Các Bài Viết Về Họ Đạo - Họ Đạo Búng - Lịch Sử Hình Thành

HỌ ĐẠO BÚNG - LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

VÙNG ĐẤT BÚNG 
Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Xuân Biên khi viết về: “Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử” đã cho thấy lúc khởi thủy đất Bình Dương là nơi sinh sống của người Stiêng, Mạ, Châu Ro. “Nhóm người Tamun ở Sóc 5, xã Minh Hòa và nhóm người Stiêng Budeh còn nói rằng cách đây không lâu, ông cha của họ còn ở vùng Thuận An (Lái Thiêu). Rất có thể họ là thành phần cư dân của “Vương quốc Mạ” trong lịch sử từng tồn tại theo hai bờ sông Đồng Nai ở trung lưu và hạ lưu. Sau này, do áp lực của nhiều luồng di dân, nên họ đã lui dần về thượng lưu.”
Phó giáo sư Huỳnh Lứa còn mô tả chi tiết hơn “Vùng đất nay là Bình Dương cho đến thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, vẫn còn là vùng hoang dã, rừng rậm lan tràn…Từ đầu thế kỷ 17, lớp cư dân mới người Việt từ miền Thuận Quảng nhập vào.”
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết: “Lưu dân miệt ngoài vào Bình Dương khai hoang cặp theo sông. Đất Bình Dương nằm giữa hai con sông lớn Là Đồng Nai và sông Sài Gòn…Tuy chưa có tài liệu chính xác, song chúng ta tin rằng dân các xã Phú Cường, Phú Lợi, vùng Lái Thiêu, Tân Khánh…cùng lúc với dân Bến Ghé, Cù lao Phố. Như vậy, người Việt ở Bình Dương được xem là loại “cổ” của Nam Bộ”
Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, thiết lập hệ thống quản lý hành chính vùng này “lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn biên…”. Sau đó, Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) đi vào Nam lập nghiệp.
Trong một thủ bút được để lại ở tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, có lẽ đã được viết ra vào đầu thế kỷ 20, nói về xuất xứ họ đạo Tân Qui (Origine de la chrétienté de Tan Qui), có ghi nguyên văn: “Thủa xưa, họ Tân Qui là một phần đất hoang không ai ở, thuộc về làng Bình Nhan Thượng, tỉnh Gia Định. Năm 1783, đời Đức Cha Vêrô, có một ít nhà đạo dòng ở Búng và Lái Thiêu tới khẩn đất và ở luôn đó….”
Cựu cha sở Martin (Nghi) khi viết về xứ Búng, đã ghi lại như sau: “Vùng đất họ đạo Búng và Bình Sơn ngày nay là vùng đất xưa kia ngập nước, không trồng trọt được. Nhưng nhờ phù sa sông Sài Gòn mà đất trở nên phì nhiêu, nên người Việt nhận ra và đến sinh sống ở đây. Những người Công giáo đầu tiên đến đây từ Huế (đúng hơn, từ Miền Trung NV). Họ bỏ nơi đang sống vì luôn có chiến tranh và nhiều khó khăn phải chịu đựng. Xứ Búng, gần Lái Thiêu, gần như có đủ điều kiện mà họ ao ước.”
Lúc đó, vùng này là vùng ẩm thấp mà người ta gọi là cái Búng, có nhiều đường nước nhỏ  gọi là đường long (hay còn gọi là “long mạch”). Từ cầu Cây Trâm, có con rạch lớn, ghe thuyền có thể đi tới vùng đất nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay.

CON NGƯỜI 
Cuối thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1800) một người quê quán ở Quảng Ngãi (Miền Trung) (có chỗ ghi: Quảng Bình (Bắc Trung Bộ) tên là Nguyễn Thới Bình. Sau khi thi đậu Bảng nhãn, ông được cử làm Tri châu. Sau 12 năm quan trường, ông cáo bệnh và xin từ quan. Ông sang làm nghề Đông y với hiệu là Đức Trọng. Hằng năm, ông thường theo ghe vào phía Nam bán thuốc trị bệnh, với mong ước di cư lập nghiệp.
