TIỂU SỬ THÁNH QUÍ - Hạnh Cha Quí và Lý Phụng tử đạo

HẠNH CHA QUÍ VÀ LÝ PHỤNG TỬ ĐẠO

Thánh Phêrô Đoàn Công Quí

Thánh Phêrô Đoàn Công Quí sinh ra tại họ Búng, tỉnh Thủ Dầu Một, lối năm 1826 hay là 1827, bởi dòng dõi đạo đức. Cha là ông Antôn Đoàn Công Miêng, mẹ là A-nê Nguyễn Thị Trường. Con cái ông Đoàn Công Miêng cả thảy là sáu người: 5 trai, 1 gái. Người thứ sáu là Antôn Đoàn Công Báu và người thứ bảy là Phêrô Đoàn Công Quí là hai người sinh đôi. Ông Đoàn Công Miêng sai con thứ sáu là Antôn Báu đến ở với cha Tám là cha sở họ Búng, hầu dọn mình đi tràng Pi-năng học làm thầy cả. Báu xin trở về, cho em lên thay. Phêrô Quí ở với cha Tám ít lâu, mà bởi Cha này thấy người tài năng, trí khôn sâu sắc, lại thật là nhơn đức, chắc sau này sẽ nên đèn soi cho mọi người tín hữu, thì gởi người cho Đức Cha Gioang (Mgr. Miche), khi ấy còn làm bề trên địa phận Nam Kỳ, lối năm 1847 là năm Đinh – Vị. Ban đầu Đức Cha để người trong nhà mình mà học cội rễ tiếng Latinh, sau cho người vào nhà trường ông Thánh Giuse tại Thị Nghè, lúc ấy cha Hòa (Père Borelle) làm Bề trên cai trường. Cách ít sau, Đức Cha liệu thế gởi người sang trường bên Poulo-Pinăng. Phêrô Quí học tại trường Pinăng đặng 7 năm…Lối ngày 11 Avril năm 1858, người về Nam Việt. Tháng 9.1855 vua Tự Đức ban chiếu chỉ bắt đạo; ngày 7.6.1857 một chiếu chỉ gắt gao hơn. Thầy Quí phải lén lút phải lo “ hóa huấn người dốt nát, an ủi kẻ trễ tràng”, sai đi họ nọ sở kia, từ Lái Thiêu tới Thị Nghè…Tháng Septembre năm 1858 Đức Cha Ngải (Mgr. Lefebvre) phong chức Linh Mục cho thầy. Cha đi giúp họ Cái Mơn, sau đó đi họ Đầu Nước (Cù Lao Giêng), đến trọ nhà ông trùm Phụng. Người ở tại họ Đầu Nước chín mười ngày, thì có hai người ngoại Nguyễn Văn Mưu và Nén, ghét ông lý Phụng nên đầu đơn tố cáo đã ẩn tàng Tây Dương Đạo Trưởng. Quan thượng Cao Hữu Dựt tỉnh An Giang liền sai nhiều trăm quân xuống bắt. Cha Định (Jean-Clause Pernot) hay tin vội chạy trốn, Phêrô Quí ở lại nhà Câu Phụng dọn đồ sợ kẻo quan lục lấy đặng đồ tây thì làm khốn tài gia củng thiệt hại cho con chiên mình. Cha bị bắt cùng 32 người khác, lúc đó lối đầu canh ba ngày mồng 7 tháng Giêng tây năm 1859, trong số đó có cả ông Câu Phụng. Cha bị giam trong ngục gần 7 tháng. Trong lúc đó ngày 18.2.1859 Pháp hạ thành Gia Định. Vua đang lúc cuồng giận, hạ chỉ trảm quyết đạo trưởng Phêrô Đoàn Công Quí y án bộ hình Châu Đốc. Sớ vô là ngày 30 Juliô 1859 và định xử ngày sau. Sáng ngày 31.7 thi hành án cho ông Câu Phụng và Cha Quí. Quan quyền cho tả đao rằng: Hễ dứt ba tiếng chiên, thì phải chém đầu người ba lát. Thằng tả đao liền thúc ké cha lại mạnh lắm, đến nỗi ngực người lòi ra và rướm máu. Bắt Cha quỳ ngay, vén ót, đoạn nó tót gươm ra mà chém. Lát thứ nhứt vừa mới đứt da, lát sau đứt một phần xương ót, lát thứ ba gươm qua gần tới họng. Mà bỡi chưa đứt thì nó lại trở gươm cắt ngược trước họng lại, lúc ấy đầu mới lìa cổ. Xác thánh nằm chính nơi chịu trảm quyết đó từ chín giờ sớm mai ngày 31 Juliô cho đến bảy giờ chiều, theo lính quan dạy. Sau đó tín hữu rước xác cha đem về họ Năng Gù, để một ngày một đêm cho bổn đạo tôn kính, đoạn mai táng trên nền nhà thờ theo lễ phép Hội Thánh.

Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng

Chính quê là Cù Lao Giêng, làng Tấn Đức, tổng An Bình, rày thuyộc về hạt Long Xuyên, còn buổi trước thì thuộc tỉnh An Giang (Châu Đốc). Sinh năm 1796, là con nhà đạo đức. Về việc đời thì Thánh Phụng là chức Lý Trưởng, là chức thứ nhì trong làng buổi ấy, bây giờ cải lại là cai xã, nên thiên hạ quen gọi người là Lý Phụng; còn việc đạo thì người làm Câu phủ, vì coi sóc bổn đạo cả phủ nội tỉnh An Giang (Châu Đốc). Nộị 8 năm người làm Câu Phủ, thì người không nề lao nhọc, hao công tốn của vì Chúa…Khi nhà thờ họ Đầu Nước đã cũ dột thì người chẳng sợ cất lại. Bấy giờ có hai người ngoại là anh em ruột với nhau là Nguyễn Văn Mưu và Nguyễn Văn Nén là hai đứa cờ bạc, rượu chè, tưởng nhờ dịp tiện nầy kiếm chác ít trăm quan tiền, liền đến thăm các bổn đạo và ông Câu Phủ đang cất nhà thờ lại; hai đứa nói xa gần: sao anh em cả gan dám làm điều vi quốc cấm. Nhiều người muốn lo lót, nhưng ông Phụng từ chối. Hai đứa đi thưa quan, quan đến xem nhà thờ rồi về, không bắt ai cả. Hai đứa tìm dịp khác. Đầu năm 1858 là năm Ất Mão , ông Phụng có chứa cố Định (Pernot), hai đứa quyết báo oán. Sau nhiều lần đệ đơn, quan Tổng đốc chấp thuận, liền cho đòi lãnh binh dọn 15 chiếc ghe ngo với 300 tên lính đi Cù Lao Giêng bắt Tây Dương Đạo Trưởng. Cha Quí và ông Phụng cùng 32 người khác bị bắt vào đầu canh ba ngày mồng 7 tháng Giêng năm 1859. Thánh Phụng bị giam 7 tháng. Khi sớ vua Tự Đức vô tới, tại tỉnh Châu Đốc, là bảy giờ chiều 30 tháng Juliô năm 1859. Vua châu phê y án bộ hình Châu Đốc. Bấy giờ quan thượng chí dốc đền ơn cho vợ chồng ông Lý, bèn vời các quan Bố án lại và nói rằng: Xử cách nào người ta cũng phải chết, mà xử bá đao rất nên tội nghiệp, lại ai nỡ ra tay làm điều độc ác như vậy, mặt mũi nào xem đặng; vậy tôi xin các quan đổi án, xử giảo cho gọn chuyện, lại việc mau hơn; thì các quan đành ưng như lời quan Thượng, bèn làm án giảo quyết. Khi đến pháp trường, quân lý hình bắt ông Phụng nằm sấp xuống, cùng đóng 6 cây nọc; nọc chân; nọc tay, hai cây kền hai bên hông, và hai cây ở đầu hai mối dây; xong rồi có một thằng lấy dây luộc tròng vào cổ người; hai bên hông hai đứa kềm, đầu hai mối dây bốn đứa, hai đứa trước đầu. Đoạn quan Giám sát truyền rằng: hễ dứt ba tiếng chiêng, thì lý hình riết dây thắt cổ và vặn mặt lại sau lưng. Đó là lúc 10 giờ sớm mai Chúa Nhựt ngày 31 tháng Juliô năm 1859. Đến chiều tối mới xin xác đặng, mà mắc trời nắng, nên xác nám hết nhiều, liền chở họ về Đầu Nước, và còn để cho bổn đạo tôn kính, qua chiều ngày sau, mới cất đi theo phép Hội Thánh, lối 8 giờ, lại chôn trên nền nhà thờ.

Phaolồ Vân, Linh mục.

Hạnh Cha Quí và Lý Phụng tử đạo, là hai Đấng Á Thánh địa phận Cao Mên

Có Imprimatur

Saigon die 15 Augusti 1909 + L.Mossard, Vic. Ap

Nguồn: PHỤNG VỤ CHƯ THÁNH, tập 2, Sài Gòn năm 2016, Linh mục Augustinô Nguyễn Văn Trinh (sưu tập).

 



BÀI VIẾT CÙNG MỤC