Thông Điệp của Đức Thánh Cha - TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CHRISTUS VIVIT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO GIỚI TRẺ VÀ TOÀN THỂ DÂN THIÊN CHÚA


Kết quả hình ảnh cho TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC CHRISTUS VIVIT CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ CHO GIỚI TRẺ VÀ TOÀN THỂ DÂN THIÊN CHÚA

Lời người dịch

Trong cố gắng phiên dịch thật sát ý những gì Đức Giáo Hoàng muốn nói, phần lớn bản dịch này đã dùng bản tiếng Ý của website Vatican.  Nhưng cũng có một số câu được dịch theo bản tiếng Pháp hoặc tiếng Anh vì chúng dễ hiểu hơn. Một số câu khác được Việt hoá bằng cách thay thế những thành ngữ xa lạ của Tây Phương với những thành ngữ quen thuộc với người Việt Nam.

Sở dĩ người dịch đã không hoàn toàn dùng bản tiếng Anh vì có một số chỗ bản này dịch không chỉnh lắm nên có thể gây ra hiểu lầm như:

  • trong câu 29, bản Tiếng Anh dịch là “Jesus did not grow up in a narrow and stifling relationship with Mary and Joseph, but…”. – Nếu dịch ra tiếng Việt sẽ là “Chúa Giêsu không đã lớn lên trong mối liên hệ chật hẹp và ngột ngạt với Mẹ Maria và Thánh Giuse…. Trong khi Tiếng Ý viết là: “neppure Gesù crebbe in una relazione chiusa ed esclusiva con Maria e Giuseppe, ma …”, nghĩa là:  “Chúa Giêsu không lớn lên trong mối liên hệ đóng kín và riêng biệt với Đức Mẹ và Thánh Giuse, nhưng….”  Gia đình Thánh Gia là Gia đình Thánh làm sao sống với nhau trong bầu khí ngột ngạt được?
  • première annonce”, và Tiếng Ý dịch là “Il primo annuncio” tức là “Lời Công Bố Ban Đầu”  hay “Lời Rao Giảng Ban Đầu”, bản Tiếng Anh dịch là “When the message is first brought up”, cụm từ này đáng lẽ phải dịch ra tiếng Anh là “the First Proclamation” hay ”the First Announcement” thì mới đúng nghĩa là Kerygma.

Phần lớn những câu Thánh Kinh được trích dẫn từ bản dịch “Lời Chúa Cho Mọi Người”.  Tuy nhiên ở đôi chỗ những đại danh từ được đổi từ “anh” thành “con” cho hợp với mạch văn. Ở những chỗ khác người dịch dịch lại cho hợp với lời Đức Thánh Cha vì có ít câu Đức Thánh Cha dùng bản tiếng Ý với văn từ hơi khác những bản Thánh Kinh mới.

Ngoài những chú thích chính của bản văn được đánh số 1, 2, 3 ở cuối bài, còn có chú thích của người dịch đánh chữ a, b, c ở cuối trang để làm sáng tỏ ý nghĩa của một số câu cho các độc giả Việt Nam, nhất là người trẻ.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Houston, TX ngày 23 tháng 4, năm 2019.


 

MỤC LỤC


TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC.. 1

CHƯƠNG MỘT.. 2

Lời Chúa nói gì về những người trẻ?. 2

Trong Cựu Ước. 2

Trong Tân Ước. 3

CHƯƠNG HAI 5

Chúa Giêsu, luôn luôn trẻ trung. 5

Tuổi trẻ của Chúa Giêsu. 5

Tuổi trẻ của Người soi sáng chúng ta. 7

Tuổi trẻ của Hội Thánh. 8

Một Hội Thánh sẵn sàng đổi mới 8

Một Hội Thánh chú ý đến các dấu chỉ của thời đại. 9

Đức Mẹ Maria, người phụ nữ trẻ của Nazareth. 11

Các Thánh Trẻ. 12

CHƯƠNG BA.. 14

Các con là hiện tại của Thiên Chúa. 14

Trong tích cực. 14

Nhiều cách làm người trẻ. 15

Một số cảm nghiệm về giới trẻ. 15

Giới trẻ trong một thế giới khủng hoảng. 16

Ước muốn, các vết thương và nghiên cứu. 18

Môi trường kỹ thuật số. 19

Những người di cư như một mô hình của thời đại chúng ta. 20

Hãy chấm dứt mọi hình thức lạm dụng. 22

Có một lối thoát 24

CHƯƠNG BỐN.. 25

Một Sứ Điệp Cao Cả cho tất cả Người Trẻ. 25

Một Thiên Chúa là tình yêu. 26

Đức Kitô cứu các con. 27

Người đang sống!. 29

Thần Khí ban sự sống. 30

CHƯƠNG NĂM... 31

Những con đường của tuổi trẻ. 31

Một thời gian cho những giấc mơ và những chọn lựa. 31

Khát khao sống và kinh nghiệm.. 33

Trong tình bằng hữu với Đức Kitô. 35

Lớn lên trong trưởng thành. 36

Con đường huynh đệ. 38

Tuổi trẻ và sự tham gia. 39

Những nhà truyền giáo can đảm.. 41

CHƯƠNG SÁU.. 42

Người Trẻ với cội rễ. 42

Đừng để cho mình bị mất gốc. 43

Mối liên hệ của các con với người già. 44

Ước mơ và những viễn cảnh. 45

Cùng nhau mạo hiểm.. 46

CHƯƠNG BẢY.. 48

Mục vụ giới trẻ. 48

Một chăm sóc mục vụ cách hội đồng. 48

Những cách hành động chính. 49

Những môi trường thích hợp. 51

Chăm sóc mục vụ của các tổ chức giáo dục. 52

Các lĩnh vực khác nhau của việc phát triển mục vụ. 54

Một mục vụ giới trẻ phổ thông. 55

Luôn luôn truyền giáo. 58

Đồng hành bởi người lớn. 58

CHƯƠNG TÁM... 60

Ơn Gọi 60

Lời mời gọi làm bạn hữu của Chúa. 60

Sống cho tha nhân. 61

Tình yêu và gia đình. 62

Công ăn việc làm.. 64

Các ơn gọi thánh hiến đặc biệt 66

CHƯƠNG CHÍN.. 67

Sự phân định. 67

Làm sao để phân định ơn gọi của mình. 67

Lắng nghe và đồng hành. 69

Và để kết thúc ... một ước mong. 71

                                        


TÔNG HUẤN HẬU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

CHRISTUS VIVIT

CỦA ĐỨC THÁNH CHA

PHANXICÔ

CHO GIỚI TRẺ VÀ TOÀN THỂ DÂN THIÊN CHÚA

1. Đức Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và bằng một cách tuyệt vời, Người mang tuổi trẻ đến cho thế giới của chúng ta, và mọi sự Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ và tràn đầy sức sống. Vậy, những lời đầu tiên mà Cha muốn nói với mọi Kitô hữu trẻ là: Đức Kitô đang sống và Người muốn các con được sống!

2. Người ở trong các con, Người ở với các con và Người không bao giờ bỏ rơi các con. Dù các con có lạc xa đến đâu đi nữa, Người, Đấng Phục Sinh, vẫn luôn ở đó. Người gọi các con và Người chờ đợi các con quay về với Người và làm lại từ đầu. Khi các con cảm thấy mình già đi vì đau khổ, giận hờn hay sợ hãi, nghi ngờ hay thất bại, Người sẽ luôn ở đó để phục hồi sức mạnh và niềm hy vọng của các con.

3. Với lòng ưu ái, Cha viết Tông Huấn này cho tất cả các Kitô hữu trẻ. Nó có ý nhắc nhở các con về những xác tín chắc chắn được phát sinh từ đức tin của chúng ta, đồng thời để khuyến khích các con lớn lên trong sự thánh thiện và cam kết dấn thân với ơn gọi cá nhân của các con. Nhưng vì nó cũng là một phần của tiến trình Thượng Hội Đồng Giám Mục, tôi cũng gửi sứ điệp này đến toàn thể Dân Chúa, các mục tử và cũng như các tín hữu, vì tất cả chúng ta đều được thách đố và thúc giục suy tư cả về những người trẻ lẫn cho những người trẻ. Do đó, tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với những người trẻ ở một số nơi, trong khi ở những nơi khác, tôi sẽ đề ra một số suy nghĩ tổng quát hơn về việc phân định của Hội Thánh.[a]

4. Tôi đã để cho sự phong phú của các suy nghĩ và các cuộc đối thoại nảy sinh từ Thượng Hội Đồng Giám Mục năm ngoái gây hứng khởi cho mình. Tôi không thể bao gồm tất cả các đóng góp ở đây, nhưng mọi người có thể đọc chúng trong Tài Liệu Kết Thúc. Tuy nhiên, khi viết thư này, tôi đã cố gắng tóm tắt những đề nghị mà tôi cho là quan trọng nhất. Bằng cách này, những lời của tôi sẽ vang vọng vô số tiếng nói của các tín hữu khắp nơi trên toàn thế giới, là những người đã góp ý kiến ​​của họ cho Thượng Hội Đồng. Những người trẻ không phải là tín hữu, nhưng muốn chia sẻ suy nghĩ của các em, cũng đã đưa ra những vấn đề khiến tôi phải đặt ra những câu hỏi mới.

CHƯƠNG MỘT

Lời Chúa nói gì về những người trẻ?

5. Chúng ta hãy rút ra một số sự kho tàng của Sách Thánh, vì chúng thường nói về những người trẻ và về cách Chúa đến gần để gặp gỡ các em.

