Đức Tin và Cuộc Sống - ĐỨC GIÊSU CÓ SỐNG LẠI THẬT KHÔNG


ĐỨC GIÊSU CÓ SỐNG LẠI THẬT KHÔNG?

 

1. Đức Giêsu Kitô, nhân vật thời quá khứ?

Đối với nhiều người trẻ của thời đại chúng ta, Đức Giêsu vẫn còn là một nhân vật quyến rũ đã từng rao giảng một tình yêu đại đồng giữa con người với nhau, đã chăm sóc các kẻ bé mọn, Ngài là một con người tự do, dám phản đối các cơ chế đáng kính nhất thời ấy. Vâng, đó là một nhân vật lạ lùng trong lịch sử. Nhưng chỉ có thế thôi. Một con người của quá khứ. Ngài đã chết như hết thảy mọi người khác và hiện nay chính kỷ niệm của Ngài đang sống dậy, biến Ngài thành một siêu sao!

Giáo hội và các Kitô hữu phản đối ý kiến trên. Bởi nếu không sống lại và không sống mãi, thì chúng ta sẽ là những kẻ bất hạnh nhất. Và chỉ còn mỗi một việc là đóng cửa mọi nơi thờ phượng. Tất cả sẽ sụp đổ hết: đức tin Giáo hội, ơn tha tội, ý nghĩa của đau khổ, niềm hy vọng được sống sau khi chết.

Nhưng nếu Đức Kitô đang sống, thì chính chúng ta phải là những người hạnh phúc nhất. Một bà cụ đã nói như sau: “Vào tuổi như già đây thì chẳng còn sống được bao lăm nữa. Tương lai không giúp ích gì cho già, mà chỉ chực đem già đi thôi.” Và nếu như tương lai của chúng ta là sự trẻ trung và phong phú của Thiên Chúa hằng sống thì sao? Chúng ta có những lý do để tin vào sự phục sinh của Đức Kitô không? Điều này có thay đổi được điều gì trong cuộc đời của ta không?

2. Có thể tin vào sự phục sinh hay không?

Một sự kiện lịch sử có thể kiểm chứng được là niềm tin của những môn đệ của Đấng đã bị đóng đinh vào thập giá, bắt đầu từ ngày thứ 3 sau khi Thầy họ qua đời. Họ quả quyết rằng mình đã thấy Người đang sống. Cái tin này sẽ được họ và những người kế tục họ loan báo vào những năm tháng sau đó tại Giêrusalem, trong khu vực Địa trung hải, thậm chí cả ở Rôma nữa, rồi sau đó lan ra khắp bốn phương trời.

Ta phải giải thích tại sao những con người, mà vào ngày thứ sáu khổ nạn trước đó còn hèn nhát, đào ngũ, lại có một niềm tin nhất trí như thế. Một sự kiện đã bất ngờ xảy ra, một điều gì đó đã đổ vào lòng họ một niềm xác tín, một niềm vui, một niềm hy vọng, một nhiệt tình dễ lây lan. Sau đó, họ không thể không nói ra. Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại, chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy (Cv 2,32). Đó là điều họ đã công bố trước mặt thế giới bất chấp những đe doạ, những khổ hình và cái chết – một con dấu đóng ấn lên lời chứng của họ.

Còn có một sự kiện lịch sử trọng đại khác nữa: đó là niềm tin của toàn thể Hội thánh tiên khởi vào Đức Giêsu Phục sinh. Nhờ thánh Phaolô mà chúng ta có được bản kinh Tin kính cổ xưa nhất của những Kitô hữu đầu tiên. Bản kinh này được tìm thấy trong thư thứ nhất gởi cho các tín hữu Côrintô, được viết từ Êphêsô khoảng năm 56-57. Thánh Phaolô nhắc cho cộng đoàn bé nhỏ, mà ngài đã lập nên trong giới bình dân của thành phố, giáo lý ngài đã giảng dạy khi có dịp ghé qua đó mấy năm trước.

“Vì trước mọi sự, tôi đã truyền lại cho anh em, điều mà chính tôi cũng đã chịu lấy: là Đức Kitô đã chết vì tội lỗi ta, theo lời Kinh thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh thánh, Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non” (1 Cr 15, 3-8).

Thánh Phaolô giả thiết rằng độc giả của mình không còn hồ nghi việc Đức Giêsu sống lại nữa. Trong bản văn trên, ngài muốn chứng minh cho họ thấy rằng các người chết sẽ sống lại chỉ vì Đức Giêsu đã sống lại. Đức Giêsu đang sống là bảo chứng cho sự phục sinh của mỗi người chúng ta.

Đó chính là niềm tin của những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên. Bởi chưng Phaolô truyền đạt lại điều mà chính mình đã nhận được. Lúc nào? Khi ngài lưu trú ở Antiôkia vào khoảng năm 40-42. Như thế, chừng 20 năm sau khi Đức Giêsu chịu đóng đinh năm 30, truyền thống Kitô giáo đã tin vào sự Phục sinh và đã truyền đạt đức tin của mình dưới hình thức một kinh Tin kính đơn giản, dựa trên thế giá của các nhân chứng tận mắt mà lúc đó vẫn còn sống.

