Tại sao Hội Thánh có đặc tính là tông truyền ?
- Hội Thánh là tông truyền vì Hội Thánh được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ. Hội Thánh nắm vững Truyền thống do các ngài truyền lại, và Hội Thánh được cai quản bởi các đấng kế vị các Tông Đồ. [857-860, 869, 877]
– Chúa Giêsu đã kêu gọi các Tông đồ để làm cộng tác viên thân cận nhất của Người; các ông trở thành những chứng nhân thấy tận mắt của Người. Sau khi Người sống lại, Người đã hiện ra rất nhiều lần với các ông. Người đã ban Chúa Thánh Thần và sai các ông đi như những người loan tin có đầy đủ quyền năng đến toàn thế giới. Trong Hội thánh thời trẻ trung các ông là những người bảo đảm cho sự hiệp nhất. Các ông dùng việc đặt tay để truyền lại sứ mệnh và quyền bính cho những người kế vị là các giám mục. Điều mà các giám mục ngày nay thực hiện theo như các tông đồ đã làm, được gọi là sự nối tiếp các Tông đồ.
Tông đồ có ý chỉ người được sai đi, người loan tin. Tên của 12 Tông đồ là: Simon cũng gọi là Phêrô người đứng đầu, Anrê anh của ông, Giuse con ông Dêbêđê và Gioan em của ông; Philiphê và Batôlômêô, ông Tôma và ông Mathêu người thu thuế, ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simon thuộc nhóm quá khích và ông Giuđa Itcariốt, chính là kẻ nộp Người (Mt 10,2-4).
Sự nối tiếp các tông đồ. Đi từ các tông đồ có các giám mục nối tiếp không ngừng trong sứ vụ giám mục. Chúa Giêsu đã trao ban đầy đủ quyền năng cho các tông đồ. Việc này được tiếp tục từ giám mục này sang giám mục khác bằng việc đặt tay và cầu nguyện cho đến khi Chúa trở lại.
« Hội thánh không bao giờ bằng lòng với nhóm những người mà Hội thánh đã thành công đạt được vào một thời điểm, và nói rằng các nhóm khác rồi sẽ cũng như thế : Hồi giáo, Ấn giáo và cứ như thế. Hội thánh không thể nào rút lại cách dễ dàng vào trong giới hạn lãnh vực riêng của mình. Hội thánh có trách nhiệm quan tâm cách phổ quát, Hội thánh phải lo lắng cho mọi người và về mọi sự. Đức Bênêđictô XVI, 7-5-2006