Trong Cựu Ước

6. Trong thời đại mà những người trẻ không được coi trọng, một số văn bản cho thấy rằng Thiên Chúa nhìn các em một cách khác hẳn. Chẳng hạn như Giuse là một người trẻ nhất trong gia đình ông (x. St 37: 2-3), nhưng Thiên Chúa đã cho ông thấy những điều cao cả trong các giấc mơ và khi khoảng hai mươi tuổi, ông đã trổi vượt trên tất cả các anh em của ông trong những vấn đề quan trọng (x. St 37-47).

7. Chúng ta thấy ở ông Giđeon, sự thẳng thắn của những người trẻ, là những người không quen đánh bóng thực tại. Khi được nói rằng Chúa ở với ông, ông đã trả lời: “Nhưng nếu Chúa ở cùng chúng tôi, vậy tại sao tất cả những điều này lại xảy ra cho chúng tôi?” (Tl 6:13). Thiên Chúa không bị xúc phạm bởi lời trách móc đó, nhưng tiếp tục ra lệnh cho ông: “Hãy đi với sức mạnh ngươi đang có mà cứu dân Israel!” (Tl 6:14).

8. Samuel vẫn còn là một cậu bé, nhưng Chúa đã nói với cậu. Nhờ lời khuyên của một người lớn, cậu đã mở lòng khi nghe Chúa gọi: “Lạy Chúa, xin hãy nói vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1 Sam 3: 9-10). Kết quả là cậu đã trở thành một ngôn sứ vĩ đại, người đã can thiệp vào những thời điểm quan trọng trong lịch sử của quốc gia mình. Vua Saulê cũng còn trẻ khi Chúa gọi ông thì hành sứ mệnh của ông (x. 1 Sam 9: 2).

9. Vua Đavid đã được chọn lúc còn là một cậu bé. Khi ngôn sứ Samuel tìm kiếm vị vua tương lai của Israel, một người đã đề nghị những người con lớn tuổi và nhiều kinh nghiệm hơn của mình làm ứng viên. Tuy nhiên, ngôn sứ đã nói rằng người được chọn là người trẻ Đavid, lúc ấy đang chăn chiên (x. 1 Sam 16: 6-13), vì “loài người nhìn vẻ bề ngoài, còn Chúa thì nhìn thấu tận đáy lòng” (c. 7). Vinh quang của tuổi trẻ là ở con tim, hơn cả sức mạnh thể chất hay ấn tượng gây ra cho người khác.

10. Solomon, khi ông phải kế vị cha mình, đã cảm thấy bối rối và đã thưa cùng Thiên Chúa: “Con chỉ là một thiếu niên quá trẻ, không biết phải làm gì cả!” (1 V 3: 7). Tuy nhiên, sự táo bạo của tuổi trẻ đã khiến ông cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn khôn ngoan và ông đã tận tụy với sứ vụ của mình. Một điều tương tự đã xảy ra cho ngôn sứ Giêrêmia, đã được gọi, bất chấp tuổi trẻ của ông để đánh thức dân mình. Trong sợ hãi, ông đã nói: “Ôi, lạy Chúa là Thiên Chúa! Thật sự con không biết nói sao, vì con chỉ là một đứa trẻ” (Gr 1: 6). Nhưng Chúa bảo ông đừng nói thế (x. Gr 1: 7), và thêm rằng: “Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1: 8). Lòng tận tuỵ của ngôn sứ Giêrêmia với sứ vụ của mình cho thấy những gì có thể xảy ra khi tính bạo dạn của tuổi trẻ được kết hợp với quyền năng của Thiên Chúa.

11. Một nữ tỳ Do Thái của một tướng ngoại quốc Naaman đã can thiệp bằng đức tin và giúp ông được chữa lành bệnh (x. 2 V 5: 2-6).  Cô Rút là mẫu gương của lòng quảng đại khi đã ở lại với mẹ chồng, trong lúc bà gặp khó khăn (x. Rt 1:1-18), nhưng cô cũng đã cho thấy sự táo bạo trong việc tiếp tục vươn lên trong cuộc sống (x. Rt 4:1-17). 

Trong Tân Ước

12. Một trong những dụ ngôn của Chúa Giêsu (x. Lc 15:11-32) liên quan đến việc một người con “thứ” muốn rời nhà cha mình để đến một vùng đất xa xăm (x. cc 12-13). Tuy nhiên, những ý tường về độc lập của cậu đã tan biến và lãng phí (x. c 13), và cậu đã cảm nghiệm được nỗi cay đắng của sự cô đơn và nghèo đói (x. cc 14-16). Tuy nhiên, cậu đã tìm được sức mạnh để làm lại từ đầu (x. cc 17-19) cùng quyết tâm đứng dậy và trở về nhà (x. c 20). Theo lẽ tự nhiên thì các tâm hồn trẻ sẵn sàng thay đổi, để quay trờ về, đứng dậy và học từ cuộc sống. Làm sao lại có người có thể không hỗ trợ người con ấy trong quyết tâm mới này? Tuy nhiên, người anh của cậu đã có một quả tim bị lão hoá; Anh để mình bị lòng tham lam, tính ích kỷ và đố kị chiếm hữu (Lc 15:28-30). Chúa Giêsu khen tội nhân trẻ là người đã trở lại con đường ngay thẳng hơn người anh tự cho mình là trung tín, nhưng thiếu tinh thần yêu thương và nhân từ.

13. Chúa Giêsu, Đấng trẻ trung mãi mãi, muốn ban cho chúng ta những quả tim trẻ mãi. Lời Chúa yêu cầu chúng ta “hãy loại bỏ men cũ để trở nên bột mới” (1 Cor 5:7). Thánh Phaolô mời chúng ta tự cởi bỏ “con người cũ” của mình và để mặc con người “trẻ” [mới] (Col 3: 9-10).[1] Khi giải thích ý nghĩa của việc mặc lấy sự trẻ trung ấy, “là được đổi mới”, (c. 10), ngài nói đến “lòng trắc ấn, tử tế, khiêm tốn, hiền lành và nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau” (Col 3: 12-13). Nói cách khác, tuổi trẻ thật sự có nghĩa là có một quả tim có khả năng yêu thương; ngược lại điều gì chia cách chúng ta với người khác làm cho linh hồn chúng ta già đi. Và như thế ngài kết luận: “trên hết mọi sự, anh em hãy mặc lấy đức ái, là mối dây ràng buộc mọi sự lại với nhau trong sự trọn lành. (Col 3:14).

14. Chúng ta cũng hãy nhớ rằng Chúa Giêsu không có ích gì cho những người lớn coi thường người trẻ hoặc thống trị các em. Ngược lại, Người khăng khăng rằng, “người lớn nhất trong các con phải trở nên giống như người trẻ nhất” (Lc 22:26). Đối với Người, tuổi tác không đem lại đặc quyền, và còn trẻ không có nghĩa là có giá trị thấp hoặc phẩm giá thấp hơn.

15. Lời Chúa nói rằng những người trẻ nên được đối xử như những người “anh em” (1 Tim 5:1), và cảnh báo các bậc cha mẹ không được khích động con cái mình, kẻo chúng trở nên mất can đảm” (Col 3:21). Người trẻ không được định để trở nên mất can đảm; các em được định để mơ ước những điều cả thể, để tìm kiếm những chân trời rộng lớn, để nhắm đến điều cao hơn, để gánh vác thế giới, để chấp nhận thử thách và cống hiến những gì tốt nhất của chính mình hầu xây dựng một điều gì đó tốt hơn. Đó là lý do tại sao tôi không ngừng thúc giục các người trẻ đừng để mình bị cướp mất hy vọng; với mỗi em, tôi nhắc lại: “Đừng để ai coi thường tuổi trẻ của con” (1 Tim 4:12).

16. Tuy nhiên, những người trẻ cũng được thúc giục “để vâng phục quyền bính của những người lớn tuổi hơn” (1 Phr 5: 5). Thánh Kinh không bao giờ ngừng khẳng định rằng phải tỏ ra tôn trọng những bậc lão thành một cách sâu xa, vì họ có nhiều kinh nghiệm; họ đã trải qua những thành công và những thất bại, những niềm vui và những đau khổ của cuộc đời, những giấc mơ và những thất vọng của nó. Trong thinh lặng của con tim họ, họ có một kho kinh nghiệm có thể dạy chúng ta để chúng ta không phạm sai lầm hoặc bị lừa dối bởi những lời gian trá. Một hiền nhân cổ xưa yêu cầu chúng ta tôn trọng một số giới hạn nào đó và làm chủ những bốc đồng của mình: “Hãy thúc giục các thanh niên phải biết tự chủ.” (Tit 2:6). Thật vô ích khi chấp nhận việc sùng bái giới trẻ hoặc dại dột gạt bỏ người khác ra ngoài chỉ vì họ lớn tuổi hoặc thuộc thế hệ khác. Chúa Giêsu bảo chúng ta rằng những người khôn ngoan có thể đem ra từ kho lẫm của họ cả những đồ mới lẫn đồ cũ (x. Mt 13:52). Một người trẻ khôn ngoan mở lòng ra cho tương lai, nhưng vẫn có khả năng học được điều gì đó từ kinh nghiệm của những người khác.