Sau hết còn một sự kiện lịch sử thứ ba nữa: đó là đức tin hiện hành của Hội thánh Công giáo Rôma vào sự Phục sinh của Đấng sáng lập Hội thánh. Đức tin này đã được công bố từ nhiều thế kỷ trong các thánh đường mọi ngày chúa nhật. Hơn thế nữa, lễ Phục sinh là đỉnh cao của năm Phụng vụ. Trong suốt dòng lịch sử, hàng vạn Kitô hữu đã liều mình chịu tử đạo để minh chứng cho đức tin của mình vào sự sống vĩnh cửu với Đức Giêsu người Nadarét, Đấng đã chết và đã sống lại.

Hội thánh Công giáo thách đố người viết sử và yêu cầu họ đưa ra chứng cứ nào không thể cãi lại được để chứng minh rằng các cộng đoàn tiên khởi đã bịa đặt ra việc Đức Giêsu phục sinh. Càng trở về nguồn, ta càng thấy niềm tin vào Đấng Phục sinh được khẳng định một cách rõ ràng. Thánh Phaolô đã tuyên bố: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì đức tin của ta thật vô ích” (1 Cr 15,17). Phủ nhận đức tin của những cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là phủ nhận sự hiện hữu của chính Hội thánh.

Chúng ta chỉ còn mỗi một việc là tự hỏi xem mình sẽ tin tưởng thế nào vào những người tự xưng là chứng nhân của sự kiện duy nhất và độc đáo này. Chúng ta có được những bảo đảm nào về sự thông tin và sự thành thật của họ? Chúng ta đang đứng trước một sự kiện kinh hoàng nhất hay sự lừa bịp lớn nhất trong lịch sử?

3. Sự Phục sinh và các nhân chứng

Một số câu hỏi nảy ra trong tâm trí người muốn tìm ra manh mối của những sự kiện rối rắm trên đây.

Đức Giêsu có chết thật không? Mọi tác giả sách thánh đều khẳng định điều này: các binh lính đã tham gia vào cuộc hành hình, các thủ lãnh dân chúng đã lưu tâm nhiều đến cái chết này, các môn đệ, các người đã chứng kiến cảnh tượng trên đều làm chứng Đức Giêsu đã chết. Ông Philatô đã lập một biên bản và viên quan đội đã xác nhận là Người đã chết.

Đức Giêsu có được mai táng thật không? Hết thảy mọi người cũng xác nhận điều này, và mọi chi tiết mà họ đưa ra đều hoàn toàn ăn khớp với các phong tục của người Rôma – như việc trao trả tử thi cho cha mẹ và bằng hữu – và của người Do thái – xức hương liệu, đặt trong mộ và đóng cửa mộ.

Sau đó người ta đã thấy ngôi mộ của Đức Giêsu trống rỗng? đây là một sự kiện lịch sử khác. Cả 4 tác giả Tin mừng đều nhấn mạnh đến sự kiện này, dù có những dị biệt phụ giữa bốn vị ấy. Người ta biết rằng các ngôi mộ của người Do thái thường được đào sâu trong đá và được đóng kín bằng một tảng đá tròn rất nặng. Sáng chúa nhật, sau ngày ngghỉ lễ Sabát, các phụ nữ trung tín với Đức Giêsu đi ra mộ để ướp xác Người, họ thấy mộ mở tung và trống không.

Phải chăng tử thi đã bị lấy mất? Người ta không bao giờ tìm được những người chứng thành tâm để khẳng định điều này. Nếu những người Do thái thù nghịch với Đức Giêsu đã lấy  xác Người, thì hẳn họ đã có được bằng cớ tốt nhất để thuyết phục các môn đệ đang rao giảng về một sự phục sinh giả trá. Còn các môn đệ không thể lấy xác Thầy họ vì đây là một điều không đúng tâm lý: cái chết của Người đã khiến họ hết sức bối rối và tuyệt vọng.

Tuy nhiên, phải nói rằng việc khám phá ra ngôi mộ trống tự nó chẳng chứng minh được điều gì ngoài  việc Đức Giêsu đã chết thật. Nhưng nó là một dấu chỉ gián tiếp và chỉ có đầy đủ ý nghĩa do những lần Người hiện ra.

Ta nghĩ gì về những lần Đức Giêsu hiện ra? Người đã tỏ mình ra cho một vài người nhìn thấy và tất cả đều quả quyết rằng họ đã nhận ra đó chính là người mà trước kia họ đã từng chung sống. Họ đã nhìn thấy Người, đã đụng chạm, chuyện trò và ăn uống với Người.  Tất cả các chứng nhân này đều cùng tuyên bố: “Chúng tôi đã nhìn thấy Chúa” (Ga 20,25).

Không có người môn đệ nào đã thấy Đức Giêsu lúc Người sống lại. Không ai có thể kiểm chứng việc Thiên Chúa cho Con Người sống lại. Tự nó không phải là một sự kiện lịch sử. Thế nhưng tất cả mọi người đều tuyên bố rằng mình đã nhìn thấy Đức Giêsu Phục sinh. Điều giá trị lịch sử chính là lời chứng của những chứng nhân ấy, tức là các môn đệ. Đối với họ, những điều có thể chứng nhận bằng giác quan không những là việc khám phá ra ngôi mộ trống của Đức Giêsu, còn có các lần Người hiện ra với họ, mà ban đầu họ chẳng nhận ra là Người. Đấng ấy phải nói một câu, làm một cử chỉ, họ mới nhận ra chính Đức Giêsu, Thầy của họ, đang nói với họ như trước kia.

