TRI ÂN QUÝ CHA - Linh Mục Giacôbê Nguyễn Ngọc Công

 

·        Sinh năm: 1907

·        Tại: Phước Lễ, Bà Rịa

·        Thụ phong linh mục: 21-9-1935

·        Từ năm: 1935 – 1938: Phó xứ Búng

·        Từ năm 1938 – 1941: Phục vụ họ đạo An Lộc - Cáp Rang (GP Xuân Lộc)

·        Từ năm 1941 – 1942: Phục vụ họ đạo Tân An. Quản nhiệm họ đạo Thủ Thừa

·        Từ năm: 1942 - 1945: Chánh xứ Vĩnh Hội (Khánh Hội, Sài Gòn)

·        Bị giết tại Vĩnh Hội ngày 02/09/1945. Hưởng dương 38 tuổi.

 

Bài viết liên quan:

Hai Người Bác Tôi

 

Do vài sự thúc đẩy nói rằng trong năm linh mục, người ta nói đến các “chân dung linh mục” mà sao anh lại không nói đến bác anh, ít ra là cũng vài câu, vì bác anh cũng là linh mục. Tôi đã có ý nghĩ là việc này, để người khác làm. Hôm nay, khi năm linh mục sắp kết thúc, tôi mạo muội đem chuyện nhà ra nói ở đây. Tôi có hai người bác làm linh mục. Đó là cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Công và Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, mà thuở đó, người dân xứ tôi, Bà Rịa, quen gọi là cha chín, cha mười. Thánh bổn mạng của nhà thờ Bà Rịa là hai thánh Philipphê và Giacôbê, ở xứ tôi, nhiều người đã chọn thánh Giacôbê tông đồ được làm thánh đỡ đầu, nên ngoài Giacôbê Công và Giacôbê Quang, chúng ta còn có Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, giám mục địa phận Vĩnh Long.
Hai bác tôi
Gia đình ba tôi có tất cả 10 anh chị em, và hai anh em Công Quang là hai người con thứ tám và thứ chín mà trong Nam gọi là thứ chín, thứ mười. Gốc gác thì hai bác tôi tên là Kinh Sử (rồi Sở) nên nếu về làng xã mà tìm giấy khai sinh cho bác mười tôi thì không có giấy tờ nào mang tên Nguyễn Ngọc Quang, chỉ có giấy khai sinh của Nguyễn Văn Sở. Có lần tôi hỏi, bác nói: mầy không nói, tao cũng không nhớ là tao còn có tên là Nguyễn Văn Sở!
Ngoài hai bác tôi là hai linh mục, cô bảy tôi là sơ dòng thánh Phaolô Sài Gòn: sơ Mađalêna Nguyễn Ngọc Văn, đau khi đang tu, được đưa về Bà Rịa ở với mẹ rồi chết tại quê, trong tay mẹ là bà nội tôi.
Năm đó, dịp lễ kính thánh Giacôbê, anh em tôi về Cần Thơ thăm bác nhân dịp lễ bổn mạng của bác. Chiều tối hôm đó, nói chuyện chơi xong, bác nói:
- Ngủ đi rồi mai sáng xem lễ trên lầu đây, tao sẽ làm lễ cho bác chín bây!
Bác chín tôi không chết ngày này, nhưng hằng năm, bác mười tôi làm lễ cầu cho “anh mình” vào ngày lễ bổn mạng của hai bác, và những ngày khác trong năm mà theo tôi được biết là ngày chết của bác chín tôi, ngày lễ các đẳng, bác mười tôi dâng lễ để cầu cho hết thảy ông bà cha mẹ, anh em, họ hàng…
Bác chín tôi 
 

