệm về trông coi giáo xứ Gò Dầu (Tây Ninh). Nhớ lại ngày về nhận sở, cha cho hay, lúc đó đang trong thời chiến, xe đang chạy nhiều khi phải dừng giữa chừng để tránh đạn rơi... Gò Dầu khó khăn chất chồng, kể cả trong công việc mục vụ. “Không cách này ta bày cách khác, không làm được bác ái thì chuyển qua làm lao động”, cha chọn cách sống như thế, vừa phù hợp với hoàn cảnh vừa để cảm thông với người lao động. Từ đó, cứ sáng sáng, giáo dân Gò Dầu lại thấy vị mục tử của mình xắn tay áo xuống ruộng, đến trưa lại thấy luẩn quẩn trong đống nấm rơm, chiều về lại bắt gặp loay hoay trong vườn chăn heo, nuôi gà. Một thời gian sau, họ lại thấy cha chuyển qua làm mắm, làm bia bán gần biên giới. Công việc nào không trôi chảy được thay ngay bằng nghề khác. Khi có chút lời lãi, cha lại mang đi giúp người khốn khó. Giờ ngồi tính lại 17 năm ở Gò Dầu, cha đã thông thạo cả chục nghề. “Chỉ khi lao động mới thấy được mình là người nông dân chất phác thực thụ”, cha kết luận.

Trao tặng nhà tình thương cho người nghèo

Năm 1990, cha được bề trên khi đó là Đức cha Giuse Phạm Văn Thiên, Giám mục tiên khởi GP Phú Cường, gọi về làm quản lý địa phận. Ngày về, cha lặn lội đó đây kiếm đất để giáo phận có điều kiện phát triển kinh tế. Cha lập nên những trại nuôi chim cút, tìm kiếm kinh phí cho giáo phận. Phải gánh vác một phần công việc giáo phận nên những việc bác ái phải tạm dừng nhưng nỗi khắc khoải với người nghèo vẫn luôn được cha ấp ủ, nhất là khi về Tòa Giám mục, chứng kiến cảnh người dân tộc từ trên Tây Nguyên đổ dồn về thành phố làm việc, xin ăn...

Đến khi tóc bạc

Cuối năm 1993, Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) tỉnh Sông Bé (lúc này Sông Bé còn chưa tách thành Bình Dương và Bình Phước) mời Tòa Giám mục tham gia các hoạt động của hội. Không nghĩ ngợi, cha Khâm lúc đó là Tổng Đại diện đã mau mắn đồng tình vì nhận thấy sẽ có cơ hội đi nhiều nơi và cùng Hội CTĐ làm chuyện này, chuyện khác giúp đỡ những người khó khăn... Ngoài những chuyến cứu trợ ra tận miền Trung, nhân danh Tòa Giám mục kết hợp cùng Hội CTĐ, cha đã cho dựng nên hàng chục căn nhà tình thương ở vùng hồ Dầu Tiếng, nơi những người Việt di cư từ Campuchia về sống trên những cái bè tự chế trong vùng nước ngập quanh năm. Chỉ trong năm 1994, đã có trên 50 căn nhà ngói kiên cố, được cha hỗ trợ xây dựng. Cha còn tặng các em nhỏ xe đạp để đến trường, giúp người nghèo những món quà tình thương...Đầu năm 1994, cùng những thành viên CTĐ, cha đã cho khai sinh “Nồi Súp Tình Thương”. Hơn 20 năm qua, ước tính đã có hàng trăm ngàn lượt bệnh nhân được tiếp tế từ những chén súp thắm đượm tình yêu này.

Những chuyến đi thực tế đã giúp cha thêm nhiều kinh nghiệm trong công việc bác ái. Chính vì vậy,  sau hơn một năm tham gia Hội CTĐ của tỉnh, cha đã lập nên Hội CTĐ Công giáo với nhiều chi hội khác nhau trong các vùng Lộc Ninh, Bù Đăng. Thành viên đều là những người trong xứ, có nơi số hội viên lên đến 40, 50 người... Thời điểm đó, giáo phận Phú Cường vắng bóng chủ chăn, cha Khâm phải lãnh chức vụ Giám quản giáo phận, việc trong giáo phận chiếm nhiều thời gian nhưng cha vẫn tận dụng những khi rảnh rỗi đến các chi hội mở các lớp huấn luyện kỹ năng cho hội viên. Các hội viên sau khi được đào tạo thường tản ra giúp đỡ những người cần, như cùng người dân tộc trồng và chăm bón cây cà phê, giúp đào giếng nước mỗi khi mùa hạn đến...Do một số lý do, vài năm sau hội CTĐ Công giáo bị thu hẹp thành một chi hội Công giáo thuộc Hội CTĐ tỉnh.

Buổi chiều yên bình tại mái ấm Nhân Hậu 

Để có cái nhìn thực tế, cha đưa chúng tôi đi qua một công trình vừa mới được cha lập nên vào năm 2011 với tên gọi: “Mái ấm Nhân hậu”, nơi nuôi dưỡng các cụ bà neo đơn theo mô hình viện dưỡng lão Tân Thông của linh mục Phaolô Nguyễn Văn Khi. Các cụ bà đến đây từ nhiều nơi, thuộc nhiều hoàn cảnh, nhưng chung quy lại đều là những người không nhà, không gia đình và không tiền bạc. Hiện nơi đây đang nuôi dưỡng trên 20 cụ bà. “Cứ tưởng khi chết không có chỗ chôn nhưng khi vào đây mọi người như được về chính nhà mình vậy. Ở đây chị em sống thuận hòa, xem nhau như ruột thịt, và trên hết có được nơi nương thân cho những tháng ngày cuối đời”, bà Nguyễn Thị Bê, 80 tuổi thật lòng.

Tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, đều đặn các sáng thứ 3, 4, 5 trong tuần, ba nồi súp lớn được chuyển đến các khoa để phục vụ cho bệnh nhân tại bệnh viện. Tay cầm tô cháo lớn, miệng cười tươi, chị Đinh Ngọc Thanh cho hay chính nhờ những chén cháo thơm ngon này chị cùng đứa con trai bị bệnh có thể tiết kiệm được một phần chi phí đáng kể, nhưng trên hết, chị cảm nhận được lòng tận tụy và tình thương từ những người mang cháo đến cho mình...“Nồi súp tình thương” này là một trong các dự án của Caritas Phú Cường.

Giờ đây, tuy tuổi đã cao, nhưng cha vẫn luôn trăn trở để làm sao phong trào bác ái trong giáo phận không ngừng phát triển. Trước mắt, cha đang muốn gầy dựng lại bữa cơm tình thương (đã ngưng hơn hai năm nay vì chưa có địa điểm thích hợp). Bữa cơm được cha mở ra năm 2000 dành cho những lao động nghèo. Cha cũng đang ưu tư  về một phòng khám đa khoa hay một phòng phát thuốc để những người không đủ điều kiện đến bệnh viện có được nơi chữa trị. “Vất vả là đương nhiên vì sức con người có hạn, nhưng niềm vui nhận lại thì không hề nhỏ chút nào. Mặt khác, bác ái ngày nay, ngoài tính chất ứng cứu cấp thời, còn hướng đến việc phát triển bền vững và thăng tiến con người. Do đó, vẫn còn biết bao trăn trở”, cha tỏ bày.

Nhìn lại quãng đường sau gần 50 năm linh mục, cha đúc kết chỉ những việc làm cho người nghèo sẽ luôn được Chúa thúc giục tiến tới...

Đình Quý
http://www.cgvdt.vn

BÀI VIẾT CÙNG MỤC