Quả đúng là Người chứ không phải là một hồn ma mơ hồ không có thân xác, không phải là một bóng ma, hay một chất hơi vì người ta có thể nắm tay Người, ôm chầm lấy chân Người, xỏ tay vào vết thương nơi cạnh sườn Người. Đức Giêsu nói đi nói lại rằng: Chính là Thầy đây. Hãy đụng đến Thầy, hãy lấy gì cho Thầy ăn, chớ cứng lòng tin. Người ở đó trong thân xác thật của mình. Không phải là một Đức Giêsu khác nhưng là một Đức Giêsu đã đổi khác, thoát khỏi những ràng buộc của không gian và thời gian. Người hiện diện với các môn sinh của mình mà không cần phải đi xuyên qua tường. Người muốn hiện ra hay biến đi tuỳ ý.

Phải chăng các môn đệ đã trở thành nạn nhân của một ảo giác tập thể? Nếu  vậy, làm sao giải thích được Đức Giêsu đã được nhiều người nhìn thấy, từ những nhóm nhỏ đến những cá nhân riêng rẽ, độc lập với nhau, không hay biết gì về sự Phục sinh, và ở nhiều địa điểm khác nhau?

Hay họ là nạn nhân của chứng tự kỷ ám thị? Đức Giêsu sống lại, đó không phải là sản phẩm do đức tin của các Tông đồ đẻ ra: Các tác giả Tin mừng trình bày việc này như một biến cố thình lình xảy đến với các Tông đồ và buộc họ phải tin dù không muốn. Bởi vậy khi các phụ nữ nói cho họ biết tin Đức Giêsu sống lại, họ đã xem đó là những chuyện tầm phào và không tin (x, Lc 24,11). Ngay cả khi Đức Giêsu hiện ra với họ, họ cũng không tin và vẫn sững sờ kinh ngạc (x. Lc 24,37.41). Tôma chẳng tin tưởng tí nào vào điều người ta thuật lại cho ông, mãi tới khi chính Đức Kitô hiện ra với ông.

Hay đây là một sự lừa bịp? Phải chăng các môn đệ đã tự mình bịa đặt các lần Đức Giêsu hiện ra? Điều này chẳng phù hợp mấy với tính khí của họ là những người tuy sợ sệt và nhát đảm nhưng rất ngay thẳng và thành thật. Và lại phải can đảm lắm mới dám nghĩ ra một điều lạ lùng như thế, bởi nó chỉ khiến cho các giới chức chính trị cũng như tôn giáo gây thêm phiền hà cho họ thôi. Đang khi đó, chính họ lại trốn tránh, cửa đóng then cài, vì sợ người Do thái (x. Ga 20,19).

Và làm sao giải thích sự thay đổi đột ngột và toàn diện của các môn đệ Đức Giêsu sau ngày Phục sinh, làm sao giải thích sự gan dạ không hề lay chuyển và lời giảng dạy đầy xác tín của họ? Cái ít có xít ra nhiều được chăng? Có một điều gì đó đã xảy ra khiến cho đời họ thay đổi. Ta phải tin vào các chứng nhân dám hy sinh mạng sống cho lời chứng của mình. Bởi chưng họ cho rằng mình đã được Đấng Phục sinh trao cho sứ mạng đi giảng dạy và rửa tội cho hết mọi dân tộc trên thế giới.

 

4. Sự Phục sinh đối với các tín hữu

Chỉ nhờ vào kinh nghiệm của các chứng nhân, chúng ta mới biết được sự kiện có thật của việc Đức Kitô phục sinh. Chúng ta đã thấy rằng các tác giả này đều đáng tin cậy. Đức tin của chúng ta ngày nay được xây dựng trên đức tin của những người đã thấy và đã tin. Sự sống lại, tuy tự nó nằm trên lịch sử, nhưng cũng là một sự kiện đã để lại những dấu vết lịch sử đủ cho đức tin của chúng ta ở đây không trở thành vô lý. Đức Giêsu Phục sinh không phải chỉ là trở về với nếp sống trước kia, không phải là một tử thi được hồi sinh, như trường hợp của Ladarô, đã được Đức Giêsu hồi sinh lại.

Phục sinh là bước vào một cuộc sống mới, mới đến độ các chứng nhân không tìm được từ ngữ nào để diễn tả: Phục sinh, sống, siêu tôn. Đó là những kinh nghiệm có một không hai.

Đấng Phục sinh có khả năng hiện diện, với thân xác của Người, ở nơi nào và lúc nào Người muốn. Phaolô đã nói về thân xác thiêng liêng của Người: không phải là một thân xác bằng khí nhưng là thân xác hoàn toàn do Thần Khí Thiên Chúa điều khiển, vượt qua không gian, thời gian và sự đặc quánh, tức là những hàng rào ngăn cản không cho thân xác con người được bộc lộ ra.

Phục sinh là một cách xác nhận sứ điệp và sứ mạng của Đức Giêsu người Nadarét. Người quả thật là Đấng Mêsia mà thiên hạ mong chờ. Người cũng là Con Thiên Chúa như Người đã nhiều lần tự xưng như thế trong các sách Tin mừng.

Hiện nay Người là Chúa của toàn cõi đất, mọi quyền lực đã được ban cho Người (x. Mt 28,18-19). Người là thủ lãnh của nhân loại, là Đấng cứu độ con người, và là Đấng xét xử họ. Tất cả công trình sáng tạo đều đang tiến về Người.

