THỜI KỲ KHAI PHÁ
A.
VÙNG ĐẤT BÚNG
1. NHÌN
TỔNG THỂ
·
Phó giáo sư tiến sĩ Phan Xuân Biên khi viết về:
“Cư dân Bình Dương qua các thời kỳ lịch sử” đã cho thấy lúc khởi thủy đất Bình
Dương là nơi sinh sống của người Stiêng, Mạ, Châu Ro. “Nhóm người Tamun ở Sóc
5, xã Minh Hòa và nhóm người Stiêng Budeh còn nói rằng cách đây không lâu, ông
cha của họ còn ở vùng Thuận An (Lái Thiêu). Rất có thể họ là thành phần cư dân
của “Vương quốc Mạ” trong lịch sử từng tồn tại theo hai bờ sông Đồng Nai ở
trung lưu và hạ lưu. Sau này, do áp lực của nhiều luồng di dân, nên họ đã lui
dần về thượng lưu.”
· Phó giáo sư Huỳnh Lứa còn mô tả chi tiết hơn “Vùng
đất nay là Bình Dương cho đến thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, vẫn còn là vùng hoang
dã, rừng rậm lan tràn…Từ đầu thế kỷ 17, lớp cư dân mới người Việt từ miền Thuận
Quảng nhập vào.”
·
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết:”Lưu dân miệt
ngoài vào Bình Dương khai hoang cặp theo sông. Đất Bình Dương nằm giữa hai con
sông lớn Là Đồng Nai và sông Sài Gòn…Tuy chưa có tài liệu chính xác, song chúng
ta tin rằng dân các xã Phú Cường, Phú Lợi, vùng Lái Thiêu, Tân Khánh…cùng lúc
với dân Bến Ghé, Cù lao Phố. Như vậy, người Việt ở Bình Dương được xem là loại
“cổ” của Nam Bộ”
·
Mùa xuân năm Mậu Dần (1698) chúa Nguyễn Phúc Chu
sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, thiết lập hệ thống quản lý hành chính
vùng này “lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn biên…”. Sau đó,
Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chánh (nay là Quảng Bình) đi vào
Nam lập nghiệp.
·
Theo lịch sử Họ Lái Thiêu, trong số những người lập cư
thời ấy, chắn chắn có người Công giáo đến vùng Lái Thiêu sinh sống và lập giáo
xứ. Bởi vì, theo Launay, thì từ năm 1747 (giữa thế kỷ 18) Lái Thiêu có tên
trong danh sách 11 họ đạo của vùng đất Trấn Biên (Đồng Nai) và có đến 400 giáo
dân. Hơn nữa, nhà thờ đầu tiên được dựng lên tại vùng đất có nhiều gò nỗng và
cây rừng. Nên được gọi là HỌ GÒ cho đến năm 1787. Trong một thủ bút được
để lại ở tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn, có lẽ đã được viết ra vào đầu thế kỷ 20,
nói về xuất xứ họ đạo Tân Qui (Origine de la chrétienté de Tan Qui), có ghi
nguyên văn: “Thủa xưa, họ Tân Qui là một phần đất hoang không ai ở, thuộc về
làng Bình Nhan Thượng, tỉnh Gia Định. Năm 1783, đời Đức Cha Vêrô, có một ít nhà
đạo dòng ở Búng và Lái Thiêu tới khẩn đất và ở luôn đó….”
2.
XỨ BÚNG
·
Và khi viết về xứ Búng, cựu cha sở Martin (Nghi) đã ghi
lại như sau: “Vùng đất họ đạo Búng và Bình Sơn ngày nay là vùng đất xưa kia
ngập nước, không trồng trọt được. Nhưng nhờ phù sa sông Sài Gòn mà đất trở nên
phì nhiêu, nên người Việt nhận ra và đến sinh sống ở đây. Những người Công giáo
đầu tiên đến đây từ Huế (đúng hơn, từ Miền Trung NV ). Họ bỏ nơi đang sống vì
luôn có chiến tranh và nhiều khó khăn phải chịu đựng. Xứ Búng, gần Lái Thiêu,
gần như có đủ điều kiện mà họ ao ước.”
·
Lúc đó, vùng này là vùng ẩm thấp mà người ta gọi là cái
Búng, có nhiều đường nước nhỏ gọi là đường long (hay còn gọi là “long
mạch”). Từ cầu Cây Trâm, có con rạch lớn, ghe thuyền có thể đi tới vùng đất
nghĩa trang họ đạo Búng ngày nay.
