§37 - SỐNG HY VỌNG
1. Chuẩn bị "Lễ Hiện Xuống mới".
* Để tóm tắt những tư tưởng con đã suy gẫm trước đây, cha mong con hằng ngày nhớ các điều đơn sơ sau đây, khác nào những tấm bảng chỉ lối đi trên đường hy vọng của con:
Con muốn thực hiện một cuộc cách mạng: canh tân thế giới. Hoài bão lớn lao đó, sứ mạng cao đẹp đó, Chúa trao cho con, con thi hành với: quyền lực Chúa Thánh Thần." Mỗi ngày con chuẩn bị Lễ Hiện Xuống mới quanh con (ĐHV 979).
Chính Đức Gioan XXIII đã dùng danh từ "Lễ Hiện xuống mới" để diễn tả Công đồng Vatican II, một biến cố vĩ đại nhất của Hội Thánh trong thế kỷ XX này, một biến cố không ai ngờ trước, ngay cả vị Giáo Hoàng khả kính. Ta hãy đọc chính những giòng do tay Ngài đã viết sau đây:
"Tôi không nghĩ chi trước. Bất ngờ hôm nay 20.1.1959, khi bàn chuyện với vị thư ký, tôi nói đến Công đồng chung, Hội đồng Roma, sữa lại Giáo luật. Thực ra lúc đó tôi không có dự ước hoặc một kế hoạch nào.
"Công đồng làm cho chính tôi cũng bỡ ngỡ và không ai ngờ rằng con người tôi lại nghĩ đến việc lớn lao đó.
"Rồi sau đó, mọi diễn biến tự nhiên xảy đến êm đẹp..."
Ngài cũng không ngờ ngài làm Giáo Hoàng. Sau này chính ngài đã tâm sự: "Lúc thấy số phiếu dồn cho tôi ngày càng lên cao, tôi vẫn nghĩ rằng có thể số phiếu lại dồn về vị Hồng Y khác, vì quả là xứng đáng hơn tôi. Chính tôi cũng công nhận vị ấy xứng đáng, khả kính và tôi rất hài lòng".
Thực sự ngài không ngờ, nhưng ngài đã sống đơn sơ phó thác theo ý Chúa. Ngài đã chuẩn bị cuộc đời ngài nên một dụng cụ sắc bén để Chúa xử dụng trong khúc quanh lịch sử ấy.
Tâm hồn của ngài được trưởng thành, được nên thánh thiện mỗi ngày, vì từ thuở thanh thiếu niên, ngài đã khiêm tốn tự kiểm điểm học hỏi, kể cả việc ghi lại những câu châm ngôn thu góp đó đây để suy ngắm và tôi luyện bản thân, chẳng hạn:
"Khi chê con, người ta nói sự thật; chứ khi khen con, tức họ đã nói quá sự thực và gián tiếp họ nhạo con đấy. Người chê ta là bạn của ta, kẻ khen ta lại là kẻ thù của ta " (Thánh J. Vianney).
"Một câu hoà bình quý hơn một tấn chiến thắng" (Thánh Robert Bellarminô).
"Là người, ai lại không lầm lẫn; chỉ có những thằng khùng mới ngoan cố theo đuổi sự lầm lạc của mình" (Cicêron).
o0o
2. Tạo hạnh phúc cho mọi người.
* Con xúc tiến một chiến dịch: làm cho mọi người hạnh phúc. Con hy sinh mình từng giây phút với Chúa Giêsu, để đem an bình trong tâm hồn, phát triển thịnh vượng cho các dân tộc. Đường lối tu đức thầm kín và thiết thực! (ĐHV 980).
Trên một vùng đất Á châu, có một phụ nữ lang thang đầu đường xó chợ, lăn lóc với những cô nhi nghèo nàn, chui rúc vào trong các xóm "ổ chuột" đói rách, không biết gớm ghiết những người bệnh hoạn ghê tởm nhất... với quyết tâm làm cho họ lành bệnh, bình thường hoá cuộc sống của họ giữa lòng xã hội. Bà đã nuôi các em cô nhi cho đến lúc trưởng thành, tạo điều kiện cho chúng học tập văn hoá, kỷ thuật, để bản thân chúng được sung sướng và đến lượt chúng, chúng cũng làm cho xã hội tiến bộ, phóng mình ra khỏi nghèo nàn, áp bức, bệnh tật.
Người phụ nữ ấy, ta đã có dịp nhắc đến nhiều lần, không ai khác hơn là mẹ Têrêxa thành Calcutta. Tuy là người gốc Nam Tư, sinh ra tại Nam Tư năm 1910, nhưng bà đã hy sinh tất cả, rồi bỏ quê hương thứ nhất để trẩy sang Ấn Độ và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Bà cũng chọn luôn những người đói khổ, rách rưới, bị bỏ rơi làm con cái, anh chị em của bà, vì bà thấy Chúa Giêsu trong họ. Họ đã hiểu bà, yêu thương bà và kính trọng bà như người hiền mẫu.
Khắp Ấn Độ cũng như trên toàn thế giới mọi người đều biết bà và gọi bà bằng một tên rất dịu dàng: "Mẹ Têrêxa".
Mẹ đã lãnh nhận nhiều giải thưởng quốc tế. Ngoài ra năm 1964, khi Đức Phaolô VI sang Bombay (Ấn Độ), giáo dân Mỹ đã tặng cho ngài một chiếc xe hơi Limousine, màu trắng, loại đặc biệt, để ngài xử dụng trong mấy ngày ở Bombay. Lúc rời Ấn Độ, ngài đã tặng chiếc xe ấy cho mẹ Têrêxa! Và mẹ đã đem chiếc xe ra xổ số để giúp người nghèo. Mỗi lần nhận giải thưởng, mẹ Têrêxa cũng đem tặng lại cho các người nghèo yêu quý của mẹ.
o0o
3. Thí mạng vì anh em.
* Con nắm vững một đường lối tông đồ: "Thí mạng vì anh em", vì không có tình yêu nào lớn lao hơn. Con hao mòn từng giây phút và sẵn sàng tiêu hao để chinh phục anh em về với Chúa (ĐHV 981).