 

5. Sự Phục sinh thay đổi điều gì trong đời ta?

Nhìn bên ngoài thì chẳng có gì thay đổi cả. Thế giới vẫn xoay vần như trước. Kỳ thực, mọi sự đều đổi thay.

Tin vào Đức Giêsu Phục sinh chính là quả quyết rằng Đức Giêsu đã chiến thắng cái chết. Người đã vượt qua cái chết của nhân loại vì chúng ta. Kể từ nay, sự sống lại của Người bảo đảm cho chúng ta rằng cái chết là một đường hầm dẫn đến ánh sáng và sự sống. Sự Phục sinh Đức Kitô là kiểu mẫu, là lời loan báo và là lời hứa cho thân xác của ta được sống lại. Thiên Chúa sẽ ban cho mỗi người một thân xác, nghĩa là một tập hợp những phương thế diễn tả, làm cho thân xác trở thành ngôi vị, thành trung tâm và thích nghi cho vừa lượng vinh quang của mỗi người. Tương lai của ta chính là sự trẻ trung và là sức sống của Tlhiên Chúa.

Tin vào Đức Giêsu Phục sinh không phải là đào thoát khỏi thế giới này nhưng là tranh đấu để thế giới được trở nên huynh đệ hơn.

Tin vào Đức Giêsu Phục sinh chính là cam kết tôn trọng sự sống trong bất cứ giai đoạn phát triển nào của nó.

Tin vào Đức Giêsu Phục sinh chính là chiến đấu chống lại sự dữ ở khắp nơi vì chính tội lỗi gây ra cái chết đích thật, tức là cái chết về mặt thiêng liêng. Đó chính là tranh đấu để mọi người có được một cuộc sống đầy phẩm chất trong danh dự và công bình.

Vâng, Đức Giêsu Phục sinh đã thay đổi và chiếu sáng mọi chuyện. Kể từ khi nấm mồ của Đức Giêsu mở ra, thì mọi cuộc chiến đấu trên mặt đất, mọi sự bất công, mọi thất bại, mọi khốn khổ của thế giới cũng như mọi niềm vui của con người, mọi mơ ước của nhân loại, tất cả chẳng trừ điều gì, đều đã thay đổi. Không còn gì như trước. Đức Kitô đang sống làm vọt lên sức sống và hy  vọng từ mọi nơi. Ngài đang bước đi với từng người, là biểu tượng chiến thắng sự dữ, đau khổ, thất vọng, sợ hãi, hận thù, bạo lực và sự chết của họ.

 

6. Địa trung hải rất đỗi xanh

Một nhóm bạn trẻ đang nghỉ hè ở Địa trung hải. Trời rất tuyệt, nước xanh lơ và êm đềm. Họ mướn một chiếc thuyền để viễn du trên sóng. Thình lình, họ muốn nhảy tùm xuống biển. Nước biển thật tuyệt vời. Trong lúc vội vàng, họ chỉ quên khấy một điều: đó là chiếc thang cần thiết để leo lên lại trên tàu.

Họ tìm cách bám vào tàu nhưng chẳng có điểm tựa. Họ phát điên lên, khóc lóc thảm thiết: đó là cuộc tranh đấu chống lại cơn hấp hối và màn đêm đã đột ngột buông xuống. Hai ngày sau, người ta tìm thấy con thuyền bị trôi giạt. Trên vỏ tàu nào là máu, những đầu móng tay, những mẩu da. Họ vốn 8 người trẻ rắn chắc lực lưỡng! (B.Bro).

Không có sự Phục sinh của Đức Kitô. Kitô giáo sẽ là một con tàu tuyệt vời đi trên biển lặng và có khả năng mang lại tự do cho ta. Nhưng đến phút cuối, thật là nực cười khi phải chịu đau khổ và phải chết. Ai phủ nhận sự sống lại của Đức Kitô chẳng khác nào cất đi khỏi chúng ta chiếc thang để leo lên tàu trở lại. Đối với chúng ta, chính Đức Kitô kéo chúng ta cùng vào trong chiếc thuyền sự sống với Người để dẫn đưa chúng tới bến.

CHƯƠNG VI: CẦU NGUYỆN CÓ ÍCH GÌ KHÔNG?

 

1. Điều gì đang xảy ra đối với việc cầu nguyện?

Cầu nguyện có thể bị coi là một việc rất lạ đối với thế giới hiện nay. Một vài người cho rằng đó là một việc đã lỗi thời. Họ coi đây là một hình thức hồi sinh của những thời đại lúc con người còn yếu ớt, cứ phóng lên trời mọi lo lắng, mọi chờ mong và mọi khát vọng của mình. Có người thì cho rằng đây là việc đáng ngờ: cầu nguyện chẳng phải là một sự chạy trốn trách nhiệm nặng nề hoặc tránh né số phận cay nghiệt sao? Và rồi cầu nguyện để làm gì kia chứ? Bất hạnh, chiến tranh, bệnh tật có biến mất đi khi cầu nguyện không?

Tuy thế, các tu viện sống đời chiêm niệm vẫn có người đến xin gia nhập. Cộng đoàn Taizé yết thị là đã đủ chỗ, các nhóm cầu nguyện vẫn lôi kéo sự chú ý của những người trẻ, các chiến sĩ Kitô giáo tỏ ra rất quan tâm đến việc làm sao cho sự dấn thân của mình bắt rễ sâu trong đời sống cầu nguyên đậm đặc; tạp chí “Cầu nguyện” vẫn nhận được thêm nhiều phiếu đăng ký mua.

