§34 - KIỂM ĐIỂM
1. Công đồng Vatican II, một cuộc kiểm điểm sâu rộng trong Hội Thánh.
* Trên đường hy vọng, thỉnh thoảng con phải dừng chân nơi bóng mát, để kiểm điểm lại: rút kinh nghiệm bước tiến, chuẩn bị thêm hành trang, sửa chữa những bước lệch lạc (ĐHV 883).
* Công tác càng lớn, kế toán càng kỹ. Nếu con cẩu thả, ấy là dấu con xem thường sự sống đời đời của con (ĐHV 884).
Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, rảo qua những chặng đường lịch sử của Hội Thánh của Đức Giáo Hoàng đã can đảm mạnh dạn đứng ra triệu tập nhiều Công đồng chung để kiểm điểm lại lối trình bày nền Thần học của Hội Thánh, phi bác các chủ trương lầm lạc của các lạc giáo, canh tân đời sống đạo của mọi Kitô hữu.
- Công đồng Nicêa (325).
- Công đồng Constantinopoli (381).
- Công đồng Chalcêdonia (451) phán dạy các tín điều về Thiên Chúa Ba Ngôi, về Chúa Giêsu Con Thiên Chúa, về Chúa Thánh Thần đồng bản tính với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.
- Công đồng Êphêsô (431) truyền dạy Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, phi bác lạc thuyết của Nestêriô, Thượng phụ thành Constantinôpôli.
- Công đồng Tridentinô (1545-1563) dạy các Tín điều về sự Cứu rỗi, về Đức tin, về phép Thánh Thể, bác lại các lạc thuyết do Lutherô, Calvinô, Zwingli... đồng thời ban bố những Huấn thị về việc đào tạo các chủng sinh, về kỷ luật các hàng giáo sĩ.
- Công đồng Vaticanô I (1870) quyết định Tín điều về đặc ân "Bất khả ngộ" của Đức Giáo Hoàng.
Riêng Công đồng Vaticanô II (1962-1965), thì có một sắc thái hoàn toàn mới mẻ, tuyệt nhiên không nhằm phi bác hay rõ rệt lên án một lạc thuyết nào; nhưng ngược lại đã kiểm điểm những thiếu sót còn tồn tại ở một số thành phần của Hội Thánh cách chân thành và khiêm tốn. Ta có thể đọc đó đây giọng kiểm điểm như sau:
Trách nhiệm của người Công giáo đối với vấn đề Vô thần:
"...Lắm lúc người tín hữu cũng mang lấy một phần trách nhiệm về tình trạng này. Vì Vô thần không tự mình phát sinh, nhưng do nhiều nguyên nhân: một trong những nguyên nhân là phản ứng chống lại các tôn giáo, cách riêng chống lại các Kitô giáo trong vài miền. Vì thế các tín hữu có một phần trách nhiệm rất to trong việc sinh ra Vô thần, vì họ đã che kín hơn là làm sáng tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo, bởi chểnh mảng trong việc giáo huấn đức tin, trình bày đạo lý sai lầm, vì những khuyết điểm của đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội..." (Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng, số 19).
Hội Thánh không ngừng thúc đẩy tẩy luyện và đổi mới.
"Mặc dầu Hội Thánh, nhờ ơn Chúa Thánh Thần, vẫn luôn là bạn tình trung thành của Chúa, và luôn là dấu chỉ phần rỗi trong thế giới; tuy nhiên, Hội Thánh cũng nhìn nhận là qua các thế kỷ, trong các chi thể của mình. giáo sĩ hay giáo dân, có những người đã bất trung với Thánh Thần của Thiên Chúa" (Thánh Ambrosiô).
"Ngay cả hiện giờ, Hội Thánh thấy cách biệt khá xa giữa sứ điệp của Hội Thánh rao giảng và sự yếu đuối của những kẻ được ủy thác sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Cho dầu lịch sử có phê phán nào về những khuyết điểm đó, chúng ta vẫn phải ý thức và cương quyết sửa sai để khỏi làm tổn thương đến công việc truyền bá Phúc Âm. Để mở rộng lối liên lạc với thế giới, Hội Thánh thấy cần học hỏi nhiều với kinh nghiệm của các thế kỷ. Dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh, Hội Thánh không ngừng thúc đẩy con cái tẩy luyện và đổi mới để cho dấu hiệu của Chúa Khô được rạng chiếu tươi sáng thêm trên khuôn mặt của Hội Thánh". (Hiến chế Vui Mừng và Hy vọng, số 43).
Hội Thánh còn thúc đẩy kiểm điểm và canh tân cách cụ thể.
Đây chỉ là một tỉ dụ về các Dòng tu: "Phải thích nghi xét lại các Hiến chế, căn bản chỉ nam, các sách luật lệ, sách kinh, sách nghi thức và các sách khác như vậy; hay bỏ những gì đã lỗi thời để thích nghi với các Văn kiện của Thánh Công đồng này..." (Sắc lệnh về Cải tổ và Thích nghi các Dòng tu, số 3).
