Đất Thánh ngày nay là khu vực được
khai hoang cách đây khoảng 200 năm, do cha con ông Bình, Bà Hưng và ông
Định. Khi qua đời, phần mộ ông Bình được chôn cất ở vườn cây điều.
Ngày
thứ ba 17/10/2006, ông trưởng lão Nguyễn Văn Binh tổ chức bốc mộ. Có
hai cái hủ cốt chôn ở nấm mồ, cho rằng đó là hai vợ chồng của con ông
Bình là ông bà Định, lý do hai hủ cốt là khi trồng cây điều, tư Đắc đã
lấy hai mộ đó và bỏ tro vào hai hủ này.
Sau
phần nấm mộ thì từ mặt đất xuống 1,5 mét thì đến phần đất chôn ông
Bình. Vì lâu năm nên huyệt lộ ra phân nữa theo đường đào, chứ không
nguyên huyệt. Hai phần loại đất khác nhau rõ rệt. Đất ở phần huyệt thì
mềm xốp, còn đất xung quanh thì cứng, đá sỏi….Những công nhân chuyên đào
mộ đã biết tới nhuyệt, và thớ đất ở huyệt, họ tìm kiếm nhưng không còn
gì. Nắm đất ở huyệt được lấy cho vào hũ, và đem về an táng tại đất
Thánh.
Ngày thứ ba 31/10/2006, phần mộ được hoàn tất, kịp ngày 2 lễ lớn là Các Thánh Nam Nữ (01/11/2006) và lễ Các Đẳng (02/11/2006).
Tại đất Thánh Búng có hai phần mộ cổ nhất là:
Phần mộ của Micae Kính, có mộ bia bằng đá xanh, khắc chữ Pháp như sau:
ICI REPOSE Tạm dịch Nơi An Nghỉ
MICHEL KÍNH Micae Kính
Décédé le 10 Juin 1869 Qua đời ngày 10 tháng 6 năm 1869
Dan sa 61 année Hưởng thọ 61 tuổi
Như
vậy ông Micae Kính sinh vào năm 1808 vào thời kỳ Gia Long, họ đạo Búng
còn phôi thai, chưa hình thành. Không rõ nguồn gốc: ở tại Búng hay đến
Búng định cư. Khi chết là năm 1869, thời họ đạo Búng đã có nhiều giáo
dân, nhưng chưa có cha sở chính thức định cư.
Phần mộ của Phaolô Tín : Đá ông đỏ bao quanh, mộ bia bằng đá xanh, khắc chữ nôm 2 hàng, ở cuối tấm bia có ghi:
Ei sit Paul décécé
06/09/1872
Theo chữ nôm được dịch ra, ông Phaolô Tín, sinh năm Đinh Hợi, tức là năm 1827, qua đời ngày 06/09/1972, hưởng dương 45 tuổi.
Ông
Phaolô Tín này có phải là cha của ông Chư (người giúp linh mục Phêrô
Đoàn Công Quí trốn đi Bà Lụa) và của ông Kính (ông Cố của Khai, Đắc và
Mậu hay không?
Cha Mậu trả lời: Không phải, ông Tín này ở Cầu Ngang.
Tôi
(PT) suy đoán: Thánh Quí sinh năm 1826, Ông Tín này sinh 1827, Thánh
Quí làm linh mục năm 1858 (32 tuổi) lúc đó ông Tín mới 31 tuổi, con còn
nhỏ (ông Chư là con cả, mới khoảng 11 tuổi, không thể đưa cha Quí trốn
đi Bà Lụa được). Vậy ông Phaolô Tín này không nằm trong gia phả ông
Bình, Hưng Định.
PHONG TỤC XƯA ĐẾN KHOẢNG NĂM 1960
Đất Thánh được chôn theo từng giới:
+ Từ ngoài cổng vào phía bên trái đến cây Thánh Giá ở giữa Đất Thánh: Chôn giới đàn ông.
+ Cùng ở bên trái từ cây Thánh Giá ở giữa đến cuối Đất Thánh: Chôn giới nữ
+ Từ ngoài cổng vào phía bên phải đến cây Thánh Giá ở giữa Đất Thánh: Chôn đồng nhi nam
+ Cùng ở bên phải từ cây Thánh Giá ở giữa đến cuối Đất Thánh: Đồng nhi nữ
Khi chôn, đầu ở phía Đông (mặt trời mọc), chân ở phía Tây (mặt trời lặn)
Cách đây hơn 200 năm, ngôi nhà nguyện đầu
tiên của Họ Đạo Búng được xây cất đơn sơ, cột cây, lợp tranh, hình
thành nhóm tín hữu đầu tiên của họ đạo. Nhà nguyện này được xây cất cách
đất thánh ngày nay khoảng 1 km, ở phần đất của nhà ông Nguyễn Văn Bình.