Chúng ta đã có dịp nói đến thánh Maximilien Kolbe. Sau đây là lời của Đức Gioan-Phaolô II nói về vị anh hùng thí mạng ấy, lúc ngài đến dâng lễ ở nhà thờ thánh Gregôriô Cả tại Pian duo Torri (Roma) và viếng nguyện đường dâng kính thánh nhân:
"... Tôi muốn bày tỏ niềm vui của một người cha đối với anh chị em, khi thấy anh chị em có hảo ý chọn thánh Maximilien Kolbe làm đấng bảo trợ cho anh chị em. Chính Đức Phaolô VI, vị Giáo hoàng vĩ đại và luôn luôn đáng mến đã gọi ngài là "một hình ảnh sáng ngời của thế hệ chúng ta" (Huấn từ Gaudete in Domino). Như anh chị em đã biết giữa những thử thách bi đát nhất vốn làm cho thời đại ta chìm trong vũng máu. Thánh Maximilien Kolbe đã tự nguyện hiến mình chịu chết để cứu một người anh em mà chính ngài không thân thuộc (ông Francois Gajowiczek). Ông ta là một người vô tội bị kết án tử hình để trả thù vì có một người tù đã vượt ngục Oswecim. Vị tử đạo anh hùng bị kết án chết đói; ngày 14.8.1941, linh hồn tốt lành của ngài đã về cùng Chúa sau khi đã nâng đỡ an ủi các bạn tù cùng số phận khốn khổ như ngài.
"Là một người con hiền lành và khiêm nhường của thánh Phanxicô khó nghèo, một Hiệp sĩ chí thiết của Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, ngài đã băng rừng vượt biển rảo khắp từ Ba Lan sang Ý, đến tận xứ Nhật Bản để làm phúc thiện cho mọi người theo gương Chúa Kitô, "đi đến đầu thì bao ơn lành đến đó" (Cv 10,38). Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Phanxicô là ba mối tình cao cả của ngài, nghĩa là bí quyết đức bác ái của ngài. Ai tiếp xúc với ngài cũng nghe ngài lập đi lặp lại: "Chỉ có tình yêu là sáng tạo". Chính lý tưởng cao cả ấy, bổn phận của mỗi Kitô hữu chân thành ấy, đã giúp ngài vượt qua cơn thử thách rùng rợn khủng khiếp và để lại chứng tích lạ lùng của tình yêu anh em, của lòng tha thứ cho kẻ giết hại mình.
"Ước gì gương sáng và sự trợ giúp của thánh M. Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng người Kitô hữu, đối với tất cả các anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng giày xéo cuộc sống con người...!
o0o
4. Tất cả hiệp nhất.
* Con hô một khẩu hiệu: "Tất cả hiệp nhất", hiệp nhất giữa các người công giáo, hiệp nhất giữa các Kitô hữu, hiệp nhất giữa các dân tộc. Như Chúa Cha và Chúa Con là một (ĐHV 982).
Đức Thượng phụ Athénagoras (1886-1974) là biểu tượng sống động của phong trào hợp nhất Kitô giáo. Ngài liên kết chặt chẽ với Đức Phaolô VI. Ngài tuân theo và đồng ý với mọi đường lối cũng như chương trình của Đức Giáo Hoàng ở Roma. Ngài gọi Đức Phaolô VI là thánh Phaolô 2. Mỗi đêm ngồi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ cho Đức Thánh Cha.
Ngài luôn luôn khát vọng sự hợp nhất. Cũng như Đức Gioan XXIII, lúc hấp hối, miệng ngài đã liên lỉ lặp lại câu này: "Làm sao để trở nên một".
Đức Thượng phụ Giáo chủ còn nói về sự hiệp nhất thế này: "Một ngàn năm đầu, Hội Thánh chỉ là một gia đình, một ngàn năm sau là sự cải vả chia lìa nhau! Còn giờ đây chúng ta đang ở ngưỡng cửa của thời đại mới: Thời đại bác ái hiệp nhất!" Rồi ngài hỏi hai lần: "Các cha có biết cuốn sách nào hay nhất thế giới không? " Và ngài tự trả lời: "Chính các cha là cuốn sách đó, vì nếu chúng ta hiệp nhất trong tình yêu của Chúa là chúng ta hiệp nhất trong Đức Kitô, mà Đức Kitô là tất cả sự khôn ngoan của vũ trụ".
o0o
5. Bánh nuôi sống trần gian.
* Con tin một sức mạnh: Thánh Thể, thịt máu Chúa sẽ làm cho con sống, "cho thế gian sống, và sống phong phú hơn." Manna nuôi dân Do Thái đi đường về đất hứa, Thánh Thể sẽ nuôi con đi cùng đường Hy Vọng (ĐHV 983).
Thế kỷ XX mà chúng ta đang sống, có nhiều người được in năm dấu thánh. Những vị được nói đến nhiều nhất là cha Piô ở Ý, chị Têrêxa Newmann ở Đức và Marthe Robin ở Pháp. Các chị Têrêxa Newmann lẫn bà Marthe Robin suốt mấy chục năm trời không ăn không uống gì, chỉ sống nhờ rước Mình Thánh Chúa. Đó là một phép lạ hiển nhiên xảy ra hằng ngày mà khoa học chẳng tài nào giải thích nổi, và là một hồng ân Chúa ban để củng cố đức tin của ta vào phép Thánh Thể.
Phép Thánh Thể còn là nguồn mạch của sự hiệp nhất giữa hàng ngũ con cái loài người. Ngày hành hương về trung tâm Thánh Mẫu Jasna Góra đã đến, từ nơi bị giam cầm, Đức Hồng Y Stefan Wyzynsky đã truyền phép một hình bánh lớn gửi về trung tâm Thánh Mẫu để bỏ vào Mặt Nhật cho giáo dần toàn quốc Ba Lan đến Jasna Góra được chầu suốt ngày suốt đêm. Đó là chứng tích của sự hiệp nhất giữa vị Giáo chủ và đàn chiên. Mọi người vô cùng cảm động khi nghe tin ấy, lời cầu nguyện do đó sốt sắng, mối giây liên lạc còn thắm thiết vững bền.
o0o
6. Bác ái, đồng phục của chúng ta.
* Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: Bác ái là chứng tích để biết con là môn đệ Chúa, là dấu hiệu rẻ mà khó kiếm nhất.
Bác ái là sinh ngữ số một, mà thánh Phaolô cho là cao trọng hơn tiếng nói của loài người và các thiên thần, là ngôn ngữ độc nhất sẽ tồn tại trên Thiên Đàng (ĐHV 984).
Cha Guido thuật lại: "Trong thời Quốc xã, tu sĩ nhiều Dòng tu bị bắt giam. Trong những ngày đầu, mỗi người còn giữ y phục riêng của Dòng mình, và như thế, họ họp thành từng nhóm nhỏ theo mỗi dòng tu.