Nhìn tổng quát thì Công đồng Vatican II là một cuộc kiểm điểm toàn thể sinh hoạt trong nội bộ của Hội Thánh, cũng như kiểm điểm đường hướng đối ngoại, cái nhìn và sự đóng góp của Hội Thánh đối với thế giới ngày nay. Những chi tiết về vấn đề này sẽ được nói đến trong các mục "Canh tân" và "Dấn thân", xin miễn nhắc lại. Nhưng điểm đặc biệt ở đây là Công đồng Vatican II không kiểm điểm cách tiêu cực, bi quan, theo lối điều tra, chỉ trích, lên án, thanh trừng trong nội bộ hay đối phương, ngược lại, đây là một sự suy niệm sâu rộng dưới ánh sáng Tin Mừng, bao quát tất cả mọi vấn đề của con người, và nhằm đem lại hiệp nhất với các anh em ngoài Công giáo, thông cảm và hợp tác với các anh em Vô thần.
Đức Phaolô VI, trong giây phút huy hoàng cảm động nhất của nghi thức bế mạc Công đồng Vatican II tại công trường thánh Phêrô, đã dùng những danh từ như sau để diễn tả sự kiểm điểm ấy: "Giờ lên đường, giờ giải tán đã điểm. Lát nữa, Chư huynh sẽ từ giã Đại Hội Công đồng để trở về gặp gỡ nhân loại, mang về cho nhân loại Tin Mừng về sự canh tân Hội Thánh, công việc mà chúng ta làm từ bốn năm nay".
"... Từ cuộc suy niệm lâu dài của chúng ta về Chúa Kitô và về Hội Thánh Người, giờ đây phải thốt lên tiếng nói đầu tiên loan báo nền hoà bình và sự cứu độ cho 100 triệu người đang mong đợi..." (Sứ điệp gởi cho thế giới, số 1).
o0o
2. Khám phá giáo phận của mình.
* Bay lồng lộng giữa không gian thế mà lộ trình của phi thuyền rất rõ rệt; là phi hành gia con phải sửa tay lái liên lỉ, và triệt để nghe lời chỉ bảo từ quả đất, lệch lạc là không đến đích (ĐHV 894).
* Để nhằm đúng hướng trên đường hy vọng, con phải phản ứng ngay: "Lạy Chúa, tất cả vì yêu mến Chúa, tất cả vì Chúa trong anh em con. Con không dành gì cho con, Con không muốn ai biết ơn con, Con không muốn phần thưởng nào." (ĐHV 903).
* Con thấy hoài bão lớn lao, chương trình hành động vĩ đại, trở ngại cao như núi, rộng như biển, con yếu đuối sao vượt nổi! Lấy phương tiện ở đâu? Thánh Phaolô đã nói với giáo dân ngày xưa băn khoăn như con: "Chúa chọn kẻ yếu đuối để làm cho kẻ mạnh mẽ phải hổ thẹn", "miễn là ơn Chúa không vô ích trong tôi", nghĩa là con phải trung tín nghe theo ơn Chúa (ĐHV 907).
Đức Hồng Y Suhard (1874-1949) là một vị chủ chăn lỗi lạc, điều đó chẳng một ai dám phủ nhận, đặc biệt về đường hướng đạo đức thâm sâu mà ngài đã vạch ra trong các thư luân lưu danh tiếng, chẳng hạn như: - "Hội Thánh tiến hay lùi" (Essor ou déclin de l'Eglise)(Mùa Chay 1948). - "Linh mục giữa xã hội" (Le Prêtre dans la cité), (Mùa Chay 1949).
Đức Thánh Cha Piô XII rất lấy làm cảm phục khi đọc qua các thư luân lưu ấy. Trong một dịp Đức Hồng Y Suhard đến Vatican để yết kiến, ngài đã tươi cười nói đùa rằng: "Năm nay Đức Hồng Y có ra thông điệp nào mới không?"
Giữa những bận rộn của Giáo phận gồm mấy triệu giáo dân, mười Giám mục phụ tá, 1500 linh mục và cả vạn tu sĩ nam nữ, một hôm, linh mục Bí thư trình Đức Hồng Y một tập sách mới viết, định xuất bản, do một linh mục trẻ trong giáo phận soạn ra. Linh mục ấy thiết tha xin Đức Hồng Y xem qua cuốn sách và xuất y trước khi ấn hành. - Tốt lắm, cha cứ để đấy, lúc nào rỗi tôi sẽ xem.
Một tuần rồi hai tuần, ba tuần trôi qua, Đức Hồng Y bận nhiều công việc, cuốn sách cứ nằm cô đơn ở một góc bàn. Cha Bí thư lựa dịp tiện nhẹ nhàng nhắc lại:
- Khi nào xin Đức Hồng Y xem qua tập sách!