Bác chín tôi tên là Giacôbê Nguyễn Ngọc Công. Người xứ tôi đã gọi bác là thầy chín rồi sau đó là cha chín. Theo như nghe kể, bác đi tu trước, rồi làm thầy trước. Năm 1930, khi Đức Cha Tòng về nước, được đón tiếp đặc biệt tại Chủng Viện Sài Gòn. Dịp này, các thầy Đại Chủng Viện có tổ chức buổi ca hát chào mừng, và nhân dịp này, các thầy có đọc một bài vè. Không biết bài này do thầy nào đã đứng ra đọc, nhưng được biết là do bác mười tôi viết. Bài vè này không được các cha thừa sai người Pháp hài lòng nên cha bề trên đã cho điều tra. Bác chín tôi đã đứng ra nhận rằng mình là tác giả của bài vè nên bác đã bị “cầm chức” và chịu chức hai (?) năm sau cùng một lượt với em. Thì ra quả là vô tình, việc cầm chức đó đã làm cho vinh hạnh của họ đạo tôi càng thêm to lớn, có tới hai cha cùng vinh qui trong một ngày, ngày 23 tháng 9 năm 1935. Trong hình kèm đây, hai tân linh mục đứng ở giữa, bác chín tôi đứng bên phía trái (cầm đèn tay phải), và bên cạnh là bác mười tôi. Cha đứng hơi cao phía sau bác mười tôi là cha sở cựu Nguyễn Thanh Long, cha đứng ở hàng sau, đầu bạc là cha sở Phaolô Đoàn Quang Đạt. Hàng chữ viết trong hình là thủ bút của bác mười tôi.

Sau khi chịu chức, không biết bác đã phục vụ tại những họ đạo nào, nghe những người biết bác nói là bác đã ở họ Búng, họ Thủ Thừa, và họ cuối cùng là Vĩnh Hội cho đến ngày cuối. Tính ra, bác chín tôi phục vụ được không tròn 10 năm từ 23-9-1935 cho đến 2-9-1945, rồi bị giết năm 38 tuổi. Khoảng năm 1978, có dịp đi Búng, ghé vô một nhà, tôi ngạc nhiên sung sướng thấy hình của bác chín tôi được treo trong nhà!

Năm 1945, phong trào Việt Minh nổi lên ngày 2 tháng 9. Theo lời ông biện Thời (Cầu Kho) kể: “Bữa đó, sáng đâu độ 9 giờ, tôi thấy người ta đi rần rần về phía sông, tôi cũng đi theo coi. Thiên hạ đứng đầy hai bên bờ sông. Đám Việt Minh bắt loa la inh ỏi mà mình có nghe được gì đâu. Loa la, người ta la. Tôi mới hỏi thăm một người đứng gần, anh ta mới cho biết là sắp xử cha sở Vĩnh Hội. Nhìn từ xa, tôi thấy cha mặc áo dòng đen, đầu không đội nón, hai tay bị thúc ké ra phía sau lưng, đứng trên cầu. Người ta đọc bản án, có ai mà nghe được, xong họ xô cha từ trên cầu xuống sông!...”

Hai bác tôi, dĩ nhiên là có ba tôi nữa, là con người ông thứ ba. Chúng tôi có một người cô họ là dì chín Khá, con người ông thứ hai. Cô tu ở nhà phước Chợ Quán, lúc đó cô đang phục vụ tại một họ đạo gần đó, dọc theo sông. Hôm đó, cô không hay biết gì hết và cô đang ngồi giặt quần áo ở bờ ao. Bỗng cô thấy cuốn sách missel của bác tôi từ phía sông trôi vào ao. Cô nhận ra ngay cuốn sách đó nhờ cái bao da mà cô mới mua tặng cho bác chín tôi trước đó không lâu trong ngày lễ bổn mạng của bác. Cuốn sách trôi vô ngay chỗ đầu cầu cô tôi đang ngồi. Cô không thể lầm được. Cô biết ngay đó là cuốn sách kinh của em mình. Cô thò tay, vớt cuốn sách rồi chạy ngay vô nhà, chỉ biết kêu: Chúa ơi! Chiều lại cô mới biết là bác chín tôi bị giết sáng hôm đó, lúc đó bác mười tôi còn ở bên Pháp. Sau khi bác mười trở về Việt Nam, cô chín đã đưa quyển sách kinh đó lại cho bác mười tôi mà bác luôn luôn giữ kỷ vật của anh, không biết bây giờ sau khi bác mười tôi đã chết, quyển sách kinh đó ở đâu?

