Đức Tin và Cuộc Sống - ĐỨC TIN LÀ GÌ

 ĐỨC TIN LÀ GÌ?

 

Đức tin có một tầm quan trọng hết sức cơ bản trong cuộc đời người trẻ. Một số người tự nhiên có đức tin, cơ hồ họ đã bú lấy nó được từ trong lòng mẹ vậy. Cũng có người coi đức tin như một sự đầu hàng của trí khôn trước những mầu nhiệm khôn dò. Cuối cùng có một số người ngại phải dấn thân vì không muốn thay đổi tí nào trong cuộc đời mình. Vậy thì đức tin là gì?

 

1. Một hành vi của trí tuệ

Tin là một hành vi phức tạp. Tuy bao hàm nhiều khía cạnh nhưng tất cả đều làm thành một thực tại rất sống động. Có đức tin không phải là tin vào những điều mà mình không hiểu hay là có những tâm tình đạo đức.

Có đức tin trước hết là tín nhiệm vào một ai đó, như đứa trẻ tin mẹ mình, như bệnh nhân tin thầy thuốc. Đó là một hành vi tin cậy vô điều kiện vào Chúa, vào lời nói, các lời hứa và hành động của Người.

Tin trước tiên là một hành vi của trí tuệ. Và đó là một việc hợp lý. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có khối lần bảy tỏ niềm tin tự nhiên. Chúng ta  tin vào các sự kiện lịch sử được thuật lại trong sử sách. Chúng ta tin vào các nhà bác học và những công thức khoa học của họ. Chúng ta tin vào lời chẩn bệnh của thầy thuốc cũng như vào tài nghệ của người lái xe trượt.

Ta tin vào một người nào đó bởi vì người ấy xứng đáng cho ta tin tưởng. Người này cung cấp cho ta những dấu chỉ để biện minh cho tình trạng đáng tin của mình và qua đó cũng biện minh cho niềm tin của chúng ta là một niềm tin hợp lý.

Tất cả những điều trên đây cũng đều có thể được sử dụng để nói về hành vi đức tin đối với Thiên Chúa và đối với Đức Kitô. Chúng ta tin rằng mình đã nhận được một loạt các chỉ dẫn hay dấu hiệu giúp mình có thể có được một phán đoán chắc chắn.

Những người cách đây 2000 năm tin vào Đức Kitô, chỉ dần dần mới có được lòng tin ấy: họ nghe Người nói, nhìn Người sống, thấy các phép lạ Người làm và nhất là chứng kiến Người đã sống lại. Dựa vào những quan sát đó, họ hiểu ra rằng Đức Giêsu đáng cho họ tin tưởng, Thiên Chúa đã xác nhận lời chứng của Người khi cho Người sống lại từ cõi chết.

Đối với chúng ta ngày nay, không thể quan sát trực tiếp các việc làm và nghe trực tiếp các lời nói của Đức Kitô nữa. Chúng ta tin dựa trên lời chúng của các chúng nhân trực tiếp thấy Đức Giêsu sống và sống lại. Sau này chúng ta sẽ có dịp thấy rằng mình có thể tin vào lịch sử tính của các sách Tin mừng, những sách tường thuật các việc Đức Kitô làm và các lời Người giảng dạy.

Như thế, Thiên Chúa đã dùng một con người để nói với loài người.

Với trí khôn của mình, ta có thể suy ra được rằng Thiên Chúa có thật. Nhưng nếu Người không mạc khải thì ta không thể biết Người là ai. Đó chính là điều Người đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã nói cho ta biết sự thật về Thiên Chúa và về con người, hình ảnh của Thiên Chúa. Đó cũng chính là điều mà ta gọi là Mạc Khải. Mạc khải này được khép lại sau khi vị Tông đồ cuối cùng của Đức Giêsu qua đời. Chúng ta tin  vào những gì Đức Giêsu giảng dạy về đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, bởi vì Người là Con Thiên Chúa, không thể sai lầm mà cũng chẳng hề lừa dối ta. Nhờ vậy, đức tin chính là sự chấp nhận của trí tuệ đối với các chân lý mà Thiên Chúa đã mạc khải cho loài người trong và qua Đức Kitô.

