LỊCH SỬ HỌ BÚNG - Patriciô Nguyễn Văn Tiền (Biên Soạn) - Lịch sử Họ Đạo Búng 5

THỜI KỲ HÌNH THÀNH (1875 - ĐẾN NAY )

(GIAI ĐOẠN 1886– 1901)
B.  CHA SỞ THỨ HAI: CHA GIUSE MARTINÔ NGUYỄN TRI THƠ (1886 – 1893)

- Sinh năm 1848 tại Mỹ Hảo

- Chịu chức linh mục năm 1878

- Qua đời năm 1927

Cha Thơ bắt đầu ký sổ rửa tội ngày 23/10/1886 đến ngày 18/02/1893.

Vậy Cha Giuse Thơ giúp họ đạo Búng được 7 năm.

Cha Marrtin ghi lại như sau : Cha Thơ kế nhiệm Ngài (cha Antôn Võ), và lo xây dựng nhà thờ mới. Phải nói rằng đây là NHÀ THỜ THỨ SÁU cùng xây trên một địa điểm như nhà thờ thứ năm (do cha Antôn xây). Có tài liệu nói thêm : Nhà thờ này ông Trùm Tài vẽ mẫu Bằng khoán do cha Thơ đứng tên. Theo thủ bút của cha Martin để lại : Vì không có vốn cần thiết (cho việc xây cất) nên Ngài (Cha Thơ) chỉ làm nhà thờ từng phần, và đã khổ nhọc để lợp xong mái nhà thờ trước khi rời nhiệm sở 7 năm sau đó. Giáo dân rất tích cực góp công sức nhưng họ không giàu có gì. Lúc đó vài bất động sản của họ đạo phải được bán đi để lo xây cất, nhưng cũng được một số tiền nhỏ nên cũng góp ít chứ không nhiều vào công việc của họ đạo. 

Nhờ ơn Chúa và sự công tác của nhiều người NHÀ THỜ THỨ SÁU này cũng đã được xây dựng xong năm 1888. Ngày nay ở tiền đường nhà thờ có ghi dòng chữ ‘AED. 1888 REST. 1953’  (nghĩa là đã được xây từ năm 1888 và được tu sửa năm 1953).

Khi Cha Thơ đi nhận nhiệm sở mới thì có hai cha tạm thay thế.

·     Từ 14/03/1893, Cha Anrê Thể ký sổ rửa tội.

·     Từ 31/07/1893 đến 13/11/1893, Cha Anrê Bửu ký sổ rửa tội.


C.CHA SỞ THỨ BA: CHA PHAOLÔ MARCEL SIMON(1893 – 1895)


 

1.    SƠ LƯỢC TIỂU SỬ CỦA CHA SIMON :

- Sinh ngày 14 hay 16/10/1844 ở Toulon sur Arroux

- Vào chủng viện các cha Thừa sai, 01/10/1866 (đã chịu chức cắt tóc).

- Chịu chức linh mục 19/12/1868

- 16/02/1869, đi đến Tây Đàng Trong (Sài Gòn) và làm giáo sư ở chủng viện Sài Gòn.

- 1871 – 1875 : Phục vụ ở họ Cái Bè

- 1875 – 1878 : Phục vụ ở họ Mặc Bắc

- 1879 – 1892 : Phục vụ ở họ Tây Ninh

- 1893 – 1895 : Phục vụ ở họ Búng (lúc 49 tuổi)

- 1896 :     Phục vụ ở họ Vũng Tàu

- 1906 :    Phục vụ ở Dầu Giây

- Ngày 10/12/1908 : Qua đời ở Sài Gòn, chôn gần mộ Đức Giám Mục Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine (02/02/1741 – 09/10/1799),(Lăng Cha Cả) hưởng thọ 64 tuổi.

2.    CÔNG TÁC MỤC VỤ :

Cha Simon xây nhà cha sở. Trước kia đã phục vụ ở Tây Ninh, nên cha đã mua gỗ từ Tây Ninh về để xây cất. Tuy nhiên, các vách tường thì lại cho trét bằng đất và rơm nên mối mọt làm ổ, chẳng bao lâu thì đầy nhà.