Một điều gì đó đang xảy ra với việc cầu nguyện!

 

2. Nếu vậy cầu nguyện là gì?

Cầu nguyện không phải là cứ mở môi đọc, cũng chẳng phải là cúi gằm mặt xuống hay chắp tay lại. Cầu nguyện không phải là viếng nhiều đền thánh, cũng chẳng phải là mải miết lần một cỗ tràng hạt dài có đeo đầy ảnh tượng.

Cầu nguyện nằm trong lòng cuộc sống Kitô hữu. Không thể có đời sống tôn giáo đúng nghĩa nếu không cầu nguyện. Cầu nguyện chính là thưa chuyện với Thiên Chúa là Cha chúng ta; chính là ngỏ lời với Đức Giêsu Kitô, người anh của chúng ta trong nhân tính; chính là cầu khẩn Chúa Thánh Thần, chủ nhân của linh hồn ta.

Cầu nguyện là một cuộc đối thoại, một sự trao đổi với Đấng mà ta biết là đang yêu thương ta. Cầu nguyện là nói với Chúa như con nói với Cha. Là nói với Người về niềm vui của ta vì được nhận biết và yêu mến Người. Là giải thích cho Người biết những khó khăn và những cố gắng của ta. Là kêu xin Người giúp đỡ và nài nỉ Người tha thứ. Cầu nguyện cũng là thưa chuyện với Chúa về những người anh em của ta. Cuộc đối thoại đơn sơ và thân tình này được diễn ra trong khiêm nhượng và tin tưởng, là bản chất của việc cầu nguyện đích thật.

 

3. Tại sao phải cầu nguyện? Ta có thể nêu ra 3 lý do

Để yêu thương một người, cần phải nhận biết người đó, để nhận biết một người, cần phải năng lui tới với người đó, sự giao thiệp bao hàm việc nói năng, đối thoại. Cầu nguyện chính là sự đối thoại với Thiên Chúa để nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Người hơn.

Một cuộc sống Kitô hữu đích thật thế nào là tuỳ ta đã dành cho cầu nguyện một vị trí nào. Ai cầu nguyện nhiều thì yêu mến nhiều. Ai cầu nguyện ít thì yêu mến ít. Thậm chí trọn đời ta có thể trở nên lời cầu nguyện nếu nó được dâng cho Chúa.

Cầu nguyện là gián tiếp có một ý tưởng nào đó về Đấng Tối cao: Người không phải là một người Cha thích trừng phạt hoặc một cảnh binh chuyên rình bắt các sự vi phạm của ta, cũng chẳng phải là một vị Chúa “xơ-cua” sẵn sàng thay ta làm việc. Cầu nguyện giúp ta khám phá ra gương mặt thật của Thiên Chúa. Người là một người Cha rất đỗi ân cần, đã mạc khải Đức Giêsu cho ta. Ta phải cầu xin để biết rõ Ngài đang mong đợi điều gì nơi ta. Nhờ cầu nguyện, người Kitô hữu lấy ý muốn, tư tưởng và ước vọng của Chúa đối với mình làm ý muốn, tư tưởng và ước vọng của mình. Người ấy sống trong mối thâm giao với Ba Ngôi Thiên Chúa, cố gắng yêu mến mỗi lúc một hơn. Như vậy, ta phải năng lui tới với Chúa để cả hai cùng nhận biết và yêu mến nhau.

Một lý do khác khiến ta phải cầu nguyện là vì Đức Giêsu đã nói: “Cũng như cành nho không thể tự mình sinh quả nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không luôn liên kết hợp với Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai luôn kết hợp với Thầy và Thầy luôn kết hợp với người ấy thì người ấy sinh hoa kết quả dồi dào, vì không có Thầy, anh em không làm gì được” (Ga 15,4-5).

Đời sống Kitô hữu trước tiên là sự sống của Chúa trong ta. Sự sống này, đã nhận được ngày chịu phép Rửa tội, tăng triển nhờ các bí tích và cầu nguyện. Cầu nguyện, chính là ý thức rằng Chúa Ba Ngôi, đặc biệt là Chúa Kitô, đang hiện diện trong linh hồn ta. Thánh Phaolô nói: “Giờ đây không còn là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Không cầu nguyện, người Kitô hữu chẳng thể làm được gì  trên bình diện đức tin. Nhờ cầu nguyện, sức sống Thần Linh luân lưu một cách mãnh liệt trong chúng ta, tựa như nhựa lưu thông trong cành cây. Cầu nguyện chính là làm cho mình được dồi dào Chúa hơn.

Còn một lý do cuối cùng khiến ta phải cầu nguyện. Đó chính là mẫu gương của Đức Kitô. thánh Luca nói rằng: “Ngài thức suốt đêm để cầu nguyện” (6,12). Người đã cầu nguyện rất nhiều, dù rất bề bộn công việc. Những đám đông kéo đến để nghe Người nói và xin Người chữa bệnh. Nhưng Người thường lui về những nơi cô tịch và cầu nguyện (Lc 5,15). Trước khi chịu khổ nạn và chịu chết, Đức Giêsu leo lên núi Cây Dầu và thúc giục các môn đệ cầu nguyện với Người, nhưng họ chẳng nghe theo, chính Người thường quỳ gối để cầu nguyện. Trong cơn hấp hối, Người đã khấn nguyện với Cha mình thống thiết nhiều hơn nữa. Trên thập giá, Người cũng không ngừng nguyện xin.