"Dần dần, với thời gian. áo dòng rách nát hết, họ phải mặc áo tù nhân nên chẳng còn phân biệt gì nữa. Điều đặc biệt liên kết mọi người là cùng nhau đau khổ. Một thời gian sau nữa, không còn phân biệt người nào thuộc dòng nào, nhưng tất cả đều là anh chị em với nhau: cùng chung một tình bác ái huynh đệ. Đó là lần thứ nhất các dòng tu sống chung với nhau và khám phá ra họ là anh chị em với nhau. Những người lính gác thấy tình thương như thế cũng thay đổi thái độ và cũng đổi chính sách sống giữa họ với nhau nữa: họ đối xử với nhau có tình người hơn".
o0o
7. Bí quyết cầu nguyện.
* Con nắm một bí quyết: cầu nguyện. Không ai mạnh bằng người cầu nguyện, vì Chúa đã hứa ban tất cả. Khi các con hiệp nhau cầu nguyện, có Chúa ở giữa các con. Cha tha thiết khuyên con, ngoài giờ kinh, hãy cầu nguyện mỗi ngày tối thiểu một giờ, nếu được hai giờ càng tốt. Không phải là mất mát vô ích đâu! Trên quãng đường Cha đi, Cha đã thấy lời Thánh Têrêsa Avila ứng nghiệm: "Ai không cầu nguyện, không cần ma quỉ lôi kéo, sẽ tự mình sa xuống hỏa ngục". (ĐHV 985).
Thánh Ignatiô dạy: "Hãy cầu nguyện trước mọi quyết định".
Thánh Bênađô khuyên bảo: "Hãy cầu nguyện hơn cậy tài".
Cha Suars dạy: "Người lãnh đạo nào biết bàn hỏi với Chúa là người lãnh đạo có kết quả nhất".
Cha Gaston Courtois nói: "Ta phải luôn luôn làm một "ê-kíp" với Chúa".
Những lợi ích trực tiếp của đời cầu nguyện.
a- Con sẽ nên dụng cụ sắc bén hơn trong tay Chúa, vì nó luôn luôn trong sáng, luôn luôn mới mẻ.
b- Tâm hồn con nên như một "ăng-ten" tinh vi để thử "làn sóng điện" các tác động của Chúa Thánh Thần.
c- Tâm hồn con như cái "fich cắm điện" (branché) vào luồng điện, nhờ đó ơn hiện sủng Chúa đến liên lỉ với con trong mọi công việc.
d- Con sẽ có tư tưởng và hành động siêu nhiên, vì Chúa, chứ không mưu cầu lợi ích cá nhân, thắng không kiêu căng, bại không nản. e- Con sẽ không trần tục hoá phong cách của con: xử dụng mưu mô thủ đoạn, miễn sao thành công giữa đời.
Những lợi ích gián tiếp của đời cầu nguyện.
Nhờ kết hợp với Chúa, con tránh được các tính xấu sau đây:
a- Thiếu nhẫn nại.
b- Hấp tấp.
c- Sợ mất lòng.
d- Hay thay đổi.
e- Thiên vị.
Nhất là con cứu rỗi được linh hồn của con.
o0o
8. Phúc Âm: Nội quy của con.
* Con giữ một Nội Qui: Phúc Âm. Đó là hiến pháp trên tất cả mọi hiến pháp. Là hiến pháp Chúa Giêsu đã để lại cho các tông đồ; không khó khăn, phức tạp, gò bó như các hiến pháp. Ngược lại, linh động, nhân hậu, làm phấn khởi linh hồn con (ĐHV 986).
Trước khi là một nhà Thánh Kinh học số một trong Hội Thánh, thánh Hiêrônimô đã là một văn hào nổi tiếng. Ngài mê say đọc các tác phẩm của Cicêron. Một hôm ngài nghe tiếng Chúa hỏi:
- Hiêrônimô, con là môn đệ của ai?
- Thưa con là môn đệ của Chúa.
- Không phải, con là môn đệ của Cicêron!
Từ đó, ngài hồi tâm giác ngộ và quyết chí tìm hiểu Lời Chúa. Ngài mê say cho đến nỗi qua tận Thánh địa, vào trong hang đá Bêlem để phiên dịch Thánh Kinh, suy ngắm Lời Chúa, sống lại khung cảnh Chúa Giêsu đã sống, đã làm phép lạ, đã lập phép Thánh Thể, đã tử nạn. Với kinh nghiệm ấy, ngài đã viết: "Ai không hiểu biết Kinh Thánh thì cũng không hiểu biết chính mình Chúa Giêsu". Lời này đã được Công đồng Vatican II trưng lại trong Hiến chế Tín lý Thiên Chúa mạc khải, số 25.
***
Lúc còn bé, cha thấy một cha già làm cái bao, tương tự như bao kiệu Mình Thánh Chúa cho kẻ liệt, trong đó ngài để một cuốn Tân ước nhỏ, bọc nhung (về sau ngài tặng cho cha). Ngài luôn mang trước ngực với lòng cung kính. Lúc nào rảnh lại lấy ra đọc.
Cha cảm phục ngài, nhưng cũng có lắm kẻ trêu ngài, cho ngài là "xưa quá"! Bây giờ cha lớn lên, đọc Hiến chế Tín lý Thiên Chúa mạc khải, số 21, cha càng hiểu rõ và kính mến vị linh mục thánh thiện ấy hơn nữa: "Hội Thánh đã luôn luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính chính Thánh Thể Chúa".
o0o
9. Chúa Kitô dịu hiền ở trần gian.
* Con trung thành theo một vị lãnh đạo là Chúa Kitô và Đại Diện của Ngài: Đức Thánh Cha, các Giám Mục, kế vị các Thánh Tông Đồ. Sống và chết vì Hội Thánh như Chúa Kitô. Đừng nghĩ chết vì Hội Thánh mới hy sinh. Sống vì Hội Thánh cũng đòi hỏi nhiều hy sinh (ĐHV 987).
Đức Giáo Hoàng là đại diện Chúa Kitô ở trần gian, Đức Giám mục là đại diện của Đức Giáo Hoàng trong một giáo phận. Các ngài được Chúa ủy quyền để lãnh đạo dân Chúa, làm nô bộc tình yêu của dân Chúa.
Mỗi ngày dâng lễ, con tuyên xưng và cầu nguyện "Xin Chúa nhớ đến Hội Thánh Chúa lan rộng khắp hoàn cầu, cùng với tôi tớ Chúa là Đức Giáo Hoàng... và Đức Giám mục... của chúng con". Nếu lòng trung thành, yêu mến và hành động của con không đi đôi với lời nói thì con không có tinh thần của Hội Thánh. Con là đứa con bất hiếu, thà hoá thành người dâng nước lả còn hơn. Hãy nhớ lời thánh nữ tiến sĩ Catarina thành Sienna: "Đức Giáo Hoàng là Chúa Giêsu dịu hiền giữa trần gian".
o0o
10. Ý nghĩa của kinh Truyền tin.
* Con có một tình yêu: Mẹ Maria. Thánh Gioan Maria Vianey đã nói: "Mối tình đầu của tôi là Mẹ Maria." Nghe Mẹ sẽ không lầm lạc, hoạt động vì Mẹ sẽ không thất bại, làm vinh danh Mẹ sẽ được sống đời đời (ĐHV 988).
