Vui mừng & Hy vọng - DẤN THÂN

§26 - DẤN THÂN

 


1. Dấn thân vì người nghèo.

 * Con đừng nghĩ dấn thân là lao mình vào những hoạt động hăng say náo nhiệt. Con hãy hiểu nghĩa dấn thân sâu hơn: "Theo gương Chúa, yêu thương đến mức độ quên mình hoàn toàn vì người khác, hiến mình hoàn toàn, hiến mình nhưng không, để hiệp nhất với kẻ khác, hầu họ được phong phú và công việc Chúa nơi họ được thành công. (ĐHV 605).

 * Con người chỉ giống hình ảnh Chúa khi hiến mình liên lỉ, như mỗi Ngôi trong Thiên Chúa là: Hoàn toàn hiến dâng, Hoàn toàn tương quan, Hoàn toàn yêu thương. (ĐHV 606).

 * Sống đức tin, con sẽ nhìn với đôi mắt Chúa Giêsu, con sẽ thấy kích thước đời đời trong các biến cố (ĐHV 628).

 Như chúng ta đã biết, ngày nay trên thế giới, hầu hết mọi người đều nghe tiếng và hết lòng khâm phục mến yêu mẹ Têrêxa thành Calcutta. Từ thuở thiếu thời, bà đã quen sống trong nếp sống văn minh vật chất, đầy đủ tiện nghi; nhưng trước lời mời gọi thầm kín và mãnh liệt của Chúa bà đã đi đến một quyết định thật táo bạo: từ bỏ tất cả, lột xác toàn diện để dấn thân theo Chúa.

 Sau khi đã suy nghĩ và cầu nguyện, Têrêxa rời bỏ quê hương, trẩy sang Ấn Độ, một nước đông dân vào bậc nhất thế giới và cũng là quốc gia có từng triệu người chết đói hàng năm. Tại đây, Têrêxa ra sức tìm hiểu tập tục, học hỏi ngôn ngữ xứ Ấn Độ, và sau một thời gian ngắn, bà nhập tịch trở thành một người dân Ấn Độ thực sự. Rồi suốt những tháng năm sống trong bức tường của Tu viện, ngày ngày đôi mắt Têrêxa vẫn chọc thủng bức tường để nhìn ra xã hội bên ngoài: bà đã chứng kiến tận mắt hàng trăm người chết đói, hàng ngàn kẻ hấp hối nằm lăn lóc trên các ngã đường của đô thị. Dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa Thánh Thần và được ngọn lửa tình yêu thúc đẩy, bà đã mạnh dạn xin phép bề trên rời bỏ tu viện để ra sống giữa khu xóm lao động nghèo nàn: ăn mặc như người nghèo, lao động vất vả như người nghèo, hoàn toàn giống như mọi người để làm chứng nhân đích thực cho đức ái trọn hảo.

 Và đức bác ái thì truyền nhiễm. Gương sáng của Têrêxa đã thu hút được nhiều thiếu nữ Ấn độ. Vì thế, sau một thời gian thử luyện, bà đã thành lập một dòng cho các chị em muốn theo lý tưởng sống khó nghèo và phục vụ giai cấp nghèo. Ngày nay dòng của mẹ Têrêxa mọc lên tại nhiều nơi trên thế giới.

 Chứng tích khiêm nhường âm thầm và bác ái sinh động của mẹ Têrêxa đã lôi cuốn được hầu hết người dân xứ Ấn. Cửa nhà của mẹ luôn luôn mở rộng để đón tiếp mọi người. Ai đến đấy cũng tìm được bầu khí của Tin Mừng, của yêu thương thực sự, và chính bầu khí ấy là nguồn bình an, hy vọng làm thỏa mãn cơn khát của lòng họ.

 Nghe đến tên mẹ, khắp nơi trên thế giới đều cảm phục mến yêu. Có nhiều nước đã ngỏ lời mời mẹ đến diễn thuyết. Nhưng một phụ nữ nghèo hèn, chẳng chuyên môn một khoa nào cả thì biết nói gì đây? Mẹ Têrêxa chỉ nói lên những lời được rút ra từ quả tim của mẹ, những lời của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu dấn thân thí mạng sống mình vì kẻ mình yêu. Bởi thế, tuy đơn  sơ và dịu dàng, nhưng lời lẽ của mẹ Têrêxa đã là những  mũi tên xuyên thâu và nung đốt tâm hồn mọi người.  


2. Thí mạng cho người hủi Việt Nam.

 * Khi con giúp kẻ khác quên bản thân để hiến mình, con giúp họ làm hình ảnh Chúa hiện tỏ nơi họ (ĐHV 608).  

 * Chính lúc hiến mình, con tập biết hiến mình. Vì nói hiến mình dễ, thực sự hiến mình khó; giảng khuyên hiến mình dài, tình nguyện hiến mình ngắn, hô hào hiến mình đông, bền đỗ hiến mình hiếm. (ĐHV 609).

 * Mỗi dịp hiến mình trong ngày không phải là một khổ đau, mất mát, nhưng là một đề nghị của Chúa để con được lớn lên (ĐHV 610).

 Trong nước Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, người ta nghe nói nhiều đến nhà phung Quy Hoà, ở ngoại ô thị xã Quy Nhơn, nhưng thử hỏi mấy ai biết đến vị sáng lập nhà phung ấy! Vị đó là cha Paul Maheu, một linh mục người Pháp đã từ giã quê hương thân yêu với cuộc sống tiện nghi, để chôn đời mình giữa đám người xa lạ, mắc phải thứ bệnh khủng khiếp nhất trong loài người.