Như ta thấy, cầu nguyện thấm nhập toàn bộ đời sống của Đức Giêsu Kitô. Vì thế, sốg đời Kitô hữu, theo guơng Đức Giêsu, là không thể bỏ qua việc cầu nguyện, một sự cầu nguyện thống thiết và liên lỉ. Người cũng đã kể cho họ một dụ ngôn nói về việc tại sao phải luôn luôn cầu nguyện, không bao giờ bỏ (x. Lc 18,1). Người môn đệ không hơn được Thầy mình. Đức Giêsu vốn là một nhà cầu nguyện vĩ đại. Theo gương Đức Giêsu, người Kitô hữu cũng phải liên lỉ đặt mình trước mặt Chúa qua việc cầu nguyện.

 

4. Cầu nguyện có ích gì không?

Thế nhưng có người sẽ nói rằng những giờ phút và những cuộc đời hiến dâng cho Chúa để cầu nguyện như thế có ích lợi gì, khi mà trên khắp thế giới có biết bao khốn khổ, đói kém, giặc giã? Vào thời buổi chủ trương lợi nhuận và hiệu năng này thì nêu lên câu hỏi trên đây cũng là thường thôi.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã từng cảnh giác: “Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh mà thôi” (x. Mt 4,4). Nói như thế không có nghĩa là chia sẻ cơm bánh với anh em là một việc vô ích. Nhưng thứ cơm bánh mà người ta cần, là tình bạn, là sự gặp gỡ, là tình yêu thương nữa chứ?

Cứu người cho khỏi đói, làm cho thiên hạ phải tôn trọng các quyền lao động và quyền sống xứng đáng, loan báo cho mọi người biết Tin mừng giải thoát, đó hẳn là một bổn phận của ta, các Kitô hữu. Nhưng làm sao mang lại cho tất cả những điều ấy một ý nghĩa, ban phát tình thương cùng với cơm bánh, chẳng phải là một điều khẩn thiết không kém hay sao?

Cầu nguyện không tách ra khỏi cuộc sống, nhưng là một sự dấn thân để phục vụ tha nhân tốt hơn. Cầu nguyện mở lòng ta ra với Chúa  và với người lân cận. Khinh miệt kẻ khác, dửng dưng với các vấn đề của họ là những thái độ hoàn toàn đi ngược với sự cầu nguyện của Kitô giáo. Ta không cầu nguyện để trút bỏ gánh nặng của ta cho Chúa, mà là để xin Người ban ơn cho ta đủ sức thi hành các trách nhiệm của mình. Để giúp đỡ tha nhân, cần phải, cần phải yêu thương họ. Nhờ cầu nguyện, ta múc được tình yêu đối với tha nhân ngay trong con tim của Chúa. Các Kitô hữu vĩ đại đang phục vụ nhân loại đều là các nhà chiêm niệm tầm cỡ. Nếu không những thời gian kéo dài kề cận với Chúa trong kinh nguyện thì thử hỏi mẹ Têrêsa Calcutta có đủ sức để chiến đấu với sự khốn khổ không? Ta phải cầu nguyện để phục vụ nhân loại tốt hơn.

Các nhà chiêm niệm, trong các đan viện hay các tu viện, qua bậc sống của mình đã khẳng định rằng Thiên Chúa là gia tài tuyệt đối của con người; rằng không có gì có thể so sánh với Người được, và đối với họ, kinh nghiệm về Thiên Chúa chính là sự sống đích thực. Sự hiện diện của họ nhắc ta nhớ tới ích lợi căn bản của việc cầu nguyện. Nhân loại đang cần đến những người tìm kiếm Thiên Chúa. Các nhà chiêm niệm mở rộng chân trời của chúng ta, là những kẻ thường chỉ biết sống sà sà mặt đất mà thôi. Họ khiến ta hy vọng nhiều hơn, và vì thế thêm can đảm và vui sống.

 

5. Cầu nguyện có hiệu quả không?

Đức Giêsu đã nói: “Hãy xin và anh em sẽ được”. Thế nhưng, rất nhiều người có thể làm chứng rằng họ đã cầu nguyện mà chẳng được gì. Những bà mẹ đã nài đi khẩn lại để xin Chúa gìn giữ những con cái mình khỏi sự dữ, chữa đứa này sắp chết  vì bệnh ung thư, giải thoát đứa kia đang bị bắt làm con tin, mà chẳng được nhận lời. Chính Đức Giêsu đã xin Chúa Cha cứu Người khỏi cuộc khổ nạn sắp đến. Và cứ bên ngoài mà xét thì Chúa Cha đã giả điếc làm ngơ không nghe lời Người cầu xin.

Chúng ta vốn có ý tưởng sai lầm về Thiên Chúa. Ta thường tin vào một vị Chúa hay làm phép lạ, luôn can thiệp vào đời ta để giải quyết các vấn đề của ta và giải thoát ta khỏi những thập giá mà chúng ta thường chất lên vai nhau khi không thực hiện yêu thương.

Nhưng vị Thiên Chúa đang yêu thương chúng ta lại trao cho mỗi cá nhân cũng như tập thể trách nhiệm kiến tạo nhân loại, đưa vũ trụ tới chỗ thành toàn bằng cách biến đổi và dùng nó để phục vụ anh em mình. Người sẽ không làm thay cho ta đâu, cho dù chúng ta có chém giết lẫn nhau đi nữa, Người cũng sẽ chẳng trực tiếp nhúng tay vào đâu. Bởi chưng, Người tôn trọng sự tự do của ta, Người đặt tin tưởng nơi ta và đấy chính là bằng chứng tuyệt vời nói lên sự vĩ đại của con người chúng ta và sự vô biên của tình yêu Chúa Cha.

