LỜI CHÚA - SUY NIỆM - NGÀY 2 THÁNG 10, 2019 Thứ Tư Tuần 26 Mùa Thường Niên Lễ Nhớ Các Thiên Thần Hộ Thủ

NGÀY 2 THÁNG 10, 2019

Thứ Tư Tuần 26 Mùa Thường Niên

Lễ Nhớ Các Thiên Thần Hộ Thủ

Nkm 2:1-8

Tv 137:1-6

Mt 18:1-5,10

MẾN YÊU HẰNG NGÀY

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.”

Suy niệm:

   Hai bài đọc phụng vụ hôm nay, Nkm 2:1-8 và Mt 18:1-5,10 có thể được hiểu như là những cách diễn tả cơ bản về một linh đạo truyền giáo cho thời đại chúng ta.

   Ở đoạn trước đoạn này (xem Nkm 1: 1 1b), Nơkhemia được giới thiệu là quan chước tửu của vua trong hoàng cung Ba Tư; ông mang trong mình một kí ức sống động và đau đớn về cảnh thành Giêrusalem bị tàn phá (x. Nkm 1: 5-11); đó không phải là một tình cảm yêu nước hoài cổ, mà là một khía cạnh cơ bản của lời cầu nguyện trong Kinh thánh vào thời lưu đày Babylon và hậu lưu đày (x. Tv 137: 5-6). Nó phù hợp với thông điệp về cuộc xuất hành mới từ nơi lưu đày để trở về nơi “quê cha đất tổ” (xem Is 40: 9-11). Nó là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa cho dân của Người; Người thậm chí sử dụng quyền lực của một người ngoại giáo, vua Kyrô của xứ Ba Tư, một trong những ông vua hùng mạnh của trái đất vào thời đó (xem Ez 1: 1-4). Nơkhemia hiểu rằng trong vị trí của mình tại triều đình của đế chế Ba Tư – khoảng tháng 12 năm 466 tr.CN, vào thời vua Artaxerxes I, gần một thế kỷ sau sắc lệnh của vua Kyrô – ơn gọi hay sứ mệnh của ông là phải xây dựng lại Jerusalem, hiểu theo nghĩa rộng là: xử lý các vấn đề cụ thể của dân Do Thái, những người bây giờ có bổn phận tái thiết cộng đồng phụng tự và quản trị xứ Giuđa với trung tâm là Giêrusalem.

   Nơkhemia biết rằng khi đang ở triều đình, ông không thể tiết lộ thân phận Do Thái của mình, vì sợ vua Ba Tư có thể nghi ngờ rằng nỗi đau buồn của ông về việc Giêrusalem bị tàn phá hoang tàng có thể kích động một phong trào nổi loạn để hỗ trợ một thiểu số sắc tộc và tôn giáo trong đế chế. Vua hỏi thẳng Nơkhemia: “Vậy khanh muốn gì?” (Nkm 2:4), như thể vua đang thăm dò lý do tại sao Nơkhemia buồn rầu. Người Do Thái này trong hoàng cung Ba Tư sợ rằng mình có thể nói quá nhiều: “Thần cầu xin Thiên Chúa các tầng trời” (Nkm 2:4). Thực vậy, sách Châm Ngôn dạy chúng ta: “Suy nghĩ lo toan là việc vủa con người, còn nói câu trả lời là do Đức Chúa” (Cn 16:1). Và nhớ ánh sáng đức tin này, Nơkhemia có thể được vua cho phép đi Giuđa để lo công việc tái thiết Giêrusalem (x. Nkm 2:5).

   Trên thực tế, mọi sự bây giờ mau chóng chuyển động theo ý của Thiên Chúa. Vua chỉ hỏi Nơkhemia cần bao nhiêu thời gian để lo sứ mạng của ông tại Giuđa; rõ ràng là vua đã chấp nhận cho ông đi (x. Nkm 2:6). Nơkhemia tiếp tục giữ thái độ thận trọng cần thiết để thi hành sứ mạng của mình, nhưng bây giờ chính Thiên Chúa là Đấng hành động (x. Nkm 2:8).

   “Nhà truyền giáo” này hành động một cách thận trọng giữa cái thế giới thù địch mà ông đang sống, nhưng sự thận trọng và khôn ngoan là không đủ nếu không có “bàn tay dẫn dắt” của Chúa. Bây giờ ông sẽ phải có sự hiểu biết về thế giới Palestin là nơi ông sẽ đến đế thi hành sứ mạng Chúa trao.