17. Trong Tin mừng Thánh Marcô, chúng ta thấy một người, khi nghe Chúa Giêsu nói về các giới răn, thì thưa rằng, “Tất cả những điều ấy con đã giữ từ thời trai trẻ” (10:20). Tác Giả Thánh Vịnh đã nói cùng một điều: “Lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân, Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:5:17). Chúng ta đừng bao giờ hối hận về việc dành tuổi trẻ của mình để sống tốt, mở lòng ra với Chúa, và sống một cách khác. Không điều nào trong những điều ấy lấy đi tuổi trẻ của chúng ta mà thay vào đó củng cố và canh tân nó: “tuổi xuân của ngươi được đổi mới tựa chim bằng (Tv 103:5). Vì lý do này, Thánh Augustinô có thể than thở: “Muộn màng ta đã yêu ngươi, vẻ đẹp luôn cổ xưa và luôn luôn mới! Muộn màng ta đã yêu ngươi![2] Tuy nhiên, người giàu, là người đã trung thành với Chúa khi còn trẻ, đã để cho những năm tháng trôi qua cướp mất giấc mơ của mình; ông thích gắn bó với sự giàu sang của mình hơn (x. Mc 10:22).

18. Mặt khác, trong Tin Mừng Thánh Matthêu, chúng ta tìm thấy một thanh niên (x. 19:20-22) đến gần Chúa Giêsu và hỏi xem anh ta có thể làm điều gì hơn nữa (c. 20); trong điều này, anh chứng minh rằng tinh thần cởi mở trẻ trung là tinh thần tìm kiếm những chân trời mới và những thách đố lớn. Tuy nhiên, tinh thần của anh không thật sự trẻ trung như thế, vì anh đã trở nên gắn bó với sự giàu sang và tiện nghi. Anh ta nói rằng anh muốn một điều gì đó nhiều hơn, nhưng khi Chúa Giêsu yêu cầu anh đại lượng và phân phát của cải của mình, anh nhận ra rằng mình không thể bỏ mọi sự mình có. Cuối cùng, “khi nghe những lời này, người thanh niên đã buồn rầu bỏ đi” (c. 22). Anh ta đã từ bỏ tuổi trẻ của mình.

19. Tin Mừng cũng nói về một nhóm thiếu nữ trẻ khôn ngoan, sẵn sàng và chờ đợi, trong khi những thiếu nữ khác thì đãng trí và thiếp ngủ (x. Mt 25: 1-13). Thật ra, chúng ta có thể dành tuổi trẻ của mình để lơ là, sống hời hợt, nửa tỉnh nửa mê, không có khả năng nuôi dưỡng những mối liên hệ có ý nghĩa hoặc cảm nghiệm những điều sâu sắc hơn trong cuộc sống. Bằng cách này, chúng ta có thể tàng trữ một tương lai bé nhỏ và không đáng kể. Hoặc chúng ta có thể dành tuổi trẻ của mình để khao khát những điều đẹp đẽ và cao cả, và do đó tàng trữ một tương lai đầy sức sống và sự phong phú nội tâm.

20. Nếu các con mất sức sống nội tâm, các giấc mơ, lòng nhiệt thành, tính lạc quan và lòng quảng đại của các con, thì Chúa Giêsu đang đứng trước các con như đã có lần Người đứng trước người con trai đã chết của bà goá, với tất cả quyền năng của sự Phục Sinh của Người, Người thúc giục các con : “Hỡi chàng thanh niên, Ta truyền cho ngươi, hãy chỗi dậy” (Lc 7:14).

21. Để chắc chắn, nhiều đoạn khác của lời Chúa có thể soi sáng giai đoạn này của cuộc đời các con. Chúng ta sẽ dùng một số trong số trong các đoạn ấy ở các chương sau.

 

CHƯƠNG HAI

Chúa Giêsu, luôn luôn trẻ trung

22. Chúa Giêsu là “người trẻ giữa những người trẻ để làm gương cho giới trẻ và thánh hiến các em cho Chúa”.[3] Vì lý do này mà Thượng Hội Đồng Giám Mục nói rằng “Tuổi trẻ là thời kỳ nguyên thủy và kích động của cuộc đời, là cuộc sống mà chính Chúa Giêsu đã sống, trong khi thánh hóa nó.”[4]

Tuổi trẻ của Chúa Giêsu

23. Chúa đã “đã trút linh hồn” (x. Mt 27:50) trên thập giá khi Người mới trên ba mươi tuổi (x. Lc 3:23). Điều quan trọng là nhận ra rằng Chúa Giêsu là một người trẻ. Người đã hiến mạng sống của mình khi Người, theo ngôn từ thởi đại, còn là một thanh niên. Người đã bắt đầu sứ vụ công khai của Người ở tuổi thanh xuân, và như thế, một ánh sáng bừng lên (Mt 4:16) tỏa sáng rực rỡ nhất khi Người hiến cuộc đời của mình cho đến cùng. Sự kết thúc ấy không phải là điều gì đơn thuần đã xảy ra; nhưng đúng hơn, toàn thể tuổi trẻ của Người, ở mọi thời điểm, đã là một sự chuẩn bị quý giá cho sự kết thúc này. Tất cả mọi sự trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều là một dấu chỉ về mầu nhiệm của Người;[5] thật ra, toàn thể cuộc đời của Đức Kitô là một mầu nhiệm cứu chuộc.[6]

24. Tin Mừng không cho chúng ta biết gì về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, nhưng kể lại một số biến cố thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người. Thánh Matthêu đặt thời tuổi trẻ của Chúa giữa hai biến cố: gia đình của Người trở về Nazareth sau khi cuộc lưu đày và phép rửa của Chúa Giêsu ở sông Giôđăng, là lúc khởi đầu sứ vụ công khai của Người. Những hình ảnh cuối cùng chúng ta có về Chúa Giêsu khi còn thơ bé là những hình ảnh của một người tị nạn tí hon ở Ai Cập (x. Mt 2:14-15) và hồi hương ở Nazareth (x. Mt 2:19-23). Hình ảnh đầu tiên của chúng ta về Chúa Giêsu khi còn là một thanh niên cho thấy Người đứng giữa đám đông bên bờ sông Giođăng để được người anh họ là Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa, giống như bất kỳ phần tử nào khác trong dân của Người (x. Mt 3:13-17) .

25. Phép Rửa của Chúa Giêsu không giống như phép rửa của chúng ta, là phép rửa đưa vào đời sống ân sủng, nhưng là một sự thánh hiến trước khi bắt tay vào sứ vụ cao cả của đời Người. Tin Mừng nói rằng trong phép rửa của Người, Chúa Cha đã vui mừng và rất hài lòng: “Con là con yêu dấu của Cha” (Lc 3:22). Chúa Giêsu ngay lập tức có vẻ đầy Thánh Thần, và được Ngài dẫn vào hoang địa. Ở đó, Người chuẩn bị đi ra để rao giảng và làm các phép lạ, để đem lại tự do và chữa lành (x. Lc 4:1-14). Mỗi người trẻ cảm thấy được mời gọi tham gia một sứ vụ trong thế giới này đều được mời nghe Chúa Cha nói những lời tương tự trong lòng mình: “Con là con yêu dấu của Cha”.

26. Giữa hai tường thuật này, chúng ta tìm thấy một tường thuật khác, cho thấy Chúa Giêsu là một thiếu niên, khi Người cùng cha mẹ trở về Nazareth, sau khi bị lạc và được tìm thấy trong Đền Thờ (x. Lc 2: 41-51). Ở đó, chúng ta đọc rằng, “Người đã vâng phục các ngài” (x. Lc 2:51); Người đã không từ chối gia đình. Rồi Thánh Luca cho biết thêm, “Chúa Giêsu càng ngày càng lớn càng thêm khôn ngoan, và đẹp lòng Thiên Chúa cùng người ta” (x. Lc 2:52). Nói cách khác, đây là thời điểm chuẩn bị, khi Chúa Giêsu lớn lên trong mối liên hệ với Chúa Cha và với những người khác. Thánh Gioan Phaolô II giải thích rằng Người không chỉ lớn lên về mặt thể lý, mà còn có sự “lớn lên về mặt tâm linh trong Chúa Giêsu”, bởi vì “việc đầy ân sủng trong Chúa Giêsu tương xứng với tuổi của Người: luôn luôn có sự viên mãn, nhưng là sự viên mãn tăng lên khi Người lớn lên theo tuổi.[7]

27. Từ những gì Tin Mừng cho chúng ta biết, chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu, trong những năm còn trẻ, đã được “đào tạo”, được chuẩn bị để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Thời niên thiếu và tuổi trẻ của Người đã đặt Người vào con đường dẫn đến sứ vụ siêu phàm ấy.

28. Trong tuổi thiếu niên và tuổi trẻ, mối liên hệ của Chúa Giêsu với Chúa Cha là của Người Con yêu dấu. Được kéo đến cùng Chúa Cha, Người lớn lên trong sự lo lắng cho các công việc của Ngài: “Cha mẹ có biết rằng con phải lo cho công việc của Cha Con sao?” (Lc 2:49). Tuy nhiên, không nên nghĩ rằng Chúa Giêsu là một thiếu niên thu mình hoặc một người trẻ chỉ biết nghĩ đến mình. Các mối liên hệ của Người là các mối liên hệ của một người trẻ, đã chia sẻ đầy đủ trong cuộc sống của gia đình và của dân Người. Người đã học nghề của cha mình và sau đó thay ông làm thợ mộc. Có khi trong Tin Mừng, Người được gọi là “con bác thợ mộc” (Mt 13:55) và khi khác thì chỉ đơn thuần là “bác thợ mộc” (Mc 6: 3). Chi tiết này cho thấy Người đã chỉ là một người trẻ khác trong thị trấn của Người, có liên quan bình thường với những người khác. Không ai coi Người là phi thường hay tách biệt với những người khác. Chính lý vì do này mà khi Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng thì mọi người không thể hiểu được rằng Người có sự khôn ngoan này ở đâu: “Đây không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4:22).