Chính ta có nhiệm vụ thu hoạch mùa màng và chia sẻ cơm bánh với hết thảy các anh em của ta, chính ta có nhiệm vụ xây dựng nhà cửa, phố xá, cơ xưởng và tạo công ăn việc làm cho mọi người, chính ta có nhiệm vụ tranh đấu cật lực chống lại bệnh tật và đau khổ, chính ta có nhiệm vụ xây dựng một xã hội công bằng và huynh đệ. Chúng ta đừng yêu cầu Chúa làm thay công việc của ta. Người sẽ chẳng nhận lời cầu nguyện ấy đâu.

Đã hẳn là Chúa có thể làm phép lạ. Nhưng đó chỉ là luật trừ thôi. Thông thường thì Chúa không bắt các định luật thiên nhiên ngừng hoạt động. Người nhận lời cầu nguyện của ta ở một mức độ khác.

Nếu chúng ta tin vào Người, Người sẽ ban cho ta quyền năng vô hạn của tình yêu Người, và chính nhờ tin vào tình yêu này mà ta có đủ sức chuyển núi dời non như lời Đức Giêsu đã nói, nghĩa là đủ sức chiến đấu chống lại sự dữ và đau khổ, đủ sức mang lấy sự đau khổ này với Người để cứu độ thế giới.

Chính vì vậy mà mọi kinh nghiệm được dâng lên với lòng khiêm nhượng, tin tưởng và kiên trì đều mang lại hiệu quả. Toàn bộ Tin mừng được kết thành bởi các kinh nguyện đã được Chúa nhận lời. Thiên Chúa không luôn nhận lời ta như ta hằng mong muốn, nhưng Người luôn lưu tâm đến toàn bộ đời ta. Người luôn đáp ứng các nhu cầu thích đáng của ta. Dầu sao đi nữa, Người cũng không thể từ khước tình yêu với kẻ cầu xin Người.

Và nếu đôi khi Người để ta chờ đợi, ấy là để cho ta được đầy tràn hơn sau đó.

Và đấy là điều cần thiết, bởi chưng cầu nguyện không hệ tại ở việc cầu xin Chúa làm theo ý ta, nhưng là theo ý Người. Đó là xích gần lại với Chúa và mở lòng ra, đón nhận dự phóng của Người vạch ra cho ta. Thế mà, ý của Chúa là ta hãy kiến tạo con người, nhân loại và thế giới bằng các phương tiện và các cuộc đấu tranh tuy của con người nhưng đã chứa đựng một sức mạnh vô hạn do tình yêu cứu độ của Chúa đem đến. Bởi chưng ta không thể chiến thắng nếu đó không phải là một cuộc chiến đấu vì tình yêu cùng với Đức Giêsu Kitô.

 

6. Cầu nguyện như thế nào?

Về việc này, chẳng có gì hơn kinh nghiệm: chính trong khi cầu nguyện, ta học được phải cầu nguyện làm sao.

Thế nhưng có nhiều phương thế có thể khơi dậy trong ta sự thích thú cầu nguyện.

Đối với đa số người trẻ, chiêm ngắm thiên nhiên và những điều ký diệu của nó chính là tia lửa làm bừng lên ngọn lửa cầu nguyện.

Một nữ sinh trung học nói: “Các nét đẹp của thiên nhiên, âm nhạc, các điều đẹp đẽ, đó là những cái thúc đẩy tôi nhiều nhất để cầu nguyện.” Vẻ đẹp là dấu chỉ của Chúa.

Đối  với một số người khác, việc quy tụ lại thành nhóm nhỏ để cầu nguyện là yếu tố kích thích ta cầu nguyện.

Một thiếu niên 16 tuổi nói: “Mỗi khi thấy người ta tụ họp với nhau để cầu nguyện, chính lúc đó tôi cảm thấy muốn cầu nguyện hơn bao giờ hết”.

Nhưng cũng có người cho rằng sự cô tịcn sẽ giúp ta dễ hồi tâm hơn. Như lời Tin mừng nói, ta chỉ cần vào phòng đóng kín cửa là có thể cầu nguyện được rồi (x. Mt 6,6).

“Để cầu nguyện, tôi cần được ở một mình, tốt nhất là được yên tĩnh. Lúc ấy tôi sẽ nói với Chúa tất cả những điều mình đang ấp ủ trong lòng” (một thanh niên 20 tuổi).

Khung cảnh bên ngoài cũng không kém phần quan trọng. Nếu một số người trẻ có thể cầu nguyện khắp nơi – trên xe buýt, trên xe gắn máy – thì ngược lại, một số khác lại lưu ý quan tâm đến tầm quan trọng của nơi mình đang có mặt. “Riêng tôi thì cầu nguyện tốt nhất là khi ở trong phòng riêng hoặc trong một nhà nguyện hay một nhà thờ mà tôi yêu thích” (một thanh niên).

Cầu nguyện là nói lên thành lời và là im lặng. Ta cần dùng từ ngữ để diễn ta tâm trạng của mình: đó là cầu nguyện thành tiếng. Ta cũng không quên các công thức có sẵn như kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu đã dạy, hay kinh Kính mừng chẳng hạn. Đối với việc cầu nguyện, các kinh ấy đóng một vai trò tương tự như các chiếc đinh đối với người leo núi đang trèo lên một mỏn đá hiểm trở.