B.
CƯ DÂN XỨ BÚNG
Những người
đầu tiên đến cư ngụ tại vùng cái Búng được cha sở Martin ghi là các ông Hương,
Tùng, Bời, Dũi, Ở. Tất cả họ là đạo gốc. “Họ tụ tập ở nhà ông Bời để đọc kinh
cầu nguyện. Để sinh sống, họ chăn nuôi bò, trâu và nuôi tằm. Rồi họ khai khẩn
đất đai, trồng trọt, sau một thời gian ngắn, họ có cuộc sống khá đầy đủ.
·
Đặc biệt có ông Nguyễn Thới Bình , một trong những người
đầu tiên có công khai hoang vùng Búng và lập ra làng Hưng Định từ đó đến nay.
Ông nguyễn Thới Linh (cháu năm đời của ông Bình, là cha của các ông Nguyễn Thới
Khai, Nguyễn Thới Đắc, và linh mục Nguyễn Thới Mậu) có viết về “tên” như sau:
“Với tục lệ người Nam có cái thành kiến là cữ nói đến tên người lớn. Nên khi ấy
dân trong làng không bao giờ dám nói tiếng gì có tên ông. Khi gặp phải thì nói
trại ra là BƯỜNG hay BẰNG mà thôi, như bất bường, công bằng…”
·
Vậy khi cha Martin viết “Họ tụ tập ở nhà ông Bời để đọc
kinh cầu nguyện” thì người kể lại cho cha Martin viêt khảo luận này
(10/02/1911) cũng né tránh tên hoặc truyền khẩu cả trăm năm là như thế, nên
người ta chỉ biết là Bường, Bằng hay Bời (cha Martin ghi), chứ không biết tên
đích thực là BÌNH.
·
Cuối thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1800) một người quê
quán ở Quảng Ngãi (Miền Trung) (có chỗ ghi: Quảng Bình (Bắc Trung Bộ) tên là
Nguyễn Thới Bình. Sau khi thi đậu Bảng nhãn, ông được cử làm Tri châu. Sau 12
năm quan trường, ông cáo bệnh và xin từ quan. Ông sang làm nghề Đông y với hiệu
là Đức Trọng. Hằng năm, ông thường theo ghe vào phía Nam bán thuốc trị bệnh,
với mong ước di cư lập nghiệp.
·
Đến vùng Búng, ông để ý đến cái Búng nước đó và muốn lập
cư khai khẩn, nhưng vì cha mẹ còn sống, ông không bỏ đi được. Mãi đến khi ông
ngoài 40 tuổi, cha mẹ mất, ông mới quyết định rời quê hương cũ, mang theo vợ và
2 con, con gái tên Nguyễn Thị Hưng, với chồng là Lê Văn Quyền, và con trai là
Nguyễn Văn Định, còn độc thân.
·
Lúc đầu, ông tá túc ở nhà người thân ở Lái Thiêu. Dần
dần, cha con vào Gò Cầy (nay là vùng đất từ Bình Hòa, Lái Thiêu đến ngã tư Hòa
Lân), chặt cây cắt tranh làm nhà ở khoảng đất cao, gần nghĩa trang họ đạo Búng
ngày nay. Khi định cư xong, ông Bình lo sắm trâu để làm ruộng, ngựa để di
chuyển. Con gái Nguyễn Thị Hưng và chồng là Lê Văn Quyền ra riêng ở Cầu Ngang.
Còn Nguyễn Văn Định là con trai thì cưới con gái Họ Võ ở Lái Thiêu. Khi đã tạo
nên sự nghiệp vững vàng , ông Bình cho con trai và con rể về quê miền Trung để
vận động bà con thân thuộc vào xứ Búng lập nghiệp. Cư dân ở vùng lân cận cũng
đến Búng để sinh sống. Và từ đó, xã Hưng Định được hình thành.
·
Và cũng có một gia đình nguyên quán ở Huế vốn dòng
quyền quý, đã từng phò vua giúp nước, đã di cư vào Nam , định cư ở xứ Búng. Đó
là gia đình của ông Antôn Đoàn Công Miêng và bà Anê Nguyễn Thị Thường. Không rõ
vì lý do nào mà cuối đời Gia Long (1802 – 1820) hai ông bà rời quê quán, cùng
các con vào Nam , định cư ở vùng Cầu Ngang. Chính tại nơi ở mới này mà đứa con
út là Phêrô Đoàn Công Quí đã được sinh ra vào năm 1826.