- Được lắm, tôi không quên đâu, nói cha ấy thông cảm nhé!
Lại một tháng nữa trôi qua. Cha trẻ cảm thấy thời gian ấy dài gần như nửa thế kỷ!
Chiều hôm ấy, trời rét như cắt thịt, Toà Tổng Giám mục hoàn toàn vắng khách; trong bầu không khí thân mật, đầm ấm, cha Bí thư rụt rè trình bày:
- Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y xem qua tập sách cho ông cha trẻ kia được phấn khởi, ông ta cứ hỏi con hoài à! Có thể hôm nay vắng khách, xin Đức Hồng Y xem qua tí thôi, cũng như đọc sách báo giải trí vậy!
- Đúng, tôi bận quá nên chậm trễ mất, cha đưa cuốn sách cho tôi, tôi bắt đầu đọc ngay bây giờ.
Cha Bí thư mừng khấp khởi, trao ngay cuốn sách Đức Hồng Y và nhẹ nhàng rút lui.
Bảy giờ tối, chuông điện báo giờ cơm reo vang, mọi người đứng đợi ở phòng ăn, ai cũng thắc mắc "thường ngày Đức Hồng Y là người rất đúng giờ mà sao hôm nay lại phải đợi ngài lâu thế này? Hay là ngài có việc gì chăng?"
Cha Bí thư lon ton chạy lên phòng Đức Hồng Y, gõ cửa, bước vào:
- Mời Đức Hồng Y xuống xơi cơm tối.
- Thôi, cha nói trong nhà cứ ăn đi, đừng đợi tôi!
- Thưa Đức Hồng Y ốm à?
- Không, tôi không sao cả! Cha bảo họ mang vào cho tôi bát xúp và ít bánh mì là đủ rồi. Đừng cho ai vào, tôi bận tí việc thôi, không ốm đâu!
Nghe cha Bí thư thuật lại, mọi người trong nhà vẫn chưa an tâm, vì biết rõ Đức Hồng Y là người rất chịu khó, không bao giờ than van ốm bệnh, lại chẳng đời nào bỏ buổi cơm chung, vì ngài rất quan tâm đến giờ sum họp gia đình ấy! Nhưng thế nào cũng phải vâng lời ngài: người giúp việc mang bát xúp và bánh mì vào để ở góc bàn rồi lui ra.
Mười hai giờ khuya... Đèn trong phòng Đức Hồng Y vẫn còn bật sáng, cha Bí thư gõ cửa bước vào:
- Thưa Đức Hồng Y có ốm bệnh gì không? Mời Đức Hồng Y đi nghỉ kẻo khuya rồi! Không sao cả, tôi đang đọc sách, cha cứ đi ngủ đi!
Một giờ sáng... Đèn vẫn còn sáng trưng trong phòng. Các bà nữ tu giúp việc rất áy náy. Chẳng biết vì sao chiều nay ngài không xuống dùng cơm chung, bây giờ đã một giờ sáng, ngài cũng chưa đi ngủ! Nguy hiểm thật! Bà nhất và một bà phụ trách y tá gõ cửa, bước vào:
- Xin Đức Hồng Y thứ lỗi, chúng con có mang ít thuốc cần dùng lên, nếu Đức Hồng Y nghe trong mình khó chịu không ngủ được, xin Đức Hồng Y dùng chút ít.
Đức Hồng Y vừa cười vừa nói:
- Không sao cả, các bà đi ngủ đi! Cha đọc cuốn sách hấp dẫn quá, đọc từ trưa qua đến giờ, quên cả ăn! Cha quyết đọc xong mới đi ngủ. Chỉ có thế thôi, cám ơn các con.
Hôm sau vừa dùng điểm tâm xong, Đức Hồng Y gọi ngay cha Bí thư vào và bảo:
- Cha gọi điện thoại mời các Giám mục phụ tá, các Tổng đại diện và ban cố vấn đến họp!
- Thưa Đức Hồng Y, chúng ta chưa chuẩn bị gì cả! Chưa có chương trình nghị sự!
- Không sao! Cha cứ điện thoại mời các đấng ấy đi?
- Thưa Đức Hồng Y, con đã điện thoại cho tất cả Hội đồng cố vấn rồi; ai cũng hỏi con: có vấn đề gì khẩn trương đến thế?