Đức Piô XII và Gioan XXIII đều có thói quen đọc kinh Truyền tin ban trưa và các ngày chúa nhật và đại lễ chung với giáo dân tụ họp ở công trường thánh Phêrô.
Đúng 12 giờ trưa, cánh cửa phòng Đức Thánh Cha mở ra, dân chúng vỗ tay chào Đức Thánh Cha, còi xe ở công trường cũng rít lên... Đức Thánh Cha có mấy lời chào hỏi, nhắn nhủ rồi nguyện kinh Truyền tin và ban Phép lành cho dân Chúa.
Từ ngày Đức Gioan-Phaolô II nhậm chức đến nay, ngài nguyện kinh Truyền tin với dân mỗi ngày và ba lần: sáng, trưa, tối.
Tại Jasna Góra, đền thánh Mẹ quê hương ngài, Đức Gioan-Phaolô II đã nói:
"Anh chị em thân mến,
"Hôm nay tôi nguyện kinh Truyền tin với anh chị em, tôi ước ao cùng anh chi em cầu xin cùng Mẹ rất thánh của chúng ta làm cho kinh Truyền tin luôn luôn nhắc nhỡ cho mỗi người và mọi người trong chúng ta nhớ phẩm giá con người cao trọng chừng nào. Đó cũng là kết quả và là mục đích kinh này. Khi nhắc lại: "Ngôi Lời đã thành xác phàm", nghĩa là Con Thiên Chúa đã làm người, ta phải nhận thức rằng mỗi người đã trở nên cao cả biết chừng nào nhờ mầu nhiệm ấy, mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập thể.
"Mỗi người, đúng thế! Chúa Kitô đã xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria và đã làm người để mạc khải tình yêu muôn đời của Chúa là Đấng Tạo Hoá mà cũng là Cha của chúng ta.
"Nếu chúng ta đọc kinh Truyền tin thường xuyên, kinh ấy phải có một ảnh hưởng trên tất cả cuộc sống của chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nguyện kinh Truyền tin bằng môi miệng, và cùng một lúc hành động trái ngược lại với nhân phẩm, trái ngược lại với bản chất con người Kitô hữu".
o0o
11. Thánh giá trong đời người theo Chúa Giêsu.
* Con có một sự khôn ngoan: khoa học Thánh Giá. Nhìn Chúa Giêsu trên Thánh Giá, con giải quyết ngay được vấn đề đang khiến con xao xuyến. Thánh giá là tiêu chuẩn để chọn lựa và quyết định, tâm hồn con sẽ bình an (ĐHV 989).
Tu sĩ Thomas Homerken (thường gọi là Thoma a Kemplis, 1380-1431) gốc ở Kempen (Rhénanie, Đức) thuộc Dòng Augustinô, là người đã đề ra tác phẩm bất hủ: "Gương Chúa Giêsu". Theo người ta nói, đó là cuốn tu đức được đọc nhiều nhất, sau sách Tin Mừng. Thánh Ignatiô, đấng sáng lập Dòng Tên, đã khuyên một môn sinh như thế này: "Mỗi ngày con phải đọc một chương sách Gương Chúa Giêsu, vì chính cha đã có kinh nghiệm, hể giở ra trang sách nào một cách tình cờ, cha cũng thấy đáp ứng nhu cầu hiện tại của tâm hồn cha".
Cha Thomas Kempis có viết những giòng sau đây:
Ít người yêu mến Thánh giá Chúa Giêsu.
* Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng ít kẻ muốn vác Thánh giá với Người.
* Nhiều kẻ ước ao được an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn được chịu thử thách với Người.
* Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người.
* Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu một sự gì khó vì Người.
* Nhiều kẻ theo Chúa Giêsu cho đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ theo Ngài đến uống chén đắng tử nạn.
* Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu xỉ nhục với Người.
* Nhiều kẻ yêu Chúa Giêsu khi không có gian truân, nhiều kẻ ca ngợi tung hô Chúa Giêsu khi ban ơn an ủi nhưng nếu Chúa Giêsu ẩn mình hoặc bỏ quên họ trong giây lát, lập tức họ sẽ phàn nàn, than trách hoặc quá sức thất vọng.
Cả cuộc đời Chúa Giêsu là Thánh giá và Tử đạo, còn con, con muốn an nghỉ và vui chơi!
Con lầm lạc? Lầm lạc! Nếu con tìm sự khác hơn là thử thách...
o0o
12. Làm sao hướng về Chúa liên lỉ?
* Con có một lý tưởng: Hướng về Chúa Cha, một người Cha đầy yêu thương. Cả cuộc đời Chúa Giêsu, mọi tư tưởng, hành động, đều nhằm một hướng: "Để thế gian biết Thầy yêu mến Đức Chúa Cha và Đức Chúa Cha yêu mến Thầy..." "Những gì đẹp lòng Đức Chúa Cha thì Thầy thực hiện luôn." (ĐHV 990).
Yêu ai thì năng nhớ đến người ấy. Chị em trong dòng Carmêlô cũng đặt câu hỏi trên với mẹ Têrêxa Avila: "Làm sao hướng về Chúa luôn mãi?" Mẹ Têrêxa trả lời một cách rất thực tế, dễ nhớ và dí dỏm: "Các con ạ, nếu các con ở dưới bếp mà các con không thấy Chúa trong nồi niêu, sooang, chảo của các con, thì đời con buồn lắm".
o0o
13. Ai mạnh hơn?
* Con chỉ có một mối lo sợ: Tội lỗi. Triều đình Hoàng Đế Hy Lạp đã nhóm họp để bàn cách trả thù thánh Gioan Kim Khẩu vì ngài đã thẳng thắn khiển trách bà Hoàng Hậu. Kế hoạch I: Bỏ tù. - "Nhưng ông ấy sẽ được dịp cầu nguyện, chịu khó vì Chúa như ông hằng mong muốn." Kế hoạch II: Lưu đầy. - "Nhưng đối với ông ấy, đâu cũng là đất Chúa." Kế hoạch III: Tử hình. - "Ông sẽ được tử đạo, chúng ta sẽ thỏa mãn nguyện vọng ông: được về với Chúa." "Tất cả kế hoạch I, II và III không làm cho ông khổ đau, ngược lại ông sẽ vui sướng chấp nhận." Kế hoạch IV: "Chỉ có một điều ông khiếp sợ nhất, gớm ghét nhất là tội lỗi, nhưng bắt ông phạm tội không được!" Nếu con chỉ sợ tội, thì không ai mạnh hơn con (ĐHV 991).
Thánh Gioan Kim Khẩu (340-407) sinh tại Antiochia nước Thổ Nhĩ Kỳ. Lúc đó ngài 60 tuổi, ngài được bầu làm Giám mục thành Constantinople, thính giả rất say mê tài diễn thuyết và lòng sốt sắng của ngài nên họ đã tặng cho ngài biệt hiệu "Kim khẩu" (Miệng vàng).