Đức tin mở rộng trí khôn con người để hiểu biết Thiên Chúa. Một đứa trẻ tin vào cha mình sẽ biết được nhiều điều không do tự nó khám phá ra; và tuy không thể biết những điều ấy sâu sắc như cha mình, nhưng dầu sao nó cũng đã biết.

Như vậy, vì đã nhìn mọi sự trong nhãn quan của Thiên Chúa nên kẻ tin sẽ có những cái nhìn về một thế gới khác, về thế giới bên kia.

Còn khoa học với cái nhìn theo nhãn quan con người không thể tường trình về một thế giới mà nó hoàn toàn không có khả năng thăm dò.

Đức tin là một ánh sáng chiếu lên trong đêm tối. Tuy không tới mức xua tan hết mọi bóng tối – vì Thiên Chúa vượt lên trên chúng ta và vẫn luôn luôn huyền bí – nhưng cũng đủ soi sáng bước chân ta.

 

2. Một quả tim luôn tìm kiếm

Không phải cứ suy tư lý luận xong là ta sẽ tin dù hành vi đức tin ấy có hợp lý đến đâu chăng nữa. Ta không gặp được đức tin như dùng lý luận để khám phá ra giải đáp cho một bài toán vật lý. Đức tin không phải là một khoa học, dù có những sự thật phải tin. Đức tin không chỉ ngỏ lời với trí tuệ mà thôi.

Con tim cũng có phần của nó trong hành vi đức tin. Đức tin là sự gắn bó của ta vào một nhân vật, là Thiên Chúa hay là Đức Kitô. Đây là chuyện có dấn thân hay không. Chính điều này làm cho đức tin trở nên một sự liều lĩnh, một cuộc mạo hiểm mà ta muốn cùng với Chúa thử làm.

Thường thì chính con tim thúc đẩy trí khôn đi tìm các lý lẽ để tin: đã không yêu mến sự thật, không muốn hiến thân cho một lý tưởng thì lúc nào cũng có những lý do tuyệt vời để từ chối không tin.

Các người Pharisêu thời Đức Giêsu đã không đọc ra các dấu chỉ mà Người đưa ra để giải thích sứ mạng thần linh của mình: không đọc ra ý nghĩa của các dấu lạ vì họ chẳng hề yêu mến Đức Kitô.

Người nào chân thành, sẵn sàng thay đổi đời sống nếu thấy cần thiết, cho dù có phải trả giá gì đi chăng nữa, người nào hết lòng muốn tiến tới sự thật, người đó đang đi trên đường dẫn đến đức tin.

Phải có những điều kiện nội tâm nữa thì mới có thể tin được. Chính vì thế ta hiểu được tại sao trong cùng một gia đình hay một trường học, tuy được giáo dục về đạo như nhau, nhưng có người thì có đức tin có người vẫn không tin hay bàng quan vô tâm.

Phải làm cho đời mình ăn khớp với điều mình muốn tin. Ai thực thi chân lý thì đến với ánh sáng, Tin mừng đã nói như thế (Ga 3,21).

Tâm hồn ta thường bị trì trệ nặng nề vì thiếu trong sạch, không chịu bỏ đi những điều cần phải từ bỏ. Chính ví thế trí khôn ta sẽ tìm ra đủ những lý lẽ để khỏi tin hoặc để khỏi tiếp tục tin nữa. Nó dày công xây dựng những lập luận giải thích để không còn thấy lúng túng khó chịu nữa. Ta không có cam đảm cắt đứt một mối liên hệ nguy hiểm, phá vỡ một thói quen xấu, chỉnh đốn lại tình yêu, lướt thắng tính ích kỷ hay lời biếng của mình.