Có người nói với Chúa bằng những lời bộc phát tự nhiên tự trong lòng mình. Một người mẹ gia đình nói: “Tôi không có những từ ngữ đặc biệt để thưa chuyện với Chúa: tôi nói với Người một cách đơn sơ như nói với mình”. “Cảm tạ Chúa, con yêu mến Ngài: đó là những lời lẽ mà tôi thường hay lập đi lập lại mỗi khi cầu nguyện” (một nữ sinh).

Cầu nguyện cũng có thể là suy niệm trong thinh lặng: đó là cầu nguyện trong lòng, hay là nguyện gẫm. Lúc ấy ta sẽ nuôi dưỡng việc cầu nguyện này bằng cách đọc một đoạn Kinh thánh hay một cuốn sách tôn giáo nào đó.

Cầu nguyện là để cho mình được biến đổi dưới ánh sáng Tin mừng.

Cầu nguyện đạt tới đỉnh cao khi nó trở thành sự hiệp thông thuần khiết với Chúa trong thinh lặng. Quả vậy không phải chỉ nói với Chúa mà thôi là đủ, nhưng còn phải lắng nghe Người nói nữa. Một bác nông dân đã nói với cha sở họ Ars về việc viếng Thánh Thể như sau: “Con trông thấy Người và Người trông thấy con”. Nói cách khác: con nói với Người về cuộc sống của con và Người nói với con về cuộc sống của Người. Càng thinh lặng bao nhiêu thì càng cầu nguyện có chất lượng bấy nhiêu. Ta lặng im trước mặt Chúa. Muốn vậy, ta phải bỏ ra một ít thời giờ, phải tin tưởng và can đảm. Cầu nguyện là ngồi đó để nhìn Chúa đang nhìn ta, là để Chúa yêu ta trong hiện trạng của ta.

Ta cầu nguyện bằng tâm trí mà cũng bằng cả thân xác nữa: đứng, ngồi, quỳ, chắp tay bày tỏ sự hồi tâm hoặc giang tay bày tỏ sự dâng hiến. Cử chỉ của ta có một tầm quan trọng lớn lao.

Cầu nguyện là một cuộc chiến đấu mà ta phải lâm trận mọi ngày bởi chưng đức tin không phải tự nhiên mà có. Cầu nguyện đòi hỏi ta phải rất kiên nhẫn, phải tập tành. Cầu nguyện giả thiết phải có các điều kiện.

Tuy nhiên, xét cho cùng, cầu nguyện là một ơn của Chúa Thánh Thần ban cho. Chính Ngài đang ở trong ta mà cầu nguyện với Chúa Cha. “Thiên Chúa đã sai Thánh Linh Con Ngài đến trong lòng chúng ta mà kêu lên Ápba, Cha ơi” (Gl 4,6). Trước khi cầu nguyện, ta nên cầu xin Chúa Thánh Thần ban ánh sáng và sức mạnh của Người.

Sau hết, lời cầu nguyện được liên kết chặt chẽ với cuộc sống hằng ngày. Đối với một số người, các biến cố xảy ra mỗi ngày chính là chất liệu để cầu nguyện. Ta phải đem kinh nguyện vào trog cuộc sống, cũng như phải đem cuộc sống vào trong kinh nguyện.

“Mỗi khi nhìn thấy những người hạnh phúc hay bất hạnh ở quanh tôi, hoặc khi nghe đài phát thanh loan báo tin này hay một biến cố nọ vừa xảy ra trên thế giới, dù là tai hoạ hay một phát minh kỹ thuật mới, lòng tôi lại trào lên ước muốn cầu nguyện” (một thanh niên).

Kinh nguyện đẹp nhất chính là của lễ mà Đức Kitô dâng lên Cha trong phép Thánh Thể.

 

7. Đức Maria, mẫu gương cầu nguyện

Cuộc đời của Đức Trinh Nữ thật là đơn sơ giản dị, các công việc trong gia đình không cản trở Mẹ hiện diện với Chúa và dâng trọn đời mình cho Người. Chính trong công việc hằng ngày, Mẹ tìm được dịp để đối thoại với Đấng Tối cao. Đời sống cầu nguyện giúp Mẹ mở lòng ra với các nhu cầu của tha nhân. Ở tiệc cưới Cana, Mẹ là người đầu tiên lưu ý đến việc thiếu rượu (x. Ga 2).

Đời cầu nguyện của Đức Maria có những chặng mốc như sau: Vào ngày Truyền tin, dựa trên Lời Chúa, Mẹ đã hát bài kinh Ngợi khen để tạ ơn Đấng Hằng hữu. Ỏ tiệc cưới Cana, Mẹ đã kín đáo và tin tưởng cầu xin Con mình. Trên thập giá, Mẹ hợp làm một với lễ dâng của Đức Giêsu. Trong phòng hội họp, Mẹ đã cùng cầu nguyện với các Tông đồ, trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần đến. Hôm nay, trên Nước Trời, Mẹ là đấng có sức chuyển cầu rất mạnh mẽ.

Hội thánh đang cầu nguyện theo con đường mà Đức Maria đã mở ra.


Tác giả: Jacques Lacourt
TUỔI TRẺ - ĐỨC TIN VÀ CUỘC SỐNG




BÀI VIẾT CÙNG MỤC