LỜI CHÚA - SUY NIỆM - Thứ Sáu Tuần 26 Mùa Thường Niên Lễ Nhớ Thánh Phanxico Assisi

Thứ Sáu Tuần 26 Mùa Thường Niên

Lễ Nhớ Thánh Phanxico Assisi

BÀI ĐỌC I: Br1: 15-22

“Chúng ta đã phạm tội trước mặt Chúa và không tin tưởng vào Người”.
Trích sách Tiên tri Barúc.

Sự công chính thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng ta, còn sự thẹn mặt thì thuộc về chúng ta: như ngày nay, nó thuộc về toàn cõi Giuđa: thuộc về dân cư Giêrusalem, vua chúa, quan quyền, tư tế, tiên tri và các tổ phụ chúng ta. Chúng ta phạm tội trước mặt Chúa là Thiên Chúa chúng ta, và chúng ta không tin tưởng, không cậy trông vào Người. Chúng ta không suy phục Người, không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta, để chúng ta bước đi trong các giới răn Người đã ban cho chúng ta. Từ ngày Chúa dẫn các tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, chúng ta chẳng tin tưởng vào Chúa là Thiên Chúa chúng ta: chúng ta vô tâm lìa xa Chúa để khỏi nghe tiếng Người. Chúng ta mắc phải nhiều tai hoạ và những lời chúc dữ mà Chúa đã báo cho Môsê tôi tớ Người, khi Người dẫn dắt tổ phụ chúng ta ra khỏi đất Ai-cập, để ban cho chúng ta đất chảy sữa và mật như ngày hôm nay. Chúng ta không nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng ta theo như mọi lời các tiên tri Chúa sai đến cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta cứ theo lòng gian tà của mình, làm tôi các thần ngoại, thực hành các sự dữ trước mắt Chúa là Thiên Chúa chúng ta.

Tv 79: 1-5.8.9

Lc 10: 13-16

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: “Khốn cho ngươi, hỡi Corozain, khốn cho ngươi, hỡi Bethsaiđa: vì nếu tại Tyrô và Siđon đã xảy ra những phép lạ thực hiện nơi các ngươi, thì từ lâu, những nơi đó đã mặc áo vải thô và ngồi trên tro bụi mà sám hối. Cho nên trong ngày thẩm phán, Tyrô và Siđon sẽ được nhiêu dung hơn các ngươi.

“Còn ngươi nữa, hỡi Capharnaum, phải chăng ngươi sẽ được nâng cao đến tận trời? Ngươi sẽ phải hạ thấp xuống tới địa ngục.

“Ai nghe các con, tức là nghe Thầy, và ai khinh dể các con, là khinh dể Thầy. Mà ai khinh dể Thầy là khinh dể Đấng đã sai Thầy”.


Suy niệm:
Để hiểu sâu hơn về sứ mạng mà mọi Kitô hữu được kêu gọi thực hiện, sẽ hữu ích nếu bắt đầu từ những lời của Đức Giêsu trong Lc 10: 13-16, rồi quay sang lời cầu nguyện của Br 1: 15-22, nhờ đó làm sáng tỏ về lịch sử Ítraen của Thiên Chúa, là dân được hợp thành bởi những người gốc Ítraen lịch sử, và những người được kết hợp với Ítraen của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Kitô và phép rửa.

Bài diễn từ Đức Giêsu dùng để sai các môn đệ đi truyền giáo được tiếp nối bằng một lời cảnh cáo nghiêm khắc dành cho hai làng Khoradim và Caphánaum ở miền Galilê (x. Lc 10:13-15). Hai làng thuộc đất Palestin này đã từng chứng kiến những phép lạ Đức Giêsu đã làm khi rao giảng về Nước Thiên Chúa (x. Mt 11:21). Tại Caphánaum, Đức Giêsu đã có những bước đầu tiên loan báo sứ điệp của Người (x. Lc 4:23) và đã cho thấy quyền năng của Nước Thiên Chúa (x. Lc 4: 31-41), và chính tại nơi ấy Người đã đón nhận đức tin của viên đại đội trưởng người Rôma (x. Lc 7: 1-10). Ông Philípphê, một trong số 12 tông đồ, là người xuất thân từ Bétsaiđa (x. Ga 1:44; 12:21). Lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đức Giêsu đối với hai làng Palestin nơi Người đã làm các phép lạ nhưng đã gặp phải sự thiếu lòng tin của dân làng, không phải là một lời kết án chung cuộc, không thể đảo ngược. Vào cuối bài diễn từ sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giêsu tái khẳng định tầm quan trọng của sứ mạng phúc âm hóa: phúc âm hóa và được phúc âm hóa bao gồm những trách nhiệm không thể tránh được trước sự phán xét của Thiên Chúa, một sự phán xét không phải là một án phạt dứt điểm không thể kháng án, nhưng vạch ra điểm tham chiếu cuối cùng vào thời sau hết (x. Lc 10: 14-15). Cho tới lúc ấy, cánh cửa sám hối và hoán cải luôn luôn mở rộng, nhờ các đường lối mầu nhiệm của sự quan phòng và lòng từ ái của Thiên Chúa. Đức Giêsu tự đồng hóa mình với những ai Người sai đi rao giảng, và cảnh cáo rằng từ chối họ có nghĩa là từ chối chính Thiên Chúa, bất kể lý do hay niềm tin tôn giáo nào có thể dẫn tới sự từ chối ấy (x. Lc 10:16).

