NGÀY 5 THÁNG 10, 2019
Thứ Bảy Tuần 26 Mùa Thường Niên
Ngày thường
Br 4:5-12.27-29
Tv 69:33-37
Lc 10:17-24
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: “Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con”. Người bảo: “Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời”. Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. – Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết”. Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: “Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe”.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm nay, bảy mươi (hay bảy mươi hai) môn đệ đi truyền giáo trở về đã hớn hở thuật lại cho Thầy Giêsu của họ những thành công mục vụ của họ: “Nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (Lc 10:17). Và Đức Giêsu chia vui với các môn đệ: “ Thầy đã thấy Xatan như một tia chớp từ trời sa xuống” (Lc 10:18). Là các môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta đã nhận được quyền năng đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù, mà chẳng có gì làm hại được chúng ta (x. Lc 10:19). Đây cũng là cùng một lời hứa Đức Giêsu đem đến cho tất cả các môn đệ của Người trong Mc 16:18: “ Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhầm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe.” Như thế, Đức Giêsu cảnh báo chúng ta rằng sứ mạng sẽ đầy gian khổ và khó khăn, nhưng với Thần Khí và ân sủng của Người, chúng ta sẽ luôn luôn chiến thắng mọi thế lực sự dư trên thế giới. “ Anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10:20). Các môn đệ xứng đáng để tự hào và vui mừng vì những thành công trong việc rao giảng Tin Mừng, nhưng lý do chính cho niềm vui này phải là lý do có tính cánh chung. Chúng ta phải có niềm vui của ơn cứu độ, niềm vui của sự cậy trông: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung thành.. Hãy đến hưởng niềm vui của chủ ngươi” (Mt 25:21.23). Đó là niềm vui của người tôi tớ vô dụng (x. Lc 17:10) đã làm việc họ phải làm.
Điều thực sự quan trọng đối với các môn đệ là tên của họ đã được “viết trên trời” (Lc 10:20). Theo thành ngữ Hípri của thời ấy, điều này có nghĩa là bảy mươi (bảy mươi hai) môn đệ đi truyền giáo trở về đã được Thiên Chúa nhìn nhận là công dân của nước trời. “Đây là mái nhà thực sự của họ, nước mà Chúa Giêsu xin họ đi mời những người khác mà họ được sai đến. Rồi, đang lúc nói chuyện với các môn đệ, Đức Giêsu đột nhiên ngỏ lời với một người đối thoại khác, Cha của Người trên trời. Là những công dân mới của Nước Thiên Chúa, bảy mươi môn đệ - và chúng ta, những người đang quan sát họ - được hưởng cuộc trò chuyện thân mật của Thiên Chúa. Chúng ta được chứng kiến một thời khắc cầu nguyện thâm sâu của Đức Giêsu với Cha của Người. Đức Giêsu tạ ơn Cha vì ý muốn tỏ lòng thương xót của Cha: những mầu nhiệm vĩ đại đã được mặc khải cho những “người bé mọn như trẻ thơ”, nhưng bị giấu kín đối với những kẻ khôn ngoan thông thái.
Trong bối cảnh lịch sử của Đức Giêsu, các môn đệ được sai đi là những “trẻ thơ” không chỉ vì họ đang thể hiện trải nghiệm truyền giáo của họ, mà cũng vì có thể họ là những người đã không được hưởng một nền giáo dục chính thức về những điều thuộc về Thiên Chúa giống như các rábbi , các ký lục và các lãnh đạo Do Thái có học khác vào thời ấy. Nói thế không có nghĩa là phủ nhận giá trị của việc đào tạo thần học, nhưng là nhìn nhận rằng việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn luôn là một hồng ân của Thiên Chúa, và đức tin vào Thiên Chúa là nền tảng của mọi sứ mạng.
Rồi Đức Giêsu lớn tiếng nói lên suy tư của Người về bản chất mối quan hệ giữa Người và Cha. Ở đây, trong một đoạn giống với một đoạn khác trong Máttheu (x. Mt 11:25-30) và giống với nhiều đoạn khác trong Gioan (x. Ga 3:35; 13:3; 14:9-11), Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ sự hiểu biết hoàn hảo về nhau giữa Cha và Con và sự mở rộng tuyệt đối cho nhau giữa Cha và Con. Đó là một nguồn mạch của niềm vui và sự hiệp thông, nguyên nhân của tính hiệu quả và sứ mạng.
