P. PHỤ LỤC
1. TIỂU SỬ THÁNH
QUÍ
Nếu “Máu các Thánh tử đạo là hạt giống sinh người
Kitô Hữu”, thì họ Búng
được kể là hạnh phúc và vinh dự vì được xây đắp bằng xương máu của bậc tiền
nhân anh dũng trong đức tin, vị linh mục đầu đàn, người con cả yêu quí của họ
đạo.. Thánh Linh Mục Phêrô
Đoàn Công Quí, người đã đổ máu ra vì đức tin tại Châu Đốc năm 1895 nhưng họ
Búng chính là nơi sinh trưởng, chi nôi của Người.
Linh mục Phêrô Đoàn Công Quí là
con ông Antôn Đoàn Công Miêng, và bà Annê Nguyễn Thị Thường, cha mẹ vốn dòng
quyền quí, nguyên quán ở Đàng Ngoài, đã từng phò vua giúp nước.
Không rõ vì lý do nào (có thể
vì lý do công giáo), vào cuối đời Gia Long (1802 – 1820), hai ông bà cùng vài
người con di cư vào Nam , ngụ tại Búng, tỉnh Thủ Dầu Một , nay là tỉnh Bình
Dương. Tên của các anh chị của Phêrô Quí là: Thới, Bường (gái) Đã, Rạng, Báu. Và chính
tại đây, Phêrô Đoàn Công Quí, con út trong 6 người con, mở mắt chào đời vào năm
1826, dưới triều Minh Mạng, tại họ Búng, thuộc làng Hưng Định, tổng Bình Chánh,
tỉnh Thủ Dầu Một.
Cậu Quí bản chất thông minh,
được cha mẹ cho học chữ nghĩa, hấp thụ nền Nho học và sống trong một gia đình
lễ giáo. Từ lâu cậu Quí muốn hiến thân cho Chúa để làm linh mục, giúp
việc tông đồ. Nhưng cha mẹ thấy cậu út thông minh, có bề thế sau này, nên để
cậu ở lại giữ nghiệp tông đường, và để cho anh của cậu đi tu. Tuy nhiên, “Nhân
nguyện như thử như thử, thiên lý vị nhiên vị nhiên”nghĩa là người ta muốn thế
này mà ý trời lại định ý khác. Vì vậy,sau khi anh của cậu xin rút lui hoàn tục,
thì cha mẹ lại cho cậu đi tu như ý định ban đầu. Cậu bỏ hết để đến ở với Cha
Tám, bổn sở họ Búng, để tập đời sống tu trì. Năm 1847, cậu được cha Tám giới
thiệu với với cha bề trên Gioan Mịche, sau này là Giám Mục. Năm đầu học La Tinh
tại nhà bề trên, năm sau cậu được gửi vào học chủng viện Thánh Giuse, lúc ấy
đặt tại Thị Nghè, do cha Borelle (Hòa) làm bề trên, sau đó ít lâu, vào năm
1848, Thầy Quí được gửi đi du học tại Đại Chủng viện Pinăng (Mã Lai). Sau 7 năm
học tập và tu luyện, thầy trở về quê hương năm 1855, lúc ấy vua Tự Đức đang cấm
đạo gắt gao.