Đến vùng Búng, ông để ý đến cái Búng nước đó và muốn lập cư khai khẩn, nhưng vì cha mẹ còn sống, ông không bỏ đi được. Mãi đến khi ông ngoài 40 tuổi, cha mẹ mất, ông mới quyết định rời quê hương cũ, mang theo vợ và 2 con, con gái tên Nguyễn Thị Hưng, với chồng là Lê Văn Quyền, và con trai là Nguyễn Văn Định, còn độc thân.
Lúc đầu, ông tá túc ở nhà người thân ở Lái Thiêu. Dần dần, cha con vào Gò Cầy (nay là vùng đất từ Bình Hòa, Lái Thiêu đến ngã tư Hòa Lân), chặt cây cắt tranh làm nhà ở khoảng đất cao, gần nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay. Khi định cư xong, ông Bình lo sắm trâu để làm ruộng, ngựa để di chuyển. Con gái Nguyễn Thị Hưng và chồng là Lê Văn Quyền ra riêng ở Cầu Ngang. Còn Nguyễn Văn Định là con trai thì cưới con gái Họ Võ ở Lái Thiêu. Khi đã tạo nên sự nghiệp vững vàng , ông Bình cho con trai và con rể về quê miền Trung để vận động bà con thân thuộc vào xứ Búng lập nghiệp. Cư dân ở vùng lân cận cũng đến Búng để sinh sống. Và từ đó, xã Hưng Định được hình thành.
Và cũng có một gia đình nguyên quán ở Huế vốn dòng quyền quý, đã từng phò vua giúp nước, đã di cư vào Nam , định cư ở xứ Búng. Đó là gia đình của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Không rõ vì lý do nào mà cuối đời Gia Long (1802 – 1820) hai ông bà rời quê quán, cùng các con vào Nam , định cư ở vùng Cầu Ngang.  Chính tại nơi ở mới này mà đứa con út là Phêrô Đoàn Công Quí đã được sinh ra vào năm 1826.
Có thể tóm tắt như sau: Vùng đất Búng là vùng thung lũng cô nước, giống đầm lầy, có cây cối rừng rậm, chưa được khai hoang, dù Búng gần Gò Cầy với nhà thờ Họ Gò đã có từ lâu (thế kỷ 18), gần Lái Thiêu với số giáo dân là 400 vào năm 1747. Và cư dân đầu tiên khai khẩn là những người từ miền Trung vào, cộng thêm những người ở vùng lân cận đến vùng cái Búng làm ăn sinh sống, định cư lập làng và đồng thời là người công giáo, nên họ cũng qui tụ đọc kinh ở nhà.
Những người đầu tiên đến cư ngụ tại vùng cái Búng được cha sở Martin ghi là các ông Hương, Tùng, Bời, Dũi, Ở. Tất cả họ là đạo gốc. “Họ tụ tập ở nhà ông Bời để đọc kinh cầu nguyện. Để sinh sống, họ chăn nuôi bò, trâu và nuôi tằm. Rồi họ khai khẩn đất đai, trồng trọt, sau một thời gian ngắn, họ có cuộc sống khá đầy đủ.
Đặc biệt có ông Nguyễn Thới Bình , một trong những người đầu tiên có công khai hoang vùng Búng và lập ra làng Hưng Định từ đó đến nay. Ông nguyễn Thới Linh (cháu năm đời của ông Bình, là cha của các ông Nguyễn Thới Khai, Nguyễn Thới Đắc, và linh mục Nguyễn Thới Mậu) có viết về “tên” như sau: “Với tục lệ người Nam có cái thành kiến là cữ nói đến tên người lớn. Nên khi ấy dân trong làng không bao giờ dám nói tiếng gì có tên ông. Khi gặp phải thì nói trại ra là Bường hay Bằng mà thôi, như bất bường, công bằng…”

ĐỜI SỐNG ĐẠO
Nhà thờ được xây cất từ đầu thế kỷ 19, nằm trên phần đất của ông Nhờ, gần nhà ông Bình (nay là đất thánh Búng), được xây dựng bằng cây cột chôn, và lợp bằng tranh. Nhà thờ này chỉ tồn tại hết một cõi tranh. Về việc lập nhà thờ, ông Antôn Nguyễn Thới Linh, cháu năm đời của ông Nguyễn Thới Bình, đã ghi lại như sau: “Song song với việc lập làng, cất công sở ở đất ngoài (Hưng Thọ/Cầu Ngang bây giờ) thì nơi ấp trong (Hưng Lộc) cũng đang dựng lên một ngôi thánh đường có Ban Quới chức và tự nhiên người xướng lập lãnh vai ông Trùm. Khi ấy người có đạo đặng vài mươi gia đình. Có nhiều người ngỏ ý muốn cất nhà thờ ở Hưng Thọ….nhưng ông Trùm không chịu, ông nói:"Có lẽ các ông nói tôi ngại đi xem lễ xa nên cất gần nhà, lời ấy cũng đúng phần nào thôi. Hơn thế, chính tôi có bổn phận phải bảo toàn nhà ấy và những gì thuộc về ấy, chẳng hạn như đồ thờ phượng, hoặc khi có ông cha ở lại một hai ngày, có khi cả tuần, và tôi còn phải tìm phương tiện để đưa các cha đi vào các nơi xa có bổn đạo ở rải rác như Bến Sắn, Bố Mua….Anh em nên biết người có đạo chỉ trọng cái hồn hơn cái xác, nên tôi để cho rể con tôi nó gánh vác cái thế quyền còn thần quyền nặng hơn nên tôi phải lo”. Địa điểm  nhà thờ (đầu tiên) tại chổ đất nhà chung, phía sau đất thánh hiện nay.