Hoặc lúc ấy ta đang sống một cách hời hợt, tự thoả mãn với chính mình, thiếu nền tảng nội tâm. Các điều thuộc về đức tin đâu còn chỗ nào trong một cuộc sống ồn ào náo nhiệt, chỉ theo đuổi một mục tiêu duy nhất là năng suất, là lợi nhuận.

Ta không còn thời giờ để đặt cho mình những câu hỏi thiết yếu như: Tôi là ai? Tôi đang về đâu? Đời tôi có ý nghĩa gì?

Cần phải thật khiêm nhượng, trong sạch, cởi mở, khoáng đạt, khôn ngoan thì mới nhận được ơn đức tin.

 

3. Một ơn do Chúa ban

Đức tin trước tiên là một ơn do Chúa ban. Để có được đức tin, cần phải có hai điều này: về phía con người là đi tìm chân lý, còn về phía Thiên Chúa là ban ánh sáng đặc biệt cho con người.

Nếu kim la bàn lúc nào cũng chỉ về hướng bắc, ấy chính là vì cực bắc luôn có sức hấp dẫn cây kim đó. Đức Giêsu nói rằng: Không ai có thể đến với Tôi, nếu Cha Tôi không lôi kéo người ấy (Ga 6,44).

Đức tin là một ân sủng, nghĩa là một ơn mà Chúa ban không cho ta, chứ theo bản tính tự nhiên ta không thể đòi hỏi, có chăng là chỉ cầu mong và hy vọng được ban cho ơn ấy. Đức tin là một ánh sáng, nhưng vì là ánh sáng chiếu cho thấy Thiên Chúa và các điều kín ẩn của Người, nên nó phải từ nơi Người mà phát xuất ra, không thể từ ta mà có được. Đức tin từ trời cao ban xuống: đức tin chính là trí tuệ và tình yêu của Thiên Chúa được ban cho để soi sáng trí khôn con người.

Chúng ta không thể nào biết Thiên Chúa ở nơi thâm sâu của Người. Thiên Chúa là một thế giới mới lạ mà con người không thể nào tới được. Lý trí có thể cho ta biết rằng Thiên Chúa hiện hữu. Nhưng muốn biết Người là ai thì phải có một giác quan thứ 6. Giác quan này chính là đức tin. Đức tin mở tâm hồn con người ra cho một chiều kích mới mẻ và lạ lùng: đức tin làm cho con người vượt qua những giới hạn của bản tính tự nhiên và của vũ trụ nhân loại, và có khả năng khám phá ra một bản tính ngoại nhiên, thế giới của chính Thiên Chúa. Đó là lúc con người tới được thế giới vô hạn.

Nguồn ánh sáng từ trên cao, chiếu soi nội tâm ta, khiến ta xác tín rằng các thực tại mới mẻ mà chúng ta sẽ khám phá được chắc chắn là do Chúa: tuy không thấy Chúa trực tiếp – chỉ trên Thiên đàng mới có được thị kiến này – và không hiểu hết mọi mầu nhiệm của Người, nhưng chúng ta biết những gì Người nói với ta quả là do Người và đáng tin.

Chúa không bao giờ từ chối tỏ mình ra cho những ai thành tâm thiện ý. Sớm hay muộn, người ấy sẽ có đức tin. Nhất là nếu người ấy nguyện xin cho được ơn này.Trước khi ăn năn trở lại, cha De Foucauld vẫn luôn nguyện rằng: “Lạy Chúa, nếu Ngài hiện hữu, xin cho con được biết Ngài”.

Điều thiết yếu là giữ cho tâm hồn luôn cởi mở sẵn sàng vì Thiên Chúa vốn luôn tôn trọng tự do của chúng ta.

 

4. Một câu trả lời tự do của con người

Đức tin là một ơn do Chúa ban, thế nhưng con người còn cần phải đón nhận nữa. Họ phải thưa “xin vâng”. Đây là lúc ý chí con người can thiệp vào để thúc đẩy trí khôn tin vào các chân lý do Chúa mạc khải.