Với tính tình cương trực, luôn luôn bênh vực công lý, ngài đã phản đối nữ hoàng Eudoxie về việc bà chiếm đoạt gia sản của một goá phụ ở Callitrope và của nhiều người khác. Ngài đã bị kết án lưu đày. Người ta không biết được bao nhiêu khổ cực ngài đã phải chịu vì Chúa Kitô và bao nhiêu người nhờ ngài mà trở lại với Chúa, nhưng mọi người thảy đều thán phục lòng bác ái, chí khí phục vụ công lý, bênh vực kẻ nghèo, lời diễn thuyết nồng nhiệt và sách vở đạo đức do ngài để lại.
Nữ hoàng Eudoxie sợ sự thật nên phải dùng hạ sách lưu đày ngài, nhưng trước mắt nhân dân, nữ hoàng Eudoxie đã thua sự thật.
o0o
14. Ai tình nguyện.
* Con ôm ấp một ý nguyện: "Dưới đất cũng như trên trời". Dưới đất lương dân biết Chúa như trên trời. Dưới đất mọi người khởi sự yêu mến nhau như trên trời. Dưới đất đã bắt đầu hạnh phúc như trên trời. Con sẽ nỗ lực thực hiện nguyện vọng ấy. Khởi sự đem hạnh phúc thiên đàng cho mọi người ngay từ trần thế. (ĐHV 992).
Trước đây, có một vị Giám mục thừa sai, trong một chuyến trở về lại Âu châu, đã đến thăm một dòng nữ nọ. Chị em trong dòng rất ước mong được nghe chuyện lạ của giáo phận ngài.
Được dịp tốt, Đức Cha nói cho các chị nghe tất cả những nổi khốn khổ của dân chúng trong vùng ấy: nghèo đói, bệnh tật, mù chữ, mê tín dị đoan, khí hậu khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành, không mấy ai sống thọ, thiếu thốn các tiện nghi của thế giới văn minh, thiếu nhất là các nhà truyền giáo nam nữ đến để phục vụ họ phần hồn và phần xác, vì các tu sĩ hiện có vừa ít lại vừa ở xa nhau, không mấy khi gặp nhau, thực cô đơn lúc sống cũng như lúc ốm đau, ly trần.
Ngài dừng lại, ngập ngừng, dường như muốn nói diều gì đó song lại sợ thất vọng phủ phàng... Nhưng cuối cùng, ngài cũng đánh bạo cất tiếng hỏi:
- Thưa các chị em, tôi xin hỏi thử. Có ai trong các chị tình nguyện đến giúp chúng tôi không?
Chẳng chút do dự, cả nhà trên 50 người đều giơ tay tình nguyện:
- Con, con xin đi theo Đức Cha!
Cuối cùng, bề trên phải chọn một số chị em có điều kiện hơn cả để chuẩn bị cho ngày ra đi phục vụ. Những người khác sẽ tham gia bằng cầu nguyện, hy sinh. Ai ai cũng ôm ấp một nguyện vọng: "Dưới đất cũng như trên trời".
o0o
15. Họ đi tìm gì ở Phi Châu?
* Con chỉ thiếu một điều: "Bán của cải, bố thí và theo Thầy" nghĩa là con phải dứt khoát. Chúa cần hạng tình nguyện thoát ly! (ĐHV 993).
Lịch sử Phi Châu có nhiều trang vô cùng đen tối, đẫm máu. Lắm người tự xưng là văn minh tiến bộ đã đến trên mảnh đất Phi Châu để bắt con dân của những dân tộc đáng thương ấy đem sang châu Mỹ bán làm nô lệ. Bắt nhiều người khác đã sang đó để tranh giành bóc lột sức lao động, mồ hôi nước mắt của người da đen, để vơ vét cà-phê, ca cao, kim cương, đồng, chì, vàng, bạc...
Nhưng cũng không thiếu những vị anh hùng âm thầm đem mạng sống đến để phục vụ những người anh em mà tuy bề ngoài đen đủi, xấu xa nhưng trong lòng và trước mặt Chúa rất trong trắng, xinh đẹp.
Trong số những người vô danh có tấm lòng hào hiệp, ta có thể nhận ra khuôn mặt của một vài vị điển hình sau đây:
Ông Raoul Follereau.
Thuộc quốc tịch Pháp, sinh tại Nevers năm I903, ông đã hiến cả cuộc đời để phục vụ người phong cùi. Ông đã đi khắp thế giới để thức tỉnh loài người đừng quên số phận của những người phong cùi mà đại đa số đang sống tại Phi Châu. Phần lớn thời giờ của ông, ông đều dùng để lăn lội từ trại phung này sang trại phung khác hầu tìm mọi cách cứu chữa, giúp đỡ họ. Hội "Bạn người cùi" do ông sáng lập đã làm được không biết bao nhiêu là việc phi thường, nhờ sự đóng góp của nhiều người có khi là người nghèo khổ mạt hạng, nhưng vẫn cố gắng hy sinh để mua một lọ thuốc, một bát cháo trao cho những người khốn khổ hơn họ. Ông Raoul Follereau còn sáng lập "Dòng Bác ái" (l'Ordre de la Charité), một tổ chức tự do quy tụ tất cả những ai muốn dấn thân sống tình huynh đệ trong tư tưởng, lời nói, việc làm và dành một năm một giờ tiền lương cho kẻ nghèo. Ông thường nói: "Chỉ có bác ái mới cứu được thế giới", và viết một cuốn sách rất hay: "Chỉ có một chân lý là yêu thương nhau" (La seule vérité c'est de s'aimer). Ông đã được giải thưởng của nhiều quốc gia và của Hàn Lâm Viện Pháp. Cùng với cha Damien (1840-1889) ông là người được tặng danh hiệu cao quý: "Tông đồ người hủi". Hiện ông vẫn còn sống và còn phục vụ.
Bác sĩ mục sư A. Schweitzer.
Người Pháp thì nói bác sĩ Schweitzer (1875-1965) là dân Pháp, người Đức bảo ông là người gốc Đức, nhưng chắc chắn một điều là ông mang trong mình quả tim Phi Châu!