Khi mái tranh bị hư, người ta mới cất một nhà thờ khác (nhà thờ thứ hai), tiện nghi hơn, mái lợp ngói, nằm trên phần đất của ông Ràng (ở dốc Sỏi bây giờ). Nhà thờ này bị bỏ hoang khá lâu trong thời kỳ cấm đạo.
Tại vùng Búng có cây sao rất to. Giáo dân đã chặt cây ấy, đóng thành một chiếc ghe có chiều dài đến tám tầm, nên người ta đặt là họ đạo Ghe Tám.
Theo một tài liệu khác, ngôi nhà thờ (đầu tiên) được cất ở gần con suối lớn (nay là đất thánh Búng). Thời đó, suối này nhiều nước, ghe thuyền thông thương đến tận nơi, có những chiếc ghe bầu lớn có tám chèo, còn gọi là ghe tám. Nên nhà thờ đầu tiên  mang tên là Ghe Tám
Tên gọi này còn kéo dài mãi cho tới khi ngôi nhà thờ thứ ba được xây cất.
Theo tài liệu cha sở Martin (Nghi) ghi lại thì lúc ấy, số giáo dân là khoảng 300 người. Nên biết rằng vùng này đầy bụi cây rậm rạp, ít người ở, nên người lương trở lại đạo thì không có. Vì vậy số dân này đa số là người có đạo ở miền Trung vào, cộng thêm những người có đạo ở xung quanh đến khai khẩn sinh sống.
 
Vào Thời cấm đạo, các linh mục đến một cách thầm lặng, không rõ tên tuổi, trừ hai linh mục bản xứ là cha Duông và cha Thông (chịu chức linh mục khoảng 1800 – 1849), thuộc thế hệ linh mục thứ hai theo danh sách các linh mục miền Nam. Hai cha này thỉnh thoảng từ Lái Thiêu đến họ đạo Ghe Tám để cử hành các Bí Tích.
Thường các linh mục bản xứ đến Búng trong thời kỳ cấm cách lúc thì ở nhà ông Vưa, lúc ở nhà ông Nhờ, ông Tín (cháu nội ông Bình) hay có khi ở nhà bà Hảo. Trong số các linh mục đó, thì cha Tám năm 1847 (dạy tiếng Latinh cho Phêrô Đoàn Công Quí và cho Ngài vào chủng viện), cha Lợi, cha Kiên được ủy quyền ban bí tích thêm sức (cha Lợi, cha Kiên thuộc thế hệ linh mục bản xứ 1, cha Tám thuộc thế hệ hai. Danh sách linh mục miền Nam ).
Người ta còn ghi nhận Chân phước Marchand Du (sinh 1803, 1830 đến Lái Thiêu, tử đạo 30/11/1835 ) đã đến họ đạo Ghe Tám. Ngài  đã cử hành thánh lễ tại đây. Cùng đi theo Ngài có Cố Phương, hai người cũng đã trừ quỉ cho con của bà Thơ.