- Nói thực cho cha nghe, đó là tập sách của cha Henri Godin nhan đề: "Nước Pháp, một xứ truyền giáo" (La France, pays de mission) mà cha đã giao cho tôi chiều hôm qua. Tôi đã đọc hết cả cuốn quên cả ăn cả ngủ. Mấy lâu nay tôi cứ nghĩ rằng tôi đã biết rõ thành phố Paris, giáo phận của tôi. Nhưng bây giờ tôi đọc trong đó thấy có nhiều sự kiện rất mới lạ và bất ngờ, khiến cho tôi phải bồn chồn thao thức. Tôi tự kiểm điểm lại: thực tôi chưa biết rõ giáo phận của tôi. Tôi rất cảm kích. Những tư tưởng ấy ám ảnh, thúc bách tôi, khiến tôi trằn trọc suốt đêm, chỉ mong mau đến sáng để gặp các vị cố vấn và tức khắc đi thẳng vào vấn đề... Cám ơn cha Henri Godin đã trao sách ấy cho tôi đọc.
Và kết quả công việc kiểm điểm này là ngài đã lập ra Hội Truyền giáo Paris năm 1944 và ra hai bức thư luân lưu nổi tiếng nói trên.
o0o
3. Khiêm tốn kiểm điểm.
* Nhìn quá khứ để than vãn: vô ích. Nhìn kết quả để kiêu căng: nguy hiểm. Nhìn quá khứ để rút kinh nghiệm cho hiện tại: khôn ngoan (ĐHV 885).
* Kiểm điểm kỹ càng, kiểm điểm sáng suốt, kiểm điểm chân thành, kiểm điểm can đảm. Không kế toán viên nào, không máy IBM nào kiểm điểm thay con được nếu con muốn cho đáp số trước (ĐHV 886).
* Kiểm điểm mấy cũng vô ích, nếu con không dốc quyết cải thiện. Coi máy mà không làm máy lại, xe chẳng chạy được (ĐHV 895).
* "Để sau", đôi khi là đường lối của người khôn ngoan, lắm lúc là khẩu hiệu của những người bi quan, nhát đảm và bại trận (ĐHV 897).
* Chỉ giây phút hiện tại quan trọng. Đừng nhớ ngày hôm qua của anh em để chỉ trích. Đừng nhớ ngày hôm nay của con để khóc lóc. Nó đã vào dĩ vãng. Đừng nhìn ngày mai của con để bi quan. Nó còn trong tương lai. Giao quá khứ cho lòng nhân từ Chúa, giao tương lai cho sự quan phòng Chúa, giao cả cho tình yêu Chúa (ĐHV 898).
Một Giám mục gần San Paolô (Thủ đô Braxin) đã biết rõ tinh thần của phong trào Focolare (Bác ái Hiệp nhất). Ngài muốn tinh thần tốt đẹp ấy cũng được thâm nhập vào giáo phận của ngài. Ngài mời một nhóm linh mục của nhóm Focolare đến giảng tĩnh tâm. Họ đã đến, nhưng ngay những ngày đầu tiên họ gặp phải một sự chống đối rất nặng nề và cảm thấy trở ngại rất nhiều trong việc giảng huấn. Sau đó, vào giờ nói chuyện với các linh mục, họ nhận ra rằng giữa các linh mục và Giám mục có một sự căng thẳng rất trầm trọng. Họ trình bày với Đức Giám mục về chuyện đó, ngài hứa sẽ sẵn sàng xin lỗi các linh mục trong Thánh lễ ngày mai về những khuyết điểm sai lầm và bất công trong suốt thời gian qua. Ngài muốn sống đúng theo câu khuyên của Chúa: "Khi con dâng lễ, nếu chợt nhớ ra có ai bất bình với con, hãy để lễ vật đó trước bàn thờ rồi đi làm hoà với anh em con trước đã, rồi bấy giờ hãy đến mà dâng lễ vật" (Mt 5,23-24).
Trong Thánh lễ, Đức Giám mục đã khiêm tốn xin lỗi cộng đoàn linh mục, nhưng điều đó vẫn không mang lại một kết quả nào. Ngài hiểu rằng cần phải tiến thêm một bước nữa. Ngài tìm đến từng phòng để nói chuyện riêng với mỗi linh mục. Cử chỉ này đã làm cho các linh mục rất đỗi xúc động. Các ngài bắt đầu cởi mở, trình với Đức Giám mục hết mọi khó khăn, mọi vấn đề của các ngài. Các ngài bộc lộ hết tâm hồn mình cho Giám mục và chấp nhận Giám mục như là người anh, như chính Chúa Giêsu, và tạo nên một sự cảm thông sâu xa giữa hai bên. Trong tuần phòng đó, tất cả đã trở nên một đại gia đình, và cuối tuần phòng, Đức Cha đã có một quyết định quan trọng: Ngài thay đổi cách thăm viếng. Từ nay, ngài sẽ ở lại chung sống hai ba ngày với từng linh mục trong mỗi giáo xứ để tạo một bầu khí huynh đệ giữa linh mục và Giám mục. Và từ đây các linh mục cũng rất ước mong đến ngày Đức Giám mục đến thăm xứ mình.
o0o
4. Làm Giáo Hoàng mà vẫn còn nghiêm túc kiểm điểm.
* Kiểm điểm mỗi tối, kiểm điểm mỗi tuần, kiểm điểm mỗi lần xưng tội, kiểm điểm mỗi lần tĩnh tâm. Xe tốt mấy cũng làm máy lại, sức khỏe mấy cũng khám tổng quát nếu muốn tránh sự sụp đổ bất ngờ, không cứu vớt được (ĐHV 887).