Đức cha Lefèbre (Ngãi) thoạt
đầu dặn thầy phải tạm ẩn náu qua ngày, nhưng sau lại sai Thầy đi săn sóc, dạy
dỗ, an ủi giáo dân các họ. Nhận thấy thầy có đủ điều kiện về học thức, đạo đức
và tinh thần tông đồ, năm 29 tuổi, Đức cha cho Thầy chịu chức cắt tóc, và hai
năm sau chịu chức Phó tế. Vào tháng 9/1858, Đức Cha truyền chức Linh Mục cho Thầy tại nhà thờ
Thủ Dầu Một. Là con
cái trong Họ, cha Phêrô Quí sau đó đã về Búng để “vinh qui bái tổ”. Nói là vinh
qui chứ thực ra thánh lễ được cử hành kín đáo, đơn sơ tại Gò Cầy (Bây giờ là cuối
đường lò chén Chùm Sao vô vài trăm mét). Cha Phêrô Quí còn nán lại nhà ông Trùm
Tín (là cháu của ông Bình và là con của ông Định) thì có tin báo về Cai tổng ở
Lái Thiêu là ông Tín chứa chấp cố đạo. Ở Lái Thiêu có một viên thư ký quen than
với gia đình ông Tín, khi nghe câu chuyện liền lấy ngựa chạy ngày đến nhà ông
Tín, vừa hốt thuốc cho mẹ vừa báo tin. Chiều hôm đó, một chiếc ghe xuôi đường
rạch cầu Cây Trâm, đi ra phía vàm Búng và hướng thẳng về Bà Lụa. Khi đi dọc
theo bờ rạch, có người nhìn thấy và hỏi thì ông Chư (con cả ông Tín) vừa chèo
ghe, vừa trả lời “Anh này (chỉ cha Phêrô Quí) quen ở Bà Lụa, rủ tôi lên đó để
gát Cuốc”….Thế mới biết, bắt đầu bước lên bàn thờ tế lễ, là bắt đầu bước chân
lên đồi Cal-vê, bắt đầu cuộc tử đạo. Sau Lái Thiêu, Gia Định, Biên Hòa, cha Quí
được cử làm phó sở Cái Mơn. Vừa đến nhậm sở được ba tháng thì xảy ra vụ quân
linh đến vây dòng Mến Thánh Giá, để lùng bắt giáo sĩ, nhưng không tìm được giáo
sĩ, họ bắt mấy nữ tu.
Không sợ nguy hiểm, cha Quí
định ra mặt với quan quân, để chuộc mạng cho các nữ tu, nhưng giáo hữu không để
người ra.
Sau đó Đức cha cử người đến họ
Đầu Nước ở Cù Lao Giêng , Tỉnh An Giang ngày 27/12/1858, thì mười ngày sau
07/01/1859, quan Tổng đốc An Giang được mật báo có Tây Dương đạo trưởng trú ẩn
tại nhà ông Emmanuel Lê Văn Phụng, lúc ấy là Câu phủ họ (tức Trùm họ) Đầu Nước.
liền sai 100 lính đến bao vây. Được tin làng bị lính bao vây,Cố Pernot nói với
cha Quí hãy đi trốn để thoát lưới quân thù, Cha quí lại bảo Cố trốn đi, còn cha
nhất định không nao núng sợ hãi chi cả, Ngài cho mình không có dấu chỉ gì để
quan biết mình là linh mục.
Quan vào nhà ông Emmanuel
Phụng, truyền cho ông phải nộp Tây dương đạo trưởng. Ông Trùm Phụng trả lời ở
đây không có Tây dương đạo trưởng trú ẩn. Quan quat lớn lên:
- Đạo trưởng ở đâu?
Cha Quí đứng gần đó trả lời:
- Tôi là Đạo Trưởng
Quan hồ nghi:
- Không phải mày, mày phải tìm
nộp cho chúng tao Tây dương đạo trưởng mới được.
Cha đáp:
- Không có Tây dương đạo trưởng
nào ở đây cả, Tôi chính là Đạo Trưởng, tôi sung sướng làm việc giảng đạo , ai
muốn nghe đạo tôi sẵn sàng chỉ dạy.
Quan thấy cha Quí còn trẻ,
không có vẽ gì là đạo trưởng, không tin lời của Cha khai là thật. Quan mới quay
ra hỏi đứa nhỏ khoảng 10 tuổi, là cháu nội của ông Trùm Phụng, xem đạo trưởng
là ai
Đứa nhỏ chỉ vào cha Quí:
- Chính ông này là đạo trưởng.
Quan hết hồ nghi, liền
truyền lệnh bắt trói cha Quí, và bắt luôn ông Trùm Phụng cùng 32 bổn đạo trong
làng, rồi xiềng xích bắt về Châu Đốc. Hôm ấy là ngày mồng 07 tháng Giêng năm
1859.
Đến Châu Đốc, Ngài bị dẫn đến
trước mặt quan Tổng đốc, quan thẩm vấn cha nhiều điều và hứa sẽ tha nếu cha bỏ
đạo, theo như chiếu chỉ của nhà vua, nhưng cha Quí vẫn kiên quyết nhận mình là
đạo trưởng và quyết không từ bỏ đạo.