Rồi ông mất đi và được chôn cất trong vùng đất ông đã từng khổ công
khai hoang.
Ngày nay, vùng đất này được gọi là Đất Thánh, hay nghĩa trang Họ Đạo
búng. Ngày 02/11/1996, cha sở đương nhiệm Micae Nguyễn Văn Minh đã
khánh thành nhà nguyện các đẳng tại đất thánh này. Lý do những năm 1985
trở về sau đất đai hiếm, các nghĩa trang khác bị giải tỏa dời đi….Người
chết được hỏa táng nhiều, cần phải có nơi xứng đáng để lưu giữ năm tro
tàn quí giá của họ. Cha Micae đã cho xây nhà nguyện các đẳng khang trang
và đủ rộng chỗ để lưu giữ những hũ cốt giáo dân. Theo tính toán thì
việc xây cất đã tốn hết 132.403.500 đồng. Đức Ông (nay là Đức Tổng Giám
Mục) Phêrô Nguyễn Văn Tốt và cha sở Micae đã đóng góp tiền cá nhân cho
việc xây dựng là 40.000.000 đồng. Nhiều giáo dân đã góp công, góp của
cho việc linh thiêng này.
Cha
sở Micae đã loan báo thêm tin vui ngày 02/11/2006, tại đất thánh Búng,
khi dâng lễ cho các đẳng rằng : “Đất Thánh này hiện nay đã có giấy chứng
nhận (sổ đỏ) do chính quyền cấp”
Tóm
lại, Đất Thánh đã tồn tại ngay từ khi lập họ đạo với nhóm nhỏ tín hữu
đầu tiên cho đến nay. Phần mộ ông tổ sáng lập họ đạo và đất thánh nay
đang nằm giữa con cháu. Hiếm có thay và đẹp biết bao! về niềm tin công
giáo, đất thánh này đang là nơi an nghỉ của các vị Thánh (xưa từng là
giáo dân bị bách hại, qua đời và chôn tại đây) và của bao người con
Thiên Chúa. Xin hãy giữ gìn và bảo tồn đất của các Thánh, đất thánh của
họ đạo Búng.
Các ngày đáng nhớ ở đất thánh
+ Ngày 1 và 2 tháng 11 hàng năm:
Hiện
có nhiều tín hữu ở các họ khác được phép về an nghỉ ở đây. Tối 01/11 có
hai thánh lễ cầu cho các đẳng. Đêm canh thức này rất đông và thật ấm
lòng, đạo hiếu của người sau đối với tiền nhân thật sáng tỏ vào những
ngày này. Sáng 02/11, thánh lễ chính thức cầu cho các đẳng, rất đông
người từ xa về.
+ Ngày mồng hai Tết Nguyên Đán: Nhiều người viếng mộ để kính nhớ ông bà, Tổ tiên….
Ban biên soan quyển “Lịch Sử Họ Đạo Búng”
xin chân thành ghi ơn Cha Sở Họ Đạo Búng và quí Cha đã giúp chúng con
các tài liệu quí giá. Chúng con cũng xin hết lòng tri ân các ân nhân,
các bạn trẻ trong họ đạo Búng đã giúp chúng con hoàn thành quyển lịch sử
này.
Năm 1988, quyển “ Kỷ Niệm Đệ Nhất Bách Chu Niên Nhà Thờ Họ Đạo Búng – 1888 – 1988”
ra đời, để đánh dấu 100 Họ Đạo phát triển trong ơn thánh và niềm vui.
Tuy nhiên, phần “Lịch sử họ đạo Búng” quá đơn giản. Do đó, chúng con đã
cố gắng sưu tầm tài liệu để hôm nay có được quyển lịch sử này. Dầu sao,
chúng con vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn vì còn thiếu hình ảnh và tiểu sử
các linh mục đã phục vụ tại họ đạo, hình ảnh và tiểu sử các linh mục
gốc Búng.
Nguyện xin Thiên Chúa Ba Ngôi và Thánh Gia Thất chúc lành cho tất cả những người cộng tác, và những ai sẽ đọc “Lịch sử Họ Đạo Búng”, với tình yêu Họ Đạo Búng, một họ đạo cổ xưa có trên 200 năm, đầy truyền thống này.