Lúc ấy, đức tin sẽ trở thành một sự dấn thân đi theo Đức Kitô, một sự gắn bó với một nhân vật. Đó là một sự lựa chọn. Việc chúng ta tự ràng buộc mình vào Đức Giêsu Kitô chắc chắn là một điều hợp lý, vì ta có đủ lý do chính đáng để tin: đức tin không phải là điều vô lý, mà là điều vượt trên mọi lý luận.

Việc ta quyết định tin vào Đức Giêsu Kitô cũng là một hành vi tự do và đáng khen. Thiên Chúa không hề xâm phạm đến lương tâm con người, vì tự do chính là luật của tình yêu. Không ai có thể áp đặt đức tin, dù đó là cha mẹ hay Hội thánh, cũng giống như chẳng ai có thể ép một người nào phải yêu. Đó là một sự lựa chọn hoàn toàn tự nguyện.

Không phải là không có nguy hiểm, vì tin vào Thiên Chúa và vào Đức Kitô cũng đồng thời là phải khước từ một cuộc sống bình lặng và dễ dãi. Trở thành Kitô hữu đồng thời là chấp nhận những xáo trộn trong cuộc đời. Đôi khi vì tuyên xưng đức tin ta phải chịu tử đạo. Tin đúng là một cuộc chiến đấu.

Đức tin chẳng phải là một sự đào tẩu. Nó không cản trở mà trái lại còn thúc đẩy ta dấn thân, thậm chí với các kẻ không tin, để biến đổi thế giới và xã hội tiến đến chỗ công bằng và huynh đệ hơn. Đức tin ban cho các cuộc dấn thân của chúng ta ở đời này có ý nghĩa, như một sự chuẩn bị cho Nước Trời.

Đức tin là nguồn đem lại niềm vui, chiếu sáng cuộc đời. Dưới ánh sáng đức tin, thế giới trở nên trong suốt  và huynh đệ hơn. Hoàn vũ là mọt nơi để ta hiệp thông với nhau. Và khi gặp đau khổ, đức tin mang lại can đảm và  bình an khi làm cho ta hiểu rằng đau khổ không phải là vô ích. Đức tin khiến ta nhìn cái chết như đường dẫn tới sự sống. Tin chính là xây dựng trọn cuộc đời ta dựa trên Đức Kitô là Đấng có những lời ban sự sống vĩnh cửu. Chỉ một mình Người có khả năng thoả mãn các khát vọng cao cả nhất của thanh niên lẫn thiếu niên.

Đức tin cần được đào sâu thêm. Nó là một cây con mà nếu không được nuôi dưỡng thì sẽ chẳng lớn lên được. Một số người trẻ vẫn còn giữ đức tin, một đức tin của con nít, thứ đức tin không còn đáp ứng được các nhu cầu của người đã tới tuổi thành niên hay tuổi tráng niên. Để yêu mến Chúa hơn và chiếu toả Người ra, ta cần hiểu biết  về Người hơn nữa. Phải không ngừng khám phá lại khuôn mặt của Đức Giêsu Kitô bằng cách đào sâu các sách Tin mừng. Để giữ vững đức tin, ta cũng cần thực hiện các hành vi đức tin, trong đó đáng kể hơn hêt là cầu nguyện chuyên chăm và tham dự đều đặn thánh lễ ngày Chúa nhật.

5. Phải chăng khoa học mâu thuẫn với đức tin?

Trong quá khứ đã có những xung đột trầm trọng giữa khoa học và đức tin. Tất cả mọi nguừoi đều nhớ việc Galilê bị kết án vì đã quả quyết rằng trái đất quay chung quanh mặt trời chứ không phải ngược lại. Các nhà thần học thời đó đã giải thích theo mặt chữ bản văn trong sách Sáng thế. Ngày nay người ta không còn vướng phải sai lầm này nữa – Kinh thánh không có ý dạy ta về khoa học, nhưng là tôn giáo.

Tạ ơn Chúa, các mối tương quan giữa khoa học và đức tin đã thay đổi rất nhiều. Cả hai có thể tồn tại bên nhau một cách yên ổn mặc dù một đôi khi vẫn còn vài căng thẳng.