Lần khác quan nói với cha,
“Thầy là người thanh liêm, nhân từ, đức hạnh, tại sao lại mê theo tà đạo, hãy
nghe ta mà bỏ đạo đó đi”
Cha Quí trả lời:
- Dạ, thưa quan, tôi là người
giảng dạy đạo này, sao lại có thể bỏ đạo cho được? Vả nữa, đây là chính đạo, vì
chỉ dạy điều tốt lành, chứ không phải là tà đạo như quan hiểu lầm đâu.
Quan liền sai giam cha vào ngục
và sau đó dung nhiều phương kế đe nạt, dụ dỗ, tra tấn hòng làm thay đổi lập
trường của cha, nhưng cha vẫn một lòng trung kiên với chính đạo. Sau cùng, quan
thảo bản án trảm quyết gửi về kinh đô. bảy tháng trong ngục, cha Quí động viên
các bạn tù, cử hành bí tích, nguyện ngắm và đọc kinh Mân Côi với họ. Một giáo
hữu đến thăm cha, có cả linh mục bản quốc cải trang để vào giải tội và cho cha
rước Thánh Thể.
từ trong ngục thất, Ngài gửi về
cho mẹ (thân phụ qua đời) một bức thư bằng văn vận, ý từ cao sâu, lời lẽ cảm
động
THƯ Ở NGỤC ĐƯỜNG
Ký vụ thân mẫu đôi chữ tường
tri
Kể từ ngày con vâng lệnh ra đi
Lòng lã chã lệ rơi luồng lụy
Ngỡ tới đây hành công biện sự
Một hai tháng về viếng từ than
Ai ngờ rầy sớm cách lìa phân
Trời cùng nước không hề vầy
hiệp
Hễ Đạo làm tôi đua giữ lời răn
dạy
Cho nên con vâng lệnh chỉ sai
Đàng xa xôi cách trở chi nài
Miễn đặng tiếng vâng lời chịu
lụy.
Sau khi tỏ tình nhớ mẹ, cha kể
chuyện mình:
Kính thưa má,
Khi con tới An Giang tạm nghỉ
Gặp chầu trời mở hội khoa thi
Nên con phải liều thân ứng cử
Ấy là Thiên Chúa chi sở nhiên
Nhân tất tùng chi, nhi dĩ hỉ.
Dầu trăng trói gông cùm tù rạc
Chốn ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thành hiếu
tử
Chí con dốc đền công ơn Chúa
Dạ con làm báo ngãi mẹ cha
Xin mẫu từ chớ chút phiền hà
Một vui chịu cho danh cha cả
sang.
Mẹ ở lại lần hồi ngày tháng,
Việc hôm mai cần cán giữ gìn,
Gắng công phu việc Chúa kính
tin,
Hằng khắc kỷ dẹp yên ba giặc….
Nẻo tam cừu thìn mình chớ mắc,
Giữ mười răn cẩn mật đừng sai,
Dẫu đời này ly biệt bao nài,
Sau ắt cùng một nhà vầy hiệp.
Ngày 30 tháng 07 năm 1859, án lệnh
của triều đình được gửi từ kinh đô tới Châu Đốc
Sang hôm sau là ngày 31/07/1859,
ngày thi hành án lệnh, hai cha con, Phêrô Quí và ông Trùm Phụng, mặc áo tốt
nhất, ung dung và đĩnh đạc đi đến pháp trường, có quan quân đi trước, giáo hữu
đi sau. Một tên lính vác thẻ, lâu lâu lại cất tiếng rao:
“Tự Đức thập tam, An Giang tỉnh,
Kỷ Vị niên, thất nguyệt, sơ nhị nhật. Thẻ: Đạo trưởng Đoàn Công Quí tùng gian
đạo, đạo chủng; Đạo thư; bất khẳng quá khóa; Vi phạm quốc pháp;luật hình trảm
quyết. Tư thẻ”
Quả thật đây là án lệnh của vị
tuẫn đạo. Khi tới xóm Chà Và gần cầu cây Mét là chỗ pháp trường, hai cha con
cùng quì xuống cầu nguyện, cha ban phép giải tội cho con, con từ giã cha, giáo
hữu đến bái biệt hai vị bước vào cõi phước. Bỗng ba tiếng chiêng vang lên giữa đồng
vắng, một hồi trống giục, rồi ba lát gươm trao, lát thứ nhất rồi lát thứ hai
hết nữa cổ, lát thứ ba gần đứt hết, lát thứ tư đứt hẳn, một chiếc đầu rơi. Linh
hồn cha Phêrô Quí bay về cõi cao xanh, có ông Trumg Phụng đi liền theo sau
trong giây lát. Hôm ấy là ngày 31/07/1859, cha Quí vừa tròn 33 tuổi.