Là một bác sĩ mục sư Tin lành, Schweitzer còn là một nhà thần học, chú giải Thánh Kinh lỗi lạc, một văn hào kiêm giáo sư âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng. Người ta bảo thiên tài của ông bao quát như Leonard de Vinci, ngoại trừ kiến thức về khí giới. Nếu trọn đời bác sĩ ở Âu châu, thì tương lai của ông vô cùng rạng rỡ. Nhưng ông đã từ bỏ tất cả, vợ chồng cùng nhau sang Phi Châu (xứ Gabon) phục vụ cho đến mãn đời. Vừa chữa bệnh cho dân nghèo từ làng này sang làng khác, mở nhiều bệnh xá khắp nơi, phục vụ mọi người bất kể ngày đêm, bác sĩ Schweitzer lại vừa đem Tin Mừng đến cho nhân dân Phi châu, để họ biết phẩm giá của họ, cũng là người con của Chúa như bao kẻ khác. Ông đã chết và được chôn cất ngay tại mảnh đất Phi châu theo đúng sở nguyện của một tâm hồn quên thân mình vì Chúa và đám dân nghèo. Ông được giải Nobel hoà bình năm 1952.
Đức Hồng Y Léger.
Ai ai cũng biết tiếng Hồng Y Léger, Tổng Giám mục giáo phận Montréal ở Canada. Ngài là một nhà hùng biện trứ danh; chiều nào cũng quỳ gối lần hạt trước hang đá Lộ Đức tại nhà thờ chính toà Montréal và cho truyền đến mọi gia đình khắp nơi trên toàn quốc để giáo dân được tham gia lần chuỗi Mân côi với ngài.
Đời ngài trải qua nhiều danh dự tột bậc. Trước năm 1950, ngài là Viện trưởng Học viện Canada ở Roma, sau đó là Tổng Giám mục giáo phận Montréal và là một tiếng nói thế giá tại Công đồng. Chính ngài, tại Công đồng, đã làm cho Hội Thánh ý thức lại tư cách "nữ tỳ nhân loại" của mình. Và để trở nên một dấu chỉ, năm 1967, ngài đã xin Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cho mình được từ chức Tổng Giám mục, để sang Phi châu sống trong một trại cùi, dâng lễ, giải tội, an ủi và giúp đỡ những người da đen khốn khổ. Đời ngài là một chứng tích sáng ngời của tình thương thí mạng.
o0o
16. Ai áp dụng "Phương pháp tiếp xúc" đầu tiên?
* Con dùng một phương pháp tông đồ hữu hiệu: tiếp xúc, để hòa mình nhập thể với mọi người, để hiểu, để yêu mọi người.
Tiếp xúc hơn giảng, hơn viết sách. Tiếp xúc giữa người với người, lòng bên lòng, bí quyết bền đỗ, bí quyết thành công. (ĐHV 994).
Không phải ngày nay, khi đã có Công giáo Tiến hành, Tông đồ giáo dân, có các lý thuyết gia chuyên nghiên cứu các phương pháp tông đồ, người ta mới đánh giá cao phương pháp tiếp xúc cá nhân (contact personnel) như một khám phá mới mẻ. Phương pháp này đã được áp dụng cách đây đã 2000 năm, và người xử dụng khéo léo phương pháp ấy nhất không ai khác hơn là chính Chúa Giêsu.
Không có một chính trị gia, một lãnh tụ nào xưa nay đã có những tiếp xúc tự nhiên như Người. Những cuộc tiếp xúc của tình thương không quảng cáo. không có ai bảo vệ không có những hứa hẹn lợi lộc, chỉ có sự thật, chỉ có tình thương, trên rừng dưới biển, trong nhà ngoài sân, đối thoại với mọi người, không trừ ai! với người tội lỗi như Giakêu, Mađalêna, thiếu phụ Samaria, với bạn hữu thân tình như mấy chị em ở Bêtania, với các thanh niên, với các cụ già, với đàn trẻ nhỏ...
Từng nghìn người lũ lượt theo chân Chúa Giêsu, theo mấy ngày liền, đến nỗi trong bị cạn cả thức ăn, ngồi chật nhà đến nỗi phải khoét mái để thòng người bệnh xuống...
Không bao giờ ta suy cho thấu tình thương yêu vô cùng cũng như sự thánh thiện và vẻ đẹp đơn sơ hiền hậu của những lần Chúa Giêsu gặp gỡ tha nhân. Hãy thinh lặng suy niệm các đoạn Phúc Âm:
- Chúa nói chuyện với người thiếu phụ xứ Samaria bên bờ giếng Giacop.
- Chúa vào nhà Simon tật phung, nhà Giakêu thu thuế.
- Chúa trực diện với người đàn bà ngoại tình bị lên án phải ném đá.
Và những lời của Chúa Giêsu sau đây:
- "Ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức lại cho".
- "Hãy để các trẻ đến cùng Ta, vì Nước Thiên đàng là của những tâm hồn giống như chúng nó".
- "Ta không đến để được hầu hạ nhưng để phục vụ".
- "Ta không đến để cứu những kẻ công chính nhưng để cứu những người tội lỗi". Con hãy làm như Chúa Giêsu. Hãy tin tưởng và yêu mến Chúa Giêsu. Hãy tiếp xúc như và với Chúa Giêsu. Con sẽ thấy kết quả.
o0o
17. Tại tôi không sống với Chúa.
* Chỉ có một việc quan trọng nhất, Maria đã chọn phần tốt nhất: ngồi bên Chúa. Nếu con không sống nội tâm, nếu Chúa Giêsu không phải là linh hồn các hoạt động của con, thì... Con thấy nhiều, hiểu nhiều rồi, cha miễn nói (ĐHV 995).
Cha Antoine thuật lại: "Có một linh mục sống mười lăm năm trong khổ cực và luôn luôn chống đối Đức Giám mục, ngài cầm đầu một nhóm linh nục phản chứng. Trước ngày ngài định tới gặp Đức Giám mục xin hồi tục về cưới vợ thì tình cờ ngài gặp một người trong số các anh em của tôi. Cha này đề nghị với ngài, hãy làm một cố gắng cuối cùng xem sao. Ngài đồng ý và đến trung tâm chúng tôi. (Trong thời gian này có một cô 28 tuổi bị bệnh ung thư đã hy sinh tất cả để cầu nguyện cho ngài trở lại).
Anh em chúng tôi đón tiếp ngài, cho ngài làm quen với cuộc sống và đối xử chân thành với ngài cũng như đối với các linh mục khác.
Sau một tháng rưởi sống chung, tôi được dịp đọc nhật ký của ngài lúc còn ở chủng viện. Tôi xác tín rằng ngài có ơn gọi thực sự, nhưng tôi không sao trình bày tất cả với ngài, chỉ cầu nguyện và mời ngài tiếp tục sống với chúng tôi.
Sau ba tháng, ngài gặp tôi và nói: "Tôi đã tìm thấy tình huynh đệ đích thực, như ngày xưa thánh Phaolô tìm thấy Thiên Chúa trên đường đi Damas".
Từ đó ngài trở nên cởi mở, vui vẻ, nhưng vẫn mang một tâm sự thầm kín trong tâm hồn chưa giải quyết được.
Một ngày kia, ngài bỏ ra đi và để lại cho tôi một mảnh giấy nhỏ có ghi: "Con đi và con sẽ trở lại vào tháng 8".