Thật thế, bệnh phung cùi là một thứ bệnh khủng khiếp nhất. Ai mắc nó phải chịu một cơn hấp hối trường kỳ, dai dẳng. Thân thể họ luôn luôn nhức nhối, lở loét, xông mùi thối tha nồng nặc. Dung nhan thì dần dần bị tàn phá, đặc biệt là khuôn mặt và tay chân, ai trông cũng xa lánh nhờm tởm. Xã hội quá khiếp sợ họ nên thường tìm hết cách xua họ vào một nơi khuất mặt và như muốn lãng quên đi kẻo mất vui cuộc sống.  

 Paul Maheu thì lại khác, là một linh mục Công giáo,  ngài đã dấn thân vào nếp sống của người cùi, chọn họ làm con cái quý yêu cật ruột, sống trong một ngôi nhà  bé nhỏ ngay giữa làng phung để đêm ngày săn sóc họ, lo  cho họ đầy đủ vật chất cũng như tinh thần.

 Phía sau nhà có một cái kẻng, mỗi lần nghe tiếng  kẻng đánh, cha vội đi ra và dịu đàng hỏi:

 - Có việc gì vậy con? Vào đây!

 Ngày nào cũng thế, điệp khúc ấy cứ vang lên đều đặn, và con tim của những người phung hủi hân hoan đón lấy. Rồi đến lượt họ, họ cũng cất lên những lời tâm sự, vì trong cảnh cô đơn buồn tủi ấy, chỉ mình cha Maheu là người thân tín duy nhất của họ thôi.

 - Thưa cha con đau buồn quá! Đêm qua con mới rụng thêm mất một đốt ngón tay nữa. Con đã lượm được, nè, đây cha xem.

 Cha Maheu cầm lấy đốt lóng tay, thương tiếc như chính một phần thân thể của mình. Ngài ôm choàng lấy bệnh nhân, nghẹn ngào thốt lên những lời an ủi động viên tinh thần họ:

 - Tội nghiệp con quá! Ta hãy cứ chiến đấu với bệnh tật, cứ dùng thêm thuốc để chận đứng cơn bệnh đi...

 Đối với cha Maheu, không gì quý bằng các người phong hủi. Ngài không thể rời họ một ngày, không thể không tìm cách khen lao họ khi có dịp. Mỗi khi khách từ xa tới thăm, ngài thường mời ở lại dùng bữa. Trong lúc ăn, miệng ngài liên tiếp giới thiệu:

  - Mời dùng trứng này, do gà của người phung nuôi đấy! Mời dùng cá này cũng của người phung mới câu hồi sáng; còn đây là xà-lách cũng do tay người phung trồng đấy! Tốt lắm!

 Vừa mời ngài vừa ăn một cách ngon lành trong lúc  khách thì quá khiếp sợ, chẳng dám dùng một tí chứ đừng  nói chuyện ăn với uống.

 Không mấy năm sau, cha Maheu đã trở thành người  phung thực sự. Càng đau đớn càng có dịp để chia sẻ cuộc  đời của họ, họ càng yêu mến trọng kính ngài. Và rồi một hôm, người hùng dấn thân đã nằm xuống, xác ngài được  chôn cất ngay giữa làng cùi bên cạnh những người con thân yêu nhất.  


3. Ông tổ "Hùng tâm dũng chí".  

 * Con phải hiện diện trên đường hy vọng để dâng hiến và mời gọi kẻ khác dâng hiến, đó là cách con phục vụ họ tốt đẹp hơn cả; con giúp họ nên giống hình ảnh Thiên Chúa trong Đức Kitô (ĐHV 611).  

 * Con gặp trăm ngàn thanh thiếu niên, lay lất trên đường, không lối thoát. Họ bàn tán bất tận về mộng xây dựng một xã hội mới, một con người mới, nhưng họ đã gặp xì ke, bạo động, trụy lạc, dối trá, chán nản... Họ cần con, họ kêu con: tiếng kêu của người chết đuối, tiếng van của người ngộp thở (ĐHV 618).  

 Sau đại chiến thứ hai, thanh thiếu niên ở các nước Âu châu, nhất là nước Pháp, cảm thấy thể chất tâm lý tan nát rã rời. Rất nhiều em phải thất lạc gia đình, không  biết đi về đâu; em khác lại mất cha, chết mẹ; có em lại  phải bệnh hoạn tàn tật, lang thang khắp nơi, tụ tập lại  thành từng bè, từng lũ, chia nhau đi cướp bóc, đập đánh, chơi bời phóng đảng. Các chính quyền đã cố gắng phục hồi kinh tế, cải tạo xã hội. Nhưng cho ăn, cho mặc đâu phải là đủ. Các em còn cần tình thương, cần lý tưởng để xây dựng cuộc đời mới. Linh mục Gaston Courtois, người Pháp đã dấn thân vào công việc ấy. Theo gương thánh Gioan Boscô, ngài săn sóc các em, yêu thương các em, hướng dẫn các em trong nhiều buổi sinh hoạt thoải mái, hùng mạnh. Ngài cũng khuấy động lên trong hàng ngũ những người có trách nhiệm ý thức về sự sa sút của giới trẻ. Họ cộng tác với ngài. Thế rồi hàng vạn thanh thiếu niên đã tìm lại được tuổi xuân, niềm hy vọng lại bừng sáng, lý tưởng sống lại hiện rõ. Phong trào "Hùng tâm dũng chí" ra đời và chẳng mấy chốc lan rộng khắp năm châu.