Năm 1844, Tòa thánh thiết lập Giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn) đặt Giám Mục Lefèbvre (Ngãi) cai quản giáo phận (1844 – 1864). Lúc đó, tòa Giám mục vẫn còn ở Lái Thiêu. Vì vậy Ngài đã đến họ đạo Ghe Tám và ở trong nhà của một giáo dân. Tuy  nhiên, những người không có đạo đã biết được và theo dõi Ngài, nên giữa đêm khuya Ngài đã ra đi đến Đá Tráng ( Bố Mua). Người ta kể rằng Ngài đã gặp cọp trên đường đi.
Các linh mục như cha Tại, cha Giáo, cha Y, cha Chữ nhiều lần đến thăm giáo dân. Đồng thời các ngài cũng giúp đỡ tiền bạc, quần áo cho những người lương nghèo túng có ý định theo đạo.
Cha Dưỡng khi còn Thầy Sáu (Phó tế) đã đến Lái Thiêu và cả họ đạo Ghe Tám để hướng dẫn giáo dân và chuẩn bị cho một số thiếu nhi được rước lễ lần đầu. Tuy nhiên, người lương phát hiện và theo dõi Thầy, nên Thầy phải lội qua sông mà ra đi.
Năm 1858, cha Phêrô Đoàn Công Quí lãnh chức linh mục. Là người con út của đất Búng, nên Ngài về quê “vinh qui bái tổ”. Ngài đã dâng thánh lễ một cách âm thầm ở Gò Cầy. Ngài nán lại một thời gian ở nhà Ông Tín (cháu nội ông Bình).
Tin đồn có giáo sĩ ở tại nhà ông Tín, lúc đó vừa là ông Trùm họ đạo, vừa là ông cả trong làng, đã tới tai chính quyền ở Lái Thiêu. Có một viên thư lại, khi nghe các người chức trách bàn tính việc đi bắt cha Quí, thì khi làm việc về nhà, anh liền lấy ngựa chạy đến nhà ông Tín vì anh ta rất có cảm tình và là thân chủ của ông Tín. Ông vừa xin ông Tín hốt thuốc cho mẹ đang đau bụng rên la, mà cũng vừa báo tin cho ông Tín….Chiều hôm đó, một chiếc ghe xuôi đường rạch Cây Trâm ra vàm Búng. Khi chạy theo bờ rạch, có người hỏi: “Anh Hai đi gát quốc ở đâu?” Anh Hai là con cả của ông Tín, anh tên là Chư trả lời: “Anh này quen biết ở Bà Lụa, rủ đi lên đó để gát”. Chiếc ghe đã đưa cha Quí xa đất Búng, quê hương thân yêu của Ngài.
Tối hôm đó, ông Tổng cùng tốp lính đến nhà ông Tín, lục soát khắp nơi nhưng không tìm ra giáo sĩ ở đó.
Gia Đình Bà Hảo:
Bà  gả con gái của bà, cô Tám, cho một thanh niên ở Thị Nghè. Cùng đưa cô Tám đến nhà chàng rể, có bà Hảo, cô gái út là thị Chín, và anh Chất, con trai của bà. Khi đến Vàm Thuật  họ bị phát hiện là người công giáo, và bị đày đi Biên Hòa, nơi giam những người theo đạo Kitô. Người  ta yêu cầu họ bỏ đạo, nhưng họ không đồng ý. Anh Chất bị kết án lưu đày và chết ở đó. Hai cô gái, cô Tám và cô Chín bị đánh bằng roi và nhất là không có gì để ăn. Khi chết xong, xác hai cô được một trong các anh em trai đến nhận và mang về chôn cất tại họ đạo Ghe Tám. Còn  bà Hảo mẹ của các cô và anh Chất thì vẫn bị giam chung với những người công giáo khác cho đến khi trại giam bị đốt cháy (ngày 16/12/1861, 401 giáo dân bị thiêu sống tại Biên Hòa).
Có khoảng 30 người có đạo vì sợ nhục hình nên đã đạp lên Thánh Giá, và bị đưa đi phân tán ở chung trong làng người lương để họ theo dõi (chiếu chỉ vua Tự Đức 05/07/1861 ra lệnh phân tán người Công giáo vào các làng không công giáo).