Khoa học chân chính và đức tin đích thật không thể mâu thuẫn nhau. Khoa học tìm tòi trong thiên nhiên các quy luật mà Chúa đã thiết lập. Đức tin chuyển tải các chân lý mà Chúa đã trực tiếp truyền đạt. Thế mà nơi Thiên Chúa không thể có mâu thuẫn được.

Sự có mặt của các nhà bác học đồng thời cũng là các tín hữu thuộc các tôn giáo chính trên thế giới chứng tỏ rằng khoa học và đức tin không phải là không sống chung với nhau được.

Tuy nhiên mỗi bên phải ở lại trong địa hạt của mình. Như người ta đã từng trách Hội thánh giảng dạy thế này thế nọ ngược với khoa học, như sáng tạo thế giới trong 6 ngày. Nhưng Hội thánh chẳng dậy điều gì như thế cả. Với một ngôn ngữ đầy hình ảnh, tác giả sách Sáng thế chỉ muốn tỏ cho ta biết rằng Thiên Chúa là tác giả vũ trụ và những gì chứa đựng trong vũ trụ. Ngoài ra không nói gì hơn.

Một số người lại xem một điều mới chỉ là giả thuyết như đã là chân lý khoa học rồi; từ đó mới xảy ra các xung khắc.

Các Kitô hữu phải nhìn nhận giá trị của khoa học trong việc thăng tiến và phát triển con người, đồng thời cũng phải công nhận chân lý của khoa học trong lãnh vực khoa học.

Tuy nhiên, khoa học cũng phải chấp nhận các giới hạn của mình và công nhận rằng chỉ riêng lý trí con người thôi không đủ để hiểu biết trọn vẹn thực tế vốn rất phức tạp. Có những thực tại mà khoa học không bao giờ vươn tới được như: tư duy, tình cảm, vẻ đẹp, thi ca, các lựa chọn luân lý. Các điều này không chỉ là sản phẩm do não bộ tiết ra.

Cả khoa học lẫn đức tin đều phải biết tôn trọng chủ quyền của nhau. Nếu khoa học phân tích cái “thế nào” của mọi sự, thì đức tin tìm hiểu cái “tại sao”. Nếu mỗi bên biết gạt đi cám dỗ muốn tự mình giải thích mọi chuyện, thì sẽ dần dần không còn những xung đột nữa.

6. Tôi đã mất đức tin rồi!

Có thật bạn đã lạc mất mó rồi chăng? Nó rơi mất khỏi túi bạn rồi à? Chúng ta hãy ăn nói cho nghiêm chỉnh một chút! Người ta không mất đức tin như làm thất lạc một cuốn sổ tay. Có thể bạn chỉ mới có một lòng đạo mơ hồ chứ chưa có đức tin đích thật? Nếu vậy chớ nói rằng mình đã mất đức tin. Trước hết hãy khởi sự tìm kiếm đức tin bằng cách cầu xin Chúa – nếu Người hiện hữu – ban nó cho bạn!

Tuy nhiên cũng xảy ra trường hợp đức tin đích thực bị tàn lụi. Đức tin là quan hệ bằng hữu với Đức Kitô mà bạn đã kết ước ngay từ thời thơ ấu. Nó được biểu lộ qua kinh nguyện, tham dự thánh lễ, tận tuỵ hy sinh cho tha nhân.

Nhưng rồi khi lớn lên, có thể bạn đọc phải tác phẩm của các tác giả không tin khiến tâm trí bạn bị dao động. Và cuối cùng có thể bạn bị họ thuyết phục để nghĩ rằng vị Thiên Chúa rất đỗi tốt lành mà người ta gọi là Cha chúng ta ấy chỉ là kết quả do trí tưởng tượng của bạn sinh ra.

Bạn đã quên chăm chút cho đức tin của mình, quên đem nó ra đối chiếu với các phát minh khoa học mà mình đã học được. Trên đây chúng ta đã thấy rằng không hề có mâu thuẫn giữa khoa học chân chính và đức tin đích thật.