* Con đừng khinh dể những sự bất tín nhỏ mọn; không cần bão lụt khủng khiếp, những con sâu nhỏ trong một đêm, có thể làm tan nát bao nhiêu vốn liếng lao lực trong một cánh đồng xanh tươi thơm ngát (ĐHV 888).
* Chỉ có lính điên mới đưa lưng lãnh đạn, miễn đừng tử thương thì thôi. Đó là thái độ của con khi phạm tội nhẹ, chỉ cốt tránh tội trọng thôi (ĐHV 889).
* Con đau đớn vì thấy nhiều phản bội với Chúa: tốt, nhưng chưa đủ. Phải làm như Mađelêna "được tha nhiều vì đã yêu nhiều"; phải làm như Gioan: trốn bỏ Chúa trong vuờn Giêtsimani, nhưng trở lại đứng bên thánh giá, dốc quyết hằng yêu mến bằng hành động (ĐHV 890).
* Không tránh tội nhẹ, con mến Chúa ít quá, con không đủ động lực nội tâm để tiến trên đường hy vọng (ĐHV 891).
Trong cuốn "Tâm hồn nhật ký" Đức Gioan XXIII đã ghi lại tất cả cuộc sống thiêng liêng của ngài, trong đó phần quan trọng nhất là phần ghi lại những lần tĩnh tâm từ lúc còn ở chủng viện (1898) cho đến những năm trên ngôi Giáo Hoàng (1963). Đối với ngài, mỗi lần tĩnh tâm là mỗi lần kiểm điểm lại cuộc đời và có quyết định mới. Đặc biệt là lúc đã ngoài 80 tuổi, gần từ giã dương thế, mặc dù ở trên ngôi Giáo Hoàng bận rộn muôn nghìn công việc đại sự, ngài vẫn thường xuyên tự kiểm điểm. Ngài luôn quyết tâm sống xứng đáng là một tâm hồn cao cả, muốn sửa đổi mình liên lỉ để sống đẹp lòng Chúa cho đến giây phút cuối cùng.
Ngày thứ hai 14.8.1961, ngài ghi:
"Sáu khẩu hiệu để sống hoàn hảo. Muốn được sống hoàn hảo, tôi phải: 1- Ao ước nên "công chính và thánh hảo" chỉ vì mong làm đẹp lòng Thiên Chúa. 2- Hướng mọi tư tưởng và hành động của tôi vào sự phục vụ cùng làm sáng danh Chúa và Hội Thánh. 3- Rất bình tĩnh trước mọi biến cố xảy ra cho tôi hay cho Hội Thánh, vì biết rằng Chúa gọi tôi. Luôn làm việc và chịu khổ vì Hội Thánh. 4- Luôn luôn phó thác cho Thiên Chúa Quan phòng. 5- Luôn luôn nhìn nhận tôi là không. 6- Sắp xếp công việc mỗi ngày rõ ràng, có trật tự."
o0o
5. Ông quản lý xí nghiệp dễ thương.
* Không kiểm điểm "bệnh thiếu sót" là một thiếu sót lớn, đây là một ít hiện tượng: hững hờ làm việc Chúa, tính toán giảm thiểu các hy sinh, khéo léo tránh thoát trách nhiệm, hành động vì lý do trần tục, so đo lánh nặng tìm nhẹ... (ĐHV 892).
* Sự ăn năn hối cải của con không phải là "hát bội", khóc lóc não nùng xong rồi thì hết tuồng, hạ màn. Và đâu lại vào đó! (ĐHV 893).
* Dốc quyết ít điểm, dốc quyết thực tế, dốc quyết căn bản. Có những người tưởng mình thánh thiện vì có một sổ lớn đầy dẫy những dốc quyết mây mưa (ĐHV 896).
* Đừng phiền muộn, đừng ngã lòng. Lắm lúc hiện tượng ấy do bịnh "kiêu ngạo" phát sinh. Con cứ đinh ninh rằng con thuộc chín phẩm thiên thần không thể phạm tội sao? (ĐHV 899).
* Con dốc quyết làm tông đồ Chúa, nhưng con không phó thác vô điều kiện cho Chúa, làm sao con là khí cụ đắc lực trong tay Chúa, khi con còn tháo gỡ và cất giấu ít bộ phận (ĐHV 900).
Anh Romulo, quản lý một xí nghiệp ở Philippine có thuật lại câu chuyện của anh như sau: "Tôi làm việc tại một xưởng bia nọ ở Philippin. Trong xưởng có 1000 công nhân nhưng họ không hề liên lạc với nhau và sống tình huynh đệ chút nào cả. Tôi quản trị cái xí nghiệp này, nhưng cũng chẳng có mối dây thân hữu gì với họ. Tôi đối xử với họ như đối xử với nô lệ, vì thế tôi bị họ ghét cay, ghét đắng.