Thi hài của Ngài an táng ở
nhà thờ Năng Gù, sau được cải táng đem về chủng viện Cù Lao Giêng 1959, nhân
dịp Bách chu niên cuộc tử đạo của Ngài.
Đức Thánh Cha Piô X đã phong
Ngài lên bậc Á Thánh vào ngày mùng 02 tháng 05 năm 1909. để tưởng nhớ và kỷ
niệm công đức của Ngài, một tượng đài uy nghi được xây dựng trước nhà thờ Búng,
nơi chon nhau cắt rốn của vị Thánh
Và ngày 19/06/1988 Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh.
Dòng họ Thánh Quí tiếp tục dâng
hiến cho Cho Giáo hội nhiều vị linh mục: quí cha Đoàn Công Triệu (1936), Đoàn
Quang Đạt (1956), Đoàn Thanh Xuân (1945), và nhiều tông đồ giáo dân nhiệt
thành.
Theo sổ rửa tội còn lưu tại
Búng, gia đình thuộc họ Đoàn Công được kể ra như sau:
Ông Raymond Đoàn Công Huy và bà
Anê Nguyễn Thị Nhiệm đã sinh ra:
1. Tôma Đoàn Công
Tửu, 03/05/1877, xã Bình Sơn, Tổng Bình Chánh, rửa tội ngày 06/05/1877 do cha
Võ.
2. Phaolô Đoàn Công
Luông, 04/10/1878, xã Bình Sơn, tổng Bình Chánh, rửa tội ngày 06/05/1878, do
cha Võ.
3. Phaolô Đoàn Công
Tần, rửa tôi ngày 17/01/1888, do cha Giuse Thơ.
4. G.B Đoàn Công
Chiêu, rửa tội ngày 12/09/1891, do cha Giuse Thơ
5. Anrê Đoàn Văn
Quan, rửa tội 02/01/1894, do cha Simon
6. Đoàn Công Triều,
rửa tội 22/09/1896
7. Phêrô Đoàn Công
Hội, sinh 13/10/1885, rửa tội 15/10/1885, do cha Antôn Võ.
CẦN LƯU Ý: QUÍ HAY QUÝ ?
Ø Tài liệu của linh mục Pernot từng sống với
vị Thánh, và sau này kể lại ở Paris , luôn ghi “le prêtre QUI” “P.QUI”
Ø Trong tờ xin làm gia phả đầy đủ của vị
Thánh, ông Đoàn công Tần cháu đời thứ 4 của vị Thánh, ghi : Tông chi than tộc Á
Thánh Đoàn Công Quí” (31/07/1967).
Ø Trong bản ghi nguồn gốc họ Búng, cha Martin
(MEP)ngày 10/02/1911, cũng ghi “ Le Bienheureux Pierre QUÍ (trang 2 và trang
10).
Ø Khi xây dựng tượng đài Thánh tại họ Búng,
Ông Đoàn Công Chánh, ghi tại chân đế “ Thánh Phê rô Đoàn Công Quí” và ngày
17/02/1960, Đức Cố Giám Mục Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền đã khánh thành tượng đài
này.
Ø Quyển “Hạnh tích các đấng Chân Phước tử
đạo” các vị có hài cốt chôn tại bàn thờ chánh Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn
xuất bản 1960, trang 42 viết về “ Chân Phước Phêrô Đoàn Công Quí”.
Ø Trong sách “ Thánh Giáo Yếu Lý” vấn đáp,
năm 1953, do nhà xuất bản Tân Định in lần thứ 11, trang 102, “ Những điều vinh
hạnh đặc biệt của địa phận Sài Gòn” có viết.