Nhưng chỉ mười ngày sau ngài trở về. Gặp tôi ngài chào và nói:
- Thưa cha, con đi gặp bác sĩ riêng.
Tôi không nói gì, cứ vui vẻ mời ngài tiếp tục sống với anh em.
Sáu tháng sau, ngài tới gặp tôi và lần này ngài tâm sự:
- Thưa cha, con đã tìm ra được nguyên tắc để sống. Đời linh mục con đau khổ vì thiếu cuộc sống âm thầm, mật thiết với Chúa Giêsu!
Chúng tôi tiếp tục tâm sự với nhau vui vẻ thân mật hơn. Sau đó, ngài trở về giáo phận, tiếp tục sống đời linh mục tốt đẹp và hạnh phúc".
o0o
18. Làm sao tìm thánh ý Chúa?
* Con chỉ có một của ăn: "Thánh Ý Chúa Cha" nghĩa là con sống, con lớn lên bằng ý Chúa. Con hành động do ý Chúa. Ý Chúa như thức ăn làm con sống mạnh, vui; ngoài ý Chúa, con chết (ĐHV 996).
Nhà thần học Teuler người Đức thuật lại: "Có lần tôi muốn tìm một định nghĩa về thánh ý Chúa, tôi suy nghĩ mãi nhưng tìm không ra; tôi cứ đi dạo thơ thẩn trong các vườn hoa, vào các nhà thờ, lục các thư viện nhưng vẫn tìm không ra. Một hôm, tôi vào cầu nguyện trong nhà thờ, lúc đi ra tôi thấy một cụ già ăn mày đang đứng ở cửa nhà thờ ngả mũ xin tiền. Theo thói quen, tôi lấy tiền biếu cụ và chào: "Bonjour Monsieur!", nghĩa từng tiếng là "chúc ông một ngày tốt". Cụ già trả lời: "Tous les jours sont bons!" (ngày nào lại không tốt). Nghĩ ông già bướng bỉnh, tôi dừng lại và nói:
- Xin lỗi cụ, cụ đói rách thế mà cụ bảo ngày nào cũng tốt sao?
- Thưa ông, tôi theo ý Chúa. Chúa muốn mưa, tôi cũng muốn, Chúa muốn nắng tôi cũng muốn, Chúa muốn sướng tôi cũng muốn, Chúa muốn cực tôi cũng muốn, chấp nhận tất cả. Phần tôi đã lo phấn đấu lao động lúc trẻ nên đủ ăn, giờ đây già, bà con rộng lòng nên cũng đủ ăn, ngày nào cũng đẹp!"
Ông Teuler tiếp: "Cụ già này thông hơn tôi, chính ông đã cho tôi định nghĩa thánh ý Chúa là gì!".
Chính Đức Gioan XXIII, lúc tĩnh tâm chịu chức Phó tế ngày 10.4.1903, cũng đã ghi lại những lời tương tự như thế:
"Trời mưa, trời nắng, trời lạnh, bề trên lớn, bề trên nhỏ, quyết định thế này hay thế khác, tôi vẫn phải vui: Không một lời chỉ trích, kêu ca, công khai hay trong lòng, trên môi bao giờ cũng nở một nụ cười tươi, hồn nhiên chân thành. Thành công không nên làm tôi mất tự chủ, đau buồn của cuộc đời không được đánh đổ tinh thần tôi".
o0o
19. Phút đẹp nhất đời.
* Con chỉ có một giây phút đẹp nhất: Giây phút hiện tại, sống trong tình yêu Chúa cách trọn vẹn; đời con sẽ tuyệt đẹp nếu kết tinh bằng từng triệu giây phút đẹp nhất. Con thấy đơn sơ, không phải khó! (ĐHV 997).
Cha Gonza thuật chuyện: "Hồi ấy tôi là công nhân, có dịp đi tiếp tế ở một trại tù Phátxít. Trại này có chừng 500 người gồm Giám mục, Tổng đại diện, quản hạt, chánh xứ, phó xứ... Họ bị kết án không cho hoạt động gì cả. Tôi nghĩ rằng tôi sẽ gặp những người chán nản, tuyệt vọng. Tôi chắc rằng đau khổ lớn lao nhất đối với họ là thấy hàng vạn giáo dân không có người lo, đang lúc đó 500 linh mục bị cầm tù ở đây. Họ vui vẻ trả lời với tôi: "Chúng tôi đang sống với Chúa và đang theo Chúa ở đây. Theo tính tự nhiên, sống mà không hoạt động, nhất là bỏ con chiên là một điều đau khổ lớn. Nhưng chúng tôi làm điều Chúa muốn, chứ không phải điều chúng tôi muốn. Chúng tôi tin chắc là Chúa sẽ lo cho giáo dân thay chúng tôi. Ở đây chúng tôi chỉ cần làm việc là sống mỗi giây phút đầy yêu thương nhau, sống Phúc Âm. Khi thấy chúng tôi vui vẻ yêu thương nhau và thương yêu họ, cả những người lính gác cũng vui vẻ, tử tế với chúng tôi".
Cha Gonza kể tiếp: "Có lần tôi lại đi tiếp tế cho một linh mục bị giam biệt phòng, tôi hỏi ngài có buồn chán lắm không? Ngài đáp: "Theo tính tự nhiên rất là buồn, vì mình phải câm suốt năm, suốt tháng, suốt ngày. Nhưng rồi tôi đã tập chấp nhận tất cả. Khi có được bánh rượu thì tôi dâng lễ, khi không có bánh rượu thì tôi mang Mình Thánh Chúa trong túi áo, kết hợp với Chúa Giêsu suốt ngày. Và khi không có gì nữa thì tôi theo ý Chúa, tự nhủ nếu Chúa không muốn cho tôi dâng lễ, làm việc tông đồ, thì sống với Chúa trên Thánh giá vậy. Tôi hát suốt ngày và suy niệm Lời Chúa, nghe Chúa nói với tôi, tôi nói với Chúa. Tuy đau khổ, nhưng tôi cứ sống từng phút, hết phút này đến phút khác, và tôi thấy đây là những giây phút đẹp nhất của đời tôi. Chưa bao giờ tôi dâng Thánh lễ, chưa bao giờ tôi chầu Chúa sốt sắng như bây giờ!".
o0o
20. Nguồn cảm hứng của thuyết bất bạo động.
* Con chỉ có một tuyên ngôn: "Phước thật tám mối". Chúa Giêsu đã tuyên bố trên núi: "Bát Phúc". Hãy sống như vậy, con sẽ nếm được hạnh phúc rồi rao truyền cho mọi người con gặp (ĐHV 998).