 Vừa hoà mình với các em, cha Gaston Courtois vừa thức khuya dậy sớm để viết sách báo hướng dẫn giới trẻ. Trước nhỏ sau lớn. Nhà in Fleurus ra đời giữa lòng thủ  đô Paris và ngày càng phát triển mạnh.

 Cha Gaston Courtois được mời tham gia nhiều tổ  chức quốc tế đặc trách thanh thiếu niên. Về sau, ngài  được gọi sang phục vụ bên cạnh Toà Thánh. Dù đã lớn tuổi nhưng chủ nhật nào người ta cũng thấy ngài đi sinh hoạt với nhóm thanh thiếu niên ở Roma, vẫn tươi vui hăng hái như thuở nào. Thanh thiếu niên sung sướng vây  quanh ngài, cởi mở tâm sự với ngài. Chúng biết quả tim  ngài hằng yêu mến chúng, vì cả cuộc đời ngài đã hiến  trọn cho chúng.  


4. Hoá nên người Trung Hoa để chinh phục người Trung Hoa.
  

 * Con phải trở nên "chính con" theo ý Chúa, bằng cách giải tỏa hình ảnh Chúa trong con khỏi những bụi bặm bao phủ, che đậy nhơ bẩn. Như điêu khắc gia đục dũa tảng đá để nét mặt kính ái của Chúa tỏ hiện dần dần (ĐHV 607).  

 * "Đây là bằng chứng để ta biết được lòng mến: là Đấng ấy đã thí mạng vì ta. Và ta, ta cũng phải thí mạng vì anh em." (1Yn 3: 16). Con hỏi cha: "Đâu là mức độ dấn thân?" Hãy làm như Chúa Giêsu: "Thí mạng." Nếu con tuyên bố rùm beng, hoạt động khơi khơi, sống đạo lè phè, con sợ cơ cực, sợ nghèo, sợ tù, sợ chết..., nếu con dấn thân lối "cứu viện cho người thắng trận," thì thôi, nên dẹp tiệm, "dấn thân trá hình", "dấn thân thương mãi." (ĐHV 612).  

 Tuy là người Bỉ, cha Vincent Lebbe (1877-1940) đã tình nguyện dấn thân sang truyền giáo ở Trung quốc. Suốt bao năm ngày, ngài luôn miệt mài thao thức, suy tư và cầu nguyện trước vấn đề khó khăn: Làm sao để dấn thân truyền giáo và phục vụ xã hội Trung Hoa cho đắc lực. Thế rồi, dưới ánh sáng soi dẫn của Chúa, câu trả lời đã đến với cha: muốn đến với người Trung Hoa phải trở nên người Trung Hoa thực sự.  

 Cha Viencent Lebbe đã triệt để dấn thân theo đường hướng ấy, từ lối cắt tóc, để râu, ăn mặc cho đến cách suy tư, cử hành phụng vụ, giảng dạy giáo lý (ngài xin nhập tịch Trung Hoa và lấy tên là Lôi Minh Viễn), tất cả đều nhắm một mục đích là làm sao để vừa phù hợp với tâm hồn người Trung Hoa, vừa bảo tồn căn nguyên bản chất Kitô giáo. Và trong tinh thần ấy, ngài đã thành lập một Hội Dòng lấy tên "Anh em hèn mọn của Thánh Gioan Tẩy giả" để vận dụng cách sáng tạo nếp sống khổ tu vào hoàn cảnh cụ thể của xã hội và tâm hồn người Trung hoa và áp dụng nguyên tắc truyền giáo của ngài.

 Tại nước Bỉ quê hương ngài cũng có rất nhiều người sùng mộ tinh thần ấy. Họ đã lập nên một Tu hội Truyền giáo cho các linh mục viết tắt là S.S.H, tạm dịch là "Hội trợ tá của các xứ truyền giáo ". Họ cũng lập thêm một Tu hội cho nữ giới viết tắt là A.F.I (Nữ trợ tá quốc tế).

 Tinh thần cốt yếu của cha Lebbe là gì?

 Đó là không đi theo phương pháp bấy lâu: đến một quốc gia, nhận trách nhiệm coi sóc một giáo phận hoặc một giáo xứ, đứng đầu hàng giáo sĩ địa phương... mà là theo một phương pháp mới: đến một quốc gia, một giáo phận do hàng giáo phẩm bản xứ quản trị và làm những người trợ tá phục vụ dưới quyền họ, cho dù họ kém khả năng hơn mình. Đối với những năm đầu của thế kỷ XX này, chủ trương trên thật là mới mẻ, độc đáo, có tính chất cách mạng. Vì trước đây, tại các xứ truyền giáo, hầu như chẳng có một vị Giám mục bản xứ nào, huống nữa là sự kiện các linh mục thừa sai đi làm trợ tá cho hàng giáo sĩ bản xứ. Quả là táo bạo!

 Và còn táo bạo hơn nữa là sự việc sau đây: Trong một chuyến trở về công tác ở Âu châu, cha Lebbe đã sang Roma xin được yết kiến Đức Thánh Cha Piô XI, vị Giáo Hoàng được mệnh danh là "Giáo hoàng của Công giáo Tiến hành" và "Giáo Hoàng của truyền giáo".

 Trong buổi triều yết, ngài đã trình bày với Đức Piô XI:

 - Xin Đức Thánh Cha đặt các Giám mục bản xứ cho người Trung quốc.