Ai đã giết bác chín tôi? Việt Minh? Rõ ràng là phong trào Việt Minh đã đứng ra thực hiện cuộc sát hại, nhưng người đã chủ mưu, gây ra việc này, theo như những người trong họ biết, là “chú từ”, đã bị bác rầy mấy ngày trước đó vì tội ăn cắp đồ đạc trong nhà thờ đã bỏ trốn, rồi đi tố cáo và Việt Minh đã thi hành bản án, thực hiện lòng căm thù đối với “nhà thờ”. Ngay trong ngày đó, nhiều nhà thờ cũng đã bị tấn công, nhiều cha bị hảm hại, nhiều cha đã được giáo dân biết trước, dẫn đi trốn. Một điều mà tôi nghe là bác tôi đã được lệnh của Đức Cha để đổi đi nơi khác (?), và cha Phaolô Hồ Văn Lành về thay, nhưng vì cha Lành về trễ, bác phải ở lại chờ, và chuyện không lành đã xảy ra với bác tôi!

Bác mười tôi

                                                                    

 

Vì bác mười tôi, cố đức cha Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang mới chết gần đây, ngày 20-6- 1990, nên nhiều người bác biết hơn. Đã có hai bài viết về bác mười tôi mà tôi có dịp đọc, với những nhận xét rất là … khách quan.

 

 

Tuy là hai anh em ruột, tuy là cũng làm linh mục như nhau nhưng tính ý của hai bác thì rất là khác nhau. Bác chín tôi thì được bà con khen là “biết bà con”, hè hay là sau khi chịu chức rồi, mỗi lần về quê, bác đi thăm bà con, người này người nọ. Bác mười tôi thì được dòng họ trao tặng danh hiệu “khô khan,” thường không nói tới dòng họ với “ai” hết vì có lẻ không cần, nhưng khi gặp người này, bác hỏi thăm người kia. Bác không có quên dòng họ. Vì tôi còn có dịp về quê, nên khi gặp bác, bác hỏi thăm gần như hết họ hàng, có những người mà tôi không biết, thì bác kể ra cho nghe. Có những người bác không nhớ ra, bác biểu … “hỏi má mầy.” Sau này luống tuổi, bác có một “đám đông” kêu bác là ông nội! Ngày bác chết, trước sân nhà thờ chính tòa Cần Thơ, một rừng khăn tang thương tiếc “nội.”

Bác đã lập Long Hồ ấn quán để lo vấn đề in ấn trong địa phận Vĩnh Long, chủ trương tờ nguyệt san Hiệp Nhất tương đương với tờ Tông Đồ của địa phận Sài Gòn, xây dựng trường Nguyễn Trường Tộ, xây cất nhiều nhà thờ “họ nhỏ” trong địa phận Vĩnh Long, được cất nhắc làm vị chưởng ấn thứ hai của Viện Đại Học Đà Lạt. Tại Cần Thơ, bác đã mở Tiểu Chủng viện “Á Thánh Quý” ở Cái Răng, thành lập Dòng Con Đức Mẹ ở làng Bình Thủy. Sau khi chịu chức giám mục năm 1965, bác được bầu giữ chức Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục miền Nam Việt Nam, nhiệm kỳ 1966–1970.

Bác là người thích văn thơ, văn nghệ. Bác có để lại quyển sách “Truyện Thánh Têrêsa” mà một ấn bản được lưu tại nhà dòng Carmêlô ở Lisieux. Quyển sách được viết theo lối thơ lục bát, dài 1654 câu, được Đức Cha Nguyễn Bá Tòng viết lời tựa tại Phát Diệm, ngày lễ Mình Thánh Chúa, ký ngày 16-6-1938. Bác đã hợp tác với nhiều bài viết được đăng trong báo “Nam Kỳ Địa Phận”, mà bài “Căn Nhà Có Ma” đã được anh em chủng sinh Chủng Viện Sài Gòn ưa thích khi nó được đọc trong giờ cơm. Tối, bác thường làm việc trong phòng, rồi thổi kèn (flute) chơi, cây flute thứ thiệt do con cái của người mẹ nuôi bên Pháp gởi qua. Bác cũng thích tự tay làm các ống sáo bằng tre, để … cho.

