15.10.2019 – Thứ Ba Tuần 28 TN
Bài đọc 1: Thư Rm 1,16-25
Vâng, tôi không hổ thẹn vì Tin Mừng. Quả thế, Tin Mừng là sức mạnh Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng tin, trước là người Do-thái, sau là người Hy-lạp. Vì trong Tin Mừng, sự công chính của Thiên Chúa được mặc khải, nhờ đức tin để đưa đến đức tin, như có lời chép : Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.
Thật vậy, từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.
Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả ; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.
Tin Mừng Lc 11, 37-41
Khi Ðức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Người đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Người liền vào bàn ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì trước tiên Người không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: “Thật, nhóm Pharisêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Ðồ ngốc! Ðấng làm ra cái bên ngoài lại đã không làm ra cái bên trong sao? Tốt hơn, hãy bố thí những gì ở bên trong, thì bấy giờ mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các người.”
Suy niệm
Trong bài đọc I, sự mất mát mà loài người đã tự chuốc lấy cho mình chống lại ý muốn của Thiên Chúa bây giờ được Thánh Phaolô đọc lại qua một thứ lịch sử của tội lỗi để giúp các tín hữu Rôma hiểu rõ. Được Thiên Chúa dựng nên cho sự thật và sự công chính, con người đã quay sang nếp sống vô đạo và bất công. Trong khi chiêm ngắm thế giới và có khả năng nắm bắt những sự thiện hảo vô hình của Đấng Tạo Hóa qua công trình tạo dựng, loài người mù tối trong các lý luận của mình và đi vào những con đường tối tăm của sự dâm ô, để thân xác sa vào mọi thứ lạc thú cho tới khi chính thân xác của mình trở thành một đồ vật, sa vào thói tôn thờ ngẫu tượng, tôn thờ và phụng sự các tạo vật thay vì phụng thờ Đấng Tạo Hóa. Có vẻ như Thiên Chúa đã cho phép xảy ra những mất mát này để loài người học biết không đặt niềm tin vào chính mình nhưng vào Đấng duy nhất đáng tin cậy. Phaolô đọc lại câu chuyện lịch sử tội lỗi này để cho thấy rằng, mặc dù loài người chỉ xứng đáng lãnh nhận cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã chọn yêu thương loài người và vì thế làm chúng ta được trở nên công chính và được cứu rỗi. Người công chính sẽ sống bởi đức tin; loài người thụ tạo không bị Thiên Chúa đưa ra xét xử, nhưng nhận được một tình yêu ban không,một tình yêu mở ra một sự biến đổi vì nó làm cho người tội lỗi trở nên công chính và kẻ hư đốn được cứu chuộc. Tin Mừng này, được đọc và được đón nhận, là một dynamis mới, một sức mạnh giúp mở rộng trái tim, mở trái tim ra cho đức tin, và truyền thông ơn cứu rỗi. Tin Mừng tự loan truyền một cách không thể cưỡng lại. Tin Mừng lan rộng tới tận cùng thế giới, như bằng chứng mà trời ban cho trái đất và cho toàn vũ trụ, vang xa đến mọi không gian và mọi thời gian, như lời thánh vịnh đáp ca nhắc nhớ chúng ta. Ngay cả các tầng trời tràn đầy ơn cứu chuộc này cũng ca tụng vinh quang Thiên Chúa.
Bài đọc Tin Mừng Luca mời gọi chúng ta xem xét một trở ngại cho việc truyền bá lời sống động và đầy sinh lực của Thầy chí thánh: thái độ quá câu nệ vào truyền thống của những người Pharisêu, một thái độ ngăn cản họ nắm bắt được sức mạnh cứu độ phổ quát của sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu.
Khi Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, một người Pharisêu mời Người đến dùng bữa tại nhà ông. Được mời dùng bữa với ai là một nghĩa cử của sự chấp nhận, yêu quý và tán thành. Giữa hai người ngồi ăn chung với nhau, không thể có bức tường ngăn cách, chỉ có tình thân mật gia đình. Đức Giêsu chấp nhận lời mời của người Pharisêu, giống như Người từng nhận lời mời của người thu thuế, và ngồi vào bàn, nhưng Người khiến cho chủ nhà khó chịu vì Người không rửa tay trước khi ăn theo tục lệ của người Pharisêu. Trên thực tế, mối quan hệ giữa Đức Giêsu với người Pharisêu vẫn luôn luôn rất khó khăn. Trong Lc 7:36-50, một người Pharisêu cảm thấy sốc khi Đức Giêsu để cho một người phụ nữ tội lỗi đụng chạm đến Người, và Người khen cô này vì tình yêu của cô. Trong Lc 14:1-6, Người trách mắng việc giữ luật hình thức của người Pharisêu khi họ giữ luật nhưng lại coi thường các đòi hỏi của bác ái, vốn là tổng hợp và tóm lược của Lề Luật (x. Mt 22:37). Trong Lc 20:45-47, Đức Giêsu cảnh cáo thói giả đạo đức của những người Pharisêu là những kẻ phô trương sự công chính của họ bằng các cử chỉ khô khan và vô nghĩa.
Các truyền thống, thực hành và tập tục, khi bị áp đặt và tuân giữ một cách cứng nhắc, thường vượt lên trên những mục đích thứ yếu và công cụ của chúng để giáo dục những quả tim yếu đuối và dễ bị ấn tượng của chúng ta và khuyến khích chúng ta làm việc thiện và yêu thương. Nhưng chúng có thể trở thành những rào cản tạo ra sự xa cách và chống đối. Chỉ có sự phục hồi của lòng hoán cải để trở về với sự đối thọai yêu thương với Đức Kitô, Đấng không sợ vượt qua những rào cản, những giới luật khô khan và những truyền thống rỗng tuếch, mới có thể sinh ra sự sống và các mối quan hệ hiệp thông mới mẻ, ở đó ngay cả luật pháp và các quy tắc cũng có thể giúp chúng ta sống tốt lành và phù hợp với sự mới mẻ của ơn cứu độ. Từ những việc tuân giữ bề ngoài, chúng ta đi vào chiều sâu của trái tim trong tình yêu với Thiên Chúa, được kết hợp với Đức Kitô, duy trì mối hiệp thông với Người, và mời gọi mọi người đến dự bàn tiệc sự sống và niềm vui này.