 Đức Thánh Cha vui vẻ trả lời:

 - Đó là điều cha rất mong muốn. Con thấy hàng Giáo phẩm Trung quốc hiện nay có đủ khả năng nhận trách nhiệm lãnh đạo nhận các giáo phận không?

 - Thưa Đức Thánh Cha, con tin chắc là có. Với ơn Chúa, họ sẽ chu toàn tốt trách nhiệm... Con thấy Toà Thánh cần trao trách nhiệm cho hàng giáo sĩ bản xứ càng sớm càng tốt.

 Đức Thánh Cha hỏi ngay:

 - Con có biết rõ linh mục Trung quốc nào xứng đáng được tấn phong làm Giám mục không?

- Thưa Đức Thánh Cha có!  

 - Biên tên cho cha ngay đi.

 Cha Lebbe liền lấy giấy bút ra, viết ngay liền một danh sách gồm tên 10 linh mục Trung quốc và đệ trình lên Đức Thánh Cha.

 - Tốt lắm! Cha sẽ xúc tiến ngay việc này.

 Thật là một bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Cha Lebbe ra về, tâm hồn cảm động hân hoan. Đức Piô XI quả là một vị Giáo Hoàng đầy nhiệt tình và sáng suốt!

 Ngày lễ Chúa Kitô Vua, 28.10.1926, chính Đức Piô XI chủ sự phong chức cho 6 Giám mục Trung quốc đầu tiên tại đền thờ Thánh Phêrô, trong số đó hầu hết đều nằm trong danh sách của cha Lebbe đề nghị. Lúc ấy tại một góc đền thờ, người ta thấy ngài quỳ gối âm thầm cảm tạ Chúa, vì đã cho ngài chứng kiến tận mắt điều ngài mong ước bấy lâu nay. Sau Thánh lễ, Đức Piô XI tiếp các Tân Giám mục Trung quốc tại phòng khách, tặng cho mỗi vị một chiếc đồng hồ quả lắc và truyền các ngài trước khi về nước, hãy đi khắp Âu châu để cho mọi người thấy được hàng Giám mục bản xứ. Thế rồi, tiếp sau các Giám mục Trung quốc ngày 30.10.1928, Đức Piô XI cũng tự tay phong chức cho vị Giám mục Nhật Bản tiên khởi địa phận Nagasaki, rồi các Giám mục Ấn Độ, Indonêsia... Ngày 11.6.1933, cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng cũng được chính tay Đức Piô XI tấn phong làm Giám mục Việt Nam tiên khởi.

 Sau những tháng năm dấn thân phục vụ cho công cuộc truyền giáo, cha Vincent Lebbe đã nằm xuống (1940). Dân tộc Trung quốc coi ngài như một vị anh hùng quốc gia. Hội Thánh coi ngài như vị tiền phong của những công cuộc truyền giáo hiện đại. Thân xác ngài được chôn vùi ngay tại lòng đất Trung Hoa, để lại tấm gương sáng cho Kitô hữu thuộc đủ mọi thời. 


5. Một biển ánh sáng.

 * Con không muốn làm một mình, con muốn làm cho người khác cùng biết làm, con không muốn dâng hiến một mình, con muốn người khác cùng dâng hiến, con không muốn tạo cảm tình cho cá nhân con, con thúc đẩy người khác mở rộng vòng tình cảm đến anh em, như một hòn đá tung xuống nước cứ gợn sóng ra mãi. Để lôi kéo họ ra khỏi chính mình, và trở nên con người như ý Chúa muốn từ đời đời (ĐHV 613).

 * Những người khác quanh con, cả nhân loại đang đau thương, khấp khểnh trên đường mịt mù, Đời con phải là hiến dâng, Để bắt nhịp cầu hy vọng, Đưa họ đến với Chúa là cùng đích của tình yêu, là tất cả. Bên Chúa, nhân loại không còn ai xa lạ, nhưng tất cả là anh em con (ĐHV 615).

 - Xin vui lòng tắt hết đèn! Một giọng nói nhỏ vang lên bên tai người phụ trách ánh sáng. Tất cả công trường rộng lớn chìm vào bóng tối. Mọi người nhôn nhao âu lo.

 - Xin anh chị bình tĩnh và trả lời câu hỏi của tôi: có tối lắm không?

 - Tối lắm! Đen nghịt! mọi người la lớn!

 - Tôi yêu cầu ai có hộp quẹt, máy lửa, đèn pin... hãy bật sáng lên!

 Một phút nặng nề trôi qua...

 - Có sáng không?

 - Sáng lắm!

 - Anh chị em xem: cả một biển ánh sáng. Thôi bật tất cả đèn pha lên lại.

Giọng vị linh mục vang lên sang sảng trên máy vi âm, một giọng nói có sức thu hút mọi người như hương thơm vương trong làn gió. Ngài chuyên môn phụ trách các bài giảng Tin Mừng trong những dịp lễ trọng. Hôm nay, thính giả kéo đến tham dự quá đông đến độ không một giáo đường nào có thể chứa nỗi, nên người ta đành kéo nhau ra công trường để nghe ngài giảng.

 - Giữa trần gian đầy tăm tối, bất công đồi trụy này, người ta rất cần ánh sáng. Ánh sáng của mỗi người chúng ta tuy lập lòe yếu ớt, nhưng nếu ai cũng bật sáng ngọn đèn của mình, ai cũng hăng say dấn thân vì công ích thì tất cả chúng ta sẽ hợp thành một biển ánh sáng. Chúng ta sẽ phá tan u tối... Anh chị em có quyết tâm như vậy không?