29. Thật ra, Chúa Giêsu không lớn lên trong mối liên hệ đóng kín và riêng biệt[b] với Đức Mẹ và Thánh Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với đại gia đình, là họ hàng của cha mẹ Người và bạn bè của các ngài.[8] Do đó, chúng ta có thể hiểu tại sao, khi trở về từ chuyến hành hương Giêrusalem, cha mẹ Người dễ dàng nghĩ rằng, như một cậu bé mười hai tuổi (x. Lc 2,42), Người đã tự do đi lại giữa những người khác, mặc dù cả ngày các ngài đã không gặp Người: “Ông bà nghĩ rằng Người đi chung với đoàn lữ hành, sau một ngày đường” (Lc 2:44). Chắc chắn các ngài đã cho rằng Chúa Giêsu đã ở đó, hòa nhập với những người khác, đùa giỡn với những người trẻ khác cùng lứa tuổi, lắng nghe những người lớn kể chuyện và chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn của nhóm. Thật vậy, từ Hy Lạp mà Thánh Luca sử dụng để mô tả nhóm hành hương - synodía - gợi lên rõ ràng một cộng đồng lớn hơn trên một cuộc hành trình mà trong đó Thánh Gia là một thành phần. Nhờ sự tin tưởng của cha mẹ, Chúa Giêsu có thể tự do di chuyển và học cách hành trình với những người khác.

Tuổi trẻ của Người soi sáng chúng ta

30. Những khía cạnh này trong cuộc sống của Chúa Giêsu có thể gây cảm hứng cho tất cả những người trẻ đang lớn lên và đang chuẩn bị để hoàn thành sứ vụ của mình. Điều này liên quan đến việc trưởng thành trong mối liên hệ với Chúa Cha, trong ý thức trở thành một phần của gia đình và dân tộc, cùng mở lòng ra để được đổ đầy Thánh Thần và dẫn đến việc thực hiện sứ vụ mà Thiên Chúa trao cho các em, ơn gọi cá nhân của các em. Không nên bỏ qua điều này trong việc mục vụ giới trẻ, vì chúng ta sẽ tạo ra các dự án tách những người trẻ ra khỏi gia đình và cộng đồng lớn hơn của các em, hoặc biến các em thành một thiểu số ưu tuyển, được bảo vệ khỏi mọi ô nhiễm. Thay vào đó, chúng ta cần các dự án có thể củng cố các em, đồng hành với các em và thúc đẩy các em gặp gỡ những người khác, tham gia vào việc phục vụ quảng đại, vào sứ vụ.

31. Còn các con, những người trẻ, Chúa Giêsu không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng từ trong chính tuổi trẻ của các con, một tuổi trẻ mà Người chia sẻ với các con. Điều rất quan trọng đối với các con là chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trẻ như được trình bày trong các sách Tin Mừng, vì Người thật sự là một người trong các con, và chia sẻ nhiều đặc điểm của những quả tim trẻ của các con. Chúng ta thấy điều này chẳng hạn như qua những đặc tính sau: “Chúa Giêsu đã có niềm tin tưởng vô điều kiện vào Chúa Cha; Người đã duy trì tình bằng hữu với các môn đệ, và ngay cả trong những lúc khủng hoảng, Người vẫn trung thành với các ông. Người đã tỏ lòng trắc ẩn sâu xa với những người yếu đuối nhất, đặc biệt là những người nghèo khổ, bệnh tật, tội lỗi và những người bị xã hội khai trừ. Người đã can đảm đối đầu với những người có quyền về tôn giáo và chính trị thời ấy; Người đã biết cảm giác bị hiểu lầm và bị chối từ là gì; Người đã trải qua cảm giác sợ đau khổ và Người đã nhận thức được sự yếu đuối của Cuộc Khổ Nạn. Người đã hướng cái nhìn về tương lai, phó mình trong bàn tay an toàn của Chúa Cha trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong Chúa Giêsu, tất cả những người trẻ có thể nhìn thấy chính mình.[9]

32. Đàng khác, Chúa Giêsu đã sống lại và Người muốn biến chúng ta thành những người chia sẻ sự sống mới của việc phục sinh. Người là sự trẻ trung thật sự của một thế giới đang già đi, sự trẻ trung của một vũ trụ đang chờ đợi trong cơn “chuyển bụng đau đớn” (Rm 8:22) để được mặc lấy ánh sáng và sống sự sống của Người. Với Người ở kề bên, chúng ta có thể uống nước từ suối nguồn thật sự, là nước làm cho tất cả mọi ước mơ, dự án, lý tưởng cao thượng của chúng ta được sống, trong khi thúc đẩy chúng ta công bố điều làm cho cuộc sống thật sự đáng giá. Hai chi tiết gây tò mò trong Tin Mừng Thánh Marcô cho thấy những người được sống lại với Đức Kitô được mời gọi đến tuổi trẻ đích thực như thế nào. Trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa, chúng ta thấy một người trẻ muốn theo Chúa Giêsu, nhưng trong khi sợ hãi đã bỏ chạy mình trần (x. 14: 51-52); anh ta thiếu sức mạnh để liều mình mà theo Chúa. Tuy nhiên, ở ngôi mộ trống, chúng ta thấy một người trẻ khác, mặc một chiếc áo dài trắng (16:5), nói với các phụ nữ rằng đừng sợ và công bố niềm vui Phục Sinh (x. 16:6-7).

33. Chúa đang mời gọi chúng ta thắp lên những ngôi sao trong đêm tối của những người trẻ khác. Người mời chúng ta nhìn lên những ngôi sao thật sự, tất cả những dấu chỉ khác nhau này mà Người ban cho chúng ta để hướng dẫn chúng ta, và bắt chước người nông dân quan sát chúng trước khi ra ngoài làm ruộng. Thiên Chúa thắp sáng những ngôi sao để giúp chúng ta tiếp tục bước đi: “Các tinh tú, mỗi ngôi ở vị trí mình, tưng bừng chiếu sáng. Người gọi chúng, chúng thưa: Có mặt” (Bar 3:34-35). Chính Đức Kitô là ánh sáng hy vọng vĩ đại và là hướng đạo của chúng ta trong đêm tối, vì Người là “Sao Mai sáng ngời” (Kh 22:16).

Tuổi trẻ của Hội Thánh

34. Còn hơn chỉ là một khoảng thời gian, Tuổi trẻ là một trạng thái của tâm hồn. Đó là lý do tại sao một tổ chức cổ xưa như Hội Thánh có thể kinh nghiệm sự đổi mới và trở lại tuổi trẻ ở những thời điểm khác nhau trong lịch sử lâu đời của mình. Thật vậy, vào những lúc bi thảm nhất trong lịch sử của mình, Hội Thánh cảm thấy được mời gọi trở lại tình yêu ban đầu với tất cả con tim của mình. Nhắc lại sự thật này, Công đồng Vaticanô II đã ghi nhận rằng, “Được phong phú hoá bởi một lịch sử lâu dài và sống động, cùng tiến đến sự hoàn thiện của con người trong thời gian và những vận mệnh cuối cùng của lịch sử và cuộc sống, Hội Thánh là tuổi trẻ thật sự của thế giới”. Nơi Hội Thánh, người ta luôn có thể gặp gỡ Đức Kitô, “người đồng hành và người bạn của những người trẻ.”[10]

Một Hội Thánh sẵn sàng đổi mới

35. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giải thoát Hội Thánh khỏi những kẻ làm cho Hội Thánh già đi, giam cầm Hội Thánh trong quá khứ, giữ Hội Thánh lại hoặc giữ cho Hội Thánh ngừng lại. Nhưng chúng ta cũng xin Người giải thoát Hội Thánh khỏi một cám dỗ khác: đó là nghĩ rằng mình trẻ trung bởi vì chấp nhận mọi sự mà thế gian cung cấp, nghĩ rằng mình được đổi mới nhờ gạt sứ điệp của mình sang một bên và hành động như mọi người khác. Không! Hội Thánh còn trẻ khi là chính mình, khi một lần nữa nhận được sức mạnh phát sinh từ Lời Chúa, bí tích Thánh Thể, và sự hiện diện hàng ngày của Đức Kitô cùng quyền năng của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hội Thánh trẻ trung khi cho thấy rằng mình có khả năng liên tục trở về suối nguồn của mình.

36. Chắc chắn rằng là các phần tử của Hội Thánh, chúng ta không được trở nên loại người lập dị. Mọi người phải cảm thấy chúng ta như bạn bè và hàng xóm, như các Tông Đồ, được “sự ưu ái của tất cả mọi người” (Cv 2:47; x. 4: 21, 33; 5:13). Tuy nhiên, đồng thời chúng ta phải dám khác biệt, nói lên những lý tưởng khác với những lý tưởng của thế gian này, làm chứng cho vẻ đẹp của lòng quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi cá nhân, cầu nguyện, theo đuổi công lý và công ích, tình yêu dành cho người nghèo và tình bằng hữu xã hội.