Hồi còn làm cha sở ở Vĩnh Long, mỗi chiều bác thường ra chăm sóc vườn bông của nhà thờ. Bác trồng các loại bông mà người mẹ nuôi bên Pháp gởi hột giống qua, để có bông chưng trong nhà thờ, khỏi phải tốn tiền. Khi đổi về làm Giám Mục ở Cần Thơ, bác đã ra công hướng dẫn trồng các loại cây ăn trái với bông hoa trong khuôn viên của tòa Giám Mục Cần Thơ, rồi chiều chiều bác cùng với mấy thầy ra tưới cây. Khi được hỏi: bác làm như vậy có thấy mệt không? Bác trả lời: “Làm nó vừa vui, vừa giết được thời giờ nhàn rỗi, bởi ở không nhưng là cội rễ mọi sự dữ!” Nhiều người biết, đã rất lấy làm cảm động khi thấy trong những ngày bác vừa mất, tất cả các cây trong tòa Giám Mục Cần Thơ đều được quấn một vành tang trắng, để “tụi nó” được để tang cho ông nội!

Ơn thiên triệu

Hồi xưa có lẻ chưa biết được tiếng “ơn thiên triệu”, bà nội tôi thường vui mừng nói là trong nhà có người có được “ơn kêu gọi”, và bà thường hay bắt cả nhà đọc kinh cho cô bảy, bác chín, bác mười được bền đỗ trong ơn kêu gọi. Trong nhà có ba người đi tu “thành” là do ông nội tôi. Được tiêm nhiểm sâu xa với ý nghĩ: nhà có phước là nhà có con đi tu, dâng mình cho Chúa, ông nội tôi cứ ao ước có con đi tu, nhưng tội nghiệp ông nội tôi lại không được diễm phúc nhìn con, dự lễ con mình tế lễ trên bàn thờ.

Tôi viết bài này để thương nhớ hai bác tôi. Về bác chín, tôi không có được kỷ niệm, chỉ còn giữ lại được lá thơ bác gởi cho ba má tôi. Tôi hãnh diện về hai bác tôi khi có người, mà không mấy người, biết và nói về nhóm Công-Quang-Điểu-Đậu-Bình, nhưng thời gian cũng đã qua xa rồi, không nên nhắc lại làm gì. Tôi còn hãnh diện khi đọc một bài viết về bác mười tôi có câu: “không nghe đức cha nói tới anh em có mấy người” thì nay tôi kể ra, là muốn nói lên niềm hãnh diện có người bác đã không quên, nhưng biết quên đi gia đình để sống trọn vẹn cuộc đời hiến dâng. Tôi cũng rất lấy làm sung sướng khi được biết bác đã được“các linh mục giáo phận Cần Thơ trong tuần tĩnh tâm linh mục đầu năm 2010 bình chọn và giới thiệu, để góp phần làm phong phú những chân dung linh mục Việt Nam và cũng để mỗi người chúng ta suy nghĩ và rút ra những bài học cho cuộc sống của mình, nhất là trong Năm Linh Mục này.” (GP Cần Thơ, đăng trên trang web của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam )

Non nước coi vậy mà chưa được an bình, để kết, xin được giới thiệu và ghi lại đây mấy câu ở đoạn cuối của truyện thơ “thánh Têrêsa” mà bác tôi đã viết năm 1938:

Cúi đầu lạy thánh Nữ nhi
Lixiơ nghĩa cũ, Nam kỳ tích xưa
Ngửa xin cầu giúp nguyện đưa
Cứu con Nam Việt, đuổi xua quỉ tà

Micae Nguyễn Ngọc Sáng

 

BÀI VIẾT CÙNG MỤC