 - Quyết tâm! Quyết tâm!!!


6. Chuyến xe lửa tốc hành.

 * Con phải là hạng người công giáo ngoan đạo, sống quanh quẩn phòng thánh và con đã hóa nên "nửa thần, nửa thánh, nửa người" không? (ĐHV 620).

 * Đừng để thiên hạ xây dựng thế giới này mỗi ngày mà con không hay biết, không khám phá, không thao thức, không nhúng tay vào. Chúa đã cứu chuộc con, trao sứ mạng cho con và đặt con vào thế gian trong thế kỷ này, thập niên này, môi trường này. Đặt con, chứ không phải cục đá! Khác nhau lắm! Đừng làm "công giáo bù nhìn." (ĐHV 621).

 * Sự ly dị giữa cuộc sống đạo ở nhà thờ và ngoài xã hội, là gương xấu tai hại nhất trong thời đại chúng ta. (ĐHV 622).

 * Một cuộc cách mạng thực sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội... của thế giới, không thể thực hiện "ngoài con người, ngoài Thiên Chúa", chỉ thực hiện "bởi con người, trong Chúa Kitô, với Chúa Kitô." Con hãy dấn thân vào mặt trận cách mạng thế giới ấy (ĐHV 623).

 "Thế giới như một chuyến xe lửa tốc hành đang lao mình tới trước với một tốc độ kinh hoàng. Người dấn thân là người có can đảm nhào lên chuyến xe lửa ấy, chụp lấy tay lái và lái nó đi theo một hướng tốt đẹp hầu đạt đến mục đích mà họ mong muốn. Người không dấn thân là người hiểu biết nhưng không muốn lăn xả vào, chỉ đứng nhìn từ bên ngoài như một khán giả bàng quan".

 Câu trên được trích trong một tác phẩm của cha Raoul Plus, một tác giả có công biên soạn nhiều sách thiêng liêng cho hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, hun đúc nhiều tâm hồn tông đồ dấn thân phục vụ xã hội.


7. Các hạng linh mục thợ.

 * Tại sao con cảm thấy con dang dỡ? Tại sao con thấy con đang lạc lõng giữa đường? Con xao xuyến? Con ngột ngạt? Vì con chưa đánh tan mây mù dày đặc đang che khuất hình ảnh Chúa trong con (ĐHV 614).

 * Đây mấy hạng dấn thân con muốn biết: Có người sau một thời gian vẫy vùng dấn thân, đâm ra hoài nghi giá trị cuộc đấu tranh, rồi rút lui về nhà thờ, tìm nguồn an ủi, "sợ bỏ quên Chúa, tôi không dấn thân." Có người "dấn thân cả xác lẫn hồn" vào cuộc đấu tranh, và để rảnh tay chém chặt, họ buông thả luôn cả Thiên Chúa. Trước họ nghĩ rằng: để thành công rồi sẽ nhớ Chúa; sau cùng họ nói: "Đây là việc đời, tôi dấn thân, Chúa không liên hệ, mời Chúa đứng ngoài." Có người không chịu đào tẩu khỏi chiến trường mà cũng không phản bội sứ mạng Chúa trao, họ xác tín chỉ thắng trận với Chúa Kitô, vì thế với tất cả tâm hồn "tôi dấn thân với Chúa Kitô." (ĐHV 619).

 Chung quanh những năm 1950-1955, vấn đề "linh mục thợ" rất sôi nổi ở Pháp.

Phải thành thực công nhận rằng những linh mục dấn thân làm thợ trong các công xưởng, hầm mõ, sẵn sàng hoà mình với giới lao động thợ thuyền để gần gũi họ, mang Chúa đến cho họ, là những người đầy thiện chí và rất có nhiệt huyết tông đồ.

Tuy thế, cũng một mục đích nhưng hướng tiến của mỗi người lại khác nhau.

Có nhiều người hết sức hăng say nhiệt tình bênh vực quyền lợi của giới cần lao nhưng lại bỏ quên các giờ đọc kinh, nguyện gẫm, bỏ cả làm lễ, cử hành các Bí tích, dần dần trở nên nguội lạnh, thờ ơ và ra đi vĩnh viễn, mất ơn gọi... Một thời gian sau, họ đã thú nhận với anh em: "Trước đây thợ thuyền biết tôi, kính trọng tôi, có gì họ cũng tâm sự, tin tưởng gởi gắm vào tôi. Giờ đây họ biết tôi thôi là linh mục, họ vẫn tử tế với tôi, những cảm tình của họ chỉ như một người bạn rủ rê nhậu cho vui chứ không bao giờ họ thổ lộ tâm can của họ cho tôi như trước nữa".

 Có một số khác thấy gương ra đi của các anh em thì sinh chán nản thất vọng, không còn dám dấn thân nữa. Họ lui về với cuộc sống thầm lặng, tìm nguồn an ủi, "sợ bỏ quên Chúa, tôi không dấn thân".

 Với hai hạng người trên đây, phong trào linh mục thợ đã phải trải qua một cơn khủng hoảng sâu đậm.