37. Hội Thánh của Đức Kitô luôn luôn có thể đầu hàng cám dỗ để mất nhiệt tình vì không còn nghe thấy tiếng Chúa mời gọi mình vào cuộc mạo hiểm của đức tin, cho đi tất cả mà không kể đến những hiểm nguy; và có thể bị cám dỗ trở lại tìm kiếm một hình thức an toàn giả tạo và thế tục. Những người trẻ có thể giúp giữ cho Hội Thánh trẻ trung. Các em có thể ngăn ngừa Hội Thánh khỏi rơi vào thối nát; các em có thể giữ cho Hội Thánh tiến về phía trước, ngăn cản Hội Thánh khỏi kiêu căng và bè phái, giúp cho Hội Thánh nghèo hơn và làm chứng tốt hơn, đứng về phía những người nghèo và những người bị ruồng bỏ, đấu tranh cho công lý và khiêm tốn để cho mình được thử thách. Những người trẻ có thể mang đến cho Hội Thánh vẻ đẹp của tuổi trẻ khi các em kích thích khả năng của Hội Thánh để “vui mừng với những khởi đầu mới, để hiến thân mà không quay đầu trở lại, để canh tân và bắt đầu những cuộc chinh phục mới”.[11]

38. Những người trong chúng ta không còn trẻ cần có cơ hội để gần gũi với tiếng nói và sự hăng say của các em. “Sự gần gũi tạo điều kiện cho Hội Thánh trở thành không gian đối thoại và làm chứng cho tình huynh đệ hấp dẫn”.[12]  Chúng ta cần tạo thêm nhiều không gian để tiếng nói của những người trẻ được vang lên: “Lắng nghe làm cho việc trao đổi quà tặng trong bối cảnh đồng cảm được khả thi. Đồng thời, nó đặt ra các điều kiện để rao giảng Tin Mừng thật sự có thể chạm đến con tim một cách sắc bén và hiệu quả.[13]

Một Hội Thánh chú ý đến các dấu chỉ của thời đại.

39. “Nếu đối với nhiều người trẻ, Thiên Chúa, tôn giáo và Hội Thánh dường như là những từ trống rỗng, thì các em lại rất nhạy cảm với khuôn mặt Chúa Giêsu khi được trình bày một cách hấp dẫn và hiệu quả.[14] Đó là lý do tại sao Hội Thánh không nên quá tập trung vào chính mình, nhưng trên hết, phản ánh Chúa Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa là khiêm tốn thừa nhận rằng có một số điều cần phải được thay đổi một cách cụ thể, và vì mục đích này, Hội Thánh cần phải thu thập quan điểm, và thậm chí những lời chỉ trích của giới trẻ.

40. Tại Thượng Hội Đồng, các Nghi Phụ đã công nhận rằng, một số đáng kể những người trẻ, vì đủ mọi thứ lý do, đã không yêu cầu Hội Thánh bất cứ điều gì vì các em không thấy Hội Thánh quan trọng với cuộc sống của các em. Một số em thậm chí còn yêu cầu một cách rõ ràng là để cho các em được yên, vì các em thấy sự hiện diện của Hội Thánh là một sự phiền hà, thậm chí khó chịu. Yêu cầu này thường không xuất phát từ sự khinh miệt thô lỗ hoặc bốc đồng, nhưng cũng có thể bắt nguồn từ những lý do nghiêm trọng và dễ hiểu: những gương xấu về tình dục và tài chính; việc thiếu chuẩn bị của các thừa tác viên có chức thánh, là những vị không biết cách tham gia có hiệu quả với sự nhạy cảm của người trẻ; thiếu quan tâm trong việc soạn bài giảng và trình bày lời Chúa; vai trò thụ động được trao cho giới trẻ trong cộng đồng Kitô hữu; Những khó khăn của Hội Thánh trong việc giải thích các quan điểm về  giáo lý và luân lý của mình cho xã hội đương thời.[15]

41. Mặc dù nhiều người trẻ rất vui khi thấy một Hội Thánh khiêm tốn, nhưng tin tưởng vào những hồng ân của mình và có khả năng đưa ra những lời phê bình công bằng và huynh đệ, những người trẻ khác lại muốn một Hội Thánh lắng nghe nhiều hơn, tức là một Hội Thánh không chỉ đơn thuần lên án thế gian. Các em không muốn thấy một Hội Thánh im lặng và nhút nhát, nhưng không phải lúc nào cũng chiến đấu vì hai hoặc ba vấn đề luôn ám ảnh mỉnh. Để đáng tin cậy với những người trẻ, có những lúc Hội Thánh cần lấy lại sự khiêm nhường của mình và chỉ cần lắng nghe, nhận ra rằng những gì người khác nói có thể cung cấp một số ánh sáng để giúp mình hiểu rõ hơn về Tin Mừng. Một Hội Thánh luôn luôn phòng thủ, quên đi sự khiêm nhường của mình và ngừng lắng nghe những người khác, không cho phép người ta chất vấn mình, sẽ mất đi tuổi trẻ và biến thành một viện bảo tàng. Làm sao Hội Thánh có thể đáp ứng những giấc mơ của người trẻ? Ngay cả khi Hội Thánh sở hữu chân lý của Tin Mừng, điều đó không có nghĩa là Hội Thánh đã hoàn toàn hiểu nó; đúng hơn, Hội Thánh được mời gọi tiếp tục phát triển trong sự hiểu biết kho báu vô tận đó.[16]

42. Chẳng hạn như một Hội Thánh quá sợ hãi và quá cấu trúc có thể luôn luôn chỉ trích những nỗ lực bảo vệ nữ quyền, và liên tục nêu lên những rủi ro và sai lầm tiềm tàng trong các yêu sách đó. Trái lại, một Hội Thánh sống động có thể phản ứng bằng cách chú ý đến những yêu sách chính đáng của những phụ nữ tìm kiếm một sự công bằng và bình đẳng hơn. Một Hội Thánh sống động có thể nhìn lại lịch sử và thừa nhận rằng đã có khá nhiều cách cai trị độc đoán và thống trị, nhiều hình thức nô lệ, lạm dụng và bạo lực tình dục của nam giới. Với cái nhìn này, Hội Thánh có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền và đưa ra sự nâng đỡ có sức thuyết phục cho sự tương tác lớn lao hơn giữa nam giới và nữ giới, trong khi không cần phải đồng ý với tất cả mọi đề nghị của một số nhóm nữ quyền. Theo đường lối này, Thượng Hội Đồng đã tìm cách canh tân cam kết của Hội Thánh, “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực dựa trên phái tính”.[17] Đó là câu trả lời của một Hội Thánh vẫn còn trẻ trung và để cho chính mình được thách đố và thúc đẩy bởi sự nhạy cảm của những người trẻ.

Đức Mẹ Maria, người phụ nữ trẻ của Nazareth

43. Ở trung tâm của Hội Thánh, Đức Mẹ Maria tỏa sáng. Mẹ là mẫu mực tối cao cho một Hội Thánh trẻ trung đang tìm cách theo Đức Kitô với sự tươi mới và ngoan ngoãn. Khi còn rất trẻ, Mẹ đã chấp nhận sứ điệp của thiên sứ, nhưng Mẹ đã không ngại đặt câu hỏi (x. Lc 1:34). Với quả tim và linh hồn rộng mở, Mẹ đã trả lời, “Này, tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1:38).

44. “Sức mạnh của lời ‘Xin Vâng’ của người trẻ Maria luôn luôn ấn tượng, sức mạnh của những lời, ‘xin cứ làm cho tôi’ mà Mẹ thưa cùng sứ thần. Đây không chỉ là sự chấp nhận thụ động hay cam chịu, hay một lời ‘Xin Vâng’ yếu ớt, như thể muốn nói, ‘Chà, hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Đức Mẹ không biết cụm từ ‘Hãy thử xem điều gì sẽ xảy ra’. Mẹ đã quyết tâm; Mẹ biết rõ điều gì sẽ đến và Mẹ thưa ‘Xin Vâng’ mà không do dự. Lời của Mẹ là lời ‘Xin Vâng’ của một người đã chuẩn bị cam kết dấn thân, một người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng đánh đổi mọi sự mình có, mà không có bất kỳ sự đảm bảo nào khác ngoài sự chắc chắn khi biết rằng Mẹ là người mang lời hứa. Vì vậy, Cha hỏi mỗi người trong các con: các con có thấy mình là người mang lời hứa không? Lời hứa nào hiện diện trong tâm hồn tôi mà tôi có thể nhận lấy? Sứ vụ của Đức Mẹ chắc chắn là sẽ khó khăn, nhưng những khó khăn không phải là lý do gì để thưa ‘Không’. Đương nhiên mọi sự sẽ trở nên phức tạp, nhưng không giống như cách xảy ra khi sự hèn nhát khiến chúng ta tê liệt vì mọi sự không rõ ràng hoặc không chắc chắn từ trước. Đức Mẹ đã không mua một bảo hiểm nào! Mẹ đã mạo hiểm, và vì lý do này, Mẹ mạnh mẽ, Mẹ là một người có ảnh hưởng, người có ảnh hưởng của Thiên Chúa. Lời “Xin Vâng” và ước muốn phục vụ của Mẹ mạnh hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào.”[18]

45. Không chịu khuất phục trước sự lẩn tránh hay ảo tưởng, “Mẹ đã đồng hành với sự đau khổ của Con Mẹ; Mẹ đã nâng đỡ Chúa bằng ánh mắt và bảo vệ Người bằng con tim. Mẹ đã chia sẻ nỗi khổ của Người, nhưng không bị nó áp đảo. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ đã thốt ra lời ‘Xin Vâng’, người nâng đỡ và đồng hành, bảo vệ và ôm ấp. Mẹ là người bảo vệ cao cả của niềm hy vọng…. Từ Mẹ, chúng ta học cách thưa ‘Xin Vâng’ với lòng kiên nhẫn bền bỉ và sáng tạo của những người, không bị khuất phục, sẵn sàng làm lại một từ đầu.”[19]

46. ​​Đức Mẹ là một thiếu nữ có tâm hồn cao thượng tràn ngập niềm vui (x. Lc 1:47), có đôi mắt phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn vào đời sống bằng đức tin và giữ tất cả mọi sự trong tâm hồn trẻ trung của Mẹ (x. Lc 2:19,51). Mẹ là người năng động, sẵn sàng lên đường ngay lập tức khi biết rằng người chị họ cần mình. Mẹ đã không nghĩ về kế hoạch của riêng mình, nhưng đã “vội vã ra đi đến vùng đồi núi” (Lc 1:39).