·     Thời đó các tên thánh rửa tội mà giáo dân truyền lại cho nhau không nhiều, cha Simon đã làm một danh sách các thánh khác và gắn ngay trên giếng rửa tội, để ai muốn chọn tên thánh nào cho đứa trẻ rửa tội thì tùy ý chọn.

·     Khi tham dự nghi lễ phụng vụ, các thanh thiếu niên thường thụ động. Do đó, cha Simon buộc mỗi người phải mang theo sách mục lục.

Trong bài tiễn đưa cha Simon qua đời có đoạn viết : Được gọi trông coi họ Búng với số dân gần 1.500 người, cha bắt đầu việc mục vụ, đặc biệt quan tâm đến giới trẻ và thiếu nhi rất đông trong họ.

Ở Búng, cũng như trong các họ đạo mà cha phục vụ, cha không quên thực hành nghề thuốc miễn phí (Nên biết : Cha đã học ngành y trước đó NV). Nhất là cha rất tuyệt vời khi chăm sóc bệnh nhân một cách khéo léo, các người đau đớn vì vết thương, tất cả các bệnh ngoài da, không một chút ghê tởm, với một sự nhanh nhẹn trìu mến làm an tâm những ai sợ sệt. Cha băng dán vết thương một cách nhẹ nhàng giống hệt y tá đầy kinh nghiệm. Thật sung sướng khi mỗi sáng nhìn thấy những đám người lương và người giáo dân đi tới cha và trở về được sự xoa dịu nhờ sự cứu chữa của cha, được an ủi nhờ những lời ấm áp và động viên. Biết bao người lương đã nhờ thế biết được Chúa Trời nhân hậu. Nếu phần đông họ không xin Rửa Tội thì ít ra họ không thể không quý chuộng đạo này, mà các mục tử tỏ ra bác ái và thông cảm những đau khổ của con người.

Cũng vì vậy mà ĐGM Dépierre chọn cha Simon đi Vũng Tàu lập một dưỡng đường để các thừa sai mỏi mệt và các bệnh nhân vừa khỏi bệnh có thể đến nghỉ ngơi. Cha Simon đành rời xa Búng để đi nhiệm sở là Vũng Tàu vào năm 1896.


D.    CHA SỞ THỨ TƯ : CHA FÉLIX FRISON (HOÀNG) (12/1895 – 1899) :


Cha Félix Frison

1.    SƠ LƯỢC TIỂU SỬ :

Ø Sinh ngày 21/01/1862 tại Argancy, giáo phận Metz

Ø 12/09/1882 gia nhập chủng viện thừa sai, chịu chức cắt tóc.

Ø 27/09/1885, chịu chức linh mục

Ø 02/12/1885 đi đến giáo phận Tây Đàng Trong (Sài Gòn)

Ø Năm 1888 – 1891 : Ở họ Tha La, cha Frison hướng dẫn, giúp phương tiện cho giáo dân khai phá rừng để trồng trọt cày cấy. Cha đã mở mang nước Chúa từ họ đạo Tha La đi đến thành lập họ đạo Rạch Gốc, Rạch Thiên.

Ø 12/1895 – 1899 : Cha sở họ Búng

Ø 1899 : Cha sở Mặc Bắc

Ø 1935 : Cha mừng lễ vàng (Kim khánh) linh mục, đồng thời giáp 100 năm Thánh Marchand Du tử đạo (20/11/1835) ĐGM Dumortier, 16 thừa sai và 37 linh mục bản xứ tham dự. Tối hôm lễ mừng có cuộc bắn pháo bông lớn trước 10.000 người đến xem.