 Nhưng một số trong họ đã can đảm vượt mọi trở ngại, tin tưởng và khiêm tốn đối thoại với hàng giáo phẩm, thành thật kiểm điểm chặng đường đã qua, rồi vạch ra một hướng đi mới có sự cân bằng giữa việc dấn thân đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người mang lại sự giải phóng đích thực cho giới lao động, và đời sống nội tâm nền tảng của mọi việc tông đồ. Hàng giáo phẩm hết sức nâng đỡ họ và cùng với sự chấp thuận khuyến khích của Toà Thánh, với sự cộng tác của họ, các Giám mục đã lập nên "Hội truyền giáo cho nước Pháp" (La Mission de France) để truyền giáo lại cho các giai cấp thợ thuyền trong nước, vì tuy là một quốc gia được mệnh danh là "Trưởng Nữ của Hội Thánh", nước Pháp vẫn còn có  không biết bao nhiêu người hoá ra vô đạo, nguội lạnh. Hàng linh mục thợ cuối cùng này sau khi vượt qua nhiều thử thách, đã đạt tới thành công, suốt đời luôn sống trong hạnh phúc và dấn thân triệt để. 


8. Hai vị thánh dấn thân.

 * Lâu nay cha thấy con đi kề bên Chúa mà không thấy Chúa, không gặp Chúa, không suy tư với Chúa, không đối thoại với Chúa, không hành động với Chúa. Con không an vui trong tâm hồn, và con dấn thân một mình, ngoài Chúa. Con đã mời Chúa lui về nhà thờ! (ĐHV 624).

 * Con phải chọn cách dấn thân, nghĩa là căn cứ vào: khả năng của con, nhu cầu của anh em, môi trường con đang lăn lội. Con không làm được tất cả, nhưng làm tất cả những gì con làm được, vì làm với ĐỨC TIN (ĐHV 626).

 Không cần phải đợi đến thời này, Hội Thánh mới đặt ra vấn đề dấn thân nhập cuộc. Ngay từ thời Trung cổ, nhiều vị đại thánh khổ tu ở nơi kín cổng cao tường, nhưng nhờ ơn Chúa soi sáng cũng dấn thân triệt để, không chỉ vào một công việc, một môi trường mà còn vào những công việc chung của toàn thể Hội Thánh.

 Thánh Bênađô (1090-1153) thuộc Dòng Khổ Tu Xitô, là Viện phụ tiên khởi của Clairvaux (Pháp), một chi nhánh của Dòng. Suốt đời ngài luôn sống trong thinh lặng, khổ chế, nhưng vẫn sẵn sàng dấn thân mỗi khi nhu cầu Hội Thánh đòi hỏi: ví dụ ngài được Đức Giám mục Guillaume de Champeaux truyền chức linh mục và sai di biện bác chống lại các lạc giáo, đã vâng lệnh Đức Giáo Hoàng Innocentiô II ra đi giảng thuyết chống lại ly giáo Pierre de Léon.

 Ngài còn đi đây đó để hoà giải nhiều nhà cầm quyền Âu châu đang chống đối nhau kịch liệt. Xong sứ mệnh, ngài lui về tu viện, sống thầm lặng và viết rất nhiều tác phẩm giá trị, nhất là phương diện tín lý. Năm 1153, ngài nhắm mắt lìa trần tại Clairvaux, thọ 63 tuổi.

 Thánh nữ Catarina thành Sienna (1347-1380) sống khổ hạnh, gương mẫu đúng theo lý tưởng của một nữ tu Dòng Thánh Đa-minh. Nhưng dưới sự thúc đẩy của ơn Chúa, một nữ tu hèn yếu như ngài mà đã quả cảm đi hoà giải nhiều gia đình đang chia rẽ nhau vì những mối thù truyền kiếp. Ngài còn thường xuyên thăm viếng các bệnh nhân chăm sóc giúp đỡ những người yếu đuối, bất chấp sự vu khống dèm pha của một số người cho ngài là đạo đức giả.

 Lạ lùng hơn nữa, với lòng băn khoăn thao thức cho vận động của Hội Thánh, ngài đã nỗ lực chấn hưng lòng đạo đức đang bị sa sút, và vừa thuyết phục vừa vận động xin Đức Thánh Cha Grêgôriô II dời giáo triều về Roma, vì kể từ thời Đức Clêmentê V, năm 1309, các vị Giáo hoàng đều phải lưu vong tại Avignon (Pháp) khiến cho trong Hội Thánh rất đỗi hoang mang và chia rẽ trầm trọng; có lúc có đến hai vị Giáo hoàng, không biết ai giả ai thật. Năm 1376, chính thánh Catarina đã đưa Đức Thánh Cha Grêgôriô XI về lại Roma giữa sự hân hoan của toàn thể Hội Thánh, chấm dứt cuộc lưu đày gần 70 năm tại Avignon. Ngài còn được triệu về Roma để làm cố vấn cho giáo triều nữa. Thánh nữ qua đời ngày 29.4.1380 lúc vừa 33 tuổi.

 Tóm lại, tuy là một nữ tu mù chữ và trẻ tuổi, thánh Catarina đã chi phối đời sống chính trị, đời sống Hội Thánh và đời sống thiêng liêng tại Ý lúc bấy giờ. Nên chả lạ gì mà ngài đã được phong làm Tiến sĩ Hội Thánh. 


9. Linh mục làm trò xiếc.

 * Người Kitô hữu dấn thân khác với người ngoài vì con nhìn mục đích và phương tiện với cái nhìn của đức tin: Mục đích: vì Chúa Kitô, con mến Chúa trong anh em. Phương tiện: con hãy nhớ rằng, qua các tổ chức, các cơ cấu, con nhằm "con người", hợp tác chân thành chứ không "giựt dây" họ, yêu thương chứ không thù ghét, không vụ lợi, không làm loạn (ĐHV 625).