47. Khi cần phải bảo vệ người con bé nhỏ, Mẹ đã cùng Thánh Giuse lên đường đến một vùng đất xa xôi (x. Mt 2:13-14). Mẹ cũng đã cùng các môn đệ chờ đợi sự tuôn đổ Thánh Thần (x. Cv 1:14). Trong sự hiện diện của Mẹ, một Hội Thánh trẻ đã ra đời, cùng với các Tông Đồ đi ra để hạ sinh một thế giới mới (x. Cv 2: 4-11).

48. Ngày nay, Đức Maria là Người Mẹ luôn trông chừng con cái, là chúng ta, những đứa con của Mẹ, đang bước đi trong cuộc đời, thường mệt mỏi và thiếu thốn, nhưng ước mong rằng ánh sáng hy vọng sẽ không bị tắt. Đó là điều chúng ta mong ước: rằng ánh sáng hy vọng sẽ không bao giờ tắt. Đức Maria, Mẹ chúng ta nhìn đến dân hành hương này: một dân của những người trẻ mà Mẹ yêu thương, một dân đang tìm Mẹ trong thinh lặng của con tim giữa mọi ồn ào, huyên náo và sao lãng của cuộc hành trình. Nhưng dưới cái nhìn của Mẹ chúng ta, chỉ có chỗ cho sự im lặng của hy vọng. Vì thế, Đức Mẹ một lần nữa chiếu sáng tuổi trẻ của chúng ta.

Các Thánh Trẻ

49. Lòng Hội Thánh cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Đức Kitô, nhiều vị trong các ngài thậm chí đã chết một cái chết tử vì đạo. Các ngài là những phản ảnh quý giá của Đức Kitô trẻ; chứng từ rạng rỡ của các ngài khuyến khích chúng ta và đánh thức chúng ta khỏi tình trạng ngủ gật của mình. Thượng Hội Đồng vạch ra rằng, “nhiều vị thánh trẻ đã để cho các đặc điểm của tuổi trẻ tỏa sáng trong tất cả vẻ đẹp của chúng, và vào thời các ngài, các ngài đã là những ngôn sứ thật của sự thay đổi. Gương sáng của các ngài cho thấy những gì người trẻ có thể làm, khi mở long ra để gặp gỡ Đức Kitô.[20]

50. “Nhờ sự thánh thiện của những người trẻ, Hội Thánh có thể đổi mới tinh thần hăng say và sức sống tông đồ của mình. Hương thơm thánh thiện được tạo ra bởi cuộc sống tốt đẹp của rất nhiều người trẻ có thể chữa lành vết thương của Hội Thánh và thế giới, bằng cách đưa chúng ta trở lại với tình yêu trọn vẹn mà chúng ta luôn được mời gọi đến: những vị thánh trẻ gợi hứng cho chúng ta để trở lại với tình yêu ban đầu (x. Kh 2:4).[21] Một số vị thánh chưa bao giờ đạt đến tuổi trưởng thành, nhưng các ngài đã cho chúng ta thấy rằng có một cách khác để sống tuổi trẻ của mình. Chúng ta hãy nhớ lại ít nhất một vài vị trong các ngài, mỗi vị theo cách riêng của mình, và ở các giai đoạn lịch sử khác nhau, đã sống cuộc sống thánh thiện.

51. Vào thế kỷ thứ ba, Thánh Sebastianô là một đội trưởng trẻ của đội cận vệ Praetorian. Người ta nói rằng ngài đã nói về Đức Kitô khắp nơi và cố gắng hoán cải các đồng đội của mình, đến nỗi ngài được lệnh phải chối bỏ đức tin của ngài. Vì ngài đã từ chối, nên đã bị xử bắn bằng cung tên, nhưng ngài vẫn sống sót và tiếp tục rao giảng Đức Kitô một cách không sợ hãi. Cuối cùng, Sebastianô bị đánh chết.

52. Thánh Phanxicô thành Assisi, khi còn rất trẻ và đầy những giấc mơ. Ngài đã nghe Chúa Giêsu mời gọi trở nên nghèo như Người và xây dựng lại Hội Thánh bằng chứng từ ​​của mình. Ngài đã vui mừng từ bỏ tất cả những gì mình có và giờ đây là vị thánh của tình huynh đệ phổ quát, anh em của tất cả mọi người. Ngài đã chúc tụng Chúa vì những thụ tạo của Người. Thánh Phanxicô qua đời năm 1226.

63. Thánh Gianđa (Jeanne d’Arc) sinh năm 1412. Chị là một cô gái nông dân trẻ tuổi, mặc dù có những năm tháng dịu dàng, đã chiến đấu để bảo vệ nước Pháp khỏi quân xâm lược. Bị hiểu lầm vì thái độ, hành động và cách sống đức tin của chị, Gianđa đã bị hoả thiêu.

54. Chân phước Anrê Phû Yên là một chàng thanh niên người Việt Nam ở thế kỷ XVII. Anh là một giáo lý viên và hỗ trợ các nhà truyền giáo. Anh bị cầm tù vì đức tin, và vì đã không chịu chối bỏ đức tin, nên anh đã bị giết. Anrê đã chết trong khi kêu tên Chúa Giêsu.

55. Cũng trong thế kỷ ấy, Thánh Kateri Tekakwitha, một thổ dân trẻ ở Bắc Mỹ, đã bị bách hại vì đức tin của mình và để trốn thoát, cô đã đi bộ hơn ba trăm cây số trong rừng hoang. Kateri đã tận hiến cho Thiên Chúa và đả chết trong khi nói: “Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”

56. Thánh Đôminicô Saviô đã dâng tất cả những đau khổ của mình cho Đức Mẹ. Khi Thánh Gioan Bosco dạy cậu rằng sự thánh thiện liên quan đến việc luôn vui vẻ, cậu đã mở lòng ra với một niềm vui hay lây. Cậu muốn gần gũi những người trẻ bị bỏ rơi và tàn tật nhất trong các bạn trẻ của cậu. Đôminicô qua đời năm 1857 lúc mười bốn tuổi, trong khi nói rằng: “Kỳ diệu thay điều tôi đang chiêm ngưỡng!”

57. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sinh năm 1873. Năm mười lăm tuổi, vượt qua nhiều khó khăn, chị đã thành công trong việc gia nhập tu viện Carmelô. Têrêxa đã sống con đường bé nhỏ để hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Chúa và quyết tâm thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu đang cháy trong lòng Hội Thánh với lời cầu nguyện của chị.

58. Chân phước Ceferino Namuncurá là một thiếu niên người Á Căn Đình, con trai của tù trưởng một bộ lạc bản xứ ở một vùng hẻo lành. Cậu đã trở thành một chủng sinh dòng Salêdiên, tràn đầy ao ước trở về bộ lạc của mình để đem Chúa Giêsu Kitô đến cho họ. Ceferino đã từ trần năm 1905.

59. Chân phước Isidore Bakanja là một giáo dân từ Congo, người làm chứng cho đức tin của mình. Anh đã bị tra tấn một thời gian dài vì đã giới thiệu Kitô giáo cho những người trẻ khác. Isidore đã từ trần năm 1909 trong khi tha thứ cho kẻ giết mình,

60. Chân phước Giorgio Frassati, qua đời năm 1925, “là một thanh niên tràn đầy niềm vui hay lây, một niềm vui vượt qua nhiều khó khăn trong đời sống của anh”.[22] Pier Giorgio nói rằng anh muốn đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu mà anh đã nhận được trong việc Rước Lễ bằng cách thăm viếng và giúp đỡ những người nghèo.

61. Chân phước Marcel Callo là một thanh niên người Pháp đã mất năm 1945. Marcel bị giam cầm trong một trại tập trung ở Áo, nơi anh củng cố các bạn tù của mình trong đức tin giữa những việc lao động khắc nghiệt.

62. Chân phước trẻ Chiara Badano, tạ thế năm 1990, “đã cảm nghiệm sự đau đớn có thể được tình yêu biến đổi như thế nào…. Chìa khóa cho sự bình an và niềm vui của cô là niềm tín thác hoàn toàn vào Chúa và sự chấp nhận bệnh tật của mình như một cách diễn tả mầu nhiệm Thánh Ý của Chúa vì lợi ích của cô và của những người khác”.[23]

53. Chớ gì những người trẻ này, cùng với rất nhiều người trẻ khác, là những người có lẽ đã sống Tin Mừng cách trọn vẹn trong thinh lặng và thầm kín, chuyển cầu cho Hội Thánh, để Hội Thánh có thể đầy những người trẻ vui vẻ, can đảm và dấn thân, có thể cung cấp cho thế giới những chứng từ mới về sự thánh thiện.