Ø Ngày 27/05/1900, Đức Giáo Tông Lêô XIII
phong lên bậc Á Thánh: Cha Joseph Marchand (Cố Du), Cha Philipphê Minh, Ông
Matthêu Gẫm.
Ø Ngày 02/05/1909, Đức Giáo Tông Piô X phong
lên bậc Á Thánh : Cha Phêrô QUÍ, Ông Trùm Emmanuel Phụng, cha Phaolô Lộc, cha
Phêrô Lựu, ông Trùm Giuse Lựu và Phaolô Hạnh.
Ø Tóm lại: “QUÍ” là đúng tên của Thánh Nhân (không phải là QUÝ)
BỔ TÚC TIỂU SỬ THÁNH QUÍ
Ø Linh mục JEAN-CLAUDE PERNOT (Xem tài liệu của MEP)
Ø Sinh ngày: 17/11/1823
Ø Cha là Claude Francois, làm nghề thợ may.
Ø Mẹ là: Anne Pinaigre, nội trợ
Ø Mùa thu 1839 (15 tuổi) vào tiểu chủng viện
Luxeuil.
Ø Năm 1841, vào học Triết ở chủng viện Vesoul
Ø Năm 1843, học thần học ở Besancon
Ø Ngày 18/09/1847 (lúc 24 tuổi), thụ phong
linh mục.
Ø Ngày 03/09/1851 (28 tuổi) vào Hội Truyền
Giáo Paris.
Ø Ngày 04/09/1852 đi Viễn Đông từ cảng Havre
Ø Ngày 26/10/1852 đến Pinăng ( Malaysia )
Ø ĐGM Lefèbvre Ngãi thuê tàu chở Cha đến nước
Việt. Hơn 1 tháng thì đến Đồng Nai. Sau đó đi thuyền đến Thị Nghè.
Ø 1853 – 1854 : Ở Thị Nghè
Sau đó, được sai đến Đầu Nước ở Cù
Lao Giêng. Cha Pernot ở tại nhà của ông Emmanuel Lê Văn Phụng. Họ Đầu Nước được
thành lập năm 1783 do 2 gia đình Cai Thia ?- Ông Phụng với tính năng hăng say
và nhiệt thành tông đồ, dạy giáo dân, nâng đỡ họ, cố gắng giúp họ về đạo giáo,
dù gặp nguy hại, nhất là khi họ đau ốm và sắp chết. Cha Pernot ở đây cho
tới 1859.
Cha ở trong một nhà nhỏ, nấp trong
góc kín của ngôi nhà. Ban ngày phải ẩn mình, cha chỉ đi ra ban đêm. Ở đó
cha cử hành các Bí Tích cho giáo dân mà ông Phụng kín đáo đưa đến. Ban ngày đôi
khi Cha phải im lặng và ở yên vì các người lương do thám đến lục soát phía bên
kia vách nhà của Ngài. Nhiều lần cha phải lật đật chạy trốn trong chỗ rậm
gần đó, chân ở trong đầm nước và muỗi căn khủng khiếp. Khi nguy hiểm qua rồi,
người ta đến tìm cha về.
Dù rất cẩn thận, nhưng họ cũng
nghi ngờ có người Âu. Hai người lương ở làng Tân Đức ở Cù Lao Giêng, quyết tâm
bắt quả tang. Một đêm nọ, họ trèo lên cây măng sau nhà ông Phụng, và cha
Pernot, không biết có nguy hiểm đã đi ra để thở không khí trong lành. Ngay lập
tức họ nhận ra Ngài. Họ đi tố cáo với Tổng Đốc Châu Đốc. Ông gọi trưởng đội dân
quân, ra lệnh chuẩn bị khoảng 20 chiếc thuyền để đến Cù Lao Giêng. Nhưng người
ta biết ngay lý do có cuộc sắp đặt đó và một giáo dân vội vàng báo tin cho ông
Phụng. Ông Phụng lúc đầu không tin lời người này, ông nói: “Không thể có chuyện
đó, ông Huyện Cù Lao Giêng rất tốt với tôi, đáng lẽ nói cho tôi biết chứ”.
Tuy nhiên, các chiếc thuyền dân quân đã đến chọ Cho Thu (?), cách Đầu
Nước 6 km. Rồi thuyền chạy chậm để đến đêm thì đến nhà ông Phụng, được báo là
cất giấu một người Tây.