 * Tông đồ đạo đức cũng là một lối dấn thân, nhưng các hoạt động rất đáng khen ấy, "không chuẩn" cho con khỏi dấn thân phục vụ anh em trong các việc trần thế, nơi mà Chúa Quan Phòng đặt để con (ĐHV 627).

 Cha Simon được thuyên chuyển đến một vùng dân chúng rất nghèo khó, khổ nhất trong nước Pháp! Mà chúng ta biết: một khi thân xác quá đói thì việc phượng thờ Chúa và lo lắng cho phần hồn cũng gặp nhiều khó khăn đáng kể (có thực mới vực được đạo!). Cha Simon dâng lễ tại nhà thờ rất sốt sắng, nhưng... chỉ có một mình ngài, nhà hoàn toàn trống rỗng, đánh muốn vỡ cả chuông mà chẳng có ma nào tới, vì cái đói buộc họ suốt ngày sản xuất lao động.  

 Cha Simon quá buồn nản, nhưng ngài nhất định không chịu thua. Nhiều lần ngài đến tận mỗi gia đình để ân cần hỏi thăm và khuyên lơn tha thiết. Dần dần các trẻ em trong giáo xứ bắt đầu tới, một ít người đã phấn đấu đi lễ chúa nhật. Thế nhưng, nhiều hàng ghế trong nhà thờ vẫn còn trống. Suy nghĩ mãi, một hôm cha Simon đánh bạo nói với họ:

 - Anh chị em thân mến, anh chị em hãy tin tôi: hãy trở về với Chúa, anh chị em sẽ được hạnh phúc. Tôi xin hứa với anh chị em, mỗi gia đình có một nhà ngói để làm tổ ấm, rất vệ sinh, tiện nghi đầy đủ. Sau đó ta cùng xây trường học cho con em ta, bộ mặt làng sẽ đổi mới... Tôi chỉ xin chị em một điều kiện: Hãy trở về với Chúa. Chúa không trao tận tay cho anh chị em cơm bánh, lúa gạo; nhưng người ban sức mạnh để lao động, ban hoà khí để sum họp vui vẻ, ban óc tiết kiệm để tích lũy, rồi đời ta sẽ khắm khá hơn...

 Lời hứa thì bao giờ cũng tốt đẹp, nhưng cha Simon sẽ làm gì đây, vì ngài không một xu dính túi, không một người quen biết để vay mượn. "Thôi đành liều mạng vậy! biết đâu ta sẽ thành công!" Cha Simon hăng hái bắt tay vào việc, ngài chuẩn bị dụng cụ, chở trên một chuyến xe và đi đến thành phố đầu tiên. Công việc trước hết là vào toà soạn của một nhật báo để thuê họ đăng tin: "Ngày ... cha Simon sẽ biểu diễn nhảy cao 36 mét xuống nước, mời đồng bào đến xem ở bờ sông... lúc... giờ!" Rồi ngài lê mê đem cọc sắt đến, vặn đinh ốc vào, dựng một giàn nhảy ở bờ sông cao 36 mét.

 Đúng giờ hẹn, thiên hạ ùn ùn kéo nhau đến xem ông cha biểu diễn. Cha Simon mình mặc đồ tắm, từ từ leo lên tận đỉnh, khom mình chào khán giả, rồi nhanh như tia điện xẹt, ngài phóng mình xuống nước, bọt tung lên cao mấy mét. Lát sau, ngài ngoi lên và bơi vào bờ. Khán giả vỗ tay hoan hô nhiệt liệt: "Bis! Bis! Thêm lần nữa". Cha Simon không ngần ngại theo ý họ nhảy liên tiếp 2,3 lần nữa.  

 Biểu diễn xong, giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt, ngài lau mình mặc áo vào và ngỏ lời với khán giả:

 - Thưa anh chị em, tôi là một cha xứ, tên Simon. Giáo dân tôi nghèo quá, tôi không biết làm sao để cuộc sống vật chất lẫn tinh thần của họ được thoải mái hơn, hết bệnh tật, hết đói rách, hết mù chữ... Tôi quyết tâm xây cho mỗi gia đình một ngôi nhà cỏn con, làm lớp học cho trẻ em, dạy thêm nghề phụ cho người lớn... Tôi không bán vé, mà cũng chẳng có tiền để làm vé, nhưng nếu anh chị em muốn giúp tôi, thương con cái tôi, thì kẻ ít người nhiều, xin anh chị em bỏ vào chiếc mũ tôi đây... Ai chưa có hoặc muốn cho riêng, xin gửi về địa chỉ của tôi... Tôi xin cám ơn thay cho con cái tôi.

 Nghe ngài nói ai cũng cảm động. Họ hết lòng ủng hộ ngài; chẳng mấy chốc chiếc mũ đã đầy, tiếng đồn lan ra khắp xứ.

 Rồi từ đó, hằng tuần, cứ chiều thứ bảy cha Simon lại về giáo xứ, đem theo một số tiền, dâng lễ ngày chúa nhật, rồi lại đi tiếp tục biểu diễn khắp nơi. Cứ mỗi lần cha Simon trở về lại giáo xứ thì khuôn mặt ngôi làng được biến đổi hơn một chút nhà nhà cảm thấy vui tươi phấn khởi, nhiều mái ngói đỏ chói mọc lên, nhiều vách tường được xây dựng, nhất là nhà thờ có tiếng hát cầu kinh ngày càng lớn mạnh, sốt sắng.