Sau khi ở Mặc Bắc cha Frison được đổi về Thủ Dầu Một. Ngài xây nhà thờ Thủ, là nhà thờ chánh tòa của giáo phận Phú Cường. Phải mất nhiều năm và tiền tài của gia đình Ngài, cộng với nhóm thợ ở Mặc Bắc xây dựng theo mẫu nhà thờ Mặc Bắc. Nhà thờ này được làm phép và khánh thành ngày thứ tư 23/07/1947

Ø 1939 – 1947 : Cha sở họ Thủ Dầu Một

Ø 29/06/1947 : Qua đời, hưởng thọ 85 tuổi

2.    CÔNG VIỆC MỤC VỤ :

Sổ rửa tội lưu trữ tại Búng ghi cha Frison rửa tội và ký vào sổ từ ngày 12/12/1895 đến ngày 17/02/1900

Ở tại Búng cha đã tô phía bên trong nhà thờ và lát gạch bông ở cung Thánh. Mua một miếng đất cho họ đạo (cha Martin ghi)

Hiện nay họ đạo Búng còn 3 quả chuông, tiếng vang thánh thót là do công lao của cha Frison.

Ba quả chuông có ghi những dòng chữ như sau :

CHUÔNG 1 (tiếng trầm, to nhất)

Petrus Nguyễn Công Đàng

Et Martha Lê Thị Đạo ejus sponsa (vợ của ông)

Me Obtulerunt (đã dâng cho tôi)

Búng Hội 1899

Engène Baudouin, fondeur (thợ đúc) à Marseille


CHUÔNG 2 (tiếng trung, to vừa)

Uno corde et animo fideles

Me Obtulerunt

(Các giáo hữu chung một lòng và tâm hồn đã dâng cúng cho tôi)

Búng Hội 1899

Engène Baudouin, fondeur (thợ đúc) à Marseille


CHUÔNG 3 (tiếng thanh, nhỏ)

Maria Nguyễn Thị Mới

Me obtulit (đã dâng cho tôi)

Anno Domini 1896 (năm 1896)

Engène Baudouin, fondeur à Marseille


Trong kỷ yếu giáo phận Phú Cường (1965 – 2005), ‘Quả chuông Tây, đường kính 0.70m hiện nay, do ông bà Micae Trần Văn Toán và Maria Huỳnh Thị Mau dâng cúng, Họ Đạo Bình Sơn, 1897’. Engène Baudouin, fondeur (thợ đúc) à Marseille’

Chắc hẳn là do Cha sở lúc ấy là cha F.Frison đem từ Pháp về họ nhánh Bình Sơn. Ngài vừa lắp xong 3 quả chuông thì được lệnh đi nhậm xứ Mặc Bắc (1900). Trong khoảng 5 năm ở Búng, cha Frison cũng đã để lại tiếng vang cho đến ngày nay (2007).

E. CHA SỞ THỨ NĂM : CHA NICOLAS EMILE COLSON (1900 – 1901)
1.    SƠ LƯỢC TIỂU SỬ :
- Sinh ngày18/11/1846 ở Manoncourt-sur-seille
- 15/09/1868 gia nhập chủng viên Thừa Sai
- 25/05/1872 chịu chức linh mục
- 19/06/1872 đi đến Tây Đàng Trong (Sài Gòn)
- 1877 thư ký ĐGM Colombert
- 1878 nhậm xứ Cái Nhum
- Đau một vài năm sau đó coi xứ Tân Qui
- 1901 Cha sở Họ Đạo Búng
- 1903 – 1913 cha sở họ Chợ Lớn
- 19/07/1913 qua đời ở Sài Gòn, hưởng thọ 67 tuổi.
2.    CÔNG VIỆC MỤC VỤ :
Cha Martin ghi ít dòng sau đây về cha Colson ‘Cha coi sóc họ đạo này chỉ trong vòng hai năm. Sau quay trở lại họ Tân Qui mà trước đó Ngài đã ra đi với nhiều đau đớn’(Le P. Colson fut ensuite chargé de cette paroisre òu il ne resta que deux ans, et tourna à Tân Qui dòu il était sorti avectant de peine).
Như thế cha Colson ở Búng 2 năm, sau đó đến Tân Qui khoảng 1,2 năm trước khi nhậm xứ Chợ Lớn(1903 – 1913).
Cha Colson ký sổ rửa tội từ 15/03/1900 – 19/10/1901.


Cha Colson


BÀI VIẾT CÙNG MỤC