Hoặc là, càng lớn lên, bạn càng không còn đủ can đảm để cầu nguyện hay hành đạo nữa. Vì giờ đây kinh nguyện không còn là một nguồn an ủi như trước kia nữa. Bạn chẳng còn cảm thấy gì ráo. Nhưng đức itn không phải là một điều thuộc lãnh vực tình cảm. Kinh nguyện và thánh lễ là những điều sinh tử đối với người Kitô hữu.

Hoặc ít ra bạn bị một biến cố đau thương nào đó, như cái chết của một người tri kỷ chẳng hạn, làm cho bạn choáng váng. Bạn tự nhủ rằng nếu Thiên Chúa hiện hữu, hẳn Người đã không cho phép tai nạn này xảy ra. Nhưng nếu như Người chẳng hề hiện hữu thì có biết bao câu hỏi không tìm được lời giải đáp!

Đôi khi vì khám phá ra giới tính của mình mà một thanh niên có thể xa rời đức tin. Người ấy nhìn tôn giáo như một chướng ngại vật ngăn cản sự phát triển nhân bản của mình, quên rằng chính tôn giáo giúp ta khám phá ra tình yêu đích thật.

Chưa kể đến áp lực của môi trường lãnh đạm mà ta đang sống. Ngày nay, phải can đảm lắm mới dám suy nghĩ hoặc nói ra điều gì ngược với mọi người chung quanh! Phải có cá tính mạnh mẽ lắm mới dám đi tìm những giá trị tâm linh, trong khi biết bao người chỉ nhắm đến cái lợi trước mắt bằng cách thu tích của cải vật chất!

Nếu đã mất đức tin, xin bạn hãy đọc tiểu sử và các sự kiện trong cuộc đời của những người, nam lẫn nữ, có một đức tin thật sáng ngời! Nhưng nhất là trước khi mất đức tin, hãy nuôi dưỡng nó đầy đủ để nó khỏi tàn lụi.

7. Đức tin có thể giúp ta thành công trong đời không?

Không có thành công nào mà chẳng có niềm tin: người nghệ sĩ tin vào nghệ thuật, người làm ăn tin vào xí nghiêp của mình.

Thế nào là thành công? Là giàu có, gia đình hạnh phúc, nổi tiếng, thành công với người khác phái ư?

Không phải thành công nào cũng đều có giá trị: tự nhiên ai cũng có thể thấy; sự thành  công đích thật không nhất thiết phải lồ lộ trước mắt ta. Hơn nữa, ta không bao giờ đạt được thành  công mà không vượt qua một vài thử thách. Ta cũng chẳng khi nào đạt được thành công một lần là xong.

Đức tin Kitô giáo có thể giúp ta thành công về mặt xã hội mà cũng có thể cản trở ta. Người tin thường phải bơi ngược dòng vì phải nhìn sự thành công theo thời thượng kia chỉ có giá trị tương đối, phải thấy được các giới hạn và cả những sai lầm của nó nữa. Đức tin là một sự lựa chọn và có thể là một sự lựa chọn rất bi tráng.

Nhưng nhất là đức tin giúp ta trở thành một người có chiều sâu. Người Kitô hữu vì biết rằng mình được Chúa yêu nên sẽ có thêm can đảm để không bao giờ thất vọng. Hơn thế nữa, người ấy được đức tin thúc đẩy mãnh liệt để xây dựng một thế giới huynh đệ hơn. Người ấy sẽ nhìn ra Đức Giêsu Kitô là một con người đã thành đạt, một con người đã thắng vượt được mọi thử thách, kẻ cả hận thù và cái chết.

Đức tin là một sự may mắn cho cuộc đời chăng? Dầu sao, nếu không luôn luôn giúp ta thành công trog đời thì ít ra đức tin giúp ta được thành nhân.

Tác giả: Jacques Lacourt
TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN VÀ CUỘC SỐNG

BÀI VIẾT CÙNG MỤC