·
Có thể tóm tắt như sau: Vùng đất Búng là
vùng thung lũng cô nước, giống đầm lầy, có cây cối rừng rậm, chưa được khai
hoang, dù Búng gần Gò Cầy với nhà thờ Họ Gò đã có từ lâu (thế kỷ 18), gần Lái
Thiêu với số giáo dân là 400 vào năm 1747. Và cư dân đầu tiên khai khẩn là
những người từ miền Trung vào, cộng thêm những người ở vùng lân cận đến vùng
cái Búng làm ăn sinh sống, định cư lập làng và đồng thời là người công giáo,
nên họ cũng qui tụ đọc kinh ở nhà.
C.
SINH HOẠT CÔNG GIÁO LÚC ĐẦU:
1.
NHÀ THỜ:
Nhà thờ đầu
tiên được xây cất từ đầu thế kỷ 19, nằm trên phần đất của ông Nhờ, gần nhà ông
Bình (nay là đất thánh Búng), được xây dựng bằng cây cột chôn, và lợp bằng
tranh. Nhà thờ này chỉ tồn tại hết một cõi tranh. Về việc lập ngôi nhà thờ đầu
tiên, ông Antôn Nguyễn Thới Linh, cháu năm đời của ông Nguyễn Thới Bình, đã ghi
lại như sau: “Song song với việc lập làng, cất công sở ở đất ngoài (Hưng
Thọ/Cầu Ngang bây giờ) thì nơi ấp trong (Hưng Lộc) cũng đang dựng lên một ngôi
thánh đường có Ban Quới chức và tự nhiên người xướng lập lãnh vai ông Trùm. Khi
ấy người có đạo đặng vài mươi gia đình. Có nhiều người ngỏ ý muốn cất nhà thờ ở
Hưng Thọ….nhưng ông Trùm không chịu, ông nói:"Có lẽ các ông nói tôi ngại
đi xem lễ xa nên cất gần nhà, lời ấy cũng đúng phần nào thôi. Hơn thế, chính
tôi có bổn phận phải bảo toàn nhà ấy và những gì thuộc về ấy, chẳng hạn như đồ
thờ phượng, hoặc khi có ông cha ở lại một hai ngày, có khi cả tuần, và tôi còn
phải tìm phương tiện để đưa các cha đi vào các nơi xa có bổn đạo ở rải rác như
Bến Sắn, Bố Mua….Anh em nên biết người có đạo chỉ trọng cái hồn hơn cái xác,
nên tôi để cho rể con tôi nó gánh vác cái thế quyền còn thần quyền nặng hơn nên
tôi phải lo”. Địa điểm nhà thờ (đầu tiên) tại chổ đất nhà chung, dưới đất
thánh hiện giờ.
Khi mái
tranh bị hư, người ta mới cất một nhà thờ khác (nhà thờ thứ hai), tiện nghi
hơn, mái lợp ngói, nằm trên phần đất của ông Ràng (ở dốc Sỏi bây giờ). Nhà thờ
này bị bỏ hoang khá lâu trong thời kỳ cấm đạo.
2.
HỌ ĐẠO GHE TÁM:
Tại vùng
Búng có cây sao rất to. Giáo dân đã chặt cây ấy, đóng thành một chiếc ghe có
chiều dài đến tám tầm, nên người ta đặt là họ đạo Ghe Tám.
Theo một tài
liệu khác, ngôi nhà thờ đầu tiên được cất ở gần ở gần con suối lớn (nay là đất
thánh Búng). Thời đó, suối này nhiều nước, ghe thuyền thông thương đến tận nơi,
có những chiếc ghe bầu lớn có tám chèo, còn gọi là ghe tám. Nên nhà thờ đầu
tiên mang tên là Ghe Tám
Tên gọi này
còn kéo dài mãi cho tới khi có được ngôi nhà thờ thứ ba như sẽ thấy sau.
3.
NGƯỜI CÓ ĐẠO:
Theo tài
liệu cha sở Martin (Nghi) ghi lại thì lúc ấy, số giáo dân là khoảng 300 người.
Nên biết rằng vùng này đầy bụi cây rậm rạp, ít người ở, nên người lương trở lại
đạo thì không có. Vì vậy số dân này đa số là người có đạo ở miền Trung vào,
cộng thêm những người có đạo ở xung quanh đến khai khẩn sinh sống.