Trên thế giới, không ai lại không biết thánh Gandhi (1869-1948) một nhà ái quốc Ấn Độ đã dùng đường lối bất bạo động mà thu hồi độc lập cho quốc gia mình. Lúc còn trẻ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư, và nhờ đó đã có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc Âm thường xuyên và rất say mê Chúa Kitô, đặc biệt là thán phục "Tám mối phúc thật" của Người. Ông đã lấy đó làm nguồn cảm hứng cho thuyết bất bạo động của ông rõ rệt mang tinh thần tám mối phúc thật và đã trở thành cho ông một lợi khí để thu hồi độc lập quốc gia từ tay người Anh. Tuy nhiên, vì quá tiêm nhiễm quan niệm của Ấn giáo coi Thượng đế phải hoàn toàn siêu việt, không thể nhập thể cách hèn hạ, và vì thấy nhiều Kitô hữu (đặc biệt là người Anh đang đô hộ nước ông) không sống tám mối phúc thật của Chúa Giêsu, ông Gandhi đã không trở lại đạo. Ông có nói một câu khiến ta phải suy nghĩ: "Tôi yêu mến Chúa Kitô nhưng tôi ghét người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô. Nếu họ giống Chúa Kitô, thì dân Ấn của chúng tôi đã trở lại Kitô giáo cả rồi".
o0o
21. Làm gì để nên thánh.
* Con chỉ có một công việc quan hệ: Bổn phận. Không kể lớn hay nhỏ, vì lúc ấy "con làm việc của Cha con" - trên trời Ngài chỉ định cho tôi thực hiện chương trình của Ngài trong lịch sử. Làm bổn phận là đường lối tu đức chắc chắn nhất, đơn sơ nhất. Nhiều người bày vẽ một lối tu đức rắc rối, rồi phàn nàn là khó! (ĐHV 999).
Các thánh chỉ làm bổn phận mình, theo ơn Chúa ban cho mỗi người. Thánh Giuse và Mẹ Maria không làm gì khác hơn là chu toàn bổn phận âm thầm, khiêm tốn mỗi ngày, nói được là bổn phận tầm thường hơn con nữa.
Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chỉ lo làm việc nội trợ trong nhà Kín như các chị em khác.
Thánh Isiđôrô cứ đi cày như các nông dân khác.
Thánh Gioakim và Anna là cha mẹ gia đình vất vả như cha mẹ của mọi gia đình khác.
Thánh Gioan Vianney chỉ ngồi tòa giải tội như bất cứ một linh mục nào khác. Có linh mục nào mà giải tội không được đâu! Nhưng cha Vianney rất ý thức về bổn phận cao cả của ngài và đã chu toàn một cách rất tuyệt hảo, mặc dầu ngài dốt đặc. Trước ngài ngồi tòa mỗi tuần ít giờ, dần dần mỗi ngày ít giờ, rồi sau cùng, suốt mấy chục năm cuối đời, ngồi tòa giải tội mỗi ngày 18 giờ. Ngài chỉ làm chừng ấy thôi mà ma quỷ cũng phải thét lên: "Nếu trên thế giới có hai đứa như mày thì bọn tao phải bó tay thất nghiệp".
Hiện giờ, chúng ta có hơn 400.000 Linh mục. Nếu ta cùng làm như cha Vianney thì sao!
o0o
22. Ơn Chúa và ý chí con.
Cậu Phaolô Bột, tiểu chủng sinh làng Sơn-miếng, phủ Ung-hòa, tỉnh Hà đông, bị bắt cầm tù vì theo đạo Gia-tô. Cậu bị tra tấn dữ dằn, và vì còn trẻ, non gan yếu dạ nên cậu đã bước qua thập tự giá theo lệnh quan. Người ta thả cậu về. Mẹ cậu đuổi cậu ra khỏi nhà vì không muốn một đứa con chối Chúa. Phaolô bèn đi tìm một linh mục để xưng tội rồi lại trở về xin lỗi mẹ. Mẹ cậu tha lỗi và khuyên cậu: "Hãy vững vàng tuyên xưng lại Đức tin, có Chúa giúp con".
Nhờ ơn Chúa soi sáng, cậu Bột lấy lại ý chí, và với một tâm hồn can trường quả cảm, cậu chạy thẳng đến dinh Thượng Nam Định và lớn tiếng nói: "Tôi đã dại dột bước qua Thập giá, giờ đây tôi đến xưng đạo lại, tôi sẵn sàng chết vì Chúa". Lính đuổi cậu ra và quát bảo: "Đồ ngu dại, đi đi, về nhà ngay kẻo chết. Bén mảng đến đây làm gì!" Nhưng cậu Bột vẫn can đảm đứng lì lại đấy, miệng không ngớt tuyên xưng Đức tin.
Sau khi lãnh bản án của quan phê chuẩn, cậu bị voi chà nát bét cả thân mình. Linh hồn cậu bay thẳng về nơi vinh hiển (1858).
***
Phêlixita và Perpêtua là hai thánh nữ đang học đạo thì bị Hoàng đế Sêvêrê bắt giam. Vì Phêlixita đang mang thai nên được hoãn xử tử, đợi đến ngày sinh nở xong mới mang ra pháp trường. Đang lúc còn ở tù, cả hai đã được vinh dự chịu phép Thánh tẩy trở thành Kitô hữu chính hiệu.
Trong chốn tù ngục, cả hai đã phải phấn đấu gắt gao, vì phải chịu biết bao nhiêu là lo âu dày vò, xao xuyến.
Perpêtua thuộc dòng dõi quý tộc, mỗi ngày người cha già của nàng đến khóc lóc thảm thiết, năn nỉ nài xin con hãy vì tình thương tuổi già của mình và vì gia nghiệp lớn mà chối đạo... Ai là con mà chẳng động lòng xót xa trước giòng suối lệ của thân phụ; nhưng với ơn Chúa và ý chí mình Perpêtua đã thắng.
Còn Phêlixita trong cơn đau đớn lúc sinh con, đã bị lính gác mỉa mai: "Bây giờ sinh con, chị kêu van như thế, ngày nào bị giết, chị chịu sao nổi?" Phêlixita đáp: "Bây giờ chỉ có mình tôi đau khổ, nhưng chừng ấy có sức Chúa trong tôi". Rồi Phêlixita phải dứt lìa tình mẹ con, giao đứa con thơ đang bú cho người nhà nuôi dưỡng. Cả hai chị em đã ra hí trường chịu khổ hình tàn nhẫn. Khi còn có thể, miệng họ vẫn hiên ngang ca hát để chúc tụng Thiên Chúa.
Một lúc sau, hí trường im bặt tiếng hát cả hai đã nát thịt tan xương dưới gót chân và hàm răng của thú rừng tàn bạo. Ơn Chúa và ý chí họ đã thắng. Hôm ấy là ngày 7.3.203.
XUANNHA.NET
XUANNHA.NET
XUANNHA.NET