CHƯƠNG BA

Các con là hiện tại của Thiên Chúa

64. Sau khi đọc Lời Chúa, chúng ta không thể chỉ nói một cách hạn chế rằng những người trẻ là tương lai của thế giới: các em là hiện tại, các em đang phong phú hoá thế giới bằng sự đóng góp của các em. Những người trẻ không còn là những đứa trẻ, Các em đang ở một giai đoạn của cuộc đời mà trong đó các em bắt đầu đảm nhận các trách nhiệm khác nhau, tham gia cùng với người lớn vào sự phát triển gia đình, xã hội và Hội Thánh. Nhưng thời thế thay đổi, khiến người ta lại hỏi: những người trẻ ngày nay thế nào, điều gì xảy ra cho những người trẻ bây giờ?

Trong tích cực

65. Thượng Hội Đồng đã nhìn nhận rằng các tín hữu của Hội Thánh không phải lúc nào cũng có thái độ của Chúa Giêsu. Thay vì chăm chú lắng nghe các em “khuynh hướng thông thường là cung cấp các câu trả lời tủ và đưa ra các công thức có sẵn, mà không biết rõ các câu hỏi của những người trẻ trong sự mới mẻ của chúng, hoặc hiểu những điều làm các em khó chịu”.[24] Mặt khác, khi Hội Thánh từ bỏ các khuôn mẫu cứng nhắc và mở lòng chăm chú và sẵn sàng lắng nghe giới trẻ, sự đồng cảm này phong phú hoá chính Hội Thánh, bởi vì “nó cho phép những người trẻ đóng góp một điều gì đó cho cộng đồng, giúp các em nhận thức được những sự nhạy cảm mới và đặt ra những câu hỏi mới.”[25]

66. Ngày nay, người lớn chúng ta có nguy cơ lập ra một danh sách những tai hoạ và những thiếu sót của tuổi trẻ trong thời đại mình. Một số người có thể ca tụng chúng ta bởi vì chúng ta hầu như là chuyên gia trong việc tìm ra những điều tiêu cực và nguy hiểm. Nhưng thái độ ấy sẽ đưa đến hậu quả gì? Nó sẽ tạo ra một khoảng cách lớn hơn, ít gần gũi hơn và ít giúp đỡ lẫn nhau hơn.

67. Cái nhìn xa của những người được mời gọi làm cha mẹ, mục tử và người hướng dẫn của giới trẻ phải bao gồm việc tìm ra ngọn lửa leo lắt đang tiếp tục cháy, cây sậy hầu như bị dập nhưng chưa gẫy hoàn toàn (x. Is 42: 3). Đó là khả năng tìm ra những đường mòn mà ở đó những người khác chỉ thấy các bức tường, đó là biết cách nhận ra những tiềm năng mà những người khác chỉ thấy những nguy hiểm. Cái nhìn của Thiên Chúa Cha cũng như thế, nó có khả năng ấp ủ và nuôi dưỡng những hạt giống tốt đã được gieo vào lòng người trẻ. Do đó, tâm hồn của mỗi người trẻ phải được coi là “vùng đất thánh thiêng”, nơi mang hạt giống của đời sống thiêng liêng, và trước nơi ấy chúng ta phải “cởi dép” để có thể đến gần và đi sâu vào Mầu Nhiệm.

Nhiều cách làm người trẻ

68. Chúng ta có thể cố mô tả những đặc điểm của giới trẻ ngày nay, nhưng trước hết tôi muốn nhắc lại một quan sát của các Nghị Phụ: “Chính thành phần của Thượng Hội Đồng đã cho thấy sự hiện diện và đóng góp của các khu vực khác nhau trên thế giới, làm nổi bật vẻ đẹp của việc trở thành một Hội Thánh hoàn vũ. Mặc dù bối cảnh toàn cầu hóa càng ngày càng gia tăng, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu nhấn mạnh đến nhiều sự khác biệt giữa các bối cảnh và nền văn hóa khác nhau, cũng như trong một quốc gia. Có rất nhiều thế giới trẻ, vì vậy ở một số quốc gia có khuynh hướng sử dụng thuật ngữ “giới trẻ” ở số nhiều. Hơn nữa, nhóm tuổi liên quan đến Thượng Hội Đồng này (16-29 tuổi) không đại diện cho một tổng thể đồng nhất, nhưng bao gồm các nhóm sống trong những tình cảnh cụ thể”.[26]

69. Từ quan điểm nhân khẩu học, ở một số quốc gia có nhiều người trẻ, trong khi những quốc gia khác có tỷ lệ sinh rất thấp. Tuy nhiên, “một sự khác biệt nữa bắt nguồn từ lịch sử, làm cho các quốc gia và lục địa theo truyền thống Kitô giáo cổ đại trở nên khác biệt, ở đó nền văn hóa của chúng mang một ký ức không thể bỏ qua, trong khi các quốc gia và lục địa khác được đánh dấu bởi các truyền thống tôn giáo khác và trong đó Kitô giáo là một thiểu số đôi khi gần đây. Ngoài ra, ở những nơi khác, các cộng đồng Kitô hữu và những người trẻ là một phần tử của chúng là đối tượng của việc bắt bớ”.[27] Chúng ta cũng cần phải phân biệt những người trẻ “có quyền tiếp cận những cơ hội càng ngày càng gia tăng do việc toàn cầu hóa, với những người trẻ sống bên lề xã hội hoặc ở những vùng quê và là nạn nhân của các hình thức khai trừ và vất bỏ”.[28]

70. Có nhiều sự khác biệt khác là những điều rất phức tạp để mô tả chi tiết ở đây. Do đó, hầu như không thích hợp để ngừng lại và đưa ra một phân tích toàn diện về giới trẻ trong thế giới ngày nay, về cách các em sống và những gì đang xảy ra với các em. Tuy nhiên, vì không thể làm lơ thực tại, tôi sẽ vạch ra một cách ngắn gọn một số đóng góp được đưa ra trước Thượng Hội Đồng và những đóng góp khác mà tôi đã nhận được trong suốt thời gian Thượng Hội Đồng.

Một số cảm nghiệm về giới trẻ

71. Tuổi trẻ không phải là một đối tượng có thể được phân tích một cách trừu tượng. Thật ra, không có “tuổi trẻ” mà chỉ có những người trẻ với cuộc sống cụ thể của các em. Trong thế giới tiến bộ nhanh chóng ngày nay, có rất nhiều đời sống trong số này phải chịu đau khổ và bị thao túng.

Giới trẻ trong một thế giới khủng hoảng

72. Các Nghị Phụ của Thượng Hội Đồng đã đau lòng nhấn mạnh rằng “Nhiều người trẻ sống trong hoàn cảnh chiến tranh và chịu đựng bạo lực dưới vô số hình thức: bắt cóc, tống tiền, các nhóm tội phạm có tổ chức, buôn người, nô lệ và bóc lột tình dục, hãm hiếp trong chiến tranh, vv. Những người trẻ khác, vì đức tin của các em, rất khó tìm được công ăn việc làm trong xã hội của mình và chịu đựng nhiều kiểu ngược đãi khác nhau, thậm chí cả cái chết. Nhiều người trẻ, vì bị ép buộc hoặc thiếu các lựa chọn khác, đang sống trong tình trạng gây ra các tội ác và bạo lực: các binh lính trẻ em, các băng đảng vũ trang và tội phạm, buôn bán ma túy, khủng bố, vv. Bạo lực này làm tan vỡ nhiều đời sống của người trẻ. Những sự lạm dụng và nghiện ngập, cùng với bạo lực và những sự lầm đường lạc lối, là nhiều lý do trong các lý do khiến những người trẻ phải vào tù, với ảnh hưởng đặc biệt trong một số nhóm chủng tộc và xã hội nào đó”.[29]

73. Nhiều người trẻ bị đầu độc tư tưởng, bị khai thác và bị dùng làm bia đỡ đạn hoặc như một lực lượng tấn công để tiêu diệt, đe dọa hoặc chế giễu người khác. Và tồi tệ nhất là nhiều em cuối cùng trở thành những kẻ theo cá nhân chủ nghĩa, thù nghịch và không còn tin tưởng người khác; như thế, các em dễ dàng trở thành mồi ngon của các để nghị phi nhân và những kế hoạch phá hoại được dựng nên bởi các nhóm chính trị hoặc các quyền lực kinh tế. 

74. Vẫn còn “nhiều người trên thế giới là những người trẻ phải chịu các hình thức loại trừ và bị đẩy ra ngoài lề xã hội, vì lý do tôn giáo, dân tộc hoặc kinh tế.  Chúng ta hãy nhớ lại hoàn cảnh của những trẻ vị thành niên và thiếu nữ có thai, tệ nạn phá thai, cũng như sự lan tràn của HIV, các dạng nghiện ngập khác nhau (ma túy, trò chơi may rủi, tranh ảnh khiêu dâm, vv.) và tình trạng trẻ em và thanh thiếu niên sống ngoài đường phố vô gia cư, vô gia đình, và không có nguồn lợi kinh tế”.[30] Và trong trường hợp các phụ nữ, những hoàn cảnh bị loại ra ngoài lề này còn trở nên đau đớn và khó khăn gấp đôi.

75. Chúng ta không thể là một Hội Thánh không biết khóc khi đối diện với những thảm cảnh của giới trẻ này. Chúng ta không bao giờ được phép trở nên dửng dưng với nó, bởi vì ai không biết khóc thì không thể là một người mẹ. Chúng ta muốn khóc để chính xã hội có thể trở nên từ mẫu hơn, để thay vì giết con, thì học cách sinh con, ngõ hầu trở thành một lời hứa của sự sống. Chúng ta khóc khi nhớ đến những người trẻ đã chết vì đau khổ và bạo lực, và chúng ta đòi xã hội phải học cách trở thành một người mẹ biết lo lắng cho con. Nỗi đau đó không biến mất mà vẫn đồng hành với chúng ta trên mọi bước đường, bởi vì thực tại phũ phàng không thể bị che giấu. Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận tinh thần thế tục ấy, mà giải pháp của nó là làm tê mê những người trẻ bằng những sứ điệp khác, những phân tâm khác và với những điều tầm thường.

