Ngày nay một số người chủ trương cha mẹ công giáo không nên cho con mới sinh chịu phép rửa tội. Theo họ: Con nít mới sinh đâu đã phạm tội gì để phải rửa tội ? Còn việc cho con theo đạo thì tại sao không để con lớn lên tới tuổi trưởng thành (18 tuổi), rồi chúng sẽ hiểu biết để tự do quyết định theo đạo hay không. Lập luận đó đúng sai thế nào ?
1) Về ý nghĩa và giá trị của phép rửa tội: Có lẽ chữ Rửa Tội chưa diễn tả được đầy đủ ý nghĩa của bí tích này. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo đã dùng từ Thánh Tẩy thay vì rửa tội. Qua đó cho thấy ý nghĩa và giá trị của việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy như sau:
Bí tích Thánh Tẩy là cửa dẫn chúng ta vào đời sống thiêng liêng và là điều kiện để được lãnh nhận các phép bí tích khác trong Hội Thánh. Nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi và được tái sinh làm con Thiên Chúa, trở thành chi thể của Đức Ki-tô, được tháp nhập vào thân mình mầu nhiệm của Đức Ki-tô là Hội Thánh và tham phần vào sứ mạng cao cả của Hội Thánh (x. CĐ Flô-ren-ti-nô); "Bí tích thánh Tẩy là bí tích tái sinh chúng ta nhờ nước và trong Lời Chúa"(x. Giáo lý Rô-ma 2,2,5). Nhờ việc tin nhận Đức Giê-su, chúng ta sẽ trở nên con cái đích thực của Thiên Chúa như trong bài tựa của Tin Mừng Gio-an đã viết: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Ngoài ra, bí tích Thánh Tẩy còn liên kết mọi con cái Thiên Chúa thành một gia đình là Hội Thánh, và được hiệp thông trong một Thân Thể mầu nhiệm có Chúa Giê-su là Đầu. Như vậy người tín hữu không thể trì hoãn việc cho con cái mình chịu bí tích Thánh Tẩy từ khi mới sinh.
2) Tại sao lại rửa tội cho trẻ nhỏ? Tại sao không để cho trẻ nhỏ lớn lên và tự nó quyết định chịu Phép Rửa hay không?
a) Lý do cần rửa tội cho trẻ nhỏ con người công giáo mới sinh:
- Có người cho rằng rửa tội cho trẻ nhỏ như vậy là đi ngược lại mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ” (Mt 16,16). Mệnh lệnh ấy theo họ hàm ý như saui: đức tin là điều kiện cần phải có để được chịu phép Thánh tẩy, mà trẻ sơ sinh chưa hiểu biết thì làm gì đã có đức tin ấy ! Nên không nên cho chịu phép Rửa tội sớm.
- Đây cũng là một đề tài đã từng gây tranh cãi trong Hội Thánh thời sơ khai.
+ Ngay từ thời sơ khai, Hội Thánh cuooic cùng đã chấp thuận rửa tội cả nhà gồm người lớn và trẻ em. Sách Công Vụ đã thuật lại việc rửa tội “cho cả nhà” này như sau: Ở thành Phi-líp-phê có một bà tên là Ly-đi-a, quê ở Thy-a-ti-ra, chuyên buôn bán vải điều. Bà là người tôn thờ Thiên Chúa. Bà đã được Chúa mở lòng tin những lời Phao-lô giảng. Sau đó bà và cả nhà đã chịu phép Rửa (x. Cv 16,14-15). Rồi sau khi hai ông Phao-lô và Si-la làm phép lạ trừ quỷ ám cho một người tớ gái, hai ông đã bị quan tòa tông giam vào ngục do bị các thầy bói tố cáo. Đêm hôm ấy một cuộc động đất mạnh xảy ra khiến cửa nhà tù mở toang và xiềng xích tự nhiên bung ra hết. Viên quản ngục sợ bị quy trách nhiệm đã định tự tử, nhưng khi biết được các tù nhân không bỏ trốn, ông ta đã tin vào Chúa Giê-su. Rồi “Ngay lúc đó giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, “và ông ấy được chịu phép Rửa cùng với tất cả người nhà” (Cv 16,33).
