THỜI KỲ CẤM ĐẠO (1825-1869)
A. CÁC LINH MỤC
Thời kỳ cấm
đạo, các linh mục đến một cách thầm lặng, không rõ tên tuổi, trừ hai linh mục
bản xứ là cha Duông và cha Thông (chịu chức linh mục khoảng 1800 – 1849), thuộc
thế hệ thứ hai, theo danh sách các linh mục miền Nam). Hai cha này thỉnh thoảng
từ Lái Thiêu đến họ đạo Ghe Tám để cử hành các Bí Tích.
·
Thường các linh mục bản xứ đến Búng trong thời kỳ cấm
cách lúc thì ở nhà ông Vưa, lúc ở nhà ông Nhờ, ông Tín (cháu nội ông Bình) hay
có khi ở nhà bà Hảo. Trong số các linh mục đó, thì cha Tám năm 1847 (dạy tiếng
Latinh cho Phêrô Đoàn Công Quí và cho Ngài vào chủng viện), cha Lợi, cha Kiên
được ủy quyền ban bí tích thêm sức (cha Lợi, cha Kiên thuộc thế hệ linh mục bản
xứ 1, cha Tám thuộc thế hệ hai. Danh sách linh mục miền Nam ).
·
Người ta còn ghi nhận Chân phước Marchand Du (sinh 1803,
1830 đến Lái Thiêu, tử đạo 30/11/1835 ) đã đến họ đạo Ghe Tám. Ngài đã cử
hành thánh lễ tại đây. Cùng đi theo Ngài có Cố Phương, hai người cũng đã trừ
quỉ cho con của bà Thơ.
Cố Du
·
Năm 1844, Tòa thánh thiết lập Giáo phận Tây Đàng Trong
(Sài Gòn) đặt Giám Mục Lefèbvre (Ngãi) cai quản giáo phận (1844 – 1864). Lúc
đó, tòa Giám mục vẫn còn ở Lái Thiêu. Vì vậy Ngài đã đến họ đạo Ghe Tám và ở
trong nhà của một giáo dân. Tuy nhiên, những người không có đạo đã biết
được và theo dõi Ngài, nên giữa đêm khuya Ngài đã ra đi đến Đá Tráng ( Bố Mua).
Người ta kể rằng Ngài đã gặp cọp trên đường đi.
·
Các linh mục như cha Tại, cha Giáo, cha Y, cha Chữ nhiều
lần đến thăm giáo dân. Đồng thời các ngài cũng giúp đỡ tiền bạc, quần áo cho
những người lương nghèo túng có ý định theo đạo.
·
Cha Dưỡng khi còn Thầy Sáu (Phó tế) đã đến Lái Thiêu và
cả họ đạo Ghe Tám để hướng dẫn giáo dân và chuẩn bị cho một số thiếu nhi được
rước lễ lần đầu. Tuy nhiên. Người lương phát hiện và theo dõi Thầy, nên Thầy
phải lội qua sông mà ra đi.
·
Năm 1858, cha Phêrô Đoàn Công Quí lãnh chức linh mục.
Là người con út của đất Búng, nên Ngài về quê “vinh qui bái tổ”. Ngài đã dâng
thánh lễ một cách âm thầm ở Gò Cầy. Ngài nán lại một thời gian ở nhà Ông Tín
(cháu nội ông Bình).
·
Tin đồn có giáo sĩ ở tại nhà ông Tín, lúc đó vừa là ông
Trùm họ đạo, vừa là ông cả trong làng, đã tới tai chính quyền ở Lái Thiêu. Có
một viên thư lại, khi nghe các người chức trách bàn tính việc đi bắt cha Quí,
thì khi làm việc về nhà, anh liền lấy ngựa chạy đến nhà ông Tín vì anh ta rất
có cảm tình và là thân chủ của ông Tín. Ông vừa xin ông Tín hốt thuốc cho mẹ
đang đau bụng rên la, mà cũng vừa báo tin cho ông Tín….Chiều hôm đó, một chiếc
ghe xuôi đường rạch Cây Trâm ra vàm Búng. Khi chạy theo bờ rạch, có người hỏi:
“Anh Hai đi gát quốc ở đâu?” Anh Hai là con cả của ông Tín, anh tên là Chư trả
lời: “Anh này quen biết ở Bà Lụa, rủ đi lên đó để gát”. Chiếc ghe đã đưa cha
Quí xa đất Búng, quê hương thân yêu của Ngài.
·
Tối hôm đó, ông Tổng cùng tốp lính đến nhà ông Tín, lục
soát khắp nơi nhưng không tìm ra giáo sĩ ở đó.