"Nhưng từ ngày tôi tập sống Lời Chúa, tập chia sẻ kinh nghiệm sống, biết kiểm điểm mọi sự dưới ánh sáng Tin Mừng, đời tôi biến đối rõ ràng. Tôi nhìn thấy Chúa trong những người công nhân, và do đấy muốn bắc một nhịp cầu thông cảm giữa họ với nhau và giữa họ với tôi, muốn yêu Chúa Giêsu nơi mỗi người trong họ. Nhưng thoạt đầu không phải là dễ! Vì ghét tôi, họ cho tôi là có ý đồ xấu: sợ đình công, gây cảm tình cá nhân, thu phục lòng nhân viên để dễ bề dò xét. Họ hoài nghi tôi không thành thật với họ; nhưng tôi đã kiên nhẫn, và sau hết đã thành công.
"Giờ đây, mỗi sáng tôi không còn cảm thấy chán ngấy khi bước chân vào xí nghiệp nữa, vì bầu khí đã thay đổi hẳn trong sự liên lạc giữa công nhân với nhau và với quản trị viên. Đặc biệt nhất là một sáng kia, có một công nhân đến chào thăm ông Giám đốc, một chuyện chưa bao giờ xảy ra trước đó! Ông Giám đốc hỏi: "Tại sao thế?" Anh công nhân trả lời: "Vì ông đã thấy Chúa Giêsu trong tôi và tôi đã thấy Chúa Giêsu trong ông."
o0o
6. "Phải sửa chữa bất công".
* Kiểm điểm rồi con phải làm thế nào? Con hãy khiêm tốn khóc lóc tội mình như Phêrô, con hãy ngồi bên chân Chúa, yêu mến bù lại như Mađalêna, con hãy dốc quyết canh tân như Giakêu, con hãy làm tông đồ hăng say như Phaolô. Tràn đầy hy vọng con tiến lên (ĐHV 904).
Dưới nanh vuốt độc tài Phátxít của Hitler, chính Giáo Hội Công giáo Đức là nạn nhân trước tiên và kế đến là những người Đức lương thiện khác. Dầu vậy, sau ngày Đảng Quốc xã bị triệt hạ, hàng giáo phẩm Đức đã khiêm tốn cùng nhau kiểm điểm lại quá khứ đau thương cũng như trách nhiệm nặng nề của nước họ trong thế chiến thứ hai vừa qua. Nhân ngày 1.9 là ngày kỷ niệm đại chiến bùng nổ, hàng Giáo phẩm Đức đã ra một tuyên bố như sau:
"... Dưới chế độ Quốc xã, nước Đức của thời ấy đã gây nên một cuộc chiến tranh tiêu diệt 50 triệu người và làm cho vô số người bị thương tích trầm trọng, hoặc phải mất quê hương, gia tài, sản nghiệp.
"Trước sự kiện ấy, chúng tôi trước sau như một, nhất trí với lời tuyên bố của hàng Giám mục Đức ngày 23.8.1945: "Những điều đã xảy ra trong nội bộ của nước Đức trước chiến tranh thực là khủng khiếp; những điều này xảy ra trong chiến tranh do nước Đức gây nên đối với các nước bị xâm lăng cũng rất khủng khiếp. Chúng tôi hối tiếc sầu xa về những sự việc ấy. Nhiều người Đức, ngay cả trong hàng ngũ chúng tôi, vì bị mê hoặc bởi lý thuyết Quốc xã thâm độc xấu xa, đã hững hờ trước những tội ác phạm đến tự do và nhân vị của con người; lắm người lại có thái độ ủng hộ, dung túng tội ác; có kẻ còn trực tiếp nhúng tay vào tội ác đó nữa".
"Nên sau trận chiến thứ hai, toàn dân Đức ta đã phấn đấu đến mức tối đa để sửa chữa, để đền bù những bất công đã gây nên, để rút những bài học về sự lầm lạc của chúng ta, bằng cách xây dựng lại cộng đồng của chúng ta và làm cho dân tộc ta hoà mình với cộng đồng các dân tộc khác.
"Chúng tôi xin nhắc lại lời cám ơn đối với những người, tuy đã chịu muôn vàn đau khổ do người Đức gây ra cho họ trong cuộc thế chiến, thế mà vẫn sẵn lòng tha thứ, hoà giải...
"Chúng tôi tìm lời giải đáp cho câu hỏi: "Vì sao nước Đức đã đâm đầu vào một trận chiến tàn khốc đến mức độ ấy". Nhưng không phải vì thế mà chúng ta tránh được một câu hỏi khác: "Trách nhiệm về ai?"