Có hai ông là ông Trí và ông Lõi không chấp nhận hành vi chối đạo như trên, nên bị bắt và người ta khắc trên má hai chữ “Tả Đạo” và thả họ ra (Chiếu chỉ vua Tự Đức ngày 07/05/1857 truyền lệnh phải khắc hai chữ “Tả Đạo” vào mặt những giáo dân không bỏ đạo).
Có một số giáo dân đi lên Thủ Dầu Một để lên thuyền đi lánh nạn ở Sài Gòn. Nhưng ở đây phần vì dịch tả, phần vì thiếu ăn, thiếu chổ ở, nên họ cũng chết nhiều. số còn lại thì mong trở về gia đình càng sớm càng tốt. Ngày 17/02/1859 Pháp chiếm thành Sài Gòn…..nhưng các nơi xung quanh như Tân Định, Thị Nghè, Chí Hòa, Hóc Môn, Thủ Đức, Lái Thiêu, BÚNG thì vẫn còn dưới sự kiểm soát của quan quân triều đình, cho đến ngày đồn Kỳ Hòa thất thủ (25/02/1861) thì họ mới hết kiểm soát. Vì cho rằng người công giáo tiếp tay với Pháp nên trong suốt ba năm (1859 – 1862) người có đạo đã lãnh chịu không biết bao nhiêu gian khổ vì đạo.
Vì vậy họ phải rời bỏ xứ Búng chạy về Sài Gòn. Ông Lêô Nguyễn Văn Quý viết trong “Những họ đạo cổ xưa ở Sài Gòn” trang 149 như sau: “Tại Xóm Chiếu, dân chúng bỏ nhà bỏ cửa chạy hết. ông Hương Thế qui tụ được vài chục người theo đạo Thiên Chúa, rồi dần dần, những bổn đạo từ Lái Thiêu, BÚNG, Thủ Đức chạy đến khá đông Ông Hương Thế cổ động cất một nhà thờ tạm tại rạch Cây Bàng…”
Ông Tín, cháu nội ông Bình và là con của ông Định, sau khi cho con cả là ông Chư đưa ghe chở cha Quí đi trốn ở Bà Lụa năm 1858, và gia đình bị lục soát, thì ông cảm thấy không an tâm. Ông giao nhà cửa ruộng đất cho ông Chư trông coi, nghề thầy thuốc giao lại cho học trò là Huy. Ông Tín cùng hai con là ông Kính và cô Kiếm, cùng đứa cháu trai là Hay đi lên Bố Mua tránh họa, định cư ở xóm Bàu Ao. Bố Mua bây giờ là giáo xứ Vĩnh Hòa. Ở đây, ngoài nghề làm thuốc, ông còn nói chuyện đạo Chúa cho dân chúng. Ông đã gặp cha Azémar và cùng nhau lo việc đạo. Theo lịch sử họ đạo Lái Thiêu, thì vào năm 1867, cha Azémar dựng nhà thờ đầu tiên ở Bố Mua, nhà thờ lợp bằng tranh. Số giáo dân ở Bố Mua lúc đó là 264 người. Trước năm đó, ông Tín và con trai là ông Kính lại trở về xứ Búng (Đứa cháu tên Hay có vợ là con dâu của ông Trùm họ Bố Mua, cô Kiếm cũng có chồng ở Bố Mua). Ở đây ông Tín đã qua đời và chôn cất tại đất Thánh Búng.

DÂN DI TẢN TRỞ VỀ BÚNG. Ngày  05/06/1862 ký kết hòa ước Nhâm Tuất, trong đó có khoản qui định về tự do tôn giáo, nhưng vua Tự Đức vẫn duy trì việc cấm đạo. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu ghi: Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định. Sau khi kháng chiến thất bại, Huế phải ký hiệp ước 1862 nhượng cho Pháp 3 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (Mỹ Tho).
Nhận thấy tình hình yên ổn trở lại, giáo dân họ đạo Ghe Tám, trước di tản về Sài Gòn, thì nay họ trở về quê cũ. Ngôi nhà thờ thứ hai đã bị hoang phế từ lâu, không còn sử dụng được. Lần này trở về, họ đã chọn một chỗ định cư và chỗ đẹp nhất để dựng một nhà thờ khác. Đây là NHÀ THỜ THỨ BA ở gần cầu Cây Trâm. Chính vào thời kỳ này mà tên họ đạo Ghe Tám được đổi thành HỌ ĐẠO BÚNG bởi vì nằm gần cái chợ cùng tên như vậy.