B.GIÁO
DÂN
·
Gia Đình Bà Hảo:
Bà gả con gái của bà, cô Tám, cho một thanh niên ở
Thị Nghè. Cùng đưa cô Tám đến nhà chàng rể, có bà Hảo, cô gái út là thị Chín,
và anh Chất, con trai của bà. Khi đến Vàm Thuật họ bị phát hiện là người
công giáo, và bị đày đi Biên Hòa, nơi giam những người theo đạo Kitô. Người
ta yêu cầu họ bỏ đạo, nhưng họ không đồng ý. Anh Chất bị kết án lưu đày và
chết ở đó. Hai cô gái, cô Tám và cô Chín bị đánh bằng roi và nhất là không có
gì để ăn. Khi chết xong, xác hai cô được một trong các anh em trai đến nhận và
mang về chôn cất tại họ đạo Ghe Tám. Còn bà Hảo mẹ của các cô và anh Chất
thì vẫn bị giam chung với những người công giáo khác cho đến khi trại giam bị
đốt cháy (ngày 16/12/1861, 401 giáo dân bị thiêu sống tại Biên Hòa).
·
Có khoảng 30 người có đạo vì sợ nhục hình nên đã đạp lên
Thánh Giá, và bị đưa đi phân tán ở chung trong làng người lương để họ theo dõi
(chiếu chỉ vua Tự Đức 05/07/1861 ra lệnh phân tán người Công giáo vào các làng
không công giáo).
·
Có hai ông là ông Trí và ông Lõi không chấp nhận hành vi
chối đạo như trên, nên bị bắt và người ta khắc trên má hai chữ “Tả Đạo” và thả
họ ra (Chiếu chỉ vua Tự Đức ngày 07/05/1857 truyền lệnh phải khắc hai chữ “Tả
Đạo” vào mặt những giáo dân không bỏ đạo).
·
Có một số giáo dân đi lên Thủ Dầu Một để lên thuyền đi
lánh nạn ở Sài Gòn. Nhưng ở đây phần vì dịch tả, phần vì thiếu ăn, thiếu chổ ở,
nên họ cũng chết nhiều. số còn lại thì mong trở về gia đình càng sớm càng tốt.
ngày 17/02/1859 Pháp chiếm thành Sài Gòn…..nhưng các nơi xung quanh như Tân
Định, Thị Nghè, Chí Hòa, Hóc Môn, Thủ Đức, Lái Thiêu, BÚNG thì vẫn còn dưới sự
kiểm soát của quan quân triều đình Việt Nam, cho đến ngày đồn Kỳ Hòa thất thủ
(25/02/1861) thì họ mới hết kiểm soát. Vì cho rằng người công giáo tiếp tay với
Pháp nên trong suốt ba năm (1859 – 1862) người có đạo đã lãnh chịu không biết
bao nhiêu gian khổ vì đạo.
·
Vì vậy họ phải rời bỏ xứ Búng chạy về Sài Gòn. Ông Lêô
Nguyễn Văn Quý viết trong “Những họ đạo cổ xưa ở Sài Gòn” trang 149 như
sau:”Tại Xóm Chiếu, dân chúng bỏ nhà bỏ cửa chạy hết. ông Hương Thế qui tụ được
vài chục người theo đạo Thiên Chúa, rồi dần dần, những bổn đạo từ Lái Thiêu,
BÚNG, Thủ Đức chạy đến khá đông Ông Hương Thế cổ động cất một nhà thờ tạm tại
rạch Cây Bàng…”
·
Ông Tín, cháu nội ông Bình và là con của ông Định, sau
khi cho con cả là ông Chư đưa ghe chở cha Quí đi trốn ở Bà Lụa năm 1858, và gia
đình bị lục soát, thì ông cảm thấy không an tâm. Ông giao nhà cửa ruộng đất cho
ông Chư trông coi, nghề thầy thuốc giao lại cho học trò là Huy. Ông Tín cùng
hai con là ông Kính và cô Kiếm, cùng đứa cháu trai là Hay đi lên Bố Mua tránh
họa, định cư ở xóm Bàu Ao. Bố Mua bây giờ là giáo xứ Vĩnh Hòa. Ở đây, ngoài
nghề làm thuốc, ông còn nói chuyện đạo Chúa cho dân chúng. Ông đã gặp cha
Azémar và cùng nhau lo việc đạo. Theo lịch sử họ đạo Lái Thiêu, thì vào năm
1867, cha Azémar dựng nhà thờ đầu tiên ở Bố Mua, nhà thờ lợp bằng tranh. Số
giáo dân ở Bố Mua lúc đó là 264 người. Trước năm đó, ông Tín và con trai là ông
Kính lại trở về xứ Búng (Đứa cháu tên Hay có vợ là con dâu của ông Trùm họ Bố
Mua, cô Kiếm cũng có chồng ở Bố Mua). Ở đây ông Tín đã qua đời và chôn cất tại
đất Thánh Búng.