76. Có lẽ “nhiều người trong chúng ta có một đời sống khá thoải mái nên không biết khóc. Một số thực tại của cuộc đời chỉ được nhìn thấy với cặp mắt được rửa bằng nước mắt. Tôi xin mỗi người hãy tự hỏi: Tôi đã học được cách khóc chưa? Tôi có biết khóc không khi thấy một đứa trẻ đói khát, một đứa trẻ nghiện ngập ở ngoài đường, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ bị bỏ rơi, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ bị xã hội sử dụng như một nô lệ? Hay là tiếng khóc của tôi chỉ là tiếng than van của những kẻ chỉ biết nghĩ đến mình vì họ muốn một điều gì đó cho mình?”[31] Hãy cố gắng học cách khóc cho những người trẻ không được may mắn như bạn.  Lòng thương xót và trắc ẩn cũng được thể hiện trong nước mắt. Nếu nó không đến với bạn, hãy cầu xin Chúa ban cho bạn những giọt nước mắt vì sự đau khổ của người khác. Chỉ khi nào bạn biết khóc bạn mới có thể làm điều gì đó cho người khác tận đáy lòng.

77. Đôi khi nỗi đau khổ của một số người trẻ thật là thương tâm; một nỗi đau không thể diễn tả được bằng lời; đó là một nỗi đau đánh vào chúng ta như một cái tát. Những người trẻ này chỉ có thể thưa với Thiên Chúa rằng các em đau khổ rất nhiều, rằng quá khó để tiếp tục, rằng các em không còn tin vào bất cứ ai. Tuy nhiên, trong tiếng kêu đau lòng này, những lời của Chúa Giêsu lại hiên diện: “Phúc cho những ai khóc lóc, vì họ sẽ được an ủi” (Mt 5: 4). Có những người trẻ đã tìm cách mở ra một con đường trong cuộc đời bởi vì lời hứa thánh thiêng này đã đến với các em. Chớ gì luôn luôn có một cộng đồng Kitô hữu gần gũi những người trẻ đang đau khổ, để làm cho những lời ấy có thể vang lên bằng những cử chỉ, những cái ôm và sự giúp đỡ cụ thể!

78. Đúng là các cường quốc đang cung cấp một số trợ giúp, nhưng thường với giá đắt. Ở nhiều nước nghèo, sự giúp đỡ kinh tế của một số nước giàu hơn hoặc một số tổ chức quốc tế thường liên gắn liền với việc chấp nhận những quan điểm Tây Phương về tình dục, hôn nhân, cách sống hoặc công bằng xã hội. Việc thực dân hoá tư tưởng này đặc biệt có hại cho những người trẻ. Đồng thời, chúng ta thấy cách một loại quảng bá nào đó đang dạy cho người trẻ luôn không thoả mãn và đóng góp cho nền văn hóa bỏ đi, trong đó chính những người trẻ cuối cùng trở thành một vật liệu “bị phế thải” như thế nào.

79. Nền văn hóa ngày nay trình bày một mô hình con người gắn liền với hình ảnh những người trẻ. Người đẹp là người có vẻ trẻ trung, là người biết sử dụng các phương pháp điều trị để xoá đi các dấu vết thời gian. Thân thể trẻ được sử dụng liên tục trong quảng cáo để bán các sản phẩm. Người mẫu đẹp là người mẫu trẻ. Nhưng chúng ta phải ý thức rằng điều này không liên can gì đến giới trẻ. Nó chỉ có nghĩa là những người lớn muốn nắm giữ tuổi trẻ lại cho chính mình chứ không phải họ tôn trọng, yêu thương và chăm sóc cho những người trẻ.

80. Một số người trẻ “cảm thấy truyền thống gia đình như áp bức và chạy trốn nó theo sự thúc đẩy của một nền văn hóa toàn cầu hóa, là nền văn hoá đôi khi không cung cấp cho các em bất kỳ điểm tham chiếu nào. Đằng khác, ở những nơi khác trên thế giới không có sự xung đột liên thế hệ thật sự giữa những người trẻ và người lớn, nhưng ở đó họ đang không ngó ngàng gì đến nhau. Đôi khi người lớn không tìm cách hoặc không thành công trong việc truyền thụ các giá trị cơ bản của cuộc sống, hoặc thích nghi những kiểu sống của tuổi trẻ, do đó đảo ngược mối liên hệ giữa các thế hệ. Bằng cách này, mối liên hệ giữa những người trẻ và người lớn có thể kết thúc theo tình cảm, mà không bao giờ chạm đến khía cạnh giáo dục và văn hóa”.[32] Điều này làm tổn thương những người trẻ biết bao, mặc dù một số người không nhận ra nó! Chính những người trẻ đã vạch ra cho chúng ta rằng điều này cản trở rất nhiều cho việc truyền thụ đức tin “trong một số quốc gia không có tự do ngôn luận, nơi những người trẻ ... không được phép tham gia vào đời sống của Hội Thánh”.[33]

Ước muốn, các vết thương và nghiên cứu

81. Những người trẻ ý thức rằng thân xác và phái tính là điều cần thiết cho đời sống và cho việc phát triển căn tính của các em. Tuy nhiên, trong một thế giới chỉ nhấn mạnh đến phái tính, thật khó mà duy trì được quan hệ lành mạnh giữa thân xác của một người và việc sống các mối liên hệ tình cảm. Vì lý do này và các lý do khác, [giáo huấn về] luân lý phái tính thường là “nguyên nhân gây ra hiểu lầm và xa cách Hội Thánh, vì nó bị coi là nơi để xét đoán và lên án”. Đồng thời, những người trẻ bày tỏ “ước muốn đối thoại rõ ràng về các vấn đề liên quan đến sự khác biệt giữa căn tính nam và nữ, tính hỗ tương giữa người nam và người nữ và việc đồng tính luyến ái”.[34]

82. Trong thời đại chúng ta, “những sự phát triển về khoa học và công nghệ y sinh có tác động mạnh mẽ đến nhận thức về thân xác, dẫn đến ý tưởng rằng người ta không có giới hạn trong việc sửa đổi nó. Khả năng can thiệp vào DNA, khả năng chèn các yếu tố nhân tạo vào cơ thể (cyborg) và sự phát triển của khoa học thần kinh tạo nên một nguồn lực lớn, nhưng đồng thời cũng đặt ra những vấn đề về nhân học và đạo đức”.[35] Chúng có thể lam cho chúng ta quên rằng sự sống là một hồng ân, và chúng ta được dựng nên với những giới hạn bẩm sinh, rằng chúng ta có thể dễ dàng bị khai thác bởi những người nắm giữ quyền lực về kỹ thuật.[36] “Hơn nữa, một số người trẻ càng ngày càng bị mê hoặc bởi những hành vi mạo hiểm như một phương tiện để khám phá ra chính mình, tìm kiếm những cảm xúc mạnh mẽ và được người khác công nhận…. Những hiện tượng này, trong đó các thế hệ trẻ bị đặt vào, tạo nên một trở ngại cho sự trưởng thành trong sáng của các em”.[37]

83. Nơi những người trẻ, chúng ta cũng tìm thấy, được ghi khắc trong tâm hồn, những trận đòn đã nhận được, những thất bại, những ký ức buồn. Thường thì “chúng là các vết thương của những thất bại trong lịch sử của chính mình, những ước mơ bất thành, những kỳ thị và những bất công phải chịu, hoặc sự thể là không cảm thấy được yêu thương hoặc nhìn nhận”.  Hơn nữa, “cũng có những vết thương về luân lý, sức nặng của những sai lầm mắc phải, mặc cảm sau khi lỗi lầm”.[38] Chúa Giêsu làm cho những người trẻ này nhận ra sự hiện diện của Người giữa những thập giá của các em, để ban cho các em tình bằng hữu, sự an ủi, và việc đồng hành chữa lành của Người, và Hội Thánh muốn trở nên công cụ của Chúa trên con đường đi đến chữa lành nội tâm và bình an trong tâm hồn này.

84. Ở một số người trẻ, chúng ta nhận thấy một khao khát Thiên Chúa, ngay cả khi nó không có tất cả những đường nét của mặc khải của Thiên Chúa. Ở những người trẻ khác chúng ta có thể thấy một giấc mơ về tình huynh đệ, đó không phải là chuyện nhỏ. Ở nhiều em, có thể có một mong muốn thật sự để phát triển các kỹ năng mà các em được trang bị hầu cống hiến một điều gì đó cho thế giới. Ở một số em, chúng ta thấy một sự nhạy cảm nghệ thuật đặc biệt, hoặc tìm kiếm sự hòa hợp với thiên nhiên. Nơi những em khác, có lẽ có một nhu cầu lớn về truyền thông. Ở nhiều em trong số đó, chúng ta tìm thấy một mong muốn sâu xa để sống một cuộc sống khác. Tất cả những điều này là những khởi điểm đích thực, những sức sống nội tâm đang chờ đợi và mở ra cho một lời động viên, soi sáng và khích lệ.

85. Thượng Hội Đồng đã đặc biệt thảo luận về