+ Tuy nhiên đến thế kỷ III và IV, trong Hội thánh lại xuất hiện một quan điểm dè dặt với việc rửa tội cho trẻ nhỏ mới sinh. Lý do là vì thời bấy giờ các tín hữu lỡ phạm tội nặng muốn được ơn tha thứ, phải sám hối và làm việc đền tội rất nghiêm khắc: Họ bị phạt vạ tuyệt thông trong nhiều năm, đôi khi kéo dài suốt cả đời. Đàng khác, mỗi tội trọng chỉ được Hội thánh tha một lần trong đời, nên nhiều người tuy tin Chúa nhưng lại e ngại không dám xin chịu rửa tội sớm, vì sợ không thể sống nghiêm túc được. Nhiều người đã đợi đến khi những cơn dông bão tình dục của tuổi thanh xuân qua đi và khi đã bước sang tuổi già ổn định, họ mới dám xin gia nhập đạo.
b) Về sự tôn trọng tự do tín ngưỡng của con cái:
Ngày nay, sự chống đối việc rửa tội cho trẻ nhỏ không do sự sợ phải giữ luật sau khi chịu phép Rửa tội, nhưng từ ý nghĩ cho rằng trẻ nhỏ không cần phải chịu phép Rửa tội sớm mà nên để đến khi chúng đủ tuổi trưởng thành sẽ được quyền tự do chọn theo hay không theo đạo công giáo của cha mẹ.
c) Cả hai thái độ nói trên đều sai:
- Do hiểu lầm rằng: cho con sớm chịu phép Rửa tội là không tôn trọng tự do tín ngưỡng của con. Tuy nhiên nếu các cha mẹ công giáo hiểu được bí tích Rửa tội là một hồng ân Chúa ban và là điều kiện để con cái họ được hưởng ơn cứu độ, thì bất kỳ cha mẹ nào có tình yêu thương con cái cũng sẽ mong cho con sớm được chịu phép Rửa Tội, để chúng đón nhận được ơn cứu độ và được sống trong tình yêu của Thiên Chúa (x. GLHTCG số 1250).
- Thực vậy, do ảnh hưởng của tội Nguyên tổ, không ai có thể nên hoàn thiện bằng sức riêng của mình, nhưng phải nhờ ơn Chúa giúp (x. Cv 4,12). Hơn nữa, Đức Giê-su có lần đã nói với các môn đệ như sau: “Hãy để trẻ nhỏ đến cùng Thầy. Đừng ngăn cản chúng” (Mc 10,14), thì tại sao cha mẹ lại không sớm mang con đến với Chúa ngay từ khi chúng mới ra đời, để nhờ phép Rửa tội này, chúng sẽ được Chúa “ôm vào lòng và chúc lành” (x. Mc 10,16) ? Vì thế Giáo Luật đã có qui định như sau: “Cha mẹ có bổn phận phải lo cho con cái mình được chịu phép Thánh tẩy ngay trong những tuần lễ đầu tiên. Ngay trong thời gian sớm nhất sau ngày sinh, cha mẹ cần gặp cha sở để xin cho con được chịu phép rửa tội và cha mẹ cũng được học hỏi về bí tích này. Nếu hài nhi mới sinh mà bị nguy tử, cha mẹ không được trì hoãn mà phải lập tức rửa tội cho con” (GL 867).
- Đàng khác, có người lại cho rằng cha mẹ cần tôn trọng tự do của con cái nên phải đợi cho chúng lớn lên và chúng sẽ được tự do chọn lựa đức tin. Nhưng điều này không hợp tình hợp lý: Vì chắc không cha mẹ nào lại phải chờ cho con cái mình lớn khôn rồi mới dạy cho chúng những điều hay lẽ phải. Kinh nghiệm cho thấy: Chính nhờ sự dạy dỗ của cha mẹ chúng ta ngay từ nhỏ dại mà ngày nay chúng ta mới có đủ hành trang vào đời và mới đạt được thành công trong cuộc sống. Về phạm vi đạo đức cũng vậy. Nhờ sự giáo huấn của cha mẹ mà mỗi người chúng ta mới biết chọn sống theo những giá trị cao quí mà không mất thời giờ tìm kiếm đức tin. Rửa tội cho con cái khi chúng còn nhỏ không những không làm phương hại đến tâm hồn trong trắng của con, mà trái lại con cái chúng ta còn nhận được những ân sủng và được huấn luyện về nhân bản. Đàng khác, có lẽ ai trong chúng ta cũng biết: Nhiều cha mẹ ngoài công giáo đã tìm cách gửi con cái họ theo học những trường nội trú Công giáo dù phải trả học phí gấp đôi gấp ba so với học tại các trường công lập. Chính vì họ tin rằng con cái họ sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt để thành công trong cuộc sống sau này nhờ hấp thụ được một nền giáo dục tốt tại những trường công giáo.