Bi kịch của Ítraen thời Kinh Thánh theo sau cuộc lưu đày tại Babylon là bối cảnh để ta hiểu lời cầu nguyện dài được cho là của ngôn sứ Barúc (x. Br 1:15; 3:8) trong cuốn sách mang tên ông. Kinh nguyện của Barúc mở đầu bằng lời nhận xét rằng mọi điều mà ngôn sứ Giêrêmia từng loan báo về những tù nhân trong cuộc lưu đày Babylon lần thứ nhất (x. G 29: 4-23) đều đã ứng nghiệm, và đây là lúc để cầu xin cho các nhà cầm quyền Babylon được sống lâu, để dân Ítraen không phải chịu thêm những hình phạt nghiêm khắc hơn (x. Br 1: 11-12), như chính Giêrêmia cũng đã khuyên nhủ vào lúc ấy (x. Gr 29: 5-7). Điều căn bản ở đây là ý thức rằng lịch sử của tội lỗi bao trùm mọi thế hệ của Ítraen thời Kinh Thánh, kể từ cuộc giải phóng khỏi đất Ai Cập (x. Br 1 :15-22). Sự cứng đầu  của dân Ítraen không muốn nghe tiếng Thiên Chúa đã dẫn đến thảm họa cho Ítraen là cuộc lưu đày ở Babylon và sự im lặng của Thiên Chúa, hay việc họ không có khả năng nghe được tiếng nói của Thiên Chúa. Ở tâm điểm của việc suy xét lại không phải là lịch sử và thân phận của Ítraen, mà là Thiên Chúa. Và đây là sự sám hối thực sư, hành trình hoán cải thực sự.

Những gì xảy ra trong lịch sử không thể được coi như là sự vắng bóng của Thiên Chúa, mặc dù nó cũng có thể là do sự kiêu ngạo, độc ác và tàn bạo của nền chính trị quốc tế, nhưng cơ bản phải hiểu nó như là biểu hiện của sự “công chính” của Thiên Chúa (x. Br 1:15) và ước muốn của Người kêu gọi Ítraen trở về với tâm điểm ơn gọi của họ. Khám phá ra sự công chính của Thiên Chúa là một ơn huệ của chính Chúa, vì không thể lẫn lộn nó với mặc cảm tội lỗi hay với sự cam chịu của con người khi phải đối phó với cuộc đời; nó cũng đối nghịch với sự nổi loạn và dứt khoát xa rời Thiên Chúa. Kinh nguyện (của Barúc) bắt đầu với hiện tại và đi đến những khởi đầu của Ítraen thời Kinh Thánh (x. Br 1: 15-16); các thảm họa và chấn động của cuộc lưu đày bao gồm toàn thể lịch sử của Ítraen được giải thích trước hết trong ánh sáng của tội lỗi chống lại Thiên Chúa và lời của Người (x. Br 1: 17-18). “Phạm tội trước mắt Chúa” là đánh mất mối quan hệ với Người. Nó là bi kịch về cơ cấu, xảy ra cách cụ thể, có ý thức, nhưng cũng một cách cẩu thả, bằng việc “không vâng lời” Chúa mỗi ngày, “không nghe tiếng của Người”, là tiếng nói cũng được nghe thấy trong các “giới luật” của Người. Ítraen thời Kinh Thánh không thể tự tạo ra một con đường  cho chính mình để có thể có mối quan hệ với Thiên Chúa. Các lời của ngôn sư Barúc gợi ý rằng thảm họa được trải nghiệm trong lịch sử của tội lỗi và lưu đày, dưới cái nhìn của dân ngoại, thậm chí đã gây phương hại đến tính khả tín của các vua chúa, các nhà cai trị và các ngôn sứ của Ítraen (x. Br 1:16). Lịch sử này của tội lỗi và hình phạt không phải là lời nói cuối cùng; lời dạy của Môsê đã từng nhìn thấy trước rằng, với việc đón nhận tiếng gọi hoán cải, Ítraen của thời Kinh Thánh sẽ được Thiên Chúa qui tụ lại (x. Đnl 30: 1-4).

Câu truyện của Ítraen thời Kinh Thánh lại trở thành Ítraen của Thiên Chúa cũng là câu truyện của Hội Thánh, mà nhờ đức tin vào Đức Kitô, Hội Thánh trở thành một phần của Ítraen của Thiên Chúa. Cũng như lời cảnh cáo nghiêm khắc của Đức Giêsu cho các thành phố xứ Galilê không phải là một phán quyết bỏ rơi chung cuộc, thì cũng thế, cuộc lưu đày của Ítraen thời Kinh Thánh không đánh dấu sự kết thúc của câu truyện. Hành trình hoán cãi, vốn phải là sự nhìn nhận cá nhân và của cơ cấu, chắc chắn luôn luôn là một ân huệ của Thiên Chúa, nhưng nó có nguy cơ bị phung phí do sự tự khẳng định mình vội vã, hay trong một sự khôi phục hình thức và hời hợt các cử chỉ, nghi lễ, công thức và các câu nói không bao giờ có được sức mạnh của sứ mạng phúc âm hóa.



BÀI VIẾT CÙNG MỤC