Lúc đầu giáo dân chưa có linh mục coi sóc, họ phải đi đến Thủ Dầu Một để tham dự thánh lễ và lãnh các Bí Tích. Theo  cha Martin cho biết, lúc này ở Thủ Dầu Một có linh mục Robert đến giúp đỡ giáo dân ở đó.
Khi tình hình họ đạo yên ổn, Đức Giám Mục Lefèbvre Ngãi đã sai cha Francois Rémi Lizé đến giúp xứ Búng. Cha Lizé sinh ngày 08/06/1838, chịu chức linh mục ngày 25/05/1861. Ngày 09/08/1861 Ngài lên đường từ Pháp sang Việt Nam . Và  khởi đầu mục vụ của Ngài là họ đạo Búng (1862). Tuy nhiên, Ngài chỉ là linh mục ở tạm thời thôi.
Vào năm 1863, cha Lizé được thay thế bởi cha Gioan Khiêm để giúp giáo dân họ Búng. Khoảng chừng một năm thì đêm tối nọ, người không công giáo đến, họ có ý giết linh mục và đốt phá. Cha Gioan Khiêm núp trong chiếu trốn sau những cây cột. Những  người phá phách vào nhà, lục soát khắp nơi, dùng giáo đâm mọi chỗ. Vì không tìm ra cha, nên họ đã đốt nhà thờ và nhà cha ở. Cha Gioan đã chạy thoát mà không bị đâm trúng cũng không bị đốt cháy. Là linh mục trẻ mới thi hành mục vụ nên khi gặp biến cố này Ngài bị căng thẳng, sức khỏe bị tổn hại rất nặng Ngài không thể thực hiện mục vụ tại họ đạo được nữa. Ngài đã ra đi. Ngài qua đời năm 1869.
Họ đạo Búng sau đó không có linh mục soi sóc. Nhà thờ cũng không còn. Giai đoạn này kéo dài khoảng 11 năm thì tình hình trở nên tốt đẹp hơn.
Cha Antôn Nguyễn Văn Võ (1837-1886), thụ phong Linh mục ngày 07/01/1866 do Đức cha Jean Claude Miche, được sai đến Búng từ năm 1867, và công việc mục vụ bắt đầu thành hình rõ nét tại BÚNG. Sổ rửa tội được cha ghi bắt đầu từ năm 1875. Cha đã phục vụ Búng từ năm 1867 đến khi qua đời (06/10/1886) tại Búng và được an táng trong nhà thờ trước bàn thờ Đức Mẹ.( X. " Les pretres indigènes", ở Tòa TGM/TP.HCM).
Kể từ đó cho đến nay có khoảng 50 linh mục đến phục vụ tại giáo xứ Búng. Trong số đó có nhiều vị đã từ trần, có vị an táng tại Giáo xứ Búng.
Có lẽ do mang dòng máu của thánh Tử đạo trong lòng dạ mình, vì thế, Giáo xứ Búng là một trong các giáo xứ sinh ra nhiều ơn gọi cho Giáo Hội. Tính đến nay số linh mục là 46 (kể cả thánh Phêrô Quí), trong đó có hai vị là giám mục; số tu sĩ nam nữ khoảng 300.
Hiện nay Giáo xứ Búng có khoảng 5000 giáo dân gốc và 2000 giáo dân từ các miền xa xôi trong nước đến sinh sống. (do Những năm gần đây trên đất Búng có nhiều phát triển, nhất là các khu công nghiệp thi nhau ra đời, đã lôi kéo rất nhiều người đến sinh sống và làm việc).
Như vậy Tin Mừng đến với Giáo Hội Việt Nam gần 500 năm, thì Giáo xứ Búng đã hiện diện và sống những nỗi thăng trầm xen lẫn ngọt ngào và cay đắng cùng với Giáo Hội Việt Nam khoảng 200 năm. Đó là niềm hạnh phúc, là niềm tự hào cho những ai đang sống, làm việc và phục vụ tại Giáo xứ Búng.

Trích từ "Lịch Sử Họ Đạo Búng" - của tác giả PT.

BÀI VIẾT CÙNG MỤC