NGÀY 07 THÁNG 10, 2019
Thứ Hai Tuần 27 Mùa Thường Niên
Lễ Nhớ Đức Mẹ Mân Côi
Gn 1:1-2:2.11
Gn 2:3-5.8
Phúc Âm: Lc 10, 25-37
"Ai là anh em của tôi?"
Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?” Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”. “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.
SUY NIỆM.
Luca trình bày dụ ngôn này trong bối cảnh của một bản tường thuật rộng hơn, trong đó Đức Giêsu gặp một người luật sĩ muốn thử Người. Đức Giêsu đã từng bị thử thách khi khởi đầu sứ vụ, khi Người được Thánh Thần dẫn vào hoang địa và chịu quỉ cám dỗ. Ba lần trong cuộc cám dỗ này (x Lc 4:2.12.13), quỉ thử thách để xem Đức Giêsu có thật là Con Thiên Chúa và có trung thành với ý muốn của Thiên Chúa hay không. Trong lần “thử thách” thứ ba, Đức Giêsu đã đuổi quỉ đi và nói những lời cuối cùng cho cuộc chiến với Satan: “ Ngươi chớ thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi” (Lc 4:12).
Bây giờ đoạn Tin Mừng Luca bắt đầu kể, “Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giêsu để thử Người” (Lc 10:25). Như thế, người đọc chăm chú đã từng thấy Đức Giêsu chứng tỏ Người thật sự là Con Thiên Chúa thì biết rằng người thông luật kia đang tìm cách làm một điều gì đó mà chính quỉ đã không làm được và Đức Giêsu đã minh nhiên cấm làm; đúng hơn, chính người thông luật kia mới là kẻ sắp bị thử thách.
Dụ ngôn về người Samaria nhân hậu là một dụ ngôn nổi tiếng và dễ hình dung ra, nhưng bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng lời giới thiệu một người thông luật đến gần Đức Giêsu để thử Người. Có rất nhiều chuyên gia về khoa học hạnh phúc trong thế giới chúng ta muốn thử thách các tông đồ Tin Mừng hôm nay. Chúng tôi phải làm gì để có sự sống đời đời? Chúng tôi có thể làm thế nào để đạt hạnh phúc? Câu trả lời của chúng ta không thể là gì khác hơn lời dạy của Thầy Chí Thánh. Để đạt hạnh phúc, chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí khôn, và yêu thương đồng loại như chính mình. Mến Chúa và yêu người. Mến Chúa bằng cách thương yêu người khác. Yêu cận nhân như Chúa muốn! Nhưng cụ thể phải làm thế nào?
Đức Giêsu cho chúng ta một ví dụ qua câu truyện về người Samaria tốt lành. Luca là tác giả Tin Mừng duy nhất kể lại câu chuyện tuyệt vời này từ lời giảng của Đức Giêsu. “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô”: nghĩa là, người ấy rời bỏ khu vực đền thờ, nơi thánh, thành thánh, để đi đến khu vực ngoại vi, đến “vùng đáy” của trái đất. Giêrikhô ở không xa Biển Chết, trên thực tế là một trong những thành phố thấp hèn nhất trên thế giới. Người kia rời núi Xion để đi xuống vực sâu, một nơi đầy những bất ổn và rối loạn của trần gian. Và có thể đoán trước được rằng người ấy sẽ rơi vào tay kẻ cướp. Đây chính xác là tình huống của người thời nay, người không có lòng tin, người từ bỏ nơi thánh thiêngđể ngày qua ngày chìm xuống vực sâu của những bất trắc và giới hạn. Và trên đường đi có những tên trộm cướp lấy đi hết mọi thứ của người ấy, và bỏ mặc người ấy nửa sống nửa chết bên đường. Tệ thay, một tư tế thản nhiên đi ngang qua, bỏ mặc người bị cướp bên đường. Rồi một thầy Lêvi cũng đi ngang qua, trông thấy nạn nhân và tiếp tục bỏ đi; bản văn không cho chúng ta biết nơi người này xuất phát. Giống như người tư tế, người này không quan tâm đến người bị cướp. “ Nhưng một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc” (Lc 10:33-34). Người Samaria tạm dừng hành trình của mình để chăm sóc một người xa lạ, anh em của ông trong nhân tính. Đức Giêsu cũng làm giống như thế, một cách siêu vời, qua cái chết thục tội của Người. Người tắm rửa chúng ta trong máu và nước chảy từ cạnh sườn Người trên Thập Giá. Hôm sau, người Samaria trao cho chủ quán trọ hai đồng bạc, xin người này chăm sóc cho nạn nhân. Đức Giêsu đã trả giá trên thập giá để chữa lành chúng ta, để chuộc lại chúng ta. Người sẵn sàng tiếp tục trả mọi món nợ chúng ta mắc phải do tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày. Trong ba người đi đường, người thân cận của người bị cướp chính là người Samaria biết tỏ lòng nhân hậu với nạn nhân.
Câu truyện này dạy bài học gì cho chúng ta là những người được gọi đi truyền giáo? Chỉ có tình yêu là thứ có tác dụng phúc âm hóa hiệu quả. Vấn đề không phải là phát triển một tôn giáo của phụng tự, của luân lý đạo đức, cảu các qui định pháp lý; nhưng là làm sao cho những người nam người nữ bị thương tổn của Đức Giêsu mà chúng ta gặp trên đường Giêrikhô trở thành những người thân cận của chúng ta. Đó là bảo đảm rằng các chương trình chi tiết của chúng ta phải dành ưu tiên cho việc chăm sóc những người bị thương tổn mà chúng ta gặp trên đường. Đó là sơ cứu cho họ bằng những gid chúng ta có: dầu cảu lòng thương xót và rượu của tình yêu thương. Đó là đưa loài người ngày càng đến gần hơn với lòng nhân hậu cứu độ của Thiên Chúa nhờ đức tin vào Chúa Kitô. Chính lòng tin vào Đấng đã chết và sống lại làm cho chúng ta càng ngày càng quen thuộc hơn với các cách hoạt động của Thiên Chúa, với các tiêu chí cứu độ của hoạt động này. Người Samaria tốt lành không phải tự bản thân mình. Ông tốt lành nhờ lòng tốt lành của Thiên Chúa, Đấng chúng ta có thể đón nhận và hiệp thông nhờ đức tin.