"Chúng ta phải thẳng thắn bác bỏ luận điệu cho rằng là tội chung của dân Đức, bởi vì nhiều người Đức đã hy sinh mạng sống và tự do của họ để chống lại chủ nghĩa Quốc xã.
"...Chúng ta cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính Giáo Hội Đức. Chúng tôi biết rằng có người đổ lỗi cho Giáo Hội. Dĩ nhiên, Giáo Hội Đức có một phần trách nhiệm. Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải phấn đấu liên tục hầu thoát khỏi hậu quả của những sai lạc và lầm lỗi mà thời đại kinh khủng ấy còn để lại. Từ mấy chục năm nay, chúng tôi đã tổ chức nghiên cứu tất cả các tài liệu lịch sử liên quan đến giai đoạn rùng rợn ấy.
"Nhưng không phải chỉ đối với quá khứ, chính đối với hiện tại mà chúng ta dễ đi con đường nguy hiểm là chối bỏ tội lỗi của bản thân chúng ta, kiếm cách tự bào chữa hay trốn tránh. Chính thái độ ấy đưa đến những thoả hiệp đồng lõa sâu độc hơn và những trách nhiệm nặng nề hơn nữa. Chúng ta phải quyết tâm nhìn nhận trách nhiệm của chúng ta và xưng ra trước mặt Chúa.
"Chúng tôi kêu gọi mọi tín hữu và mọi người thiện chí hãy hiệp ý cùng chúng tôi để cầu nguyện, trong những ngày kỷ niệm đầy đau thương này, cho những nạn nhân của trận đại chiến thứ hai, và cũng cầu nguyện cho những nơi mà nay quyền căn bản của con người bị tước đoạt...."
o0o
7. Đại Hội Giám mục Á châu.
* Thấy công cuộc lớn lao, lắm lúc con nghe cám dỗ muốn được sự khuyến khích, được phương tiện của quyền thế để làm việc Chúa kết quả chóng hơn, vinh danh Chúa hơn. Vinh danh Chúa hay sáng danh con?
- Nếu cần phương diện quyền thế, Chúa Giêsu đã dùng rồi.
- Hãy tìm nước trời rồi mọi sự sẽ được ban thêm cho con.
- Chỉ trích kẻ khác, cậy quyền thế để rồi con cũng nương tựa và nô lệ quyền thế sao? (ĐHV 901).
* Phải chăng con sợ người sáng suốt cười con là "điên dại"? Têrêsa Avila, Phanxicô Assiô, Cottolengô, Gioan Boscô... lúc còn sống nhiều người gọi là điên dại, nhưng ngày nay những tên điên dại ấy lại được tôn làm thánh. Hãy tin tưởng và mạnh tiến (ĐHV 902).
* Mọi người đều mang nhiều ước vọng: Sách báo, Trường học, Hội đoàn, Nhà máy. Với sức con, ước vọng lại hoàn ước vọng. Nhưng để ơn Chúa vào trước cái ước vọng ấy, con có những số kỷ lục. Ngàn sách báo, Vạn trường học, Triệu hội đoàn, Tỷ nhà máy. (ĐHV 905).
* Phương tiện của con cũng như các Tông Đồ:
Thánh Thể: "Thày ở với con mỗi ngày đến tận thế."
Thánh Linh: "Thày sẽ sai Đấng An Ủi đến cho các con."
Mẹ Maria: "Đây là Mẹ con."
Phúc Âm: "Hãy đi rao giảng Phúc Âm."
Chúa Giêsu đã trao cho con, con cho là ít sao? Thế gian có gì sánh được không? (ĐHV 906).
Dưới sự chủ tọa của Đức Phaolô VI, từ 23-29 tháng 11 năm 1970 tại Manila, 250 vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục khắp lục địa Á châu đã họp và thảo luận bảy đề tài liên quan đến Á châu, một lục địa mà dân số đông gần bằng hai phần ba nhân loại, một lục địa của những người trẻ: gần 60% dân số dưới 25 tuổi, một lục địa của nhiều nền văn hoá, tôn giáo, lịch sử và truyền thống cổ xưa khác nhau, một lục địa đang bừng tỉnh, đang viết nên lịch sự thời đại sắp đến cho nhân loại.
Sau khi nghe những bản tham luận do đại diện hàng giáo phẩm mỗi nước đọc, các Giám mục đã trao đổi, thảo luận và cuối cùng đã cùng nhau soạn thảo và bỏ phiếu từng số bản tuyên ngôn quyết nghị, trong đó, với những lời lẽ rất thắm thiết và chân thành, các Giám mục đã khiêm tốn kiểm điểm lại quá trình của sinh hoạt trong mỗi địa phương mình để tiến lên, dấn thân hoàn thành những bổn phận cụ thể của giai đoạn lịch sử sắp đến. Nhiều giáo sĩ, tu sĩ ngày ngày đã và đang đọc bản quyết nghị ấy để suy niệm và cầu nguyện như của chính bản thân mình. Chúng ta cũng hãy ghi lại một vài số trong bản quyết nghị ấy:
Số 16.