   Đoạn Tin Mừng hôm nay, trong đó Đức Giêsu kêu gọi chúng ta hãy sống như những đứa trẻ thơ, cho chúng ta thấy rõ chiều sâu của công việc hoán cải cần thiết trong chính Hội Thánh để có thể thi hành sứ mạng của mình. Sứ mạng này có thể bị phá hỏng từ bên trong cộng đoàn các môn đệ của Đức Giêsu do những cám dỗ về tính kiêu ngạo và quyền lực được khơi dậy trong ngôn ngữ tôn giáo (x. Mt 18:1). Trong những dòng cuối của đoạn Tin Mừng này, trong đó có nhắc đến các tội ngăn cản chúng ta đi theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem, là cám dỗ cuối cùng và khó kháng cựnhất – sau cám dỗ về tính dục sai trái (x. Mt 19:1-12) và tham lam tiền bạc (x. Mt 19:16-26) – đó là cám dỗ về quyền lực, nó có vẻ là bất trị ngay cả đối với các môn đệ của Đức Giêsu (x. Mt 20:20-28).

   Đối với việc phá hỏng sứ mạng bởi tội lỗi, Đức Giêsu đưa ra một cử chỉ có ý nghĩa và một sự cam kết sống còn: trở nên giống như trẻ thơ (x. Mt 18:2-4). Bất cứ ai cảm thấy mình được gọi thi hành sứ mạng cần phải có một sự hoán cải sâu xa: trở nên giống như trẻ thơ. Không phải giống trẻ thơ chỉ theo nghĩa thuần túy nhân loại. Nơkhemia hẳn đã phải có một sự ý thức cụ thể và sâu sắc về cả thế giới ông đang sống và sắp sửa ra đi, và thế giới ông cảm thấy mình được kêu gọi phải đi đến. Cũng thế, mọi môn đệ Đức Giêsu mà cảm thấy mình được gọi thi hành sứ mạng đều phải có đức tin vào Thiên Chúa và hoàn toàn tin cậy vào Thiên Chúa. Người môn đệ truyền giáo phải có cùng một niềm tin cậy giống như các trẻ thơ tin cậy vào cha mẹ chúng, tin cậy vào tình thương và sự che chở vốn đã là khởi đầu của tương lai.

   Đó cũng là cùng một trải nghiệm của Đức Giêsu với tư cách là Con của Chúa Cha, hoàn toàn ý thức về thực tại, hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng phục tùng Người. Chỉ bằng cách này, hoàn toàn trở nên giống Chúa Giêsu, chúng ta trong tư cách là môn đệ mới có thể thi hành sứ mạng mà chúng ta được kêu gọi thực hiện. Người Kitô hữu mà đã thực sự trở nên giống như trẻ thơ theo cách hiểu của Đức Giêsu, thì nhờ kinh nghiệm sẽ học được rằng những kết quả của sứ mạng luôn nằm trong tay của Đấng đã cho Đức Giêsu phục sinh từ cõi chết và là Đấng sai họ thực hiện sứ mạng. Vô phúc cho cộng đoàn Kitô hữu nào coi niềm tin này là vô nghĩa, khinh thường hay chối bỏ niềm tin này: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật , Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 18:10).

   Trở nên giống như trẻ thơ tạo cho người môn đệ truyền giáo hình dáng của mối quan hệ với Đức Giêsu, là Thầy và là Chúa. Trong Đức Giêsu, người môn đệ khám phá ra ơn gọi làm con người của mình như một người con của Chúa Cha và sự tự do vâng phục của mình như là kết quả của việc thuộc về đức tinvà sứ mạng. Là người con trai con gái trong Chúa Con, mỗi người môn đệ đều là người truyền giáo vì được sai đi loan báo tin vui, được nâng đỡ và đồng hành bởi các thiên thần, các sứ giả thiên quốc, giúp đỡ họ luôn mở lòng mình ra cho chiêm niệm như là nền tảng của sứ mạng, và cởi mở trước những thách thức của thế giới mà họ muốn làm chứng về Chúa cho nó. Giống như các thiên thần hộ thủ được ban cho mỗi người chúng ta, người môn đệ với tinh thần trẻ thơ luôn luôn nhìn thấy khuôn mặt của Chúa Cha nơi Đức Giêsu để luôn luôn khám phá ra nơi bất cứ ai khuôn mặt của một người anh chị em mình, để yêu thương và cứu rỗi họ.

           

BÀI VIẾT CÙNG MỤC