Chính vì mối quan hệ này mà Đức Giêsu có quyền mời gọi người khác đi vào mối quan hệ với Thiên Chúa, đi vào sự hiệp thông thần linh của Người. Trong sự hiệp thông thân mật này, chúng ta biết Chúa Con là Đấng được Cha biết và yêu mến, và Chúa Cha là Đấng được Con biết và yêu mến. Bảy mươi môn đệ, được gọi nhân danh Đức Giêsu đi xoa dịu sự đau khổ và áp bức, đã tìm thấy ý nghĩa sứ mạng của họ nơi Cha và Con và nơi mối hiệp thông tình yêu của Cha và Con. Hôm nay nghe sứ điệp Tin Mừng này, chúng ta tiếp tục được mời gọi đi sâu hơn nữa vào mối quan hệ này. Đương nhiên, chỉ khi dựa vào một cuộc gặp gỡ với Cha như Đức Giêsu đã mặc khải cho chúng ta, chúng ta mới có được hồng ân tình yêu của Thiên Chúa để có thể cống hiến cho người khác trong sứ mạng của chúng ta.
Lời Chúa hôm nay mời goi chúng ta không chỉ xem xét lại các khía cạnh khác nhau của sứ mạng truyền giáo, nhưng cũng tích cực khám phá xem những thực tại này mặc khải cho chúng ta điều gì về Thiên Chúa. Khi chúng ta nhìn nhận bằng đức tin những con đường Thiên Chúa dùng để đến và làm việc với chúng ta, chúng ta có thể để cho Thần Khí của Người thể hiện sứ mạng của Người cho những người khác thông qua chúng ta. Sự hiệp thông sâu xa của các môn đệ với Đức Giêsu, trong sự kết hợp thần linh, yêu thương của Người với Cha, tạo ra niềm vui, niềm đam mê và nhiệt tình đối với nỗ lực truyền giáo. Thay vì vui mừng vì các thành quả truyền giáo của mình, các môn đệ truyền giáo vui mừng trong tình yêu thương, trong sự hiệp thông với Thầy và Chúa của mình, và trong ơn gọi làm những người con trai con gái của Thiên Chúa với tên của mình được ghi trên trời.
Đây là ý nghĩa Đức Giáo Hoàng Phanxico viết ra trong tông huấn Evangelii Gaudium của Ngài, số 21:
Niềm vui Tin Mừng làm sinh động cộng đoàn các môn đệ là một niềm vui truyền giáo. Bảy mươi hai môn đệ đã cảm nhận niềm vui này khi họ từ nơi truyền giáo trở về (xem Lc 10:17). Đức Giêsu đã cảm nhận niềm vui này khi Ngài vui mừng hoan lạc trong Thánh Thần ca tụng Cha vì đã mặc khải mình cho những người nghèo và những người bé mọn (Lc 10:21). Niềm vui này cũng đã được cảm nhận bởi những người trở lại đầu tiên khi họ kinh ngạc nghe các tồng đồ giảng “bằng tiếng mẹ đẻ của họ” (Cv 2:6) vào ngày lễ Ngũ Tuần. Niềm vui này là một dấu chỉ rằng Tin Mừng đã được công bố và đang sinh hoa kết quả. Nhưng động lực để đi ra và trao ban, ra khỏi chính mình, không ngừng dấn bước đi gieo hạt giống tốt, vẫn luôn luôn hiện diện hôm nay. Chúa nói: “Ta hãy đi sang các làng lân cận để Thầy cũng giảng ở đó, vì đó chính là lý do mà Thầy đến” (Mc 1:38). Mỗi khi hạt giống đã được gieo tại một nơi nào, Ngài không ở lại đó để cắt nghĩa hay làm thêm các dấu lạ; Thần Khí thúc đẩy Ngài ra đi tới các thành khác.