"Trong quá khứ, tạ ơn Chúa, chúng tôi đã cố gắng sống trung thành với sự đòi hỏi phục vụ, ngay cả với giá máu tử đạo: nhiều người đi trước chúng tôi đã giúp cho các quốc gia chúng tôi tiến bộ, nhờ trường học và nhà thương, nhiều hình thức phục vụ cộng đồng và các công cuộc từ thiện. Phần đóng góp của họ để phát triển văn hoá và tinh thần không phải là không đáng kể.
Số 17.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải lấy làm tiếc mà nhìn nhận rằng chúng tôi cũng đã thiếu sót. Chúng tôi đã chỉ bảo về những quyền lợi hẹp hòi và "riêng tư". Chúng tôi đáng lẽ phải tỏ ra cảm thương và lo lắng hơn cho người nghèo và phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn cho công bình và cho công cuộc bảo vệ nhân quyền. Chúng tôi đã không thể hiện một đời sống Kitô hữu, và không làm cho Hội Thánh được nhập thể trong những đường lối và mẫu mực của mỗi nền văn hoá riêng của chúng tôi, và do đó đã làm cho Hội Thánh trở thành xa lạ trong quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi đã không cố gắng tìm hiểu, giao hoà và cộng tác với những người anh em của chúng tôi thuộc các Giáo Hội Kitô giáo khác và thuộc những tín ngưỡng khác.
Số 18.
"Trước mặt Chúa Kitô và những anh em chúng tôi, chúng tôi hết lòng thành khẩn dấn thân chịu trách nhiệm "về tất cả những gì liên quan đến nhân phẩm con người". Bởi quả thực là sai lạc nếu vì chúng ta dấn thân với Chúa Kitô mà chúng ta quay bỏ những nhiệm vụ và công việc trần thế. Trái lại, lòng tin, lòng trông cậy và tình mến Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta phục vụ anh em mình vì biết rằng như Chúa Kitô đã hy sinh mạng sống vì chúng ta, thì chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống cho anh em chúng ta. (Tin thư cho nhân loại của các Nghị phụ Công đồng Vatican II, 20.10.1962).
Những bổn phận cụ thể.
Số 19:
"Trước hết, chúng ta nhất quyết thực sự phải là "Giáo Hội của người nghèo". Nếu chúng ta nhất quyết và đứng về phía những đám đông của lục địa Á châu thì chúng ta phải chia sẻ phần nào sự nghèo khổ của họ trong lối sống cụ thể của chúng ta. Hội Thánh không thể dựng nên những hải đảo trù phú trong một Đại dương nghèo đói khốn khố. Chính đời sống tu của chúng ta phải làm chứng cho tinh thần thanh bần của Tin Mừng. Và mọi người, dù đơn hèn và nghèo khổ đến đâu, cũng sẽ không thấy khó khăn khi đến với chúng ta những người anh em của họ.
Số 20:
"Chúng tôi nhất quyết lấy can đảm mà lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi và có thể chống lại mọi hình thức bất công và bất cứ từ đâu đến. Chúng tôi sẽ không tự bó tay bằng cách thoả hiệp và cấu kết với những người giàu có thế lực trong những quốc gia chúng tôi. Số23:
"Trên lục địa gồm những người trẻ này, chúng tôi quyết trở thành "Giáo Hội của giới trẻ"! Trong giới trẻ và cho giới trẻ, chúng tôi muốn là một Giáo Hội được giới trẻ xem như xứng đáng với lòng ngưỡng mộ và ước vọng của họ. Một Giáo Hội tìm hiểu đáp ứng nhu cầu và đòi hỏi của con người trong xã hội hiện đại. Một Giáo Hội không "chế định trên thế giới và thể hiện hằng ngày bằng hành động, bằng xác tín của lòng tin và bằng sự thôi thúc của lòng mến. Chúng tôi biết đó là Giáo Hội mà giới trẻ đang tìm. Và với sự can đảm mà Thiên Chúa sẽ ban để nâng đỡ sự yếu đuối của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp ứng đòi hỏi đó."
Sau Đại Hội, các Giám mục đã bắt tay thực hiện ngay một số việc cụ thể: bầu một Ban Thường Vụ của Hội Đồng Giám mục Á châu, trong đó có mấy ủy ban chính sau đây nhằm nghiên cứu các vấn đề sôi bỏng nhất của khu vực này:
1- Ủy Ban Phát triển (Á châu là một thế giới của người nghèo).
2- Ủy Ban Phục vụ giới trẻ (Á châu là một thế giới đông người nhất).
3- Ủy Ban Nghiên cứu Tông đồ giáo dân (Thời đại của giáo dân).
http://www.xuanha.net