Việc xuất hiện đội thuyền làm cho
giáo dân trong lang xôn xao. Một giáo dân đến nhà ông Phụng. Không còn nghi ngờ
gì nữa, vì có tiếng mái chèo đập nước nghe rất rõ. Vội vàng, hối hả người ta
cất giấu đồ đạc gây nghi ngờ, và che giấu cha Pernot. Dưới sự hướng dẫn của ông
Gabrie Vi, cha chạy trốn trong rừng rậm và cũng khuyên cha Quí trốn đi nhưng vị
linh mục bản xứ trả lời: “Cha ơi, cha trốn nhanh đi, còn con, con là người An
nam, con sẽ không gặp khó khăn gì đâu”. Sau một lúc, quân lính bao vây nhà ông
Phụng, và siết chặt vòng vây để không ai có thể chạy thoát. Họ tìm kiếm khắp
nơi, lục soát các góc xó nhà tăm tối, nhưng vô ích, tuyệt đối không tìm thấy gì
cả. Cha Pernot đã đi kịp lúc, các đồ lễ cũng rời xa đó rồi. Ông trưởng đội quân
giận dữ, bắt giữ ông Phung, chủ nhà, muốn ông thú nhận là ông có che giấu một
nhà truyền giáo. Nhưng ông Phụng từ chối nói ra và không chỉ bảo gì cả. Giận
điên tiết, ông trưởng đội quân ra lệnh bắt trói và đóng gông Cha P.Quí, ông E.
Phụng và 32 bổn đạo ở đó. Rồi dẫn họ về phủ Châu Đốc. Đó là ngày 07/01/1859.
Vài tháng sau đó, Cha Quí và ông Phụng bị kết án tử và hành hình. Cha Quí bị
chặt đầu, ông Phụng bị siết cổ. Ngày 13/02/1879 (20 năm sau) hai vị tử đạo này
được ĐGH Lêô XIII phong Chân Phước.
Còn Cha Pernot lúc đó thế nào?.
Suốt đêm, Ngài trốn núp trong rừng. Sáng hôm sau, Ngài trở lại họ Đầu Nước, và
tạm trú ở nhà một giáo dân khác. Các bề trên nhận thấy cần đưa cha đi khỏi Họ
đó, nên vị thừa sai buộc phải trốn ở đáy thuyền và băng qua song, đến với các
giáo dân ở Ben Dinh (?) cách đó 25 cây số. Các giáo dân ở đây quá sợ hãi nên từ
chối cho cha ở. Có một phụ nữ can đảm, bà Anna Thoa, nói với chồng: “Đừng sợ gì
cả, chúng ta cứ cho cha ở nhà chúng ta”. Lúc đầu người chồng không đồng ý,
nhưng sau cùng với sự nài nỉ của bà vợ, ông đồng ý và don một cái chòi nhỏ ở
trong bụi tre gần nhà, bà Anna hằng ngày mang cơm nước đến cho cha. Ở đó chỉ
được ba ngày, Tổng Đốc Châu Đốc không muốn bỏ lơi con mồi nên ra lệnh lục xét
khắp nơi. Quan quân đến gần Bến Dinh rồi. Còn thời gian nên phải cứu vị thừa
sai thôi. Đầu óc dân An nam đầy mưu mẹo. Họ lấy một chiếc ghe chất đủ thứ lá:
Tranh lợp nhà, rơm làm vách, lá dừa làm cửa….Chiếc ghe chở người buôn lá trong
một thời gian ngắn đã xuôi dòng nước. Vị thừa sai Pernot đã ngòi trongmột cái
lỗ mà người ta bao quanh bằng đủ thứ lá. Lên bờ, đi đường bộ đến chợ gần đó,
rồi đến chợ kế tiếp, sau cùng cha đến Cái Nhum. Giáo dân ở đấy rất tốt, người
lương xung quanh cũng tốt và có thiện cảm. Họ đạo có dòng Mến Thánh Giá
và có một tiểu chủng viện của truyền giáo.
- Đầu năm 1860, ở Sài Gòn.
- Năm 1861, về chủng viện Hội Truyền Giáo ở
Paris .
- Ngày 27/02/1904, qua đời ở Paris , thọ 81
tuổi.