 Sau ba năm, mỗi gia đình đều có được một ngôi nhà ngói khang trang sạch sẽ. Năm thứ tư, trường học đã mọc lên, bệnh xá cũng được tu bổ, thuốc men dồi dào. Không ai còn nhìn ra dáng dấp của ngôi làng cũ nghèo nàn năm xưa. Tâm hồn các Kitô hữu trong giáo xứ đã biến đổi, họ tìm thấy tình yêu Chúa trong con người cha xứ của họ. 


10. Ngày sống của Đức Thánh Cha Piô XII. 

 * Các nhà xã hội học, tâm lý học, phân tích theo chuyên môn, làm nhiều thống kê công phu. Con đừng xem thường những công trình khoa học ấy, nhưng con hãy thu các câu hỏi họ ra và đọc với đôi mắt đức tin (ĐHV 617).  

 * Khi theo dõi tin tức, con phải nhìn thấu qua bên kia con người và lịch sử, con xác tín: "Đây là tin tức của Nước trời", rồi sau khi xếp báo lại, tắt Radio, Tivi, con sẽ cầu nguyện sốt sắng. (ĐHV 629)

 * Sau những hàng chữ trên mặt báo, trong nhưng hình ảnh trên truyền hình, qua những tin tức của làn sóng điện, con khám phá giá trị Phúc Âm trong những biến cố vui mừng và hy vọng, lo âu và sầu khổ, trở ngại và tiến bước của dân Chúa trên đường về Đất Hứa (ĐHV 630).

 * Chúng ta dùng danh từ phân biệt đạo và đời, hồn và xác, nhưng các yếu tố ấy không thể tách rời nhau được, nó bó kết lẫn nhau trong lòng con Chúa: - Chỉ có một cuộc sống, - Chỉ có một lịch sử, - Đạo, đời, hồn, xác - Đều liên hệ mật thiết. (ĐHV 631).

 * Mỗi giây phút, con đang thực hiện chương trình của Thiên Chúa trong lịch sử (ĐHV 633).

 Mỗi sáng, sau giờ nguyện gẫm và Thánh lễ, Đức Thánh Cha Piô XII vào phòng dùng điểm tâm (8 giờ). Trên bàn ngoài một ít thức ăn thanh đạm, người giúp việc đã để sẵn các tờ báo mới nhất vừa xuất bản trong đêm.

Vừa điểm tâm, Đức Piô vừa nhìn qua một loạt những hàng tít lớn nhỏ để có cái nhìn bao quát về các biến cố quan trọng mới xảy ra trên thế giới. Sau đó, ngài đọc lại những bài đáng chú ý hơn, rồi mở radiô nghe tin tức ban sáng.

 Điểm tâm xong, Đức Thánh Cha lên văn phòng (8 giờ 30) và nhân vật được ngài trực trước tiên là Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Vị này trình bày thêm cho Đức Thánh Cha chi tiết các biến cố, báo cáo về các điện tín vừa nhận được từ các đại diện Toà Thánh gửi về, bàn thảo đến các vấn đề liên quan đến Hội Thánh.

 Đức Thánh Cha chăm chú lắng nghe và ngắm nhìn các biến cố ấy dưới ánh sáng đức tin, để tìm cách đem Tin Mừng vào lòng thế giới, băng bó các vết thương, hoà giải mối hận thù giữa các dân tộc. Buổi hội kéo dài đến mấy tiếng đồng hồ. Sau đó ngài tiếp các vị Hồng Y Bộ trưởng ở Vatican, tiếp các Giám mục khắp nơi đến trình bày về mỗi địa phận, rồi tiếp các chính khách, các giáo sĩ có tiếng và các phái đoàn. Đến một giờ trưa, ngài xem qua danh sách những người ngày mai xin bệ kiến. Nửa giờ sau, Đức Thánh Cha dùng bữa trưa rồi nghỉ. Đúng 4 giờ chiều, ngài đi bách bộ giải trí trong vườn Vatican. Một giờ sau ngài trở về, đọc kinh một lúc và bắt đầu làm việc lại. Suốt thời gian này Đức Thánh Cha ngồi ở bàn giấy để dọn diễn văn, thảo các thông điệp sẽ công bố, phúc thư cho những người đặc biệt, gởi bí thư kiểm soát thường vụ, sắp chương trình làm việc ngày mai, rồi trước khi dùng cơm tối thì đi lần hạt với các bí thư và vệ đoàn.

 Khoảng 9 giờ đêm, ngài dùng cơm tối. Mười giờ trở lại văn phòng làm việc cho đến một giờ sáng. Ngọn đèn của phòng ngài bao giờ cũng là ngọn đèn tắt sau cùng trong thành phố Roma. Ngài không bao giờ ra khỏi khuôn khổ làm việc đó, trừ lúc phải tham dự các nghi lễ. Và chẳng khi nào ngài nhúng tay vào các vấn đề hoàn toàn hành chánh Vatican. Ngài đã ủy cho các cộng tác viên trông coi bộ máy cai trị đó. Phần ngài, ngài hoàn toàn hiến thân cho công cuộc của Hội Thánh và hoàn vũ. Các đấng kế nghiệp ngài cũng theo nếp sống tốt lành và sáng suốt ấy.
xuanha.net

BÀI VIẾT CÙNG MỤC