- Cuối cùng, việc cho con cái được chịu phép Thánh tẩy để gia nhập đạo công giáo ngay từ nhỏ cũng không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng của chúng, vì khi tới tuổi trưởng thành, chúng vẫn có quyền tự do sống đức tin công giáo hay chọn sống theo xác tín riêng của chúng.
TÓM LẠI: Việc cho con chịu phép rửa tội để được gia nhập đạo công giáo vừa là quyền lợi của đứa trẻ vừa là bổn phận của cha mẹ có trách nhiệm với con cái của mình:
Là quyền lợi của con cái: Cũng như cha mẹ không cần hỏi ý kiến của con để làm giấy khai sinh cho nó mang quốc tịch của mình, đặt tên cho con theo tên Gọi và Họ của cha mẹ… vì đó là quyền lợi mà con cái họ đương nhiên được hưởng. Cũng vậy: cha mẹ công giáo sau khi sinh con hãy mau cho con được chịu phép rửa tội để nên con Thiên Chúa, gia nhập vào Hội thánh với Tên Thánh do cha mẹ đặt cho mà không cần phải hỏi ý kiến của nó.
Là trách nhiệm của cha mẹ có lương tâm: Khi con nhỏ chưa thể suy nghĩ quyết định, cha mẹ sẽ quyết định thay con khi cho con ăn uống theo sự khôn ngoan của mình. Cha mẹ cũng thường răn dạy sửa phạt con ngay từ khi chúng còn bé nếu chúng làm sai, cho con đi học tại trường mà cha mẹ đánh giá tốt nhất cho con, dù lúc đó nó chưa muốn đi học... Nếu cha mẹ chiều theo ý con để cho nó ăn kẹo thay cơm, cho con bỏ học đi chơi vi-đê-ô game theo ý nó, cho con chơi với bạn xấu, tập hút thuốc lá hay chơi ma túy… mà không ngăn cản sửa phạt… chứng tỏ cha mẹ là người vô trách nhiệm và sẽ phải lãnh nhân hậu quả khôn lường khi con lớn lên trở thành những tên tội phạm xấu xa, bị xã hội trừng phạt do các tội ác chúng đã làm hại bản thân, gia đình và xã hội.
B. PHÚT HỒI TÂM
1) LỜI CHÚA:
Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng. Nhưng các môn đệ xẵng giọng với chúng. Thấy vậy Người bực mình nói với các ông: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vị Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em: Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng. (Mc 10,13-16).
2) LỜI CẦU:
Lạy Chúa Giê-su. Xin cho các cha mẹ công giáo chúng con biết quan tâm lo cho con cái mình được sớm lãnh nhận bí tích rửa tội từ khi được một hai tháng tuổi, để con em chúng con được ơn tha tội tổ tông truyền và được Thánh Thần tái sinh làm con Thiên Chúa.
Xin cho các cha mẹ công giáo luôn ý thức trách nhiệm giáo dục đức tin cho con ngay từ tuổi lên ba đang bập bẹ nói. Xin cho những người làm cha mẹ biết nêu gương sáng mến Chúa yêu người và dạy con cái học tập noi theo trong từng việc nhỏ. Nhờ đó con em chúng con sẽ được giáo dục đức tin để nên con thảo của Thiên Chúa, nên môn đệ thực sự của Chúa qua việc thực hành giới răn yêu thương, và nên thành viên trong đại gia đinh Hội thánh Công giáo. Nhờ đó chúng sẽ có thể chu toàn sứ mạng làm chứng cho Chúa giữa lòng xã hội của mình.- AMEN.
LM ĐAN VINH
Giám Huấn HHTM Trung Ương
conggiao.info